Ấn tượng của chúng tôi khi đọc tập truyện ngắn “Giọt nước mắt màu đất” của nhà văn Đức Ban đó là tác giả đã tạo ra những tình huống bất ngờ, oái ăm, nghịch lí... để sáng tác những tác phẩm có sức nén và gây ám ảnh.
Đối với truyện ngắn, vai trò tình huống hết sức được coi trọng bởi vì nó là bối cảnh tác giả tạo ra để triển khai cốt truyện, để nhân vật suy nghĩ, hành động và bộc lộ tính cách của mình đồng thời còn là một trong những phương diện thể hiện tài năng sáng tạo của người cầm bút. Tình huống trong tập truyện “Giọt nước mắt màu đất” được lẩy ra từ hiện thực cuộc sống của làng quê quen thuộc với những con người nhỏ bé vô danh tới những không gian xa lạ và rộng lớn hơn như công sở, thành thị với nhiều nhân vật xã hội sang trọng, quyền thế... Tình huống trong truyện ngắn của ông thường không phải là những xung đột xã hội dữ dội hay xung đột trực diện gay gắt về mặt tính cách giữa các nhân vật mà thường bắt đầu vấn đề từ những tình huống đời sống rất đỗi bình thường song nó hiện lên là một hiện thực bất thường trong chính sự bình thường của nó. Từ tình huống đó các nhân vật của ông vừa có những nét rất gần gũi với những nhân vật của chủ nghĩa hiện thực, song lại có những nét rất cá biệt, mang dấu ấn đặc thù của cái thời hậu chiến. Bài viết này sẽ đề cập đến một số tình huống tiêu biểu trong tập truyện ngắn “Giọt nước mắt màu đất”.
Trong mưa, tác giả đã tạo nên tình huống gặp gỡ giữa nhân vật “tôi”- người kể chuyện với một nhân vật bất bình thường với cử chỉ, thái độ “không chịu được”, rồi từ đó tường thuật thành câu chuyện bằng một lối kể, tả khá tự nhiên, nhuần nhị. Đó là câu chuyện về cuộc sống nhợt nhạt, tù đọng, chán ngán, bế tắc của một công chức tỉnh lẻ. Anh ta có ý thức sâu sắc về cuộc sống tồi tệ đang phải chịu đựng song không thể tìm ra lối thoát cho chính mình. Anh ta chẳng biết làm gì ngoài sự đau đớn, thất vọng bởi bao năm phục vụ cho thủ trưởng rồi cũng bị bỏ rơi, vợ chạy theo đồng tiền mong cứu vớt gia đình ra khỏi cái nghèo nhưng bị chính đồng tiền làm cho tha hóa, cuối cùng cũng bỏ rơi anh ta. Ngòi bút nhà văn chủ yếu làm nổi bật bi kịch tinh thần của những kiếp “sống mòn” của thời hiện đại và những cái xấu xa, tàn nhẫn phai nhạt tình người nảy sinh từ mặt trái của cơ chế thị trường thời mở cửa.
Cũng viết về bi kịch tinh thần của những người trí thức, trong truyện Bên đường phố nhà văn lại xoáy vào tình huống nghịch lí, trớ trêu của Huyên - một thanh niên có học thức, nhiều mơ ước, sống trọng nghĩa tình nhưng phải đối mặt với một hoàn cảnh thực tế không hề lí tưởng trong thời buổi kinh tế đầy xô bồ khiến những khao khát ấy trở nên lạc lõng, hài hước, thậm chí thất bại thảm hại. Nổi bật và xuyên suốt trong truyện ngắn này là hình tượng con người dù trong hoàn cảnh khốn khó nhất vẫn muốn giữ lấy thiên lương, vẫn khát khao được thay đổi, được thoát ra khỏi sự nghèo khổ, tù túng, cùn mòn nhưng lại rơi vào bế tắc và bất lực. Đặt nhân vật trong một bối cảnh lịch sử – xã hội cụ thể, bên cạnh phát hiện và mô tả sự bế tắc và bất lực của con người, thật ra nhà văn còn muốn đi xa hơn đó là những sang chấn lịch sử tới đời sống tinh thần của con người.
Trong truyện ngắn “Người đàn bà cầu Giằng” là một tình huống gặp gỡ trớ trêu và nghiệt ngã. Người phụ nữ cả gắn chặt cuộc đời nơi cầu Giằng - một không gian chật hẹp, tù túng của bao kiếp người nhỏ bé. Nơi đây, gười phụ nữ ấy đã từng gặp, cứu sống, cưu mang và dâng hiến phần đời đẹp đẽ nhất cho một người đàn ông có quyền lực nhưng bạc tình bạc nghĩa. Người đàn ông đó lại chính là người chủ trì phá cầu Giằng cũ và làm lễ khánh thành cầu Giằng mới. Oái oăm thay chính thời điểm đó thì người phụ nữ già nua, hom hoem, lẫn thẫn từng là ân nhân của ông ta năm xưa giờ đang nằm áp người trên mặt cầu, bám chặt vào cầu như muốn vò xé, níu giữ một cái gì đó. Bằng một giọng điệu chua xót, nhà văn đã chạm được đến cái nỗi đau khôn cùng của một người phụ nữ có tấm lòng nhân hậu nhưng luôn sống trong sợ hãi, cô độc, trong những ám ảnh triền miên, những nỗi đau đớn âm thầm, không thể chia sẻ, không thể giải thoát. Có lẽ vậy mà người đàn bà ấy bám chặt vào Cầu Giằng cũ cứ như thể nếu để nó mất đi rồi thì không còn gì để níu giữ. Xây cầu mới thay cầu cũ nhưng liệu có thay đổi số phận con người nhỏ bé và thay đổi được nhân cách của những con người vô ơn, tàn nhẫn hay không? Đó là câu hỏi lớn nhà văn đã đặt ra trong tác phẩm gợi bao suy nghĩ cho người đọc.
Vẫn là tình huống gặp gỡ song trong truyện Nước chảy lại là một sự gặp gỡ đầy oái oăm, ngang trái. Đó là nỗi đau của một người đàn bà vừa trải qua bao nhiêu năm không nhớ nổi, chăm sóc người chồng bị tai nạn bán thân bất toại, thời gian đó chị bị công ty buộc thôi việc. Chồng chết, chị trở thành bà góa. Bất ngờ một người phụ nữ giàu có biết chị đảm đang, chịu thương, chịu khó nên đã tìm đến thuê giúp việc. Thật không ngờ rằng, người ta thuê chị ở để nuôi cậu Pin (tên một con chó lai) - “con nuôi” của người phụ nữ đó, là kẻ đã gây ra tai nạn cho chồng mình. Bằng ngòi bút hiện thực sắc sảo, nhà văn cho người đọc thấy được bên cạnh những phẩm hạnh đáng quý của người đàn bà này là tận cùng nỗi đau như một lập trình số phận. Nó hoàn tương phản với sự vô cảm, độc ác, ích kỉ của những con người có quyền lực và sức mạnh đồng tiền.
Ở truyện ngắn Giọt nước mắt màu đất, tác giả lại tạo ra tình huống tượng trưng. Tình huống này theo quan niệm của Bùi Việt Thắng là “kiểu tình huống trong đó cái ý nghĩa của hình tượng, sự bộc lộ chủ đề rất kín đáo, thậm chí có khi bị phủ một lớp sương mờ huyễn hoặc” (2). Đền thờ Thánh Mẫu linh thiêng ở làng Yên Linh - một chứng tích lịch sử hào hùng chống xâm lăng gắn bó với đời sống tâm linh của người Việt từ bao đời nay là biểu tượng của giá trị văn hóa truyền thống. Nơi đây người dân tìm thấy sự bình yên, được che chở. Nhưng rồi thời buổi hội nhập mở cửa cùng với sự phát triển của kinh tế thị trường những khu rừng chống giặc được trồng lên cũng là nơi để neo giữ quá khứ, lịch sử bị cuộc khai hóa của ngoại quốc biến thành vùng đất công nghiệp đã kéo theo bao sự đổi thay đến chóng mặt là biểu tượng cho sự đổ vỡ những giá trị đạo đức, sự chi phối của tiền bạc và quyền lực, sự lẫn lộn của đúng sai, thật giả... Hai biểu tượng trên được xâu chuỗi trong một mối liên kết đa nghĩa đã tạo nên tình huống truyện đầy dụng ý nghệ thuật của nhà văn. Nó là một tình huống mở, gợi nhiều trăn trở cho người đọc, buộc ta phải giả định nó có thật trước khi khám phá các tầng ý nghĩa của tác phẩm. Tuy kiểu tình huống này còn chưa giấu kín được ý đồ của tác giả đến cùng song nét hấp dẫn của nó là hiện thực cuộc sống được bao bọc bởi lớp sương mờ huyền ảo mang màu sắc liêu trai từ những hình ảnh biểu tượng lan tỏa ra toàn bộ tác phẩm.
Trong Chốn xưa, Đức Ban đã tạo nên tình huống gặp gỡ bất ngờ trong một chuyến trở về làng cũ Hòa Nghĩa của một bà lão và Võ My - vị tiến sĩ trẻ tuổi. Bà lão tìm về hương khói cho những người làng hy sinh trong một “cuộc bể dâu” làm ăn, khai khẩn hiện đại. Tiến sĩ trẻ trở về theo di chúc của người cha để tìm lại một vùng đất rộng lớn mà ông một thời làm quan trên tỉnh chiếm đoạt được. Tình huống truyện đã tạo nên những sự bất ngờ về mục đích trở về của hai con người và bao vấn đề về hiện thực, về tốt – xấu, thiện – ác, quá khứ - hiện tại... được lộ diện gây cho người đọc nhiều suy ngẫm khi đánh giá về con người, về cuộc đời.
Lối trong rừng xoay quanh một tình huống đi tìm sự thật thông qua cuộc hành trình của một giáo đi tìm hiểu tin đồn về báu vật của Vua để lại cho dân làng Gia Ninh heo hút trong rừng sâu. Bằng quyết tâm giáo sư đã gặp được Cố đạo - người coi giữ báu vật của vua, và với sự thông minh, khôn khéo, cuối cùng giáo sư cũng được xem. Nhưng thật bất ngờ khi chiếc rương đựng báu vật được truyền mãi bao đời với bao sự linh thiêng, huyền bí được mở ra lại hoàn toàn trống rỗng! Tình huống truyện hàm ẩn nhiều ngụ ý sâu xa: vừa mang cảm hứng phê phán sự lợi dụng của những kẻ hư truyền để trục lợi, vừa mang cảm hứng thương cảm, thức tỉnh những người dân lạc vào mê cung của sự tối tăm, mê tín.
Thăm thẳm rừng xanh lại ám ảnh người đọc bởi tình huống có mà lại không, sống mà như chết. Đó là câu chuyện về Hân - cán bộ văn hóa làm công tác tuyên truyền quyết không làm thân phận “ đũa mốc” để có mọi thứ trên đời nhưng cuối cùng lại thiếu thứ mình cần. Gần cuối đời anh ta bị tàn tật, trở thành một người thừa, có vợ mà như không có, đang sống mà như đã chết. Anh ta đã gục chết một cách tủi nhục, bi thảm trong tiếng vỗ tay, uống rượu bia tung hô của bọn đàn ông háo sắc dành cho Ngọc Diệu - vợ anh. Những mối quan hệ đầy toan tính, cơn lốc xoáy của đồng tiền đã trói chặt số phận của con người, biến họ thành nạn nhân, và cũng là nguyên nhân gây ra mọi tội lỗi, đau khổ và bi kịch. Trước sự đảo lộn gay gắt của các thang bậc giá trị, sự áp đảo kinh hoàng của cái xấu, cái ác cũng như sự “lép vế” của những giá trị tinh thần – đạo đức giữa một xã hội thực dụng, cằn cỗi nhân tính; nhà văn đồng thời cũng muốn hướng được người đọc vào chủ đích cuối cùng của mình: cần quan tâm đặc biệt hơn nữa đến những mối quan hệ giữa con người với con người và cách sống, cách đối xử với nhau để cuộc sống ngày một tươi sáng hơn.
Tập truyện ngắn Giọt nước mắt màu đất cho thấy rằng Đức Ban rất linh hoạt trong việc tạo dựng các tình huống và đã điểm huyệt được nhiều tình huống có sức gợi mở lớn. Cách triển khai câu chuyện từ những tình huống đó cho chúng ta nhận ra một Đức Ban sắc sảo, nhạy bén nhưng cũng rất đôn hậu. Mặc dù không có nhiều cách tân quyết liệt về mặt hình thức nhưng để lại ấn tượng cho người đọc về diện mạo của một nhà văn không né tránh, ngần ngại lên án, phanh phui hiện thực, dám nhìn trực diện vào những mặt trái của nó và diện mạo một nhà văn đằm sâu trái tim giàu yêu thương, đầy tinh thần trách nhiệm với con người, với cuộc đời.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.Nguyễn Minh Châu, Trang giấy trước đèn, NXB KHXH, H. 1994, tr. 258.
2. Bùi Việt Thắng (2000), Truyện ngắn những vấn đề lí thuyết và thực tiễn thể loại, NXB Đại học Quốc gia, Hà Nội.
3. Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi (1992), Từ điển thuật ngữ văn học, NXB Giáo dục, Hà Nội.