foto1
Khoa Tiếng Việt
foto1
Khoa Tiếng Việt
foto1
Khoa Tiếng Việt
foto1
Khoa Tiếng Việt
foto1
Khoa Tiếng Việt

+(084)0393.885.133
khoatiengviet@htu.edu.vn
Liên hệ



 

 

1. Nhà nước dân chủ là tổ chức chính trị của nhân dân do nhân dân tổ chức ra

Với quan điểm: "Nước ta là nước dân chủ, địa vị cao nhất là dân, vì dân làm chủ" [1, tr.515]. Hồ Chí Minh đã khẳng định việc nhân dân làm chủ nhà nước bằng con đường tổng tuyển cử phổ thông đầu phiếu, trực tiếp, bỏ phiếu kín. Hồ Chí Minh nhận thức tổng tuyển cử là một quyền chính trị mà nhân dân giành được qua đấu tranh cách mạng, là hình thức dân chủ, thể hiện năng lực thực hành dân chủ của nhân dân. “Tổng tuyển cử là một dịp cho toàn thể quốc dân tự do lựa chọn những người có tài, có đức để gánh vác việc nước nhà. Trong cuộc tổng tuyển cử, hễ là người muốn lo việc nước thì đều có quyền ra ứng cử, hễ là người công dân thì đều có quyền đi bầu cử… Do tổng tuyển cử mà toàn dân bầu ra Quốc hội, Quốc hội sẽ cử ra Chính phủ. Chính phủ đó thật sự là Chính phủ của nhân dân” [2, tr.133].

Thông qua việc bầu Quốc hội và HĐND, nhân dân thực hiện quyền lực của mình bằng hình thức dân chủ trực tiếp và gián tiếp, xây dựng nên một nhà nước hợp pháp theo ý nguyện của toàn dân.

Theo Hồ Chí Minh: “Chế độ tuyển cử chúng ta thực hiện dân chủ, đồng thời thực hiện sự đoàn kết toàn dân. Mọi người công dân từ 18 tuổi trở lên đều có quyền bầu cử, từ 21 tuổi trở lên đều có quyền ứng cử. Việc tuyển cử tiến hành theo nguyên tắc phổ thông bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín” [6, tr.591].

Với vai trò là một nội dung làm chủ nhà nước của nhân dân, quyền bầu cử, ứng cử được ghi rõ trong Hiến pháp năm 1945, Hiến pháp năm 1959 do Hồ Chí Minh chỉ đạo soạn thảo và ban hành. Trong Hiến pháp năm 1946, quyền này được thể hiện trong 3 điều Điều thứ 17. Chế độ bầu cử là phổ thông đầu phiếu. Bỏ phiếu phải tự do, trực tiếp và kín. “Điều thứ 18. Tất cả công dân Việt Nam, từ 18 tuổi trở lên, không phân biệt gái trai, đều có quyền bầu cử, trừ những người mất trí và mất công quyền. Người ứng cử là người có quyền bầu cử, phải ít ra là 21 tuổi, và phải biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ. Công dân tại ngũ cũng có quyền bầu cử và ứng cử. Điều thứ 19. Cách thức tuyển cử sẽ do luật định” [7, tr.10-11].

2. Nhà nước dân chủ là nhà nước đảm bảo cho nhân dân tham gia quản lý nhà nước và quản lý xã hội

Bản chất dân chủ của Nhà nước không chỉ thể hiện ở việc nhân dân tự tổ chức nên bộ máy nhà nước, mà còn thể hiện đậm nét, đa dạng ở việc huy động được sự tham gia đông đảo của nhân dân vào quản lý các công việc của Nhà nước.

Trình bày báo cáo trước Quốc hội thông qua Hiến pháp năm 1959, trong phần về tổ chức nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: "Nhà nước phải phát huy quyền dân chủ, phát huy tính tích cực và sáng tạo của nhân dân, làm cho mọi người công dân Việt Nam thực sự tham gia quản lý công việc nhà nước" [6, tr.590].

Xét từ góc độ thực thi quyền lực, việc bảo đảm cho nhân dân tham gia quản lý các công việc nhà nước là một hình thức thực hiện dân chủ đặc thù, thể hiện bản chất tiến bộ của nhà nước ta - Nhà nước của dân, do dân và vì dân.

Trong các tác phẩm của mình, tuy Hồ Chí Minh không trực tiếp đề cập đến các phạm trù, khái niệm dân chủ trực tiếp, dân chủ gián tiếp, nhưng điều đó hoàn toàn không có nghĩa là Người không có sự quan tâm đến các phạm trù rất cơ bản này. Người thường đề cập đến những phương thức phổ biến thực hành dân chủ như: "Đưa mọi vấn đề cho dân chúng thảo luận và tìm cách giải quyết….Việc gì cũng phải học hỏi và bàn bạc với dân chúng, giải thích cho dân chúng" [38, tr.297].

Hồ Chí Minh nói nhiều đến yêu cầu nâng cao tinh thần trách nhiệm công dân, làm chủ từ phía người dân và việc từ bỏ các tệ quan liêu, hách dịch, xem thường, khinh miệt quần chúng, vô tâm, tắc trách trước các nhu cầu của nhân dân từ phía các cơ quan, nhân viên nhà nước. Người lưu ý rằng: "Có người thường cho dân là dốt không biết gì, mình là thông thái, tài giỏi. Vì vậy, không thèm học hỏi dân chúng, không thèm bàn bạc với dân chúng. Đó là một sai lầm nguy hiểm lắm…" [3, tr.295]. Đồng thời, Người nhắc nhở: "Chúng ta tuyệt đối không theo đuôi quần chúng" [3, tr.298].

Một trong những hình thức thực hành dân chủ trực tiếp là quyền giám sát, thanh tra của nhân dân. Hình thức thực hiện dân chủ quan trọng này đã được ghi nhận trong các bản Hiến pháp của nước ta và đã được thể chế hóa thành các văn bản dưới luật khác. Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng tác dụng của công tác giám sát, thanh tra, Người nói: “Muốn chống bệnh quan liêu, bệnh bàn giấy, muốn biết các nghị quyết có được thi hành không, thi hành có đúng không, muốn biết ai ra sức làm, ai làm qua chuyện, chỉ có một cách là khéo kiểm soát. Kiểm soát khéo, bao nhiêu khuyết điểm lòi ra hết, hơn nữa, kiểm tra khéo về sau khuyết điểm nhất định sẽ bớt đi” [1, tr.287].

3. Nhà nước dân chủ là nhà nước trong đó nhân dân có quyền bãi miễn những người không xứng đáng trong bộ máy nhà nước

Trong  tư tưởng Hồ Chí Minh, quyền lực tối cao của nhân dân không chỉ thể hiện ở việc bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp mà còn ở quyền bãi miễn họ, kiểm soát, giám sát hoạt động của các đại biểu.

Ngay từ đầu của những năm 20 của thế kỷ XX, Hồ Chí Minh đã đề cao một giá trị có ý nghĩa toàn nhân loại của cách mạng Mỹ 1776. "Giời sinh ra ai cũng có quyền tự do, quyền giữ tính mệnh của mình, phải làm ăn cho sung sướng…Chính phủ nào có hại cho dân chúng, thì dân chúng phải đạp đổ Chính phủ ấy đi, và gây nên Chính phủ khác" [1, tr.270].

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Hồ Chí Minh nhắc lại nguyên tắc này nhưng với tinh thần mới, xây dựng Nhà nước pháp quyền dân chủ kiểu mới của nhân dân, do nhân dân làm chủ. "Nếu Chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi Chính phủ" [3, tr.60].

Cơ chế bãi miễn dân chủ này nhằm làm cho Quốc hội bảo đảm được sự trong sạch, giữ được phẩm chất, năng lực hoạt động, Hồ Chí Minh nêu rõ. "Nhân dân có quyền bãi miễn đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân nếu những đại biểu ấy tỏ ra không xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân đối với nhà nước" [6, tr. 591].

Hồ Chí Minh ý thức sâu sắc rằng đây là nội dung làm chủ rất khó khăn nhưng thể hiện rất rõ tư cách là chủ nhà nước và năng lực thực hành dân chủ của quần chúng lao động.

Với vai trò làm chủ nhà nước, thực hiện sự ủy quyền của nhân dân, các đại biểu được bầu ra phải có trách nhiệm gần gũi, sâu sát để hiểu dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân, với tinh thần trách nhiệm bàn bạc và giải quyết những vấn đề thiết thực cho quốc kế dân sinh. Theo quan điểm Hồ Chí Minh, để thể hiện nhân dân lao động làm chủ nhà nước thì đại biểu do dân bầu ra phải có mối liên hệ thường xuyên, bằng nhiều “kênh” khác nhau với nhân dân, thoát ly khỏi mối liên hệ này, Nhà nước rất dễ rơi vào quan liêu, trì trệ, đứng trên nhân dân, trái với bản chất dân chủ đích thực vốn có của Nhà nước kiểu mới. Thông qua tổng tuyển cử, bầu và có thể bãi miễn đại biểu do mình bầu ra, quyền chính trị cơ bản của nhân dân được bảo đảm, nhân dân thực hiện vai trò làm chủ nhà nước, đứng ra tổ chức và xây dựng Nhà nước kiểu mới của

4. Nhà nước dân chủ là nhà nước thực hiện nguyên tắc công khai, lắng nghe ý kiến của nhân dân

Thực hiện nguyên tắc công khai, lắng nghe ý kiến nhân dân trong tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước kiểu mới là một trong những nội dung cơ bản nhằm dân chủ hóa tổ chức hoạt động của Nhà nước, bảo đảm nhà nước thật sự là của dân, do dân, vì dân. Thực hiện tốt nguyên tắc này đòi hỏi mọi hoạt động của bộ máy nhà nước phải công khai để dân biết. Đồng thời trong quá trình tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật, kế hoạch, các quyết định của cơ quan nhà nước... phải lắng nghe, tiếp thu và giải quyết ý kiến, nguyện vọng và những nhận xét, đánh giá của quần chúng nhân dân.

Thực hiện công khai hóa tổ chức, hoạt động của các cơ quan nhà nước là bảo đảm cho nhân dân lao động có điều kiện hiểu biết, nhận thức và phân tích các hoạt động của bộ máy nhà nước. Người dân có thể bày tỏ ý kiến, thảo luận và đánh giá các hoạt động đó, phát huy quyền làm chủ của mình trong xây dựng nhà nước và tham gia quản lý nhà nước. Ngược lại, các cơ quan nhà nước, cán bộ nhân viên nhà nước phải gần dân, trọng dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân chính là để kiểm tra, đánh giá lại chủ trương, chính sách và các hoạt động của mình. Có như vậy mới kịp thời sửa đổi, bổ sung, uốn nắn những chủ trương, chính sách và hoạt động đó cho phù hợp.

Giá trị của nguyên tắc này đã được ghi nhận ở Hiến pháp năm 1945 (do Hồ Chí Minh làm trưởng ban soạn thảo) đó là điều khoản quy định hình thức công khai của các kỳ họp Nghị viện. "Nghị viện họp công khai, công chúng được vào nghe. Các báo chí được phép thuật lại các thảo luận và quyết nghị của Nghị viện. Trong những trường hợp đặc biệt, Nghị viện có thể quyết định họp kín" [7, tr.13].

Cũng ở Hiến pháp năm 1946, Điều 32 khẳng định nguyên tắc này còn quy định về chế độ trưng cầu dân ý: "Những việc quan hệ đến vận mệnh quốc gia sẽ đưa ra nhân dân phúc quyết, nếu hai phần ba tổng số Nghị viện đồng ý [7, tr.40-41].

Công khai mọi tổ chức, hoạt động của bộ máy nhà nước không có nghĩa là công khai cả những vấn đề thuộc bí mật quốc gia, dân tộc. Tuy nhiên, thực hiện nguyên tắc này phải đặc biệt quan tâm tình hình tổ chức, hoạt động của chính bộ máy nhà nước. Ngoài việc công khai hóa những vấn đề chủ trương chính sách, pháp luật, lập kế hoạch còn phải kịp thời công khai cả những yếu kém, khuyết điểm, thiếu sót của bộ máy nhà nước, cán bộ công chức nhà nước. Không vì sợ mất uy tín mà để xử lý nội bộ, rút kinh nghiệm nội bội, che dấu những yếu kém, khuyết điểm đó. Trái lại, càng thẳng thắn vạch rõ và xử lý nghiêm minh, kịp thời những yếu kém, khuyết điểm của bộ máy nhà nước, của cán bộ, công chức sẽ làm cho bộ máy nhà nước trong sạch, vững mạnh, càng củng cố uy tín của Nhà nước đối với nhân dân.

5. Nhà nước dân chủ là nhà nước trong đó nhân dân có quyền kiểm tra, giám sát, nhận xét, đánh giá hoạt động của các cơ quan nhà nước và cán bộ, công chức nhà nước

            Không chỉ xác định từ làm chủ, là chủ của nhân dân đối với nhà nước, Hồ Chí Minh còn giải thích rất cụ thể mối quan hệ giữa nhà nước với nhân dân trong nhiệm vụ phục vụ nhân dân: "Chính phủ cộng hòa dân chủ là gì ? là đầy tớ chung của dân, từ Chủ tịch toàn quốc đến làng. Dân là chủ thì Chính phủ phải là đầy tớ. Làm việc ngày nay không phải để thăng quan phát tài. Nếu Chính phủ hại đến dân thì dân có quyền đuổi Chính phủ" [3, tr.60].

            Tuy nhiên, Hồ Chí Minh cũng khẳng định ngay trọng trách là chủ và làm chủ: “nhưng khi dân cùng đầy tớ làm việc thì phải giúp đỡ Chính phủ. Nếu Chính phủ sai thì phải phê bình Chính phủ, phê bình nhưng không phải là chửi” [3, tr.60].

            Làm thế nào để nhân dân giao quyền mà không mất quyền, các cơ quan Nhà nước được giao quyền mà không tiếm quyền dân và phải thực hiện tốt nhiệm vụ phục vụ nhân dân, phát huy dân chủ, phát triển quyền dân chủ và sinh hoạt chính trị của nhân dân...? Hồ Chí Minh đã xác định rất rõ mối quan hệ giữa cơ quan đại diện quyền lực của nhân dân với nhân dân, chỉ ra cơ chế và phương pháp hoạt động để chính quyền thực hiện tốt nhiệm vụ của mình. Người nói: "Chính phủ ta là Chính phủ của nhân dân, chỉ có một mục đích là ra sức phụng sự lợi ích của nhân dân, Chính phủ rất mong đồng bào giúp đỡ, đôn đốc, kiểm soát và phê bình để làm trọn nhiệm vụ của mình là người đầy tớ trung thành tận tụy của nhân dân" [5, tr.361- 362].

            Quan điểm đó chỉ ra sự tác động qua lại giữa nhân dân - Nhà nước trên tất cả các lĩnh vực của xã hội, đồng thời chỉ rõ vai trò, trách nhiệm làm chủ của nhân dân đối với các hoạt động của Nhà nước dân chủ. Việc giúp đỡ, đôn đốc, kiểm soát và phê bình các hoạt động của Nhà nước được thực hiện thể hiện vai trò, trách nhiệm đó. Mặt khác, nhà nước phải có nhiệm vụ tạo ra những điều kiện ngày càng tốt hơn để nhân dân thực hiện đầy đủ vai trò, trách nhiệm của mình.

            6. Nhà nước dân chủ là nhà nước hết lòng vì nhân dân, thực hiện và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân

Nhà nước ta là nhà nước dân chủ, dân chủ trên thực tế và trong hành động. Bản chất dân chủ của Nhà nước trước hết ở chỗ quản lý xã hội, lo cho dân, chứ không phải đè đầu, cưỡi cổ dân. Hồ Chí Minh viết:"Nước ta là nước dân chủ. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân" [3, t.r 698].

Đây là tiêu chí quan trọng hàng đầu để Hồ Chí Minh lựa chọn kiểu nhà nước, lựa chọn các cách thức tổ chức, phương thức hoạt động cụ thể của Nhà nước. Nhà nước phục vụ nhân dân nghĩa là:

Việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm.

Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh [2, tr.57].

Bản chất dân chủ của Nhà nước còn thể hiện một cách tập trung ở mục đích tổ chức, hoạt động của nó: chăm lo cho dân về mọi mặt, vì hạnh phúc, cơm no áo ấm của nhân dân. Hồ Chí Minh thường xuyên căn dặn cán bộ: “Muốn cho dân yên, muốn được lòng dân, việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh. Phải chú ý giải quyết hết các vấn đề dẫu khó đến đâu mặc lòng, những vấn đề quan hệ đến đời sống của nhân dân phải chấp đơn, phải xử kiện cho dân mỗi khi người ta đem tới, phải chăm lo cứu tế nạn nhân cho chu đáo, phải chú ý trừ nạn mù chữ cho dân. Nói tóm lại, hết thảy mọi việc có thể nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân phải được chú ý” [2,tr.47].

Như vậy, chức năng đối nội cơ bản của Nhà nước dân chủ là hướng nhân dân tổ chức tốt đời sống, tăng gia sản xuất thực hành tiết kiệm, phân phối cho công bằng “không sợ nghèo chỉ sợ lòng dân không yên” từng bước cải thiện đời sống vật chất, văn hóa tinh thần nhằm thỏa mãn các nhu cầu tối thiểu cần thiết hàng ngày.

Đem lại lợi ích cho nhân dân, chăm lo mọi mặt đời sống và thỏa mãn các nhu cầu thiết yếu hàng ngày của họ chính là cách thức tốt nhất để mở rộng, củng cố cơ sở xã hội- lực lượng của Nhà nước, tăng cường tiềm lực để nhà nước có đủ sức quản lý xã hội, chống lại kẻ thù. Hồ Chí Minh lấy việc đáp ứng thỏa mãn nhu cầu, lợi ích của nhân dân làm tiêu chí số một để đánh giá hiệu quả, năng lực lao động của Nhà nước.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Nguyễn Văn Mạnh (1999), "Thực trạng và giải pháp đổi mới tổ chức hoạt động của chính quyền cơ sở trong cải cách hành chính", Nghiên cứu lý luận, (6), tr.34-39.
  2. Hồ Chí Minh (2000), Toàn tập, tập 4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
  3. Hồ Chí Minh (2000), Toàn tập, tập 5, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
  4. Hồ Chí Minh (2000), Toàn tập, tập 6, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
  5. Hồ Chí Minh (2000), Toàn tập, tập 7, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
  6. Hồ Chí Minh (2000), Toàn tập, tập 9, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
  7. Tìm hiểu Hiến pháp Việt Nam (từ năm 1946 đến năm 1992) và các luật về tổ chức bộ máy nhà nước (2004), Nxb Lao động xã hội, Hà Nội.

 

 



Copyright © 2024 Copyright Khoa Tiếng Việt - Trường Đại học Hà Tĩnh Rights Reserved.