foto1
Khoa Tiếng Việt
foto1
Khoa Tiếng Việt
foto1
Khoa Tiếng Việt
foto1
Khoa Tiếng Việt
foto1
Khoa Tiếng Việt

+(084)0393.885.133
khoatiengviet@htu.edu.vn
Liên hệ



 

Văn học dân gian là sáng tác nghệ thuật ngôn từ truyền miệng, sản phẩm của quá trình sáng tác tập thể thể hiện nhận thức, tư tưởng, tình cảm của nhân dân lao động. Văn học dân gian  nằm trong tổng thể văn hóa dân gian, là một bộ phận của sáng tác dân gian. Tồn tại qua ngàn năm lịch sử, Văn học dân gian  đã trở thành một bộ phận quan trọng trong nền văn học dân tộc. Văn học dân gian là cội nguồn, là bầu sữa mẹ nuôi dưỡng tâm hồn dân tộc Việt Nam. Đến với Văn học dân gian chúng ta không chỉ được khám phá cái hay, cái đẹp của những sáng tác nghệ thuật ngôn từ mà còn được trang bị một vốn hiểu biết vô cùng phong phú về đời sống, văn hóa, phong tục tập quán, nếp sống sinh hoạt của cha ông ta từ nghìn xưa. Trong dòng chảy của văn học dân tộc và trong Chương trình Ngữ văn ở trường phổ thông, Văn học dân gian có một vị trí hết sức quan trọng. Bộ phận văn học này được đưa vào giảng dạy  từ cấp Tiểu học đến cấpTHPT. Ở cấp Tiểu học, học sinh được biết đến Văn học dân gian thông qua phân môn kể chuyện và tập đọc. Đến cấp THCS các em được tiếp nhận các tác phẩm dân gian qua một số thể loại ngắn gọn, dễ hiểu như ca dao, tục ngữ, câu đố,... Bước sang bậc THPT Văn học dân gian được giới thiệu một cách có hệ thống và nâng cao hơn với sự phong phú đa dạng về thể loại như: truyền thuyết, cổ tích, sử thi, truyện cười, ca dao...

Nói đến Văn học dân gian không thể không tính nguyên hợp như một đặc trưng cơ bản. Tính nguyên hợp của văn học dân gian biểu hiện ở chỗ: Văn học dân gian không chỉ là nghệ thuật ngôn từ thuần túy mà là sự kết hợp của nhiều phương tiện nghệ thuật khác nhau. Sự kết hợp này là tự nhiên, vốn có ngay từ khi tác phẩm hình thành. Một bài dân ca trong đời sống thực của nó, không chỉ có lời mà còn có nhạc, điệu bộ, lề lối hát... Biểu hiện rõ nét nhất của tính nguyên hợp là tính diễn xướng. Diễn xướng là trình bày, biểu diễn tác phẩm. Tính diễn xướng gắn liền với Văn học dân gian như  - điều kiện sống còn, nhờ diễn xướng mà tác phẩm được truyền đến đông đảo quần chúng nhân dân. Chính trong biểu diễn, các phương tiện nghệ thuật của tác phẩm văn học dân gian mới có điều kiện kết hợp với nhau tạo nên hiệu quả thẩm mỹ tổng hợp. 

So với Văn học viết, Văn học dân gian luôn được diễn xướng bằng nhiều hình thức khác nhau ở những môi trường sinh hoạt dân gian khác nhau (nghi lễ, lao động, sinh hoạt). Để làm sống lại tác phẩm Văn học dân gian trong môi trường diễn xướng ấy thì hình thức sân khấu hóa tác phẩm dân gian là một hoạt động trải nghiệm thú vị, bổ ích, phù hợp với đặc trưng thể loại.

Trong Chương trình Ngữ văn 10, các em được tiếp xúc với 4 thể loại tự sự dân gian là sử thi, truyền thuyết, truyện cổ tích, truyện cười. Với những tác phẩm này, ngoài việc học kiến thức trên lớp, giáo viên có thể hướng dẫn các em đọc kỹ văn bản sau đó chọn lựa một số trích đoạn hay chuyển thể thành kịch bản văn học và nhập vai các nhân vật để biểu diễn trên sân khấu. Trên cơ sở nền tảng của cốt truyện dân gian, bằng trí tượng và khả năng sáng tạo của mình các em có thể chuyển thể thành các trích đoạn kịch nói, ca kịch vừa mang hơi thở dân gian vừa mang nét trẻ trung mới mẻ, sự hài hước, dí dỏm, đáng yêu mà không phá vỡ ý nghĩa của cốt truyện, những bài học về nhân sinh, đạo lý làm người của dân tộc. Ngoài  ra giáo viên cần hướng  dẫn học sinh tìm hiểu trang phục, ngôn ngữ, lối sống của người Việt thời đại mà tác phẩm hình thành thông qua sách báo, Internet, và các nguồn khác để có thể phục chế lại một cách sống động nhất bối cảnh xã hội, văn hóa cũng như cách trang phục, ngôn ngữ của các nhân vật.

Hầu hết các tác phẩm tự sự dân gian đều có thể chuyển thể thành kịch bản dưới dạng các trích đoạn để trình diễn trên sân khấu như: Nghêu sò ốc hến, Quan âm Thị Kính, xã trưởng mẹ Đốp, Thị Mầu lên chùa... tuy nhiên để bám sát chương trình Ngữ văn lớp 10, giáo viên nên hướng dẫn các em xây dựng kịch bản từ các tác phẩm được học như thi Đam San, truyền thuyết “Truyện An Dương Vương và Mị Châu Trọng Thủy”, truyện cổ tích “Tấm Cám”, truyện cười “Nhưng nó phải bằng hai mày”... Xây dựng kịch bản đòi hỏi các em phải đọc, nghiên cứu kỹ tác phẩm, nắm bắt được ý nghĩa nhân sinh, những bài học triết lý đạo đức mà tác giả dân gian gửi gắm nên đây là cơ hội để các em khắc sâu hơn những kiến thức được học trong giờ chính khóa. Đồng thời qua trí tưởng tượng và khả năng sáng tạo của các em, tác phẩm dân gian sẽ có thêm màu sắc mới đầy vui tươi dí dỏm, gần gũi hơn cách cảm, cách nghĩ của giới trẻ hôm nay. Từ đó các em sẽ thấy yêu hơn, hứng thú hơn khi tiếp nhận văn học dân gian.

Với hình thức sân khấu hóa tác phẩm dân gian bên cạnh hoạt động diễn kịch, giáo viên cần hướng dẫn học sinh sưu tầm các bài hát dân ca ba miền và luyện tập để trình diễn trên sân . Ca dao dân ca là những câu hát thể hiện tâm tư, tình cảm của người lao động. Ca dao là lời thơ dân gian còn dân ca là những câu hát kết hợp lời thơ và âm nhạc. Vì thế để ca dao dân ca thực sự sống trong lòng người thì hoạt động diễn xướng ca dao là hết sức cần thiết. Với khả năng diễn xuất, trang phục, sự hỗ trợ của âm thanh, ánh sáng, màu sắc trên sân khấu những bài ca dao dân ca sẽ trở nên duyên dáng, lung linh hơn. Các em sẽ có cảm nhận khác hơn khi các em học trên không gian lớp học và chỉ tiếp xúc với văn bản ngôn từ của tác phẩm.

Có thể nói sân khấu hóa tác phẩm dân gian là một hình thức trải nghiệm bổ ích, hấp dẫn, phát huy khả năng sáng tạo của học sinh thông qua việc các em tự chọn lựa tác phẩm, tự sáng tác kịch bản, tự thiết kế sân khấu phù hợp với không gian của tác phẩm dân gian xưa. Hình thức này cũng rèn luyện nhiều kĩ năng mà trong chương trình học khó có thể thực hiện được như: làm việc nhóm, đóng vai, viết kịch bản, thiết kế sân khấu... Sân khấu hóa tác phẩm dân gian giúp học sinh và giáo viên được đặt mình vào “trường sáng tạo” và “trường thưởng thức” các tác phẩm dân gian của nhân dân lao động, từ đó có cách cảm nhận, đánh giá tốt hơn về những giá trị của Văn học dân gian.

 



Copyright © 2024 Copyright Khoa Tiếng Việt - Trường Đại học Hà Tĩnh Rights Reserved.