foto1
Khoa Tiếng Việt
foto1
Khoa Tiếng Việt
foto1
Khoa Tiếng Việt
foto1
Khoa Tiếng Việt
foto1
Khoa Tiếng Việt

+(084)0393.885.133
khoatiengviet@htu.edu.vn
Liên hệ



 

1.               Giới thiệu

Ngữ dụng học là bộ môn ngôn ngữ học nghiên cứu cách sử dụng ngôn ngữ trong giao tiếp, tức là cách sử dụng ngôn ngữ trong những ngữ cảnh cụ thể để đạt được những mục đích cụ thể.  Ngữ dụng học là một bộ môn mới và sôi động, là cái đích cuối cùng của toàn bộ bộ môn ngôn ngữ học, tất cả các bộ môn khác như ngữ âm học, từ vựng học, ngữ pháp học và ngữ nghĩa học đều nhằm tới đích này.

   Trong phân tích ngôn ngữ, người ta thường đối lập ngữ dụng học với cú pháp học và ngữ nghĩa học. Cú pháp học nghiên cứu những mối quan hệ giữa các hình thức ngôn ngữ. Ngữ nghĩa học nghiên cứu những mối quan hệ giữa các hình thức ngôn ngữ và những thực thể trong thế giới, tức là nghiên cứu xem những từ liên hệ với các sự vật như thế nào. Sự phân tích ngữ nghĩa cũng cố gắng chứng minh những quan hệ giữa các diễn ngôn và các trạng thái sự việc trong thế giới là đúng hay không đúng mà không chú ý đến người đã tạo ra diễn ngôn đó. Ngữ dụng học nghiên cứu những mối quan hệ giữa các hình thức ngôn ngữ và những người sử dụng các hình thức ấy. Chỉ ngữ dụng học mới chấp nhận con người trong sự phân tích.

   Muốn biết một câu nói ra phản ánh sự tình cụ thể nào, có đúng hay không, phải biết sở chỉ của các thành tố cũng như sở chỉ của câu, phải đặt câu vào tình huống khi phát ra nó. Vì thế khái niệm ngữ cảnh đặc biệt quan trọng trong ngữ dụng học. Ngữ dụng học nghiên cứu những đặc trưng ngữ cảnh đã quyết định hoặc ảnh hưởng đến việc giải thích phát ngôn như thế nào.

   Ở phạm vi bài viết này,chúng tôi xin đi vào khảo sát một số kiểu ngữ cảnh có sử dụng đồng vị từ “tiếp”, tách các ngữ cảnh này thành các nhóm để từ đó rút ra nhận xét chung.  Tư liệu của chúng tôi trong tiểu luận này được thu thập qua hai con đường:

   - Tư liệu có được trong các giáo trình dạy tiếng Việt cho người nước ngoài và trong quá trình giảng dạy sinh viên nước ngoài tại khoa Ngôn ngữ học, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội.

   - Tư liệu có được trong quá trình giao tiếp hàng ngày.

2.  Khái niệm về vị từ, đồng vị từ và ngữ cảnh trong ngữ dụng học

   a. Khái niệm vị từ

   Khái niệm vị từ được Cao Xuân Hạo sử dụng lần đầu tiên ở Việt Nam thay cho cái gọi là động từ hay tính từ để chỉ chung những đơn vị từ vựng có khả năng đứng làm vị ngữ.

   Tesnière đã quan niệm câu (câu đơn) chỉ có một đỉnh duy nhất là vị từ vị ngữ. Vị từ vị ngữ là trung tâm tổ chức ngữ nghĩa và cú pháp của câu. Ở trong câu, bản chất từ vựng – ngữ pháp của vị từ quy định, chi phối các diễn tố của nó (tức là cả chủ ngữ và bổ ngữ theo truyền thống). Theo cách định nghĩa và cách xác định vị từ của Tesnière thì vị từ có thể là động từ, tính từ, danh từ, số từ và cả giới từ.

   b. Khái niệm đồng vị từ

   Theo Cao Xuân Hạo, vị từ có thể có nhiều hơn một đơn vị. Trong đó có một yếu tố chính là vị từ, các yếu tố còn lại có vai trò bổ nghĩa cho vị từ gọi là đồng vị từ.

   Ví dụ:

   Tôi đi học.

   Trong vị ngữ “đi học” thì “đi” là vị từ còn “học” là đồng vị từ.

   c. Vấn đề ngữ cảnh trong nghiên cứu ngữ dụng học

   Ngữ cảnh của một từ là chuỗi từ kêt hợp với nó hoặc bao xung quanh nó, đủ để làm cho nó được cụ thể hóa và hoàn toàn xác định về nghĩa. Ngữ cảnh tối thiểu là một từ, tối đa là một chuỗi từ, có khả năng tương ứng với một câu, một phát ngôn,…

   Khi xem xét ngữ cảnh trong nghiên cứu ngữ dụng, người ta chú ý đến hai bình diện: ngữ cảnh quan sát và ngữ cảnh lí thuyết.

   - Ngữ cảnh quan sát là tập hợp những tư liệu có trong hiện thực, chỉ là sự thu thập tư liệu thuần túy mà hầu như chưa có một sự tác động tích cực nào của nhà nghiên cứu. Trên cơ sở đó, nhà nghiên cứu tiến hành phân tích, xem xét chúng ở những bước tiếp theo.

   - Ngữ cảnh lí thuyết là từ một tập hợp ngữ cảnh quan sát, chúng ta tác ra bằng con đường trừu tượng hóa, khái quát hóa, rút ra những nhân tố quan yếu chi phối cách dùng, cách hiểu các sự kiện nhân tố đang xét. Những tập hợp các nhân tố đó gọi là ngữ cảnh lí thuyết.

3.  Thu thập một số ngữ cảnh có sử dụng đồng vị từ “tiếp”

   a. Tư liệu có được trong các giáo trình dạy tiếng Việt cho người nước ngoài và trong quá trình giảng dạy sinh viên nước ngoài tại khoa Ngôn ngữ học, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội.

   - NC 1:

   Sinh viên: Em thích món nem rán của Việt Nam lắm. Hôm qua em mới ăn, hôm nay em lại ăn tiếp.

   - NC 2:

   Sinh viên: Em học xong tháng này, em sẽ về nước 2 tuần. Sau đó em lại sang học tiếp.

   - NC 3:

   Sinh viên 1: Hôm qua tớ mới thi môn ngữ âm tiếng Việt, ngày mai tớ phải thi tiếp môn ngữ pháp.

   - NC 4:

   Sinh viên 1: Cậu đọc tiếp đi, tớ vẫn đang viết mà.

   - NC 5:

   Sinh viên: Cô cho em hỏi, kỳ sau cô có dạy tiếp lớp em môn này không ạ?

   - NC 6:

   Sinh viên 1: Cậu kể tiếp về chuyến đi Sa Pa tuần trước đi.

- NC 7:

   Giáo viên: Bài tập này khó, em về nhà suy nghĩ tiếp nhé.

- NC 8:

   Sinh viên: Tuần sau, lớp mình  lại đi chơi tiếp nhé.

   - NC 9:

   Sinh viên: Tháng sau em lại về nước tiếp thầy ạ.

   - NC 10:

   Sinh viên: Bạn em ở Hàn Quốc bảo em, bao giờ về nước thì mua tiếp ô mai cho bạn ấy.

   - NC 11:

   Sinh viên: Mấy hôm nay thời tiết thay đổi nên mình lại ốm tiếp rồi.

   - NC 12:

   Lớp trưởng: Cô giáo vẫn ốm, ngày mai chúng ta nghỉ học tiếp các bạn nhé.

   b. Tư liệu có được trong quá trình giao tiếp hàng ngày.

   - NC 13:

   Chị: Em vừa mới ngủ dậy, bây giờ lại ngủ tiếp à?

   - NC 14:

   Mẹ: Có gió mùa đông Bắc, ngày mai lại lạnh tiếp, con đi học nhớ mặc áo ấm đấy.

   - NC 15:

   Mai: Hôm qua tớ gặp Lan, nó bảo mới có người yêu mới. Nó lại yêu tiếp một anh Tây.

   - NC 16:

   A: Chơi tiếp đi, vẫn còn sớm mà, về nhà cũng ngủ thôi.

   - NC 17:

   B: Chị còn trẻ, sao không nghĩ tới chuyện đi tiếp bước nữa?

   C: Nhưng em vẫn chưa quên được anh ấy, chị à.

- NC 18:

` A: Đánh tiếp nó đi, cho chừa cái thói hung hăng chuyên bắt nạt người khác.

- NC 19:

   A: Em gặp chị Lam à? Chị ấy có nói gì không ?

   B : Chị ấy lại hỏi tiếp chuyện hôm qua, em không biết phải trả lời thế nào cả.

   - NC 20 :

   Trưởng phòng : Em làm xong báo cáo tháng này chưa ?

   Nhân viên : Chưa anh ạ, hôm qua em đang làm dở, bây giờ em lại làm tiếp.

   - NC 21 :

   A : Có mỗi cái đường bé tí mà hôm qua đào, hôm nay lại đào tiếp, biết đi vào đâu bây giờ ?

   - NC 22 :

   A : Giá vàng hôm trước vừa giảm, hôm nay lại tăng tiếp rồi cô ạ.

   B : Thế hả chị ? Em định mua cho cháu cái nhẫn mà thế này chắc không mua nổi.

   - NC 23 :

   A : Tháng này xui quá ông à. Đầu tháng vừa mất cái xe đạp, bây giờ lại mất tiếp cái tivi.

   Mẹ : Con trông giúp mẹ nồi canh nhé. Nước sôi thì cho dứa và me vào trước, 5 phút sau cho tiếp giá đỗ vào.

   - NC 24 :

   Bố : Tại sao hôm nay con lại bị cô giáo phạt tiếp ? Con lại đánh bạn hay không làm bài tập nữa à ?

   - NC 25 :

   Em : Tối nay có phim gì không chị ?

   Chị : Tối nay chiếu tiếp phim ‘‘Hoa tuyết’’ đấy.

   - NC 26 :

   Chị : Hôm trước em xem phim này rồi, hôm qua lại xem tiếp mà vẫn chưa chán hay sao mà hôm nay lại xem nữa thế ?

   Em : Phim này hay mà chị.

   - NC 27:

   A: Ông Nam giàu thật. Năm ngoái ông ấy vừa xây một căn biệt thự ở Mỹ Đình, năm nay lại xây tiếp một nhà bốn tầng dưới Linh Đàm.

   - NC 28:

   A: Vợ chồng chú vất vả thật, vừa mua đất xong bây giờ lại lo tiếp việc xây nhà.

   - NC 29:

   A: Chụp ở đây xong thì đi đâu nữa các cậu?

   B: Chụp ở đây xong bọn mình qua Bách thảo chụp tiếp nhé. Hôm nay trời đẹp mà.

   - NC 30:

   A: Chị ơi, bảo nhân viên mang tiếp thức ăn ra nhé, khác đến đông rồi.

   B: Vâng, anh chờ chút ạ.

   - NC 31:

   A: Uống tiếp đi các cậu. Hôm nay không say không về.

   - NC 32:

   A: Nhà anh chị vui thật, năm ngoái cưới cháu Hoa, năm nay cưới tiếp cháu Nhi chứ nhà tôi hai đứa mãi không chịu cưới xin gì cả.

   - NC 33:

   Chồng: Em nằm xuống nghỉ tiếp đi, em vẫn còn yếu lắm mà. Để anh xuống nấu cháo cho em nhé.

   Vợ: Anh vất vả quá. Em cảm ơn anh.

- NC 34:

   A: Chị Linh mắn thật đấy, năm trước sinh con trai rồi mà năm ngoái lại sinh tiếp đứa nữa.

   - NC 35:

   A: Mấy hôm nay không thấy Lan đến lớp, bạn ấy ốm tiếp à?

   B: Ừ, bạn ấy lại bị tiếp rồi cậu à.

   - NC 36:

   A: Phim này hết chưa cậu?

   B: Chưa, vẫn còn tiếp đấy.

   - NC 37:

   Em: Chương trình ấy hết chưa chị?

   Chị: chưa hết đâu em à, ngày mai lại có tiếp đấy.

   4. Nhận xét

   a. Sự kết hợp của đồng vị từ “tiếp” với tính từ

   - Trong các ngữ cảnh trên, hầu như không thấy xuất hiện kết cấu tính từ kết hợp với “tiếp”. Điều đó có thể lí giải như sau:

   + Nếu tính từ kết hợp với “tiếp”:

Vtt + tiếp hoặc tiếp + Vtt

   Ví dụ:

(1)      Trời lạnh tiếp.

(2)      Chị ấy tiếp đẹp.

(3)      Cây này héo tiếp.

(4)      Thằng bé đen tiếp.

Trên thực tế, sự kết hợp này không xuất hiện, nếu có xuất hiện thì nó là ngữ cảnh bất thường. Thực tế khi giao tiếp người ta sẽ dùng cách nói:

tiếp tục + Vtt

vẫn + Vtt

Hoặc:            càng ngày càng + Vtt

   Ví dụ:

(1)      => Trời tiếp tục lạnh.

(2)      => Cô ấy vẫn xinh.

(3)      => Cây này càng ngày càng héo.

(4)      => Thằng bé càng ngày càng đen.

Như vậy, từ những dữ liệu trên có thể thấy, đồng vị từ “tiếp” chỉ kết hợp với động từ hoặc cụm động từ.

Từ đó, có thể đưa ra mô hình khái quát về sự kết hợp của đồng vị từ “tiếp” trong các ngữ cảnh trên như sau:

C + đg + (Bn) + tiếp

Hoặc:          C + đg + tiếp + Bn

 

b. Sự kết hợp của đồng vị từ “tiếp” với động từ

Có thể chia sự kết hợp của đồng vị từ “tiếp” thành các nhóm sau:

- Nhóm 1: tiếp kết hợp với các động từ chỉ hoạt động tâm lí: ở các ngữ cảnh 7, 15, 28.

Có thể rút ra một số nhận xét của nhóm 1 như sau:

+ Sự kết hợp giữa đồng vị từ “tiếp” với các động từ chỉ thoạt động tâm lí chiếm số lương rất ít trong các ví dụ được dẫn ra. Tuy đây không phải là thống kê đầy đủ và chính xác nhưng qua đó có thể thấy khả năng kết hợp của đồng vị “tiếp” với các động từ chỉ hoạt động tâm lí là kết hợp yếu và hạn chế.

+ Sự kết hợp của “tiếp” với các động từ chỉ hoạt dộng tâm lí thường phải ở trong một ngữ cảnh cụ thể và tường minh.

Ví dụ:

Trong ngữ cảnh thông thường không ai nói: “Tôi yêu tiếp anh ấy”. Mà sự kêt hợp này chỉ có thể diễn ra trong một ngữ cảnh cụ thể và tường minh, chẳng hạn như: “Hôm qua tớ gặp Lan, nó bảo mới có người yêu mới. Nó lại yêu tiếp một anh Tây”.

   + Đồng vị từ “tiếp” có sự kết hợp hạn chế với các động từ chỉ hoạt động tâm lí là do đặc điểm của các động từ này. Có thể thấy rõ hơn qua các ví dụ sau:

   A: Lúc nãy mình nghe kể chuyện ma, sợ quá. Giờ vẫn còn sợ.

   B: Lúc nãy mình nghe kể chuyện ma. Giờ tiếp tục sợ.

   C: Lúc nãy mình nghe kể chuyện ma. Giờ vẫn sợ tiếp.

   A là ngữ cảnh bình thường, còn B, C là ngữ cảnh bất thường. Cả ba ngữ cảnh đều diễn tả của hành động “sợ”, nhưng trong giao tiếp thông thường người ta chỉ nói theo cách A mà không thể nói theo cách B và C.

   Xét ngữ cảnh 28:

A: Vợ chồng chú vất vả thật, vừa mua đất xong bây giờ lại lo tiếp việc xây nhà.

Đây là ngữ cảnh bình thường, nhưng nếu thay thế “lo” bằng “lo lắng” thì đây lại trở thành một ngữ cảnh bất thường, không sử dụng trong giao tiếp bình thường:

A: Vợ chồng chú vất vả thật, vừa mua đất xong bây giờ lại lo lắng tiếp việc xây nhà.

- Nhóm 2: Đồng vị từ “tiếp” kết hợp với các động từ chỉ hoạt động vật lí trong các ngữ cảnh còn lại. Có thể đưa ra một số nhận xét cho nhóm 2 như sau:

+ Sự kết hợp của đồng vị từ “tiếp” với các động từ chỉ hoạt động vật lí rất phổ biến và thường gặp trong giao tiếp hàng ngày.

+ Sự kết hợp này để chỉ sự tiếp diễn của hành động chỉ hoạt động vật lí trên trục thời gian. 

   Có thể chia thành nhóm nhỏ như sau: Đồng vị từ “tiếp” kết hợp với các động từ nội động và động từ ngoại động:

   + Trong tiếng Việt có hai loại động từ là động từ nội động và động từ ngoại động. Rnah giới giữa hai loại động từ này thường mơ hồ và không rõ ràng. Có những động từ chỉ có tư cách là động từ nội động (ăn, ngủ, đi,…) nhưng cũng có những động từ lại vừa là động từ nội động vừa là động từ ngoại động. Ví dụ: Cùng một động từ “cười” nhưng nếu không có bổ ngữ thì nó là động từ nội động, còn khi xuất hiện bổ ngữ phía sau thì nó lại trở thành động từ ngoại động.

   Nó cười.                          Động từ nội động

   Nó cười anh ấy.              Động từ ngoại động

   + Trong trường hợp “tiếp” kêt hợp với động từ nội động thì có nghĩa là chỉ sự tiếp diến của hành động được nói đến. Các ngữ cảnh đó là: ngữ cảnh 1, 2, 4, 7,13, 21.

   + Trường hợp “tiếp” kết hợp với động từ ngoại động có ở các ngữ cảnh 3, 25, 27, 30.

   Nhóm 3: “tiếp” kêt hợp với các động từ tình thái

   + Sự kết hợp này cũng thường xảy ra, ví dụ ở ngữ cảnh 35.           

A: Mấy hôm nay không thấy Lan đến lớp, bạn ấy ốm tiếp à?

   B: Ừ, bạn ấy lại bị tiếp rồi cậu à.

   - Nhóm 5: “tiếp” kêt hợp với các động từ biểu thị sự tồn tại (có, còn, hết)

+ “tiếp” chỉ kết hợp với động từ “có, còn”, ví dụ ở ngữ cảnh 36:

   A: Phim này hết chưa cậu?

   B: Chưa, vẫn còn tiếp đấy.

   Hay ở ngữ cảnh 37:

   Em: Chương trình ấy hết chưa chị?

   Chị: chưa hết đâu em à, ngày mai lại có tiếp đấy.

   + “tiếp” thông thường và bình thường không có sự kêt hợp trực tiếp với động từ “hết”.

   - Nhóm 6: “tiếp” kết hợp với các động từ quan hệ “là, làm, trở thành, trở nên”

   Không có sự kết hợp trực tiếp với các động từ này với “tiếp”. Trong giao tiếp thông thường, chúng ta không thể nói “Cô ấy trở nên xinh đẹp tiếp”, “Anh ấy trở thành nhân viên tiếp”.

5. Kết luận

Qua các ngữ cảnh đã được dẫn ra, chúng tôi xin đưa ra một số nhận xét chung như sau:

-               “tiếp” có thể kết hợp được với hầu hết các động từ.

-  Có một số động từ trong nhóm động từ quan hệ, động từ biểu thị sự tồn tại, động từ chỉ hoạt động tâm lí, động từ tình thái là không thể kết hợp trực tiếp với “tiếp”.

- Có thể đưa ra mô hình khái quát cho sự kêt hợp giữa đồng vị từ “tiếp” với động từ như sau:

C + đg + (Bn) + tiếp

Hoặc:          C + đg + tiếp + Bn

 

-               Khi các động từ kết hợp được với “tiếp” thì nó có ý nghĩa là có sự nối tiếp, liên tục của hành động theo thời gian.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.     Đỗ Hữu Châu, Đại cương ngôn ngữ học – tập 2: Ngữ dụng học, Nxb Giáo dục 2007.

2.     TS. Lê Đông: Các bài giảng chuyên đề “Một số vấn đề hiện đại về ngữ dụng học”, 2010.

3.     Nguyễn Thiện Giáp, Dụng học Việt ngữ, Nbx Đại học Quốc gia Hà Nội, 2007.

4.     Cao Xuân Hạo, Sơ thảo ngữ pháp chức năng, Nxb Giáo dục, 2004.

 



Copyright © 2024 Copyright Khoa Tiếng Việt - Trường Đại học Hà Tĩnh Rights Reserved.