Franz Kafka là nhà văn Tiệp gốc Do Thái, sinh ở Praha vào thời kỳ nước Tiệp còn là một bộ phận của đế quốc Áo - Hung. Ông là một hiện tượng văn học đặc biệt có tác động mạnh mẽ đối với sự phát triển của văn học nói riêng và xã hội nói chung. Mặc dù, ông chỉ sống cuộc đời ngắn ngủi và để số lượng sáng tác khiêm tốn nhưng đó là một di sản vô cùng quý giá. Tác phẩm của Kafka đã tái hiện được một hiện thực phong phú, khắc họa rõ nét thân phận của con người hiện đại - gợi ra nhiều tầng ý nghĩa mang tính biểu tượng sâu sắc. Ông được xem là một trong những nhà văn cách tân thể loại tiểu thuyết, nổi bật nhất là là phương diện nghệ thuật xây dựng nhân vật.
Trong văn học truyền thống, nhận vật luôn giữ vị trí quan trọng. Tính cách văn học là sự khái quát về bản chất xã hội, lịch sử tính chất của tâm lý con người, dưới hình thức những con người cá thể. Tính cách nhân vật là đặc điểm cơ bản quy định con người là thành viên xã hội, vừa mang những nét chung về tâm lý xã hội vừa mang những nét riêng của mỗi cá nhân được biểu hiện bằng hành vi ổn định, lặp đi lặp lại trong các tình huống của cuộc sống. Tiểu thuyết hiện đại có sự khác biệt. Hành động của nhân vật để tạo nên cốt truyện của tác phẩm hiện đại không được chú trọng mà tác giả chú trọng đến trạng thái, tính chất của nhân vật.
* Kafka xây dựng nhân vật phi tính cách. Nhân vật trong tiểu thuyết của Kafka bị chìm khuất nhiều chiều: Cái tên của nhân vật bị rút gọn đến tận cùng chỉ còn chữ viết tắt; không thể xác định rõ hình hài, giọng nói, hình dáng, phong cách của họ; cũng không biết thông tin cụ thể về mối quan hệ bạn bè, gia đình, đồng nghiệp của họ. Cả hai nhân vật Jôzep K trong Vụ án và K trong Lâu đài không hề mang ý nghĩa xã hội khái quát và không thể hiện nét tính cách độc đáo nào. Trong văn học, sự hiện diện tính cách được tạo ra nhờ việc miêu tả những biểu hiện bề ngoài và bên trong của các nhân vật (tâm lý, ngôn ngữ, ngoại hình) nhờ những nhận xét về nhân vật ấy do tác giả hoặc các nhân vật khác nêu ra. Đ. Đifô (thế kỷ 18) trong tiểu thuyết Rôbinxơn Gruxô chú trọng khắc họa tính cách của nhân vật Rôbinxơn và làm nổi bật nhân vật thiên về hành động thực tiễn, xa lạ với giáo lý sách vở khô khan, mỗi cái nhìn của anh trước thiên nhiên là một cái nhìn thực tiễn để xem nó có ích gì cho cuộc sống hiện tại. Hình ảnh Rôbinxơn trên đảo hoang minh họa cho triết lý "con người tự nhiên" của Rutxô lúc bấy giờ. Banzắc ở thế kỷ 19 đã rất thành công trong việc xây dựng nhân vật Grăngđê trong tiểu thuyết Ơgiơni Grăngđê. Grăngđê là sản phẩm của thời kỳ mà cách mạng Pháp đã đi qua, con người hãnh tiến muốn vươn lên thế giới thượng lưu, lão lại vừa có tính cách của gã tư sản mới nổi lên có thể bằng mọi cách, giẫm đạp lên tất cả để làm giàu. Lão có cả một quá khứ, một lịch sử để giải thích quá trình phát triển tính cách.
Người đọc khó có thể khái quát thành những nét tính cách tiêu biểu, cụ thể ở nhân vật trung tâm của Kafka. Zôzep Kvà K xuất hiện như mảng tâm trạng con người. Tâm trạng của Zôzep K và K là lát cắt “rất mỏng rất sâu trên cơ thể” tâm lý nhân vật. Trong Vụ án, Jozep K. là nhân vật chính nhưng chỉ được Franz Kafka gợi lên bởi một vài nét qua con mắt của những nhân vật trong truyện. Qua nhân vật vợ viên chức tòa ta biết được Jozep K có đôi mắt đen mà theo cô ta là đẹp, trong con mắt những đứa trẻ ở khu nhà của họa sĩ Titorelli thì Jozep K “xấu xí lắm”. Đó là một hình ảnh mờ nhạt khiến ta không có cảm tưởng gì đặc biệt ở nhân vật này. Gốc tích của anh cũng không rõ ràng, không biết thành phần gia đình, quan hệ anh em, bạn bè. Kafka đã chặt mất quá khứ của Jozep K, ta không biết tính cách của anh trong quá khứ. Vì thế mà nhân vật chính trong Vụ án - là Jozep K chỉ còn lại “một mảng, rất đậm, rất sâu”. Hiện tượng “phản nhân vật” truyền thống bước đầu xuất hiện: cái tên của nhân vật đang bị mất dần, không rõ diện mạo, quan hệ xã hội. Người đọc không những không nhận diện được rõ rệt hình dáng bên ngoài, suy nghĩ bên trong của anh, mà ngay cả mối quan hệ bạn bè đồng nghiệp, hoàn cảnh để hình thành nên tính cách của anh. Ngay cả khi nhà văn có nhắc đến nghề nghiệp của Zôzep K là nhân viên ngân hàng thì dường như việc đó cũng không hề để lại một dấu ấn lịch sử cụ thể gì. Nếu nhà văn thay đổi một nghề khác cũng vậy thôi. Còn ở tiểu thuyết Lâu đài nhân vật trung tâm K làm nghề đạc điền (đo đạc đất đai) có lẽ nếu đánh tráo nghề nghiệp của hai nhân vật trung tâm trong hai tiểu thuyết nổi tiếng của ông có lẽ cũng như vậy thôi. Môi trường nghề nghiệp không được chú ý tới, tức là hoàn cảnh để nẩy sinh đến tính cách không là quan trọng.
*Nhân vật tồn tại trong những không gian khác thường. Trong văn học truyền thống, con người thường hòa mình vào không gian vũ trụ, được hít thở căng tròn buồng phổi không khí trong lành của vũ trụ bao la mà tự nhiên ban tặng. Con người trong sáng tác của F. Kafka lại khác, hầu như chỉ tồn tại trong không gian ngột ngạt tù túng. Con người quen thuộc gắn bó với không gian này đến nỗi không thể sống thiếu nó được. Tính chất phi tự nhiên, phản truyền thống của không gian ấy là một ẩn dụ sâu sắc về sự tha hóa của con người. Trong các bộ tiểu thuyết Lâu đài, Vụ án, ta thường gặp những hình ảnh những căn phòng chật hẹp yếm khí, thế giới đồ vật được bố trí bề bộn, trong đó, lấn át đi phần tồn tại của con người, làm không gian ấy càng ngột ngạt hơn. Ở tiểu thuyết Lâu đài, căn phòng được người ta bố trí cho người đạc điền nơi quán trọ là một cái gác xép không được thông gió. Những người giúp việc nơi quán trọ luôn ở trong ánh điện, trong bầu không khí ngột ngạt, nghỉ ngủ chui rúc ở xó xỉnh nơi nhà kho, nhà bếp. Những đám nông dân chen chúc nơi quán trọ sặc sụa mùi bia rượu. Các nhân vật khác thể hiện mối quan hệ rời rạc giữa con người và con người trong xã hội hiện đại: họ quá tính toán, thiếu quan tâm đến nhau dẫn đến tình trạng cô độc. Hệ thống nhân vật phụ trong vụ án cũng khá nhiều: vợ chồng viên chức tòa, y tá Leni, ông chú Albert K, kỹ nghệ gia, họa sĩ Titorelli bà Grubach, cô Bơcxne, bạn cô Bơcxne… nhưng mối quan hệ giữa những nhân vật này với nhau và với nhân vật chính rất rời rạc, nó không giống với mối quan hệ trong những tác phẩm truyền thống, không gợi lên quan hệ xã hội giữa các tuyến nhân vật mà nó có phần giống như ám ảnh của K. Họ có một điểm chung là ai cũng nhận giúp đỡ K. khiến cho anh phải công nhận “sao lắm người định giúp đỡ mình thế”, ai cũng cho là vụ án của anh nghiêm trọng làm cho anh cũng phải nghĩ rằng nó thực sự nghiêm trọng. Các mối quan hệ, sự giao tiếp của K trong Lâu đài chỉ xoáy sâu vào ám ảnh: Là làm sao K xin được nhập vào cái lâu đài kia, cái làng kia. Cho đến khi gục xuống vì mệt mỏi: “Ngay bây giờ, trong đêm, chàng muốn lọt vào lâu đài với sự dẫn đường của Barnabas mà không ai có thể nhìn thấy, nhưng đó là một Barnabas mà chàng biết trước đây; người gần gũi nhất đối với chàng so với bất kỳ ai mà chàng đã gặp giữa đám dân làng, mà chàng cứ tưởng có quan hệ mật thiết với lâu đài ” (Lâu đài)
Sự tiếp cận, mối quan hệ của K với các nhân vật khác chỉ làm sao để đến được lâu đài mà thôi. K tiếp cận với Friđa và mối tình chóng vánh đến với chàng, nhưng không phải về tình yêu, mà qua Friđa chàng muốn đến lâu đài (vì chàng biết Friđa đã từng là tình nhân của ông chủ lâu đài). Ngược lại, Friđa chìm đắm trong mối tình với K, có thể từ bỏ ông chủ lâu đài để theo K. Và khi biết rõ điều đó, K rất thất vọng. Rõ ràng, nhân vật trung tâm trong tác phẩm của K không biểu hiện ra như một cá thể có quá trình tâm lý, có phát sinh, hình thành và biến đổi như tiểu thuyết truyền thống.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1]. Trương Đăng Dung (1998), Lâu đài, NXB Văn học.
[2]. Phùng Văn Tửu ( 2002), Vụ án, NXB Văn hóa Thông tin.
[3]. Lưu Đức Trung (1992) Tác giả tác phẩm văn học nước ngoài, NXB Giáo dục.
[4]. Lại Nguyên Ân (2003), 150 thuật ngữ văn học,NXB Đại học Quốc gia.
[5]. Đặng Anh Đào (2001), Đổi mới nghệ thuật tiểu thuyết phương Tây hiện đại, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.