Trước đây, việc giảng dạy ngoại ngữ bị chi phối bởi phương pháp dạy truyền thống. Đó là quá trình truyền thụ kiến thức từ thầy sang trò hay nói cách khác đó là môi trường học tập chủ yếu là môi trường lấy người dạy làm trung tâm. Và dường như mọi hoạt động chủ yếu trong lớp học là của giáo viên, học viên hoàn toàn thụ động chỉ ngồi nghe và ghi chép, học sinh không có cơ hội được thực hành giao tiếp trên lớp. Tuy nhiên cùng với sự thay đổi của xã hội, phương pháp dạy học cũng thay đổi để đáp ứng nhu cầu sử dụng thành thạo các kĩ năng giao tiếp ngày càng tăng. Chính nhu cầu này đã tạo ra sự đòi hỏi cao về chất lượng giảng dạy, cũng như về các nguồn và tài liệu phục vụ giảng dạy ngôn ngữ. Ngoài ra nhu cầu về phương pháp giảng dạy phù hợp hiện nay cũng trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Chính vì thế phương pháp dạy ngoại ngữ hiện nay đã chuyển từ đường hướng lấy người dạy làm trung tâm sang đường hướng lấy người học làm trung tâm, trong đó cả thầy và trò cùng chia sẻ trách nhiệm dạy và học. Bên cạnh đó, học viên sẽ được hoạt động theo cặp hay theo các nhóm nhỏ để thực hiện các nhiệm vụ cụ thể. Người học có cơ hội được hay tỏ ý kiến hay cảm xúc của mình và được thoải mái đặt câu hỏi nếu không hiểu vấn đề nào đó. Song song với việc nhấn mạnh vào mục tiêu phát triển năng lực giao tiếp ở người học, việc lựa chọn các hoạt động học kích thích phát huy cao độ tính tích cực của người học luôn được đề cao.
Thực tế trong dạy và học ngoại ngữ, nếu học viên được học trong bầu không khí vui vẻ, thư giãn và có nhiều cơ hội được giao tiếp trong bối cảnh của thế giới thực thì sẽ học hiệu quả hơn. Việc sử dụng trò chơi ngôn ngữ trong giảng dạy ngoại ngữ là một trong những phương pháp hữu hiệu có thể làm tăng động cơ học tập cho học viên, một trong những yếu tố quyết định đến thành công trong việc học ngoại ngữ của họ. Đồng thời khích lệ người học duy trì việc học và sự hứng thú của họ với việc học. Ngoài ra chúng còn giúp giáo viên tạo ra những ngữ cảnh mà ở đó ngôn ngữ thực hành rất hữu dụng và dễ hiểu với người học.
+ Tạo ra môi trường học tập vui vẻ:
Thực tế dạy học cho thấy tổ chức trò chơi trong các giờ học giúp xua tan mệt mỏi, sự tẻ nhạt, mang đến bầu không khí học tập vui nhộn và thoải mái. Richard (1992) còn cho rằng trò chơi có khả năng kích thích hứng thú cũng như trí tưởng tượng, nhằm khơi nguồn sáng tạo trong học tập của học viên khiến họ luôn sẵn sàng tham gia vào giờ học. Nhiều trò chơi ngôn ngữ đòi hỏi người học phải hoạt động theo cặp, theo nhóm hay đòi hỏi sự tham gia của cả tập thể lớp học cùng kết hợp với nhau để thực hiện yêu cầu của trò chơi và để ghi càng nhiều điểm càng tốt. Tâm lí của mỗi người chơi là đều muốn ghi điểm để giành chiến thắng. Vì vậy họ sẽ càng tích cực tham gia vào trò chơi hơn. Ngoài ra, để giải quyết vấn đề trong tập thể từng người chơi phải đóng góp ý kiến cũng như sự hiểu biết của mình. Trong bầu không khí thư giãn, thoải mái do trò chơi tạo ra, học viên sẽ được vận dụng những kiến thức mà họ đã được học và đã thực hành trước đó một cách hứng khởi hơn.
+ Làm tăng động cơ học tập cho người học:
Theo Hallowen (1989), các trò chơi tăng cường động cơ học tập cho học viên ở mức độ lớn hơn so với sách giáo khoa thông thường hay các tài liệu học tập, do chúng đòi hỏi và thúc đẩy sinh viên phải tham gia tích cực vào trò chơi. Đúng vậy, trò chơi là nguồn khích lệ, tăng cường hứng thú học tập cho học viên và thường được coi là bước khởi động thu hút sự chú ý của sinh viên vào môi trường học ngoại ngữ. Đối với hầu hết các trò chơi, sự cạnh tranh giữa những người chơi và đội chơi là một nhân tố làm tăng động cơ học tập cho họ, khích lệ họ tham gia trò chơi. Đây cũng là lý do quan trọng nhất khiến hầu hết học viên trở nên hứng thú và bị lôi cuốn vào các trò chơi. Ngoài ra, với giờ thực hành ngôn ngữ ít ỏi trên lớp, học viên không thể tập trung vào việc học được. Việc sử dụng trò chơi trong giảng dạy là một trong những cách hữu hiệu nhất để tạo cho sinh viên những giờ học trên lớp thoải mái và thú vị để có thể duy trì động cơ học tập cho họ. Bên cạnh đó, khi học viên có cơ hội để tham gia trò chơi trên lớp, họ sẽ được khuyến khích lựa chọn bạn chơi cùng với mình. Điều này không chỉ tạo ra không khí học tập thân thiện mà còn khích lệ họ giúp đỡ lẫn nhau. Những học viên nào kém hơn thì được những học viên giỏi hơn trong nhóm giúp đỡ để trở nên tự tin hơn và có thể mạnh dạn bày tỏ ý kiến của mình. Kết quả là tất cả học viên trong lớp đều cảm thấy thích thú hơn và có nhiều động cơ để tham gia vào trò chơi hơn, mà động cơ học tập là một yếu tố không thể thiếu được trong quá trình thu nhận kiến thức của học viên. Nó là nhân tố chính quyết định sự thành công hay thất bại của họ. Sự thành công và động cơ học tập có mối tương hỗ nhau:nếu người học thành công học tập, họ sẽ càng có nhiều động cơ hơn để thực hiện nhiệm vụ do quá trình học đặt ra.
+ Phương pháp giảng dạy tích cực lấy người học làm trung tâm:
Để giành chiến thắng, từng cá nhân phải giao tiếp với nhau, thảo luận trong nhóm với nhau nhằm tìm cách giải quyết vấn đề được đề ra trong trò chơi. Bằng cách này, họ phải nói ra hoặc viết ra những điều thể hiện được quan điểm của mình hay để truyền đạt thông tin với đội chơi khác. Điều này có nghĩa là trò chơi tạo cơ hội cho học viên giao tiếp với nhau, thậm chí những học viên rụt rè, thiếu tự tin cũng bị cuốn hút vào hoạt động này. Theo Rixon (1981) giáo viên nên ở đó với vai trò là người cung cấp thông tin về từ vựng, về cấu trúc mới gặp phải, hay là người gợi mở, giúp cho con người hiểu rõ hơn về vấn đề nào đó bằng việc giải thích khác đi dễ hiểu hơn. Tóm lại, sử dụng trò chơi là cách tạo ra môi trường lớp học lấy người học làm trung tâm, tạo cho học viên nhiều cơ hội chủ động và tự chủ hơn để học có thể làm chủ được mình trong các hoạt động giao tiếp.
+ Tăng cường sự cộng tác và tính cạnh tranh
Sụ cộng tác và tính cạnh tranh là yếu tố cần thiết làm tăng động lực học tập cho người học ngoại ngữ. Điều này hoàn toàn đúng vì trò chơi không chỉ khuyến khích sự canh tranh giữa họ mà còn khích lệ sự hỗ trợ lẫn nhau trong nhóm. Hầu hết các học viên yêu thích các trò chơi mang tính cạnh tranh. Khi được chia vào mỗi đội, các thành viên đều có ý thức là phải cố gắng hơn đội bạn để giành chiến thắng về cho đội mình. Và chính yếu tố cạnh tranh là động cơ để họ thành công trong trò chơi. Tuy nhiên, trong trò chơi cạnh tranh thì điều được quan tâm nhất đó là sự chiến thắng. Như vậy những học viên làm tốt hơn thì nhận được nhiều khen ngợi từ cô giáo và bạn bè, điều này lại khiến cho những sinh viên kém hơn trở nên mất uy tín trong lớp. Vì vậy bên cạnh việc tổ chức các trò chơi mang tính cạnh tranh trên lớp, thì tổ chức các trò chơi mang tính hợp tác, khuyến khích sự hỗ trợ lẫn nhau cũng hết sức quan trọng.
Các trò chơi ngôn ngữ đòi hỏi sinh viên phải hợp tác với nhau trong khi đóng vai, tranh luận, thảo luận và sử dụng ngôn ngữ trong nhiều tình huống khác nhau phụ thuộc vào từng loại trò chơi được tổ chức trên lớp. Điều này rõ ràng thúc đẩy cơ hội giao tiếp giữa sinh viên với nhau. Đây chính là mục đích của quá trình giảng dạy ngoại ngữ, đồng thời thúc đẩy sự hợp tác và cạnh tranh giữa họ. Đây cũng là hai yếu tố cơ bản làm tăng động cơ học ngoại ngữ nói chung cho người học. Để giành chiến thắng cho bản thân hay cho nhóm của mình, người chơi cố gắng hết sức là người đầu tiên tìm ra câu trả lời cũng như giành được điểm về cho đội của mình. Vì thế, khi tham gia trò chơi, người chơi sẽ ít chú ý đến cấu trúc hay dạng câu mà chỉ chú ý đến cách giao tiếp sao cho tự nhiên hơn. Người chơi sẽ hợp tác với nhau bằng cách chia sẻ những thông tin họ nhận được để hoàn thành nhiệm vụ và yêu cầu trò chơi đặt ra cho họ. Đó chính là sự cộng tác và hợp tác giữa các học viên với nhau trong các trò chơi ngôn ngữ.
Tóm lại, việc áp dụng trò chơi ngôn ngữ trong việc giảng dạy ngoại ngữ mang lại những hiệu quả rất tích cực. Giáo viên nên xem việc sử dụng các trò chơi trong lớp học là một phần không thể thiếu trong các giờ học, liên tục tổ chức các trò chơi để học viên tham gia, tạo bầu không khí học vui vẻ, thư giãn, nhiệt huyết và mang tính hợp tác. Bên cạnh đó, giáo viên cũng cần có sự chuẩn bị kĩ càng và sắp xếp thời gian linh hoạt, đồng thời chọn trò chơi phù hợp với nội dung bài học, phù hợp với trình độ của học viên để họ có thể phát huy tối đa khả năng của mình.
Tài liệu tham khảo
1.Nguyễn Ngọc Lâm (1996), Sinh hoạt trò chơi trong dạy và học, Đại học Mở TPHCM
2.Lê Nguyên Long (1999), Thử đi tìm phương pháp dạy học hiệu quả, Nxb Giáo dục.
3.Rixon, S.(1981). How to use games in languege teaching. Macmillan Education.
4.Byrme, D (1978). Teaching Oral English. Longman, London.
5.Richards, J (1992). Dictionary of Language Teaching and Applied Linguistics. Longman.