foto1
Khoa Tiếng Việt
foto1
Khoa Tiếng Việt
foto1
Khoa Tiếng Việt
foto1
Khoa Tiếng Việt
foto1
Khoa Tiếng Việt

+(084)0393.885.133
khoatiengviet@htu.edu.vn
Liên hệ



 

 

     Dường như trong các tuyển tập Đường thi không thể thiếu vắng bài thơ “Phong Kiều dạ bạc” của nhà thơ Trương Kế. Điều này không có gì lạ bởi lẽ đây là một thi phẩm nổi tiếng và trở nên thân thuộc trong tâm thức của mỗi ai đã từng dạo bước đến vườn hoa thơ Đường mênh mông đầy hương sắc. Để cảm nhận được tận cùng cái hay, cái tình ý sâu xa của một bài thơ cô đọng, hàm súc như “Phong Kiều dạ bạc” quả là không dễ một chút nào. Nhưng đối với ai đã từng thưởng thức hẳn tâm hồn không thể không vương vấn, xao động trước những xúc cảm về tình lữ thứ, về sự giao cảm giữa con người với thiên nhiên, vũ trụ.

Nguyên bản chữ Hán:

                                                           楓橋夜泊

月落烏啼霜滿天,

江楓魚火對愁眠.

姑蘇城外寒山寺,

夜半鐘聲到客船.

Phiên âm Hán -Việt:

Phong Kiều dạ bạc

Nguyệt lạc, ô đề, sương mãn thiên

Giang phong, ngư hỏa, đối sầu miên

Cô Tô thành ngoại Hàn San tự

Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền

Bản dịch của Tản Đà

Đêm đỗ thuyền ở bến Phong Kiều

      Trăng tà, chiếc quạ, kêu sương

Lửa chài cây bến, sầu vương giấc hồ

Thuyền ai đậu bến Cô Tô

 Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San [1]

        Nhà thơ đã dựng lên một không gian trữ tình, thời gian trữ tình và tâm lí trữ tình (tình cảm người xa xứ ). Thế giới nội tâm của người lữ khách trong đêm đỗ thuyền ở bến Phong Kiều cứ dần dần hiện hữu trong thời gian không gian ấy, Mỗi sự vật, hình ảnh, âm thanh... ở đây như có hồn và rất giàu sức gợi: qua cái này mà cảm nhận được cái kia. Tất cả đã tạo nên một sự hô ứng, cộng hưởng giữa tình và cảnh thật tinh tế, sâu sắc. Từ cây phong thấp thoáng ven sông mà gợi lên được khí thu, tình thu man mác. Từ không gian mà gợi lên được thời gian chứa chan niềm xúc cảm. Trương Kế không hề nói đến tối song người đọc vẫn cảm nhận được thông qua ánh lửa đèn chài trên sông. Rõ ràng màn đêm đã bao trùm cả không gian mới thấy rõ được ánh lửa nhỏ từ xa như vậy. Lấy sáng để nói tối là thủ pháp nghệ thuật đã được Hồ Chí Minh vận dụng một cách sáng tạo trong bài “Mộ” (Chiều tối). Chọn thời điểm trữ tình đêm thu, “Phong Kiều dạ bạc” thực sự trở về với mạch tâm tư sâu kín nhất của nhân vật trữ tình. Bởi đây chính là khoảng thời gian dễ đánh thức trong lòng khách tha phương những nỗi u hoài. Chẳng phải thi tiên Lý Bạch trong đêm thanh tĩnh nhìn ánh trăng mà động mối tình quê sâu nặng đó sao? (trong bài thơ “Tình dã tứ”). Từ thời gian trữ tình này lại mở ra một không gian trữ tình. Không gian được tác giả xây dựng bằng bút pháp chấm phá theo nghệ thuật phối cảnh cao-thấp, xa-gần, rộng-hẹp...và cuối cùng hội tụ ở bức tranh tâm cảnh. Không gian ở đây chìm trong mông lung, hư ảo vừa như thực lại vừa như hư, dường như đã có “độ nhoè” của tâm trạng. Đó là cảnh trăng tàn, sương đầy trời được nối tiếp với cái thấp thoáng của cảnh thiên nhiên (lùm cây phong bên sông, ngọn lửa đèn chài ) như gần mà cũng như xa chập chờn trước giấc mộng của lữ khách. Nhưng chính cái hư ảo, mông lung này đã thể hiện được sâu sắc cái rất thật của tâm trạng. Đó là nỗi buồn sâu lắng về sự cô đơn, buồn tủi, nhỏ bé của người xa xứ trước cảnh sông nước bao la và vũ trụ không cùng. Người đọc cũng nhận ra được một thế giới nội tâm đang trăn trở, thao thức với bao nỗi niềm thầm kín khiến cho nỗi buồn cứ trĩu nặng sau mỗi cảnh vật, hình ảnh, âm thanh...Nếu không có sự thao thức, trăn trở làm sao có “sầu vương giấc hồ”, làm sao nhà  thơ nghe rõ được những biến chuyển của thời gian, không gian tinh tế đến vậy? Tiếng quạ kêu thảng thốt, tiếng chuông chùa buông giữa thinh không là điểm tựa để cảm nhận rõ hơn độ sâu của thời gian, độ tĩnh lặng của không gian và càng tô đậm thêm cái xao động của tâm hồn lữ khách. Trong cái bàng bạc, man mác của tình và cảnh, tiếng chuông chùa Hàn Sơn gắn với nhiều giai thoại đã vọng đến thuyền khách lúc nửa đêm càng tăng thêm cảm giác mơ hồ, huyền ảo...Vì thế mà người đọc không còn phân vân về sự đảo lộn mạch thời gian ở trong bài thơ này (mở đầu là cảnh trăng tàn: trời gần sáng; cuối bài thơ: thời gian nửa đêm). Sự phi lôgic về thời gian ở đây lại rất lôgíc về tâm trạng đang có sự chập chờn giữa thực và mộng. Phải chăng tiếng chuông chùa chủ động vọng đến thuyền khách chính là tiếng lòng của lữ khách đang nhờ thiên nhiên bắc nhịp cầu giao cảm tìm đến sự tri âm, tri kỉ? Như vậy, dù thực hay ảo thì âm thanh ấy một lần nữa giúp ta cảm nhận sâu hơn cõi riêng của cảm xúc một mảnh hồn cô đơn đang neo đậu ở bên sông, gửi lòng mình theo vời vợi sóng nước. Có lẽ vậy mà hình ảnh con thuyền (trong văn học cổ Trung Quốc, hình ảnh này thường chỉ sự lẻ loi, cô độc) trên bến Phong Kiều đêm nay chỉ xuất hiện một lần duy nhất ở tiêu đề song đã mải miết chảy theo dòng cảm xúc của bài thơ và và neo đậu trong lòng người bao nỗi sầu xa xứ. Nó hoà vào tâm cảm của bao khách tha hương luôn nặng lòng với cố hương “Cô chu nhất hệ cố viên tâm” (Con thuyền lẻ loi buộc chặt lòng nhớ vườn cũ - Đỗ Phủ)

         Bài thơ kết thúc nhưng mở ra thế giới cảm xúc mênh mang, sâu lắng: vừa có cái bàng bạc của trăng tàn, cái lạnh lẽo của sương đêm, cái man mác của sông nước, cái da diết của khí thu, tình thu, cái hiu hắt của ánh lửa đèn chài và cả cái xa xăm vang vọng của tiếng chuông chùa vẫn còn lan toả đến không cùng như tiếng đồng vọng của nỗi lòng... đã neo vào lòng người vời vợi tình lữ thứ...0

 

 

(1) Nam Trân. Thơ Đường, Tập I. NXBVH, 1987.



Copyright © 2024 Copyright Khoa Tiếng Việt - Trường Đại học Hà Tĩnh Rights Reserved.