Trần Quang Khải ( 1241-1294) là một nhà quân sự, nhà ngoại giao, nhà thơ lớn đời nhà Trần. Ông là tác giả của tập thơ “ Lạc đạo”, nay đã thất truyền chỉ còn lưu lại một số bài. “ Phúc Hưng viên” là bài thơ tức cảnh nằm trong số các bài thơ còn lưu lại của tập thơ này, thể hiện một hồn thơ với những cảm xúc vừa thanh tao vừa ý nhị, sâu sắc.
Nhắc đến Trần Quang Khải là nhắc đến bài thơ nổi tiếng “ Tụng giá hoàn kinh sư” – tác phẩm tiêu biểu cho hào khí Đông A một thời lừng lẫy với âm hưởng hào hùng, ý chí hiên ngang và khát vọng cống hiến hết mình cho nền thái bình thịnh trị lâu dài của dân tộc. Nhưng Trần Quang Khải đồng thời cũng là một nhà thơ với niềm cảm hứng dạt dào và hồn thơ phóng dật . Nhà thơ không chỉ là tác giả của những khúc tráng ca mà còn mang một hồn thơ thanh cao, yêu thích cảnh sống an nhàn, coi nhẹ danh lợi. Bài thơ “ Phúc Hưng viên” được viết theo thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật, ra đời trong hoàn cảnh khi ông tạm gác gươm giáo để tận hưởng cuộc sống thanh bình, an nhàn giữa khung cảnh thiên nhiên
Phiên âm:
Phúc Hưng nhất khúc thủy hồi hoàn
Trung hữu bình viên sổ mẫu khoan
Mai ổ tuyết tiêu châu bội lỗi
Trúc đình vân quyển bích lang can
Thử lai yêu khách kiêu trà uyển
Vũ quá hô đồng lý dược lan
Nam vọng lang yên vô phục khởi
Đồi nhiên nhất tháp mộng thiên an
Dịch nghĩa:
Một dòng nước chảy bao quanh vườn Phúc Hưng
Ở giữa là khu vườn bằng phẳng rộng đến vài mẫu
Bờ mai khi tuyết tan nụ long lánh hạt châu
Đình trúc lúc mây cuốn , lá xanh cành biếc
Nắng lên mời khách đến pha chén trà
Mưa tạnh gọi gia đồng sửa lại giàn thuốc
Trông về phía Nam không có báo hiệu giặc đến
Thảnh thơi trên giường yên tâm với giấc mơ riêng
Hai câu đề như một lời giới thiệu giản dị mà nhẹ nhàng về một khu vườn nơi có khe nước quanh co, bằng phẳng và rất rộng rãi. Đó là nơi ông chọn để vui sống cảnh điền viên bình dị của những năm tháng tuổi già sau khi đã hoàn thành sứ mệnh của một tráng sĩ. Đến hai câu thực ta lại thấy nhà thơ đặc biệt yêu thích nếp nhà cất giữa đồng quê nơi có “ bờ mai”, “ cành trúc” , nơi mà ông được ngắm nhìn vẻ đẹp của thiên nhiên với “ mây cuốn” , “ lá xanh” “ cành biếc”. Những hình ảnh cỏ cây hết sức quen thuộc của làng quê qua nhãn quan của nhà thơ bỗng trở nên lung linh đến lạ kì. Thủ pháp ước lệ tượng trưng ở đây đã đạt đến độ nhuần nhuyễn, sâu sắc. Sự hòa điệu giữa tâm hồn con người và khung cảnh thiên nhiên ở bốn câu thơ đầu góp phần gợi mở, dẫn dắt mạch cảm xúc của bài thơ:
Nắng lên mời khách đến pha chén trà
Mưa tạnh gọi gia đồng sửa lại giàn thuốc
Cũng giống như các nhà thơ cùng thời, ước muốn trở về với cuộc sống an nhàn khi đất nước đã sạch bóng quân thù luôn là ước mong thôi thúc trong lòng ông. Con người ấy khi nhập thế tích cực bao nhiêu thì khi xuất thế cũng nhẹ nhàng bấy nhiêu. Nỗi lòng ấy cũng giống như mong ước của Nguyễn Trãi sau này: vui sướng khi được trở về Côn Sơn, về với quê cũ núi xưa để thả hồn mình vào thông xanh, núi biếc “ làm nhà dưới mây, múc nước suối pha trà, gối đầu lên đá mà ngủ” ( Côn Sơn ca). Ở đó con người được hoàn toàn tự do, được hòa mình vào thiên nhiên, với những thú vui tao nhã: khi thưởng rượu, khi uống trà. Tác giả Trần Quang Khải đã dẫn dắt người đọc bước vào thế giới tâm hồn của con người thời trung đại. Họ không chỉ là con người mang trong mình ý chí hào hùng, lòng quyết tâm sắt đá của những tráng sĩ từng xông pha trận mạc, họ còn mang trong mình tâm hồn trong sáng, thanh cao của một thi nhân biết rung cảm thiết tha trước thiên nhiên, cuộc đời. Thế nhưng con người ấy dù vui hưởng an nhàn vẫn luôn canh cánh thường trực trong lòng ý thức trách nhiệm đối với đất nước:
Trông về phía Nam không có báo hiệu giặc đến
Thảnh thơi trên giường yên tâm với giấc mơ riêng
Đến câu thơ kết ta chợt nhận ra rằng sự thảnh thơi , yên lòng mà ông có được chỉ khi đất nước được thái bình, non sông sạch bóng quân thù. Con người ấy dù đã hoàn thành sứ mệnh của đấng một nam nhi nhưng chưa bao giờ quên trách nhiệm của mình với non sông, vẫn giữ trong lòng một tâm thế sẵn sàng cống hiến vì nghĩa lớn. Và những phút giây thảnh thơi yên giấc trên giường nhỏ nơi chốn điền viên là một niềm hạnh phúc vô cùng chân thật, giản dị. Đó còn là niềm tin, là khát vọng của nhà thơ về nền thái bình thịnh trị của đất nước. Đó cũng là cái đẹp, là cốt cách thanh cao của con người thời đại nhà Trần.