foto1
Khoa Tiếng Việt
foto1
Khoa Tiếng Việt
foto1
Khoa Tiếng Việt
foto1
Khoa Tiếng Việt
foto1
Khoa Tiếng Việt

+(084)0393.885.133
khoatiengviet@htu.edu.vn
Liên hệ



Khoa Tiếng Việt tổ chức thành công Đại hội chi bộ khóa VIII, nhiệm kỳ 2024 - 2027

Vào chiều ngày 01 tháng 11 năm 2024, Đại hội Chi bộ Khoa Tiếng Việt khóa VIII, nhiệm kỳ 2024 – 2027, đã diễn ra thành công tốt đẹp tại phòng họp số 13, Nhà 15 tầng với sự tham gia 100% đảng viên là giảng viên trong Chi bộ. Đặc biệt là sự có mặt của Đ/c Tống…

Lễ tổng kết khóa học tiếng Việt 2023-2024 cho lưu học sinh Lào K16

Chiều 24/10/2024, Trường Đại học Hà Tĩnh đã tổ chức Lễ tổng kết khóa học tiếng Việt cho…
Default Image

Những điểm tương đồng và khác biệt về địa lý, lịch sử, quan hệ ngoại giao và ngôn ngữ giữa hai nước Việt - Lào

I. Đặt vấn đề Quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh xây…
Default Image

Một số đóng góp của Hoàng Giáp Lê Tuấn trên lĩnh vực văn học, sử học và quân sự trong lịch sử Việt Nam nửa cuối thế kỷ XIX

Hà Tĩnh là một vùng đất có bề dày lịch sử - văn hóa. Do những đặc điểm riêng về vị trí…
Default Image

Vấn đề định hướng xây dựng kế hoạch học tập môn Ngữ Văn cho học sinh lớp 10 đáp ứng yêu cầu Giáo dục

Học tập là một kế hoạch xuyên suốt và yêu cầu quá trình thực hiện phải nghiêm túc và bài…
Default Image

Vấn đề định hướng xây dựng kế hoạch học tập môn Ngữ Văn cho học sinh lớp 10 đáp ứng yêu cầu Giáo dục

Học tập là một kế hoạch xuyên suốt và yêu cầu quá trình thực hiện phải nghiêm túc và bài…

“Mùa chim” – Tập thơ hay viết cho thiếu nhi của Nguyễn Ngọc Phú

Bạn đọc không chỉ biết đến Nguyễn Ngọc Phú – một cây bút thẩm bình thơ sắc sảo mà còn ấn tượng bởi sự thành công của anh qua những tập thơ, những trường ca giàu tâm trạng, lắng sâu suy tưởng và khắc khoải bao nỗi niềm nhân tình thế thái. Gần đây với sự ra mắt tập thơ “Mùa chim”, Nguyễn Ngọc Phú lại gây bất ngờ về sự hóa thân vào thế giới trẻ thơ hồn nhiên, trong sáng, diệu kì như anh đã từng khao khát “Mai ngày tìm lại cánh đồng tuổi thơ/ Tuổi gập vào lưng, cau làm gậy chống/ Ngước lên trời cao nhìn vào đất thẳm/ Lắng nghe tiếng dế ăm ắp hồn mình…” (Cánh đồng tuổi thơ).

Quả thật, không phải ai cũng có khả năng viết cho trẻ bằng con mắt trẻ. Người sáng tác cho thiếu nhi phải thực sự hòa nhập với cuộc sống trẻ thơ, sống hết mình với tuổi thơ mới có thể tạo ra được sự cộng hưởng và mang lại sự thành công cho tác phẩm. Chính vì sống và viết bằng trái tim yêu trẻ đã giúp Nguyễn Ngọc Phú viết nên “những bài thơ nho nhỏ” như “ những ô cửa xinh xinh” song lại mở ra những ô trời xanh để các em đón thanh âm, hương sắc của cuộc sống đất trời, vạn vật.

“Mùa chim” dành cho lứa tuổi nhi đồng vì vậy nhân vật chủ yếu là các loài vật, cỏ cây, đồ vật... rất quen thuộc trong cuộc sống hàng ngày của các em. Thực ra, những nhân vật này hiện diện trong hầu hết các sáng tác của những nhà thơ viết cho thiếu nhi và có không ít người đã khẳng định được tài năng của mình. Thế nhưng với sự hòa quyện giữa mạch thơ của truyền thống và thế giới tuổi thơ tươi mới, “Mùa chim” vẫn có sức lôi cuốn và tạo được dấu ấn riêng trong lòng bạn đọc.

Trước hết nói về phương diện giá trị nội dung. Võ Quảng - nhà thơ thân thuộc của các bạn nhỏ từng cho rằng “Người viết cho thiếu nhi là một nhà văn nhưng đồng thời cũng là một nhà giáo”. Điều đó đã chứng tỏ ông rất đề cao chức năng giáo dục của văn học thiếu nhi. Trong “Mùa chim”, chức năng này có khi lắng đọng ở những câu cuối, hoặc đoạn cuối bài thơ song phần lớn thường được đan cài một cách kín đáo vào cảm xúc, hình tượng và chức năng thẫm mĩ…

Tập thơ là một vốn tài liệu sống động về thế giới tự nhiên. Bằng khả năng quan sát tinh tế, sự hiểu biết sâu sắc và cách thể hiện sinh động, sáng tạo, Nguyễn Ngọc Phú đã dẫn các em đến với nhiều không gian quen thuộc nhưng lại khám phá bao điều vô cùng mới lạ, hấp dẫn. Thế giới bỗng trở nên mới lạ, kì thú từ chính những điều gần gũi, thân thuộc xung quanh chúng ta. Từ những kinh nghiệm dân gian, tác giả đã giải mã sự phản ứng của cỏ cây, loài vật trước sự chuyển mình của đất trời bằng hình ảnh thơ quen thuộc nhưng giàu nhịp điệu, cảm xúc giúp các em dễ nhớ, dễ nhận biết các hiện tượng tự nhiên để ứng dụng vào cuộc sống:“Trời đang lặng gió/ Mây nổi tê tê/ Khớp xương bà nhức/ Hình như bão về// Bắt đầu Kiến Lửa/ Gánh gió leo rào/ Chuồn Chuồn rối rít/ Từng đàn lượn chao/Em tìm mắt bão/ Dấu ở chỗ nào/ mà sao cây cỏ/ Biết trước bão vào” (Mắt bão). Ngòi bút Nguyễn Ngọc Phú giống như kính vạn hoa khi miêu tả thế giới loài vật, cỏ cây, hoa lá… đáp ứng sở thích ưa  khám phá, hiểu biết của tuổi thơ. Thật thú vị khi chúng ta chiêm ngưỡng những hình ảnh phác họa sinh động về các bộ trang phục đa phong cách, đa màu sắc, kiểu dáng của con người và vạn vật:“Cơn mưa mặc áo tơi/ Bằng đám mây màu xám/ Gặp ngày nắng trải phơi/ Áo tơi thành lụa trắng// Mưa bóng mây áo ngắn/ Cơn mưa bão áo dày/ Mưa ngâu thì áo mỏng/ Áo dài mưa bụi bay// Áo khoác hờ qua vai/ Cơn mưa rào đỏng đảnh/ Bỗng rùng mình chợt tạnh/ Quên cả cúc không cài”(Cơn mưa mặc áo). “Cây mặc áo lá/ Mẹ mặc áo tơi/ Mây mặc áo gió/ Choàng xanh da trời/ Quả đồi mặc cỏ/ Cánh đồng mặc rơm/ Dòng sông mặc nước/ Thuyền trôi mặc nước/ Em ngồi xâu chỉ/ Bà mặc tuổi già” (Áo). Đến với khu vườn của tuổi thơ trong “Mùa chim”, tâm hồn như được rộng mở để giao hòa với âm thanh, màu sắc, hương thơm của muôn vàn cỏ cây, hoa lá. Các loài quả, loài hoa như đang  bừng lên sự sống, ngào ngạt tỏa hương, khoe sắc đã phả vào cảm xúc người đọc tình yêu thiên nhiên tha thiết: “Quả Hồng như chiếc đèn lồng/ Xù gai quả Mít, bềnh bồng bóng bay/ Quả Na mắt nhắm ngủ ngày/ Quả Dưa lăn lóc, sum vầy Chuối Tiêu/ Chôm Chôm là quả lắm điều/ Thị vàng không ngủ cứ kêu: nóng lòng” (Quả); “Hoa Hồng ủ nắng vào trong/ Dạ Hương ngày ngủ đêm vòng tảo hương/ Mặt trời mọc phía Hướng Dương/ Hoa Quỳnh thức giấc trong vườn nửa đêm/ Mười giờ đến hẹ lại lên/ Ước gì Dâm Bụt phép tiên hiện về”(Hoa)… Tất cả như đang chào đón, mời gọi. Mùa hạ rộn rã với dàn hợp xướng ve sầu, bản hòa tấu đồng ca của lũ Dế; mùa thu thơm nồng hương quả; mùa đông “Cải cuộn tròn khoe rét/Vườn thêm nhạt cánh hoa” (Rét), “Nước nổi màu bồ hóng/ Không nấu vẫn bốc hơi/ Hay mùa đông giấu lửa/ Sau màu tro da trời” (Mùa đông)… Đọc những bài thơ anh viết về thiên nhiên tôi hoàn toàn đồng ý với ý kiến của nhà thơ Phạm Hổ khi bàn về sáng tác thơ cho thiếu nhi “Thiên nhiên là hiện thân của cái đẹp, bằng chính cái đẹp thiên nhiên dạy cho ta yêu cái đẹp, bằng chính sự phong phú, thiên nhiên gợi cho ta nên có cuộc sống phong phú về vật chất và tinh thần”.

    Qua nhiều bài thơ nghộ nghĩnh, vui tươi mô tả cuộc sống nhộn nhịp như ngày hội của loài vật, tác giả muốn các em được hòa mình vào không khí, niềm say mê lao động để thêm yêu cuộc sống. Đó là chị cào cào  may áo (Cào cào may áo), chú chuồn kim xâu chỉ (Hoa nắng), chị cua càng  thổi xôi …/ Tép chuyên nhóm lửa/ Bà Sam dựng nhà/ Tôm đi chợ cá/ Cậu Ốc pha trà…(Cua càng thổi xôi),  “Thập thò Chuồn Lửa/ Nhóm bếp cho bà/ Chuồn Voi cõng bão/ Qua mây mỡ gà// Nhóng nhánh Chuồn Ớt/ Nhấm khói cay cay/ Chuồn Kim thì bận/ Vá may suốt ngày// Lim dim Chuồn Đá/ Ngủ gật bờ ao/ Giật mình tỉnh giấc/ Gánh cơn mưa rào.”(Chuồn chuồn), “Cỏ lác thì dệt chiếu/ Cỏ may ham thêu thùa/ Cỏ gấu làm vị thuốc (Cỏ); Mùa gặt chim bay về/ Lượn theo vòng lưỡi hái/ Tìm hạt lép trong rơm/ Nhặt hạt vàng rơi vãi…/Nhặt những gì bỏ sót/ Sau no ấm mùa màng (Mùa chim)….

  Nhiều học bài học toát lên từ hình tượng thơ giàu ẩn dụ, biểu trưng, liên tưởng gợi cho các em nhiều suy nghĩ để ngày một lớn khôn. Từ hình ảnh “Một mình - một bóng/ Nghiêng ngả lượn vòng/ Lái thuyền lướt thẳng/ Không hề uốn cong” các em cảm nhận được sự mạnh mẽ, kiên cường của cây buồm khi lái con thuyền vượt qua bao sóng gió giống như những người dân lao động bền bỉ của làng biển. Từ những hình ảnh hàm ẩn nhiều ý nghĩa: “Cây rơm không có lá/ Nở một giấc mơ vàng/ Cọng rơm gầy gò quá/ Nuôi chín bao mùa màng/ Dáng cây rơm nghĩ ngợi/ Bao vất vả đi qua/ Cho mùi cơm gạo mới/ Thơm tỏa lan trước nhà/ Ngày ủ bóng cho gà/ Đêm quây thành nệm ấm/ Cho giấc mơ của em/ Thơm mật ong đồng ruộng/ Đầu đội chiếc nồi đất/ Xương sống: cọc - tre - vườn/ Cây rơm nuôi bếp lửa/ Qua bao mùa bão dông” (Cây rơm), trẻ thơ nhận thức được muốn có cuộc sống ấm no, hạnh phúc phải trải qua bao vất vả, nhọc nhằn, siêng năng, chịu khó… để rồi càng thêm yêu quý, trân trọng người dân lao động. Từ những cánh võng tre, võng đay, võng dù gắn bó với tuổi thơ của bé, gắn với tình yêu thương của ông bà, cha mẹ đã gợi các em liên tưởng đến hình dáng những chiếc võng khác trong thế giới vạn vật để rồi đặt ra câu hỏi vừa bất ngờ vừa xúc động“Bao nhiêu cánh võng/ Đều mắc hai đầu/ Lưng bà võng xuống/ Biết mắc vào đâu” (Võng). Bao cảm xúc và suy ngẫm lắng sâu ở cách kết thúc bỏ ngỏ này. Câu hỏi sẽ được trả lời bằng chính tấm lòng, tình yêu thương các em dành cho người bà yêu quý của mình.

Với tập thơ “Mùa chim”, Nguyễn Ngọc Phú đã có nhiều tìm tòi, sáng tạo trong nghệ thuật thể hiện phù hợp với tâm lí trẻ thơ.

Trẻ em vốn có khả năng kì diệu là luôn diệu kì hóa thế giới xung quanh. Vì vậy, thơ Nguyễn Ngọc Phú đã đi tìm cái linh hồn ảo diệu của thiên nhiên, tạo vật qua sự sống của chính con người. Các hình thức tu từ: nhân hoá, so sánh, ẩn dụ, tượng trưng… được tác giả sử dụng tối đa và tạo nên không ít sự độc đáo, mới mẻ. Mỗi sự vật bình thường, vô tri, vô giác đã được nhà thơ thổi vào hơi thở của sự sống của con người lấp lánh vẻ đẹp lung linh, kì diệu, gợi mở trí tưởng tượng của trẻ thơ.              

Đó là thế giới động vật, thực vật được nhà thơ gọi bằng những cái tên hết sức thân mật, gần gũi, thân thiết với trẻ như ông Dã Tràng, bà Sam, cậu Ốc, chú Chuồn Kim, chàng Châu Chấu, chị Cào Cào, cô Cua Càng... Đặc biệt ở những bài thơ có sự sáng tạo ở phương diện ngôn từ như Hoa nắng, Cơn mưa mặc áo, Quả đêm, Quả trăng, …có nhiều hình ảnh được "lạ hóa" trong những liên tưởng bất ngờ, thú vị mở ra không gian tươi mới, hấp dẫn, ngộ nghĩnh, sinh động tràn âm thanh, hương thơm và màu sắc chỉ cảm thấy mà không sao chạm được, nhìn được: “Nắng sàng qua mắt lá/ Chấp chới nở thành hoa/ Chú Chuồn kim xâu chỉ/ Thêu nắng lên mái nhà” (Hoa nắng); “Mầm nắng vươn tí tách/ Khuông nhạc hóa rãnh cày/ Nắng như gà mổ thóc/ Em nhặt về ươm cây” (Tuổi cây);  “Mỗi tháng một rằm/ Trăng tròn má bé/ (Gọi Trăng bằng ông/ Bé thường thích thế!)/ Đầu tháng giống lá/ Cuối tháng trổ mầm…/ Trung thu phá cỗ/ Nhìn lên vòm trời/ Quả Trăng nhả hạt/ Thành ngàn Sao rơi” (Quả Trăng); “ Chùm đèn trong phố nhỏ/ Chín không bao giờ mềm/ Quả thức khi em ngủ/ Mới gọi là: Quả đêm” (Quả đêm).  Có đôi khi một chớp lóe trong khoảnh khắc sáng tạo đã giúp Nguyễn Ngọc Phú chạm khắc hình dáng, tư thế, hoạt động của người dân lao động miền biển bằng tạo hình bằng ngữ nghĩa rất thú vị“Giống như một chú Cào Cào/ Người đi cà kheo dưới nước/ Chiếc vó thùng thình vớt ruốc/ Hình như vớt cả chiều lên” (Biển). Và còn có thể kể thêm rất nhiều những bài thơ sử dụng các biện pháp tu từ một cách khéo léo, tinh tế vừa gần gũi, thân quen, vừa mới lạ, bất ngờ như Biển và mặt trời, Mùa đông, Cây rơm,… Đọc “Mùa chim”, chúng ta nhận thấy giữa thế giới trẻ thơ và thế giới muôn loài có một mối tương giao xúc cảm vừa kì lạ vừa đáng yêu biết bao. Có thể nói nhà thơ đã rất thành công khi nhập vai em bé để miêu tả  thiên nhiên vạn vật bằng các giác quan và trái tim yêu thương của mình.

Trong “Mùa chim”, hình thức hỏi - đáp xuất hiện khá nhiều như là một phương tiện nghệ thuật để nhà thơ phản ánh tâm lí, tâm hồn, tư duy và tình cảm của trẻ. Quan sát thế giới xung quanh, trẻ em vẫn thường đặt ra những câu hỏi vì sao, sao lại thế... thậm chí có những câu hỏi hết sức hồn nhiên, ngô nghê nhưng vẫn rất đáng yêu. Điều đó cũng thể hiện sự nắm bắt tinh tế những nét tính cách đặc trưng và hệ quả tất yếu của nhu cầu ham khám phá, hiểu biết ở lứa tuổi nhi đồng. Thực ra, hình thức hỏi - đáp không phải là sáng tạo riêng của Nguyễn Ngọc Phú bởi nó được sử dụng nhiều trong thơ viết cho thiếu nhi. Đóng góp của anh là ở chỗ đã sử dụng thành công để tạo ra những bài thơ hay và lồng chứa trong đó những thông điệp nghệ thuật :  Bà ơi sao cây Gạo/ Lại mọc giữa đồng ta/ Tháng ba hoa Gạo đỏ/ Rụng cánh vào phù sa/ -  Gạo không làm ra lúa/ Tỏa bóng rợp cánh đồng/ Che thợ cày thợ cấy/ Giữa nắng trưa oi nồng...”(Cây gạo)...  Ở tập thơ này, nhà thơ thường sử dụng một vế tạo câu hỏi, chỉ hỏi chứ không đáp. Đó là một dạng câu hỏi tu từ, một biện pháp nghệ thuật để tâm tình, trò chuyện, trao đổi để cùng các em khám phá bao điều bí ẩn, lí thú về tên gọi, đặc điểm, chức năng, hoạt động… của thế giới loài vật, cỏ cây: “Sao gọi là sao chổi/ Quét gì ở trên trời” (Sao); “Cỏ có tên cỏ Mật/ (Có nấu kẹo được không?) (Cỏ); “Quả cau có tai đâu/ Sao gọi là Cau điếc// Quả bí không nhọn sắc/ Lại gọi là Bí đao// Mèo có phải quả đâu/ Sao gọi là mèo mướp” (Hỏi);...  “Cá Chuồn có cánh đâu/ bay là là mặt nước/ …Cá Ngựa chẳng có bờm/ Ăn phù du thay cỏ/ Không biết hỏi: đâu đâu/ Vẫn gọi là cá Chó!/ Chẳng rù rì mờ tỏ/ Sao gọi là cá Ong/… Chọn bạn chơi thân thiết/ Sao lại gọi cá Lầm/ Mắt cá mọc ở chân/ Nhắc em đi khỏi lạc” ().  Ngọn đèn Đom Đóm kỳ lạ quá thôi/ Trong mưa càng sáng/ Nháy mắt liên hồi/ Bão to không tắt/ Nhấp nháy hàng mi/ Đom Đóm tài thật/ Hỏi thắp bằng gì? (Ngọn đèn Đom Đóm). Phải sống bằng chính cuộc sống của các em, phải suy nghĩ theo lối suy nghĩ của các em thì Nguyễn Ngọc Phú mới tạo ra được những câu hỏi ngỗ nghĩnh, trẻ thơ đến vậy. Có thể nói anh đã thổi vào những khúc đồng dao hơi thở mới đầy sáng tạo thú vị, hấp dẫn.  

  “Mùa chim” còn tạo được sự bất ngờ, hứng thú bởi những chi tiết hồn nhiên, ngộ nghĩnh, hóm hỉnh, thông minh. Thật lí thú khi các phụ tùng của chiếc xe đạp bỗng biến thành bữa ăn ngon lành: “Nào bắt đầu rán bánh/ Mỡ phồng căng đáy nồi/ Bánh đựng bằng gì nhỉ?/ Đĩa đây rồi bạn ơi// Gắp hành bằng đũa nhé/ Thêm xúc xích ăn kèm/ Cá cứ kêu: chép! chép!/ Khô dầu là cháy nhem// Hoá ra chiếc xe đạp/ Bỗng biến thành bữa ăn/ Bạn ơi đừng sốt ruột/ Món cuối cùng là... tăm”(Bữa ăn: chiếc xe đạp).  Những thắc mắc hết sức tinh nghịch, ngộ nghĩnh “Tóc bà thì bạc trắng/ Sao tóc đèn lại đỏ/ Đèn kêu: Tớ ấm đầu!” (Tóc đèn);   “Ô hay ngọn lửa/ Kéo được tàu đi/ Về thăm bà ngoại/ Chẳng thấy nóng gì?” (Đi xe lửa); “Nước nổi màu bồ hóng/ Không nấu vẫn bốc hơi/ Hay mùa đông giấu lửa/ Sau màu tro da trời”(Mùa đông); tại sao mọi người vẫn thường gọi là ve sầu, nhưng  “...Dàn đồng ca mùa hạ/ Ve lĩnh xướng mở đầu/ Vít hoa vào thành quả/ Ve chẳng bao giờ sầu” (Ve sầu mùa hạ);…không chỉ cho thấy những phát hiện độc đáo của một trí tưởng tượng phong phú, mà còn thể hiện sự gắn bó và  yêu thương của tác giả dành cho trẻ thơ.

Mùa chim”  chính là vẻ đẹp tinh khiết, trong trẻo, hồn nhiên của thế giới trẻ thơ trong sự hòa điệu với thế giới tự nhiên lấp lánh muôn sắc màu. Không những thế, tập thơ còn là chiếc chìa khóa để mở rộng cánh cửa tâm hồn của những bạn đọc nhỏ tuổi, đồng thời mở ra cánh cửa “ngôi nhà tuổi thơ” trong kí ức người lớn. Phải khẳng định rằng tập thơ có rất nhiều câu thơ, bài thơ đã khơi mở, kích thích trí tưởng tượng, cảm xúc trong trẻo và gợi mở  nhiều bài học ý nghĩa cho thiếu nhi. Tuy nhiên, vẫn còn một số câu thơ ở trong một số ít bài thơ khiến người đọc có cảm giác tác giả đã đứng ngoài tuổi thơ để viết về tuổi thơ. Độc giả mong anh tiếp tục cuộc hành trình trở về tuổi thơ ở những tập thơ tiếp theo để phản ánh chân thực, sinh động, đa chiều hơn nữa cuộc sống của trẻ em hiện nay, đồng thời lồng vào đó những bài học nhân sinh nhẹ nhàng, tự nhiên, nhưng vô cùng thấm thía và sâu sắc. Chúng ta vẫn chờ đợi điều đó, song với sự hiện diện của “Mùa chim”, phải khẳng định rằng tập thơ không chỉ làm phong phú thêm thơ Nguyễn Ngọc Phú mà còn là sự đóng góp không nhỏ của anh vào mảng văn học thiếu nhi nói riêng và thơ ca Hà Tĩnh đương đại nói chung.

 

 

 

 

 

 

 

 

Sinh viên tiêu biểu



Copyright © 2024 Copyright Khoa Tiếng Việt - Trường Đại học Hà Tĩnh Rights Reserved.