Chúng ta đã từng biết đến Giả Đảo (779-843), thi sĩ đời Đường - Trung Quốc, qua giai thoại "thôi, xao" nổi tiếng trong văn học. Ông làm thơ khá nhiều nhưng do quá say sưa với việc gọt dũa từng câu chữ, có khi tới mức cầu kì, bí hiểm vì thế khó đi vào lòng bạn đọc. Tuy nhiên, bên cạnh đó có một số bài rất giản dị song ý nghĩa nhân sinh rất sâu sắc."Độ Tang Càn" (qua sông Tang Càn) là một thi phẩm tiêu biểu.
"Khách xá Tinh Châu dĩ thập sương,
Quy tâm nhật dạ ức Hàm Dương.
Vô đoan cánh độ Tang Càn thuỷ,
Khước vọng Tinh Châu thị cố hương."
Dịch nghĩa:
Làm khách trọ ở Tinh Châu đã mười thu,
Lòng muốn về quê, đêm ngày nhớ đất Hàm Dương.
Bỗng dưng lại sang sông Tang Càn,
Ngoảnh nhìn Tinh Châu, lại thấy như là quê cũ
Dịch thơ:
Tinh Châu đất khách trải mười hè,
Hôm sớm Hàm Dương bụng nhớ quê.
Qua bến Tang Càn, vô tình nữa,
Tinh Châu ngoảnh lại đã thành quê.
(Tản Đà dịch)
Cảm xúc, tâm trạng của nhân vật trữ tình trong bài thơ này khiến tôi liên tưởng đến hai câu thơ nổi tiếng của Chế Lan Viên:
"Khi ta ở chỉ là nơi đất ở
Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn"
(Tiếng hát con tàu)
Từ tình huống chiêm nghiệm trong đời, hai nhà thơ đã tạo nên tình huống chiêm nghiệm trong thơ. Tuy thời gian sống nơi "quê người" đã mười năm, khoảng thời gian khá dài nhưng Giả Đảo vẫn cảm thấy Tinh Châu chỉ là "đất khách''. Cùng chung tâm trạng ấy, Chế Lan Viên chân thành thổ lộ: "Khi ta ở chỉ là nơi đất ở". Và có lẽ sẽ mãi như vậy nếu không có thời khắc "qua sông Tang Càn" hay "khi ta đi". Khoảnh khắc đó như chiếc bản lề khép mở hai thế giới tâm trạng. "Qua sông" rồi "ngoảng lại nhìn", thi sĩ - nhà sư Giả Đảo chợt đốn ngộ "Tinh Châu là cố hương". Một lần nữa chúng ta lại bắt gặp sự bừng sáng của nhận thức trong câu thơ Chế Lan Viên "Khi ta đi đất bỗng hoá tâm hồn". Điều đó đánh dấu một sự đột biến, một chất mới của cảm xúc, thể hiện sự bừng tỉnh của tâm hồn nhà thơ và "đánh thức" người đọc. Nhưng chắc chắn rằng nếu không có thời gian dài gắn bó với "đất khách" thì không thể có sự chuyển hoá tâm hồn kì diệu như vậy. Bởi, đó là thời gian và khoảng cách giúp con người nhận thức được sâu sắc quy luật tình cảm trong đời sống tâm hồn. Từ những tình cảm nhớ thương về miền đất đã từng sống, hai nhà thơ đã nâng cảm xúc lên thành một triết lý về mối quan hệ giữa con người với cuộc sống vừa cảm động vừa lắng sâu suy tưởng. Những gì quanh ta rất bình thường, giản dị bởi thế tâm lí con người thường không thỏa mãn với cái mình đang có. Thế nhưng, khi khi xa rời tất cả sẽ trở nên gần gũi, yêu thương đến vô cùng. Có lẽ thông điệp mà hai nhà thơ muốn gửi gắm đến chúng ta là phải sống gắn bó hết mình để những miền đất dẫu xa lạ cũng trở nên thân thiết như quê hương - nơi "chôn rau cắt rốn" của mỗi con người. Bởi, đó là thứ tình cảm cao quý, thiêng liêng, là điểm tựa tinh thần khiến chúng ta yêu biết bao cuộc sống này. Ý nghĩa hàm chứa trong ngôn ngữ rất kiệm lời của một bài thơ tứ tuyệt Đường luật của và hai câu thơ mười bốn chữ thật sâu sắc.
Sự gặp gỡ trên chắc chắn sẽ khiến cho nhiều độc giả đặt câu hỏi: phải chăng bài thơ "Qua sông Tang Càn"đã góp phần gợi ý cho Chế Lan Viên sáng tạo hai câu thơ nổi tiếng? Điều đó không phải không có lí bởi "có thể nói không một nhà thơ lớn Việt Nam nào lại không mang một món nợ ít nhiều sâu nặng với thơ Đường". Nhưng rất có thể đấy là "duyên" gặp gỡ rất tình cờ trong thi ca? Bởi cảm thức trên lại là tâm lí phổ biến trong đời sống tình cảm con người. Điều quan trọng nhất ở đây bằng ngòi bút tài hoa, Giả Đảo và Chế Lan Viên, mỗi nhà thơ với mỗi cách thức thể hiện đầy sáng tạo đã nêu lên qui luật tình cảm nhân sinh, đánh thức người đọc suy ngẫm bao điều về chân lí đời sống.
----------------------------------------------------
Tài liệu tham khảo
1. Thơ Đường tập I, Nam Trân tuyển chọn, NXBVH, H.1987
2.Văn 12, Phần văn học Việt Nam, NXBGD, 2006