Bài thơ có nhiều tầng nghĩa: Tôi lặng bước dưới cây: Thi ảnh “cánh buồm” gợi hình ảnh con người ra đi giữa biển đời rộng lớn, ngày sinh nhật cánh buồm trở về quê hương đi dưới hàng cây đất quê mừng mừng tủi tủi . “Lá rơi buồn bã/ Đất đón nhận những ân nhân của mình”, bao mất mát mà quê hương hứng chịu, không giữ được cho người ra đi những kỷ niệm vẹn tròn để rồi mặc cảm buồn bã trong ngày gặp mặt!
Đi dưới Cây
Hữu Thỉnh
Tôi lặng bước dưới cây
Sinh nhật của cánh buồm
Lá rơi lá buồn bã
Đất đón nhận những ân nhân của mình
Tưng bừng rồi ăn hết
Từng tốp từng tốp gió
Kéo qua tôi
Về thăm những thân rùa đội hạc
Về thăm trong đầm một bông sen
Về thăm cuốc cày than thở
Tôi lặng bước dưới cây
Chiều đã làm tan chợ
Những lời ngon ngọt bày bán khắp nơi
Con chim đói phải bay về mùa cũ
Tôi lặng bước dưới cây
Hồi hộp với món quà lạ mặt
Cô đơn đầy đường không ai thèm nhặt
Ngõ đứng trông người...
Dào lên hình ảnh quê hương thân yêu qua từng ngọn gió: thân rùa đội hạc, cuốc cày than thở, trong đầm một bông sen…những hình ảnh đã làm kén trong tim bao người xa quê nay mong gặp lại. Thi tứ thứ nhất khép lại trong nỗi nồng nàn quê hương ngày “về thăm”.
Tôi lặng bước dưới cây, thi tứ thứ hai vẫn trên những bước đi lặng lẽ suy ngẫm:
Chiều đã làm tan chợ
Những lời ngon ngọt bày bán khắp nơi
Con chim đói phải bay về mùa cũ
Phiên chợ thị trường chiều bán mua đầy những lời “giả dối”, và bầy “chim đói” phải trở về mùa cũ. Nghèo đói và giả dối - ở một góc nào đấy của quê hương vẫn còn rơi rớt những tàn dư tha hóa…gieo nỗi buồn lên lòng người trở về.
Tôi lặng bước dưới cây, điệp khúc thứ ba, một thi tứ siêu thực:
Hồi hộp với món quà lạ mặt
Cô đơn đầy đường không ai thèm nhặt
Ngõ đứng trông người...
Món quà lạ nơi đất quê là nỗi cô đơn, cô đơn đầy đường, quá nhiều không ai thèm nhặt. Tác giả muốn về ngôi nhà nơi ngõ có người đang trông.
Tình quê cuả người đi xa về là chủ đề nổi, thứ nhất, chủ đề thứ hai là thông điệp triết học về thân phận con người . Con người “cô đơn trên trái tim quả đất” (Quovadis). Không phải thế giới và quê hương không ngập tràn niềm vui. Nhưng ở nhiều nơi, nhiều chỗ vẫn còn nhiều đau khổ, nơi mà trái tim trắc ẩn của tác giả nhận làm quê hương. Lòng nghiêng về nỗi đau của nhiều số phận, đó là cảm xúc nhân văn của nhiều tác giả trong thế giới tưởng như đầy hoan lạc này mà nhà thơ trong bài thơ lặp lại. Đi trong nỗi thiếu hụt của nhân loại cũng là đi trong thân phận mình, thân phận Người ! Trong thế giới đầy rẫy cái ác, nỗi cô đơn nhiều khi là biểu hiện của một tâm cảm nhân văn hướng thiện, hơn là sự a dua với niềm lạc quan- tha hóa.
Mối liên hệ nhân quả con người và tự nhiên, con người và xã hội, con người và thân phận mình, vừa gần gũi vừa chia cắt. Đó là cảm thức mới mẻ mà bài thơ chia xẻ thông qua các thi ảnh vừa thực vừa ảo, vừa ngoại cảnh vưà tâm linh… và một nhịp điệu thơ trầm tĩnh sâu lắng.
Bài thơ nặng phong cách Hữu Thỉnh: suy tư mà cảm động, đằm thắm, quen thuộc mà mới lạ: quen trong nền xúc cảm, lạ trong cách đặt vấn đề./.