Vần cũ
Ngô Minh
Ta về
Đêm cỏ kiếm tìm
Non tây khuyết chén
Đàn chìm nốt sương.
* *
*
Uống đi
Mấy kiếp đoạn trường
Rượu suông nhấp với
Tình suông ơ hờ…
* *
*
Nát nhàu
Vần cũ tờ thơ
Trăng treo phù phiếm
Gió chờ phù vân.
* *
*
Uống đi
Nghe rõ tiếng đàn
Nghe ta nằm với
Muôn vàn nín câm…
Đến với bài thơ “Vần cũ”, ta bắt gặp một hình thức thơ vừa quen vừa lạ, vừa hiện đại vừa cổ điển. Bài thơ được Ngô Minh cách tân trên nền của những vần thơ lục bát từ ngàn xưa để trở thành lục bát hiện đại – lục bát vắt dòng. Vì thế, chúng ta vẫn cảm nhận được âm hưởng gần gũi, thân quen của vần thơ dân tộc. Phải chăng đó cũng chính là ý tưởng trong chuỗi mạch cảm xúc của nhà thơ.
Để lí giải điều này, chúng tôi đã bóc tách lớp ngôn từ và bị cuốn hút bởi sự đa tầng nhiều nghĩa của bài thơ. Bài thơ bốn khổ, mỗi khổ bốn dòng, bốn dòng được ngắt ra từ một cặp lục bát. Sự ngắt dòng đó chính là sự cách tân trong diễn đạt để bộc lộ cảm xúc phức tạp của chính nhân vật trữ tình. Dù cách tân nhưng Ngô Minh vẫn giữ cách ngắt nhịp 2/2 ngắt nhịp chẵn của thể thơ lục bát, kéo bài thơ về gần với thể thơ truyền thống hơn. Ngoài ra, kiểu nhịp này theo quan niệm âm dương của Phương Đông là nhịp âm /âm - nhịp khuyết. Từ nhịp điệu đến hình ảnh ngôn từ, mọi thứ đều không trọn vẹn, đơn độc và lẻ loi “khuyết chén”, “rượu suông”, “tình suông”, “trăng treo”, “gió chờ”, “kiếm tìm”. Nhân vật trữ tình hiện lên với một tâm trạng đa phức, một cảm xúc phức tạp khó hiểu. Mở đầu khổ thơ là những mệnh lệnh cầu khiến:
“Ta về”...
“Uống đi”…
“Uống đi”…
kết hợp hàng loạt động từ “về”, “kiếm”, “tìm”, “chìm”, “khuyết”, “chìm”, “uống”, “nhấp”, “treo”, “chờ”, “nghe”, “nằm”, “nín”, “câm” trên tổng số năm mươi tám âm tiết, động từ dày đặc, đủ làm người đọc băn khoăn không biết nhân vật trữ tình đang trong thế giới thực hay ảo, đang say hay tỉnh, đang đối thoại hay độc thoại…. Góp phần tạo nên cảm giác đó còn có sự xuất hiện lấn át (2/3) của các âm tiết thanh bằng. Điều đó khiến bài thơ nghiêng hẳn sang một thứ âm mềm mại phù hợp diễn tả một không khí “lãng đãng” của một đêm trắng mộng nhiều hơn thực, hoài niệm, suy tư và kiếm tìm.
Bên cạnh đó, Ngô Mình còn sử dụng những từ ngữ, hình ảnh mang tính cổ điển, ước lệ tượng trưng trong văn học trung đại để một lần nữa người đọc liên tưởng đến một khía cạnh khác của cuộc sống đời thường, đó là tình yêu, tình bạn tri kỉ… Ngoài ra, “đêm”, “đàn”, “rượu”, “tình”, “trăng”, gió” là mô típ quen thuộc được dùng trong văn học trung đại, còn gợi lên hình ảnh những kẻ sĩ xưa khi cô đơn, họ thường xem trăng, rượu, đàn như những người bạn tri ân, tri kỉ để giãi bày nỗi niềm tâm sự được giấu kín . Vậy cuộc rượu trong “Vần cũ” là cuộc rượu của những kẻ sĩ xưa hay là cuộc rượu của sự hoài niệm về một cuộc tình …
Chung quy lại, dù tứ đã được gợi từ đầu “vần cũ” nhưng chúng ta vẫn thấy được rất nhiều ẩn ý trong bài thơ. “Vần cũ” có thể là vần nhịp của thể thơ lục bát truyền thống, là hành trình trở lại kiếm tìm những giá trị văn hóa của cha ông để lại, hay cũng có thể là sự hoài niệm cuộc tình đã qua. Chính sự đa tầng, nhiều nghĩa đã làm nên sức hấp dẫn của bài thơ.