foto1
Khoa Tiếng Việt
foto1
Khoa Tiếng Việt
foto1
Khoa Tiếng Việt
foto1
Khoa Tiếng Việt
foto1
Khoa Tiếng Việt

+(084)0393.885.133
khoatiengviet@htu.edu.vn
Liên hệ



Nếu ai đã từng đọc truyện ngắn "Những điều tốt lành nho nhỏ"- Raymond Carver khó có thể quên được cảm giác kì lạ, độc đáo trong truyện ngắn này. Với giọng văn tưng tửng, lạnh lùng, khô khốc đến tàn nhẫn, Raymond Carver đã gieo tâm trí người đọc một cảm giác lạnh lẽo, trống trải, thiếu vắng tiếng cười, thiếu vắng tình cảm ấm áp, thiếu vắng những bến bờ yêu thương của con người trong xã hội Hậu hiện đại nhưng ẩn chứa bên trong một triết lý nhân sinh sâu sắc...

         Raymond Carver là đại biểu xuất sắc của truyện ngắn Hậu hiện đại Mỹ theo khuynh hướng "Chủ nghĩa cực hạn"(2, 345). Truyện ngắn của ông hạn chế đến mức tối đa khả năng hư cấu, khả năng bao quát. Ông  gợi mở nhiều vấn đề, cho độc giả nhiều hướng suy nghĩ, nhiều cách tiếp cận khác nhau…

        Câu nói của nhà văn M.Liosa (Peru): "Vănhọcgiúpbạntrởnênnhạycảmhơn"

càng có ý nghĩa hơn với những ai từng đọc truyện ngắn của R.Carver.

      "Những điều tốt lành nho nhỏ" (1, 272) cũng như các truyện của R.Carver không đi vào những vấn đề lớn lao, gay cấn của thế sự, sự lãng mạn, thơ mộng của tình yêu, những xung đột của cuộc sống mà tập trung vào những vấn đề nhỏ nhặt của cuộc sống thường nhật. Nhưng thế giới đời thường  trong truyện của ông mang màu sắc bi quan và tuyệt vọng. Vợ chồng Homarrd - Ann Wess và cậu con trai Scotty sống rất đầm ấm, hạnh phúc… Bỗng nhiên, thảm họa giáng xuống gia đình họ, cậu bé Scotty bị tai nạn phải đưa gấp vào bệnh viện. Cậu bé rơi vào tình trạng nguy kịch và đã không qua được tai nạn hiểm nghèo. Số phận của con người thật mong manh, hạnh phúc của con người dường như không bao giờ trọn vẹn. Trong truyện ngắn này, R Carver đã chú trọng khắc họa thêm sự phi lý, nỗi bất an của con người. Trong thế giới Hậu hiện đại, tai họa có thể ập xuống, rơi vào bất cứ ai, bất cứ thời điểm, hoàn cảnh nào. Số phận của Scotty đáng thương như số phận của Franklin tội nghiệp bị chém trong bữa tiệc, cũng như số phận của G.Samsa bỗng nhiên bị biến thành con bọ cạp khổng lồ… Phản ánh sự bất an, nổi bất hạnh của con người không phải là điều mới mẻ trong văn học, nhưng cách thể hiện ở các tác giả khác nhau. Kafka đã từng đề cập đến vấn đề này, nỗi bất an, sự phi lý - nó đeo đẳng, bám riết lấy con người, có khi được chấp nhận như cái thường nhật (trong truyện ngắn  "Hang ô" "Biên dạng" ..) và không lý giải được vì sao. Còn đối với R .Carver để cho nhân vật biết nguyên nhân, nhưng không thể giải quyết được điều gì ? Rõ ràng, cậu bé Scotty bị xe húc và hai người lái xe đã sang số rồi lái đi, còn Frankkin một người nào đó đã chém nó mặc dù nó không gây gổ với ai … “nhưng thời buổi bây giờ điều ấy chẳng có ý nghĩa gì .Chúng tôi chỉ biết hy vọng và nguyện cầu "- ông bố Frankkin đã nói như thế. Phải chăng nền công nghiệp quá phát triển, khoa học kỹ thuật quá tăng tốc, con người quá tin tưởng vào những điều kỳ diệu của máy móc, của công nghệ khiến họ bị chai cứng, trở lỳ, giá lạnh tâm hồn  trước mọi vấn đề của cuộc sống? Và nguy hiểm hơn càng ngày họ càng thích ứng với điều đó.

Câu văn ông rút gọn đến mức tối đa, nhưng giàu sức biểu hiện vô cùng. Ông muốn thể hiện nhiều hơn những điều ông viết. Ban đầu, người đọc mơ hồ cảm thấy điều gì mờ ám, rất lạ trong hành động lời nói của bác sỹ Francis, cô y tá và đặc biệt là người làm bánh, người gọi điện thoại ở đầu dây bên kia. Nhưng càng đọc, ngẫm nghĩ, ta càng khám phá, thấu hiểu ra rất nhiều điều mới mẻ. “Những điều tốt lành nho nhỏ" vừa là nhan đề, vừa hàm chứa quan niệm sáng tác, triết lý nhân sinh của tác giả. Raymond Carver không phát biểu trực tiếp chủ đề của truyện mà thông qua hệ thống hình tượng giúp người đọc tự nhận ra điều tốt lành ấy. Tác giả đã xây dựng những tình tiết hiểu lầm, tạo cho người đọc sự bất ngờ. Chúng ta không  ngờ rằng một người làm bánh, có thái độ lạnh lùng, dửng dưng với bề ngoài thô ráp, không có nhu cầu trao đổi thông tin nhưng tận sâu trong cõi lòng lại ẩn chứa trái tim nhân hậu, giàu lòng vị tha . Howard và Ann vô cùng đau đớn trước tai nạn của con, tưởng chừng không vượt qua được cú sốc về tinh thần, họ đã hiểu nhầm hành động của người làm bánh,  họ rất giận giữ, phẫn uất  tưởng như có ngọn lửa đang cháy hừng hực trong lòng,  định gặp người làm bánh trả thù, nhưng khi gặp người làm bánh, thì mọi  việc hoàn toàn thay đổi. Sau những lời ăn năn, hối lỗi, người làm bánh đã mời hai vợ chồng ăn bánh và uống cà phê. Lời nói giản dị và hành động chân thành, nhiệt tình của người làm bánh làm cho vợ chồng Howard không thể từ chối được. Họ không phải rơi vào tình huống "thịnh tình nan khước" mà như bừng tỉnh sau cơn mê khủng khiếp. Họ ăn như chưa bao giờ được ăn vậy. Họ cần phải ăn để sống. Dù chỉ là sinh linh yếu đuối, cành cây xơ xác, hay là hạt cát bé nhỏ thì họ cũng cần tồn tại trong cuộc đời này. Triết lý nhân sinh của nhà văn vô cùng sâu sắc, giàu ý nghĩa đối với con người hiện đại. Con người không thể tránh khỏi nỗi đau, dù đó là nỗi đau tinh thần hay là nỗi đau vật chất. Trong xã hội Hậu hiện đại, con người biết đau nỗi đau của chính mình và đau nỗi đau của đồng loại; điều quan trọng hơn không thể gục ngã phải chiến thắng bản thân để tồn tại một cách có ý nghĩa… Phải chăng, đó cũng chính là triết lý của nhà văn? Là bản thông điệp xanh mà ông muốn gửi đến các độc giả!

 Phải là người có cảm nhận tinh tế, có sự trải nghiệm cuộc sống sâu sắc mới có thể khái quát một cách sâu sắc về nỗi đau vô biên của con người và khả năng chịu đựng kỳ lạ đến như vậy. Cuối tác phẩm là hình ảnh, "Dưới ánh sáng của đèn huỳnh quang, không gian tựa như ban ngày. Họ nói chuyện mãi cho đến rạng sáng, lúc những tia nắng yếu ớt xuyên qua ô cửa, mà không nghĩ đến chuyện chia tay". Thế giới bi quan và tuyệt vọng của nhà văn chỉ là "tia nắng yếu ớt " nhưng vẫn vô cùng có ý nghĩa, đó là Tình người -chút “tình” còn lại sau bao nhiêu mất mát, đổ vỡ của con người trong xã hội Hậu hiện đại. Đó cũng chính là những bến bờ yêu thương không thể để trôi đi trong bất cứ hoàn cảnh nào.

----------------------------------------------------

* Tài liệu tham khảo

            1. Tuyển tập truyện ngắn Hậu hiện đại -Lê Huy Bắc dịch -NXB VH, 2003.

            2. Chuyên luận văn học Mỹ - Lê Huy Bắc - NXB Đại học Quốc gia, 2004

            3. Tác giả tác phẩm văn học nước ngoài- Lưu Đức Trung-  NXBGD, 1992.

       

                                              ThS Trần Thị Anh Thư  -  Khoa SP Xã hội –Nhân văn

 



Copyright © 2024 Copyright Khoa Tiếng Việt - Trường Đại học Hà Tĩnh Rights Reserved.