foto1
Khoa Tiếng Việt
foto1
Khoa Tiếng Việt
foto1
Khoa Tiếng Việt
foto1
Khoa Tiếng Việt
foto1
Khoa Tiếng Việt

+(084)0393.885.133
khoatiengviet@htu.edu.vn
Liên hệ



Tôi không sinh ra ở Huế nhưng luôn mang trong mình niềm tự hào của một người con xứ Huế. Ba tôi là người Huế - một người Huế chính gốc toát lên từ giọng nói, cử chỉ và nhất là tâm hồn thuần hậu, nét ưu tư, thầm lặng. Ba tôi là bộ đội miền Nam tập kết ra Bắc, yêu rồi kết hôn với mẹ tôi và định cư ở một miền quê mới. Cuộc sống đầm ấm, vui vầy bên gia đình, làng xóm những tưởng sẽ làm ba nguôi ngoai nỗi nhớ quê nhà. Nhưng không, trong ánh mắt sâu thẳm của Ba tôi vẫn luôn đau đáu một nỗi niềm về quê hương.


Kí ức về Huế trong tuổi thơ tôi không có nhiều ngoài những câu chuyện Ba kể, những lời ru tha thiết, ngọt ngào của Ba:

Chiều chiều trước bến Vân Lâu

Ai ngồi ?

Ai câu ?

Ai sầu

Ai thảm ?

Ai thương ?

Ai cảm ?

Ai nhớ ?

Ai trông ?…

Và nhất là những món quà quê hương Ba vẫn thường mua cho tôi sau những lần về thăm quê. Tôi vẫn nhớ như in cái cảm giác đợi chờ Ba trở lại nhà sau mỗi lần về Huế bởi tôi biết thể nào trong chiếc ba lô cũ kĩ của Ba cũng có một vài tấm kẹo mè xửng, một ít bánh in - những món quà "đặc sản" của quê tôi.

Khi tôi tới tuổi đến trường, Huế đọng lại trong tôi không chỉ qua những câu chuyện ba kể mà còn qua những trang sách cô dạy, những bài hát tôi nghe. Rồi tôi bập bẹ tập theo lời bài hát: "Đã đôi lần đến với Huế mộng mơ. Tôi ôm ấp một tình yêu dịu ngọt, vẻ đẹp Huế chẳng nơi nào có được, nét dịu dàng pha lẫn trầm tư". Mỗi lẫn nghe những giai điệu ấy tôi lại cảm thấy tự hào về Huế vô cùng.

Ngày tôi nhận giấy báo vào Đại học, Ba tôi vừa vui vừa buồn. Vui vì tôi đã làm được nhiều hơn những điều ba tôi mong đợi khi đậu vào 3 trường Đại học trong đó có trường Đại học Luật Huế. Nhưng buồn vì đây là thời điểm bắt đầu những khó khăn cho cuộc sống của gia đình tôi. Ngày đó, với những học sinh chuyên Văn như chúng tôi, được học ở trường Tổng hợp Văn (nay là Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn) là một niềm mơ ước lớn. Bởi vậy dù anh chị có khuyên nhủ thế nào tôi cũng nằng nặc đòi ra Hà Nội để học trường Tổng hợp Văn. Ba tôi lặng lẽ trước mơ ước của tôi. Ba chỉ nói đúng một câu: "Ba muốn con học ở Huế vì khi con thiếu tiền mà ba mẹ chưa kịp gửi thì con có thể tới nhà bà con mượn tạm". Ba tôi là người như thế đấy. Ở ông, tôi luôn thấy được nét chân chất, mộc mạc, giản dị nhưng thẳm sâu của người Huế. Khi đó tôi chưa đủ lớn khôn để hiểu mình thật ích kỉ. Tôi xách va ly ra Hà Nội để rồi không chịu được nỗi nhớ nhà tôi lại trở về Trường Vinh.

Thật vui vì năm cuối Đại học, lớp chúng tôi được đi thực tế 2 tuần ở Huế. Chúng tôi đến Huế vào một buổi chiều mưa. Có tận mắt chứng kiến tôi mới hiểu thế nào là mưa Huế. Tôi tự hỏi sao mưa Huế lại dầm dề, lê thê đến thế. Và tôi thấy Huế thật buồn, giống như nét buồn thầm lặng phảng phất trên gương mặt ba tôi.

Những lần chúng tôi đi dạo bộ trên đường phố Huế, nhìn những người đạp xích lô mồ hôi ướt đầm vạt áo, những cô gánh hàng rong quẫy gánh hàng dưới ánh nắng gay gắt tôi lại thấy Huế thật chịu thương chịu khó. Và tôi lại thấy hình ảnh của Ba tôi. Cái dáng đạp xe còng còng của Bác xích lô sao giống dáng Ba tôi mỗi sáng sớm vẫn thức dậy nấu cơm cho chúng tôi ăn, hái những bó rau cho mẹ tôi mang ra chợ bán, gánh những gánh nước mát trong cho chúng tôi tắm khi trời đại hạn.

Một lần chúng tôi đi dạo, mãi ngắm cảnh đẹp phố Huế mà quên mất đường về. Chúng tôi ghé vào một quán nước bên đường hỏi thăm. Bà cụ bán nước chỉ đường cho tôi một cách tỉ mỉ, còn dặn thêm nếu không tìm thấy đường thì quay lại đây bà đưa về. Nhiều năm đã trôi qua nhưng hình ảnh bà cụ không một chút phai mờ trong tâm hồn tôi. Nghĩ về con người đó tôi như thấy yêu Huế hơn. Sự chân chất, mộc mạc, tốt bụng của bà cụ sao giống ba tôi đến vậy. Ngày đó ba tôi bị bệnh nặng tưởng chừng không qua nổi. Ba gọi mẹ và anh em tôi đến bên giường và chỉ dặn đúng một điều: "Nếu ba mất đi thì mẹ con đừng nuôi gà nữa". Ba tôi sợ khi không còn ba chăm lo, để ý, đàn gà nhà tôi sẽ sang phá vườn rau của nhà hàng xóm, rồi họ kêu la lại phiền cho mẹ con tôi. Chất Huế trong tâm hồn ba tôi là thế đấy. Cả đời ông sống thanh bần, đạm bạc, không bao giờ muốn làm phiền lụy đến ai.

Một ngày mưa rả rích, chúng tôi đến thăm những lăng mộ của các vị vua thời Nguyễn. Vẫn biết Huế là xứ sở của lăng mộ nhưng có tận mắt chứng kiến tôi mới thấm thía điều này. Các bạn tôi trầm trồ với lăng vua Tự Đức phong tình, lãng mạn; lăng vua Minh Mạng yên ả, thanh bình với cái dáng của một người đang nằm gối đầu vào dãy núi mà ngủ rất ngon lành; lăng Khải Định nguy nga, lộng lẫy. Riêng tôi nhìn những lăng mộ âm u nằm giữa những rừng thông u tịch tôi lại thấy nét trầm mặc, ưu tư của Huế. Phải chăng ở đó Huế có vẻ đẹp của "triết lý", của "cổ thi" mà nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường đã nhận ra trong bài tùy bút "Ai đã đặt tên cho dòng sông?".

Tôi chưa bao giờ nói với Ba rằng tôi yêu Huế nhưng thực sự trong tôi có một tình yêu rất sâu dành cho Huế. Tôi yêu và tự hào về Huế không phải vì đây là nơi có 2 di sản văn hóa thế giới mà đơn giản vì Huế là mnh đất người cha đáng kính của tôi đã được sinh ra. Nghĩ về Huế tôi lại càng thấm thía hơn những câu thơ của Đỗ Trung Quân:

Quê hương mỗi người chỉ một

Như là chỉ một mẹ thôi

Quê hương nếu ai không nhớ

Sẽ không lớn nỗi thành người

Khi tôi viết những dòng này Ba tôi đã ở một nơi rất xa. Dẫu vậy tôi vẫn luôn tin rằng ở nơi xa ấy, Ba sẽ hiểu lòng tôi.



Copyright © 2024 Copyright Khoa Tiếng Việt - Trường Đại học Hà Tĩnh Rights Reserved.