foto1
Khoa Tiếng Việt
foto1
Khoa Tiếng Việt
foto1
Khoa Tiếng Việt
foto1
Khoa Tiếng Việt
foto1
Khoa Tiếng Việt

+(084)0393.885.133
khoatiengviet@htu.edu.vn
Liên hệ



Miền tây xứ Nghệ trong trí tưởng tượng của nhiều người chỉ là một vùng núi cao với mùa đông lạnh lẽo, ẩm ướt và mùa hạ nắng nóng đến khô người. Nhưng nếu ai đã từng một lần đặt chân đến nơi đây hẳn sẽ không thể quên cái ân tình đậm sâu của non nước và con người xứ Nghệ.

Đến miền tây Nghệ An, ấn tượng đầu tiên là những con đường quanh co được bao bọc xung quanh là màu xanh mênh mông của núi rừng. Hai bên đường đi là những rừng thông bạt ngàn, là những đồi chè, bãi ngô trải dài ngút mắt. Vào mùa thu hoạch, những bắp ngô chín vàng được bà con nông dân hái về, tẻ hạt rồi phơi trên nong hay trên những tấm bạt lớn ngay giữa bãi ngô, trên sân gạch và trên cả những lối đi nhỏ. Màu vàng ươm của những bắp ngô hòa cùng màu vàng tươi của ánh nắng buổi sớm tạo nên một vẻ đẹp khó tả, chỉ nhìn thôi đã thấy tràn trề một mùa vàng no ấm.

 

Thác Kèm - một cảnh đẹp của miền tây Nghệ An

Vùng đất này từ lâu đã nổi tiếng với nhiều cảnh đẹp. Rừng quốc gia Pù mát là một trong những khu rừng nguyên sinh với nhiều loài thực vật và động vật quí hiếm. Đi giữa rừng cây vào một buổi chiều mùa hè ta có cảm giác mát mẻ và khoan khoái lạ thường. Không gian tĩnh lặng chỉ có tiếng suối chảy róc rách, tiếng gió thổi vi vu trên cao khiến lòng người trở nên nhẹ nhõm, lâng lâng. Sau khi đã dạo chơi ngắm cảnh và tắm suối thỏa thích, còn gì thú vị hơn là được ngồi trong một cái chòi nhỏ dựng ngay bên bờ suối để thưởng thức bữa cơm chiều. Bữa cơm dã ngoại không cần mâm bát cầu kì, những tấm lá chuối rừng được trải ra trên cái sạp nứa, mọi người ngồi quây quần xung quanh. Trên tấm lá chuối xanh mướt là những ống cơm lam được nấu bằng nếp nương, bát canh chua rau rừng nấu cùng cá suối, thịt gà rừng để nguyên con nướng trên bếp than hồng và không thể thiếu những quả ớt mọi cay xè sống mũi. Bữa cơm dân dã ấy làm người ta nhớ mãi cái hương vị đặc trưng, tinh túy của núi rừng mà dường như cái mát lành của cỏ cây, vị ngọt ngào của sông suối đã thấm vào vị giác. 

 

Đi thuyền trên sông Giăng

Với những người ưa thích cảm giác mạo hiểm, có thể thuê một chiếc thuyền nhỏ để bắt đầu chặng hành trình khám phá thác ghềnh sông Giăng. Con sông Giăng hiền hòa là thế nhưng càng đi sâu dòng sông càng chảy quanh co, uốn lượn với hàng trăm ghềnh đá mọc lên giữa dòng. Nhìn người lái đò chở khách vượt qua thác ghềnh sông Giăng tôi lại liên tưởng đến hình ảnh người lái đò trên sông Đà trong tùy bút của Nguyễn Tuân. Quả thật phải là người dạn dày sông nước và có tay chèo vững vàng lắm mới có thể lái con thuyền gỗ nhỏ bé vượt qua một chặng đường dài quanh co với bao mối hiểm nguy tiềm ẩn khó lường như vậy.

Miền tây xứ Nghệ không chỉ đẹp bởi cảnh sắc nên thơ, trữ tình mà còn là nơi có nhiều phong tục tập quán và truyền thống văn hóa đặc sắc. Tục ngủ thăm, tục cướp vợ của đồng bào dân tộc Thái vẫn còn lưu giữ đến ngày nay. Ghé thăm các bản làng chúng ta dễ dàng bắt gặp những cô gái Thái miệt mài giã gạo, dệt vải trước hiên nhà hay cần mẫn làm cỏ trên những rẫy mía, rẫy cam. Con người nơi đây sống chân chất, hồn hậu và mến khách. Dù là khách lạ hay khách quen, người dân sẵn lòng hái tặng bạn những sản vật trong vườn: chùm vải chín mọng, quả cam vàng ươm hay vài cây mía ngọt làm quà.

Đi chợ vùng cao cũng là một trải nghiệm thú vị. Chợ ở đây thường họp rất sớm, vào khoảng 5 giờ sáng. Trời còn mờ mờ tối, sương còn giăng kín khắp nơi nhưng phiên chợ đã rất đông người. Các bà các chị ai nấy đều hối hả đến chợ mua bán, trao đổi hàng hóa hay mua thực phẩm về tranh thủ chuẩn bị bữa sáng cho gia đình. Người miền núi thích ăn cơm ở nhà vì thế họ ít khi ăn sáng ở ngoài quán xá. Có lẽ vì lí do này nên chợ mới họp sớm như vậy. Hàng hóa ở chợ rất đa dạng nhưng chủ yếu là nông sản do người dân tự làm ra. Mùa nào thức nấy, mùa xuân thì có cam Xã Đoài, mùa hè có xoài Tương Dương, măng chợ Chùa, cá mát, cá lăng sông Giăng, đông đến thì có trám bùi, bắp chuối rừng, khoai sọ ... Những thức quà quê tưởng chừng như rất đỗi đơn sơ, giản dị ấy lại chứa đựng biết bao ân tình của người dân miền tây xứ Nghệ. Sẽ rất khó để diễn tả hết thành lời vẻ đẹp của “ một xứ Nghệ đất học, một xứ Nghệ nên thơ”, nhưng đối với tôi mỗi lần trở về đây là một lần được tự do khám phá khung cảnh núi rừng với những cảm nhận của riêng mình về tình người nồng ấm.



Copyright © 2024 Copyright Khoa Tiếng Việt - Trường Đại học Hà Tĩnh Rights Reserved.