foto1
Khoa Tiếng Việt
foto1
Khoa Tiếng Việt
foto1
Khoa Tiếng Việt
foto1
Khoa Tiếng Việt
foto1
Khoa Tiếng Việt

+(084)0393.885.133
khoatiengviet@htu.edu.vn
Liên hệ



Ca Trù là một loại hình nghệ thuật tổng hợp vừa đàn, vừa hát, vừa ngâm thơ …,  vừa mang tính dân gian, vừa mang tính bác học. Ở mỗi địa phương Ca Trù được gọi bằng các tên gọi khác như: hát Cửa đình, hát Nhà tơ, hát Cô đầu, hát Nhà trò, hát Cửa quyền …  Ở Cổ Đạm, Ca Trù được gọi là hát Ả đào.

Thành phần tham gia biểu diễn hát Ca Trù gồm 3 người: Một ca sĩ luôn là nữ (gọi là Đào hay Ca nương), hát theo lối hát nói và gõ phách; một nhạc công là nam (gọi là kép), đệm đàn Đáy cho người hát; một người chơi trống hoặc đánh trống Chầu (gọi là quan viên kiêm luôn người thưởng thức), sự tán thưởng mà quan viên dành cho người hát hoặc bài hát được bộc lộ qua cách đánh trống. Quan viên đánh vào thành trống nhiều lần, biểu lộ chỗ đắc ý. Nếu không hài lòng với người hát quan viên đánh hai nhịp trống. Đào hát ngồi trên chiếu ở giữa. Kép và quan viên ngồi chếch sang hai bên. Không gian trình diễn Ca Trùcó phạm vi tương đối nhỏ và sự tham gia từ phía khán giả là rất cần thiết. Nhạc cụ gồm có Phách, đàn Đáy và trống Chầu. Trang phục của hát Ca Trù là áo dài cổ truyền màu đen hoặc màu nâu.

Theo truyền thuyết, Tổ sư Ca Trù là vợ chồng Đinh Lễ và Bạch Hoa ở Tổng Cổ Đạm, Huyện Nghi Xuân, Tỉnh Hà Tĩnh. Tục truyền rằng, Tổ sư Đinh Lễ được hai vị tiên cho khúc gỗ và mẫu vẽ cây đàn Đáy, dựa vào mẫu đó, Đinh Lễ đã đẽo thành cây đàn, tiếng đàn đánh lên hay đến nỗi chim cá cũng phải ngẩn ngơ lắng nghe. Đinh Lễ có vợ là nàng Bạch Hoa, con gái quan Tri châu Bạch Đình Sa ở Thường Xuân, Thanh Hóa. Nàng vốn bị câm, nhưng sau khi nghe tiếng đàn bỗng biết nói và biết hát. Những lời nói, tiếng hát đầu tiên cất lên khiến gió cũng phải dừng lại lắng nghe. Hai vợ chồng trở về Cổ Đạm lập nghiệp, chồng dạy đàn, vợ dạy múa hát, đệ tử rất đông. Sau Đinh Lễ được tiên ông đưa về trời, hóa thành con chim xanh. Bạch Hoa cũng đổ bệnh mà mất biến thành cây đào đỏ. Vì thế Đinh Lễ được phong là Thanh Xà đại vương, Bạch Hoa  được phong là Mãn Đào Hoa công chúa. Nhân dân lập đền thờ hai vợ chồng, lấy ngày 11 tháng Chạp hàng năm làm ngày giỗ.

Vào thế kỷ XVII, Ca Trù rất thịnh hành và đến cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX, với sự đóng góp to lớn của Nguyễn Công Trứ mà Ca Trù ở Nghi Xuân trở nên nổi tiếng  trong thiên hạ.

“Những ngày mở hội Ca Trù, tế tổ đào nương, giai nhân tài tử các nơi đua nhau về Cổ Đạm thi tiếng đàn, tiếng hát, cảnh tưng bừng, nhộn nhịp không thua kém gì ở Thăng Long”

 (Vũ Ngọc Khánh.  Ba trăm năm lẻ. NXB Văn hóa, 1988).

So với Ca Trù xứ Bắc thì Ca Trù Cổ Đạm có những nét riêng như hát nhanh và đanh hơn; tiết tấu rõ hơn và không luyến láy; ngừng nghỉ nhiều, cách lấy hơi nhàn nhã, thư thái hơn; phần đệm đàn, trống, phách cũng có những sự khác biệt, phách trong Ca Trù Cổ Đạm đánh nổ, giòn còn cách gõ phách xứ Nghệ ngắn gọn hơn. Vì thế cho nên Nghệ nhân Phan Thị Mơn đã nói “Khi kép Bắc vào đánh đàn, đánh trống, phách thì Đào Nghệ không hát được”.

Ca Trù là tiếng nói ân tình, đậm đà bản sắc dân tộc, dễ gần với mọi tầng lớp nhân dân. Tiếng hát Ca Trù có nội dung trong sách vở ngàn xưa, có danh ngôn của các nhà hiền triết; ca tụng những tấm gương sáng, anh hùng quên mình hi sinh cho đất nước; những người con hiếu thảo, những đấng sinh thành mẫu mực; có tiếng ru nhẹ nhàng của Mẹ, có lời răn dạy của Cha kính yêu… Tất cả đều hòa quyện trong âm hưởng Ca Trù, chính vì vậy mà Ca Trù được ví như là “chiếc thuyền con chở đạo lí”.

Lúc đất nước yên bình thì tiếng hát Ca Trùca ngợi cuộc sống thái bình, thịnh trị. Khi đất nước gặp cơn binh lửa thì Ca Trùlại làm con thuyền chuyển tải ý chí của các anh hùng đứng lên cứu nước và kêu gọi trăm họ tiếp bước ra chiến trường.

Với chủ trương xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, cùng với các địa phương khác trên cả nước có Ca Trù, năm 1998, Sở Văn hóa – Thông tin Hà Tĩnh đã tổ chức Hội thảo về Ca Trù và cũng bắt đầu từ đây Ca Trù Cổ Đạm được khôi phục và bước vào một giai đoạn phát triển mới.

Với những giá trị nghệ thuật đặc sắc, thấm đượm tinh thần dân tộc, Ca Trù nói chung, Ca Trù Cổ Đạm nói riêng, dù trải qua bao biến cố lịch sử, vẫn khẳng định được vị trí của mình trong nền âm nhạc truyền thống của dân tộc. Không những thế, với sự kiện ngày 01/10/2009, UNESCO công nhận Ca Trù là di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp của thế giới, Ca Trù không chỉ là nét văn hóa ngàn đời của Người Việt mà còn được biết đến trên diễn đàn âm nhạc thế giới, là niềm vinh dự, tự hào của đất nước ta.

---------------------------------------------------

Tài liệu tham khảo

1. Sở Văn hóa Hà Tĩnh, Kỷ yếu Hội thảo “Ca Trù Cổ Đạm”, năm 1999.

2. Nguyễn Ban, Hát Ca Trù ở Cổ Đạm, Tạp chí Văn hóa nghệ thuật số 172, năm 1998.

3. Nguyễn Xuân Diên, Lịch sử và nghệ thuật Ca Trù, NXB Thế giới, 2007.



Copyright © 2024 Copyright Khoa Tiếng Việt - Trường Đại học Hà Tĩnh Rights Reserved.