Hòa chung vào dòng chảy đổi mới của văn xuôi hiện đại, Đức Ban là một trong những nhà văn có bản lĩnh, luôn cố gắng tìm tòi, sáng tạo để tạo dựng diện mạo mới cho thể loại truyện ngắn. Ông đã khẳng định được vị trí của mình trong lòng bạn đọc với nghệ thuật đặc sắc, văn chương sắc sảo, cốt truyện độc đáo, ngôn ngữ giàu sức biểu hiện. Tập truyện ngắn mới xuất bản năm 2014 “Giọt nước mắt màu đất” càng khẳng định hơn nữa phong cách truyện ngắn của Đức Ban. Xuyên suốt các trang văn, các câu chuyện của ông đều đau đáu một nỗi niềm trắc ẩn về con người, về cuộc đời.
Giọt nước mắt màu đất là tên một truyện ngắn đặc sắc, vừa là tiêu đề của cả tập
truyện. Nhan đề của truyện mang ý nghĩa triết lý, gợi lên nhiều sự liên tưởng cho người đọc. Hình ảnh “giọt nước mắt màuđất” trong truyện gắn với số phận bi kịch của nhân vật Ông, xuất hiện cuối tác phẩm ám ảnh tâm trí người đọc. Phải chăng đó là giọt nước mắt của niềm vui, sự thỏa nguyện mong ước cuối cùng của người gần đất xa trời. Hay là giọt nước mắt thương cho cuộc đời cơ cực, gian truân của cha và con- trong sự giao hòa của niềm an ủi. Hay là giọt nướcmắt mang dáng hình, màu sắc, hương vị của Đất, nơi trú ngụ vĩnh hằng của ông…Ngoài việc lấy tên truyện ngắn đặc sắc đặt tên cho cả tập truyện, nó còn bao hàm ý nghĩa về nội dung nghệ thuật, giá trị nhân văn của tác phẩm. Nếu cảm nhận cuộc sống và con người bằng nước mắt, bằng tình yêu thương ta có thể đi sâu phát hiện bản chất đích thực của con người và cuộc đời. Bởi vậy, Giọt nước mắt ở đây là giọt nước mắt của tình thương, của lòng thương cảm, của sự trắc ẩn cho tình người, tình đời, cho những thân phận con người.
Đó là thân phận của người đàn bà trong Nước chảy; Người đàn bà trên Cầu Giằng; người đàn ông trong thời kì mở cửa ở Giọt nước mắt màu đất; Kẻ chạy theo dục vọng, đồng tiền trong Sóng Bến Duềnh, Thăm thẳm rừng xanh; kẻ không bình thường nhìn đời bằng cái lắc đầu, cáu kỉnh ở Trong mưa; vị giáo sư đi tìm báu vật ở Lối trong rừng….Bằng con mắt nhìn sắc sảo, tư duy nhạy bén, sự trải đời của người đam mê nghề nghiệp, nhà văn Đức Ban đã miêu tả các nhân vật không theo một sơ đồ giản lược, định sẵn mà thể hiện tâm lý nhân vật trong mối tổng hòa đa dạng, có chiều sâu với các góc khuất thầm kín, có sự phát triển nhân vật một cách sinh động, phức tạp như vốn có ở ngoài cuộc đời vậy. Con người hiện lên với các mặt sáng, tối; tốt, xấu; thiện, ác…. như lời nhân vật chính trong truyện Nước chảy “Nhưng suy cho cùng thì con người ta, tôi và ông và nhiều người khác đều là những cái thùng sắt, trong đó nhốt đủ thứ tốt đẹp, xấu xa…lẫn vào nhau, chèn lên nhau”. ( tr 9)Con người trong truyện của Đức Ban thường thấy cô đơn, nhỏ bé, lạc lõng, ngang trái và bất lực với số phận. Con người ấy dường như lúc nào cũng mang nặng trong tâm hồn một nỗi bấn loạn vì luôn cảm thấy bơ vơ trước mênh mông cõi đời và tấp nập cõi người. “Hắn’’ trong truyện ngắn Trong mưa, luôn lắc đầu, cáu kỉnh với câu nói cửa miệng “ không chịu nổi”. Hắn không muốn giao tiếp, chia sẻ, quan tâm điều gì. Hắn cô đơn giữa đồng loại, hắn không tìm thấy sự hòa hợp với thế giới mà mình đang tồn tại để rồi trở nên xa lạ với tất cả, xa lạ ngay với chính bản thân mình. Ẩn dấu đằng sau vẻ bề ngoài gàn dở đó là cả một nỗi niềm ưu tư, trăn trở. Hắn chán ngán vì bao thất vọng về cuộc đời : bị thủ trưởng bỏ rơi, vợ chạy theo đồng tiền, trụy lạc bỏ gia đình, hắn sống bế tắc chán nản, lầm lũi. Người đàn bà trong Nước chảy rơi vào hoàn cảnh nghiệt ngã, chồng bị tai nạn sau đám cưới một tuần trăng, chị trải qua bao năm tháng đằng đẵng chăm sóc người chồng bán thân bất toại, như dòng nước chảy róc rách đều đều, miệt mài, rồi một ngày mưa gió sụt sùi chồng chị đã ra đi. Chị sống mòn mỏi, cô đơn trong căn nhà nhỏ dưới chân núi như thách thức với thời gian. Số phận trớ trêu không buông tha chị, đun đẩy thế nào chị phải nuôi kẻ đã gây ra tai nạn cho chồng mình. Trong cơn cuồng phong dữ dội, khi nhận ra kẻ đó, lòng chị sôi sục, quá khứ dâng trào thúc bách chị trả thù cho chồng, cho số phận, cho cuộc đời. Nhưng rồi tia sáng của lương tri, của tình người đã ngăn bước chân chị. Dòng nước trắng xóa nơi bãi đá cuội sau làng như rửa sạch vết đen trong lòng chị.
Không gian tự nhiên trong tác phẩm của Đức Ban rất rõ ràng về mặt địa lý: thác nước; chốn xưa; nước chảy; Sóng Bến Duềnh, thăm thẳm rừng xanh.. nhưng lại không được xác định cụ thể. Nhiều truyện được phủ lên màu sắc huyền bí, linh thiêng. Vì vậy nó mang tính chất kỳ lạ, khác thường, không hẳn là hiện thực nhưng cũng không phải là không gian siêu nhiên. Cái tài của nhà văn muốn gợi lên không gian huyền bí, ma mị để khám phá chiều sâu của hiện thực. Chúng ta càng thấm thía hơn nhận định của tác giả Trăm năm cô đơn “Vấn đề của mọi nhà văn là viết ra những câu chuyện có thể tin được” (G.G. Marquéz). Hiện thực cuộc sống hiện lên trong tác phẩm của ông không chỉ dừng laị ở phản ánh, mà còn là phương tiện ông thể hiện triết lý nhân sinh, cách nhìn con người, cuộc đời của mình. Đức Ban thường nhìn con người trong bi kịch của chính họ. Con người trong truyện ngắn của ông không mấy khi có số phận êm đềm, phải đối mặt với những sóng gió, với sự thực bẽ bàng, khát vọng đấy nhưng cũng thất bại đấy. Nhà văn trong những truyện ngắn của mình đã không để nhân vật sống mãi trong ảo tưởng, hiện thực đã đập vỡ niềm tin ngây thơ của con người. Bởi theo ông, cuộc đời đầy rẫy những biến ảo, không đẹp như trang thơ, như những giấc mơ. Đức Ban thường từ chối những kết thúc có hậu, không muốn con người ngộ nhận, sống mãi trong ảo tưởng. Giọt nước mắt màu nâu nỗi rõ không khí linh thiêng của đền thờ Thánh mẫu, đồng thời phản ánh hiện thực cuộc sống thời kinh tế mở cửa, một tổ chức kinh tế vào đầu tư trồng rừng chắn sóng cho vùng quê Yên Linh. Ông và dân làng đảm đương công việc một cách đày trách nhiệm, vì nó thể hiện lòng mong mỏi, bình yên và ý thức làm chủ làng xã. Khu công nghiệp ra đời, kéo theo mọi sự thay đổi, vợ ông mất, con gái bỏ Ông theo gã Phó Tổng, dân làng xơ xác hoang mang, cây cối oằn cong trước gió. Con người bám trụ với đất với làng, đánh vật với bao cát biển, sóng biển như ông không khỏi đau lòng. Nỗi đau gặm nhấm thân xác, tinh thần làm ông cạn kiệt nguồn sống “ Trên mặt đất nhốn nháo này vẫn còn chỗ cho đứa con gái của ông đổi đời ư ?Mà đời nó yên lặng thế còn đổi với thay cái gì kia chứ. Ông lầm rầm cắm chân vào cát, nhìn mênh mông ra biển, ngực bỗng đau thắt từng cơn”(Tr46). Truyện Chốn xưa đưa ta về với không khí linh thiêng, mờ ảo, nhập nhằng giữa ma và người. Câu chuyện xoáy vào hai nhân vật Võ My và bà Lão, họ cùng về một miền quê nhưng hai mục đích khác nhau. Võ My tìm về theo di chúc của người cha, còn bà Lão tìm về “chốn xưa” hương khói cho những người làng đã hy sinh. Chốn xưa nay đã hoang tàn, đổ nát, những mảnh vườn bị đào xới ngổn ngang… Có lẽ khi mang nặng nỗi day dứt trong nội tâm của mình, con người thường tìm về chốn xưa. Bởi lẽ, chốn xưa là nơi nương náu cuối cùng của những tâm hồn không tìm được sự bình yên trong cuộc sống, nhưng tìm được sự giao cảm với những linh hồn phiêu dạt.
Cuộc sống trôi qua, cuốn băng con người vào guồng xoáy của xã hội, biến tình yêu, cảm giác sự sống thành những chiếc mặt nạ để che đậy con người thực của mình. Nhưng đôi khi lòng ta lắng lại, đối diện với văn chương, trăn trở với Giọt nước mắt màu đất để biết thêm nhiều cảnh đời, nhiều lẽ sống, để biết nhiều “miếng kính biến hình vũ trụ”. "Nhờ văn thơ người ta sống thêm một lần nữa với cuộc đời; sống đầy đủ hơn, sâu sắc hơn, vô tư hơn và mơ mộng hơn. Mỗi lần đọc hay bình luận một bài thơ hay, bài văn hay là một lần sống như vậy”( Lê Ngọc Trà trong Tiếng nói tri âm). Quả thực, truyện ngắn của Đức Ban luôn có sức hấp dẫn riêng! Mỗi lần đọc truyện ngắn của ông, ta như sống đầy đủ hơn, sâu sắc hơn với cuộc đời.
*Tài liệu tham khảo
(Kỷ yếu khoa học số 4, tháng 6 năm 2016)