foto1
Khoa Tiếng Việt
foto1
Khoa Tiếng Việt
foto1
Khoa Tiếng Việt
foto1
Khoa Tiếng Việt
foto1
Khoa Tiếng Việt

+(084)0393.885.133
khoatiengviet@htu.edu.vn
Liên hệ



 

Vấn đề nguồn gốc tiếng Việt được các học giả châu Âu quan tâm đến trước nhất. Phải thẳng thắn thừa nhận rằng trong lĩnh vực nghiên cứu này có công đầu của các học giả đến từ những đất nước xa xôi. Họ là những trí thức uyên bác, đam mê với việc nghiên cứu về ngôn ngữ Đông Nam Á nói chung và nguồn gốc tiếng Việt nói riêng. Đây là một lĩnh vực nghiên cứu mới mẻ và đầy những thử thách, khó khăn. Paulk Benedict đã từng nhận xét rất hình ảnh:" Nhiệt liệt chào mừng ngành ngôn ngữ học Đông Nam Á. Cùng với lời chào đón này là lời cảnh báo: Đông Nam Á chính là vấn đề Bosnia của ngành ngôn ngữ học lịch sử, một khu vực có phong cảnh đẹp đã bị rải mìn! Những ai đã từng sống lâu năm ở đây hẳn đã có lần bước phải mìn, do vô tình dẫm phải ". Những khó khăn đó dẫn đến tình trạng không phải mọi quan điểm các học giả đưa ra đều đúng nhưng thật đáng được trân trọng, đáng được đề cập đến trong bài viết này. Những người phải được kể tới là J.L Taberd, G. Coedes, J.R Logan, X. Schimidt, và các tên tuổi nổi tiếng như H. Maspero, A.G Haudricourt...

Học giả đầu tiên chúng tôi muốn giới thiệu là J.L.Taberd. Ông là người Pháp, chuyên nghiên cứu về ngôn ngữ và văn hoá Châu Âu. Ông sang Việt Nam trước năm 1858 và đã  có công soạn quyển "Từ điển Việt - Latin". Trong lời nói đầu quyển từ điển, xuất bản năm 1838, ông đã trình bày quan điểm của mình: tiếng Việt có quan hệ nguồn gốc từ tiếng Hán (Nó là một nhánh phương Nam của tiếng Hán). Bởi vì ông nhận thấy trong vốn từ tiếng Việt lúc bấy giờ có tới hai phần ba từ gốc Hán (Năm 1966, Nguyễn Thiện Giáp thống kê có tới 65% từ đa tiết trong tiếng Việt là từ gốc Hán)

 Quan điểm này đã đề cập đến vấn đề nguồn gốc, quan hệ họ hàng của tiếng Việt. Từ đó giúp các nhà nghiên cứu ngôn ngữ thấy được ảnh hưởng của tiếng Việt đối với các ngôn ngữ trong khu vực. Tuy thế về mặt khoa học đây là một quan niệm hoàn toàn sai lầm. Tác giả đã có sự nhầm lẫn giữa số lượng từ gốc Hán trong tiếng Việt với nguồn gốc của hai ngôn ngữ này. Thực chất các dân tộc sống gần nhau thì việc tiếp xúc ngôn ngữ là bình thường do đó dẫn đến hiện tượng vay mượn ngôn ngữ. Đây chính là hiện tượng hậu kì xảy ra về sau. Trong khi đó vấn đề nguồn gốc là hiện tượng tiên thiên, tiền định, không có chọn lọc.

   Nhà nghiên cứu G. Coedes năm 1852 tiếp tục đưa ra quan niệm: tiếng Việt có quan hệ nguồn gốc hỗn đồng từ hai chi Tày -Thái và Môn - Khmer. Mãi về sau, ở Việt Nam, Phạm Đức Dương và Hà Văn Tấn đã tán đồng quan điểm này. Phạm Đức Dương viết:"Tiếng Việt và tiếng Mường đã có nguồn gốc Môn - Khmer nhưng do tiếp xúc lâu dài với các ngôn ngữ Tày cổ nên nhóm Việt - Mường đã tách khỏi tiền Việt - Mường và khi nói tới nguồn gốc tiếng Việt cần phải tính đến cả gốc Tày - Thái" (Tiếp xúc ngôn ngữ ở Đông Nam Á -  1983). Thực chất quan niệm này có những điểm nhầm lẫn giống với J.L.Taberd.

Năm 1856, J.L Logan đã đưa ra tên gọi các ngôn ngữ nhóm Môn - An Nam nhưng vấn đề chưa được ngã ngũ mặc dù sau đó nhiều nhà nghiên cứu cũng có ý kiến tương tự.

Năm 1906, X. Schimidt đã đưa ra thuật ngữ các ngôn ngữ Môn - Khmer (trong đó có tiếng Việt) nhưng không coi tiếng Việt thuộc họ Nam Á. (Tiếng Môn phân bố chủ yếu ở Miến Điện và tiếng Khmer phân bố chủ yếu ở Cam-pu-chia).

Giai đoạn từ X. Schimidt trở về trước, vấn đề nguồn gốc tiếng Việt chỉ được nghiên cứu "kèm theo" trong khi các học giả châu Âu nghiên cứu những vấn đề liên quan hoặc nghiên cứu nguồn gốc của các ngôn ngữ trong khu vực. Vì thế vấn đề chưa được nghiên cứu một cách hệ thống với nguồn tư liệu đủ phong phú để có thể hình thành một chủ thuyết về lí luận đối với cội nguồn tiếng Việt.

   Người trực tiếp quan tâm tới vấn đề nguồn gốc tiếng Việt và đã có những đóng góp về mặt lí luận và thực tiễn là học giả Henri Maspero. Ông là một công dân Pháp nhưng được mệnh danh là nhà Hán ngữ học. Ông còn là nhà sử học, nhà ngôn ngữ học so sánh thực thụ của nước Pháp. H. Maspero sinh năm 1883 trong một gia đình trí thức ở Pari (Cha và anh trai của ông là những học giả nổi tiếng). Ông từng theo học ở Viện ngôn ngữ phương Đông. Năm 1911 với tư cách là giáo sư công tác tại trường "Viễn đông bác cổ" tại Hà Nội (Tạp chí BEFEO). Năm 1920, ông là giáo sư College de France, viện sĩ Viện ngữ văn học của Pháp. Ông mất năm 1945 trong trại tập trung của Đức và để lại nhiều công trình nghiên cứu về ngôn ngữ và lịch sử các nước vùng Viễn đông.

 Năm 1912 trong công trình "Nghiên cứu ngữ âm lịch sử tiếng Việt - Các phụ âm đầu" ông đã tiếp tục đưa ra quan niệm: tiếng Việt có nguồn gốc với chi Tày- Thái trong họ Nam Á. Căn cứ để ông đưa ra quan niệm này là so sánh vốn từ cơ bản của tiếng Việt với vốn từ cơ bản của tiếng Tày - Thái  Ông chia vốn từ cơ bản thành 6 nhóm (Các từ gọi tên các bộ phận cơ thể, các hiện tượng tự nhiên, các thành viên trong gia đình, số đếm đơn giản, động - thực vật, công cụ lao động). Kết quả cho thấy có hai nhóm giống nhau trong tiếng Việt và tiếng Tày - Thái (nhóm gọi tên động -thực vật và nhóm gọi tên công cụ lao động). Xét về mặt cấu tạo giống như tiếng Thái và tiếng Hán, tiếng Việt là ngôn ngữ đơn tiết tính không có phụ tố và hệ thống thanh điệu của tiếng Việt có nhiều điểm giống tiếng Thái. Thực chất 2/6 nhóm từ cơ bản giống nhau là quá ít để nghĩ tới việc chúng có nguồn gốc với nhau. Mặt khác Maxpero mới dựa vào hiện tượng thanh điệu của tiếng Việt và của các ngôn ngữ Tày - Thái ở đầu thế kỉ XX mà đưa ra kết luận về nguồn gốc tiếng Việt là chưa thoả đáng. Tuy vậy tác giả này đã đưa ra những cứ liệu có sức thuyết phục cao lúc bấy giờ về sự giống nhau của tiếng Việt và các ngôn ngữ Tày -Thái. Mặt khác vì uy thế cá nhân của ông mà quan niệm này đã nhận được sự ủng hộ của giới nghiên cứu gần nửa thế kỉ, mãi đến khi học thuyết của Haudricourt ra đời..

Tác giả có công nghiên cứu một cách công phu, hệ thống về nguồn gốc tiếng Việt là học giả người Pháp Andre George Haudricourt. Ông sinh ngày 17/1/1911 tại Pari nhưng lớn lên trong trang trại của gia đình ở miền Bắc nước Pháp. Đây là môi trường giúp ông phát triển những tư chất đặc biệt: Thích quan sát xung quanh và đưa ra nhiều câu hỏi...Sau này ông trở thành nhà dân tộc học, thực vật học, công nghệ học. Cha ông là trí thức nhưng không thành đạt với chữ nghĩa văn chương nên lui về với ruộng đồng. Vì không muốn con theo tư tưởng của mình nên trong nhà có thư viện nhưng cha ông lại không cho ông đọc sách. Đặc biệt cha ông có một bộ tem với những chữ viết khác nhau, kích thích ông tìm hiểu về thế giới rộng lớn và duyên nợ với ngôn ngữ nảy nở từ đó. Rời trang trại lên học trung học  cậu bé A.G. Haudricourt không phải là học sinh xuất sắc theo nghĩa thông thường: Khi vẽ bản đồ địa lí nước Pháp tên các thành phố được viết bằng phương ngữ... vẽ bản đồ Trung Hoa mà tên các thành phố chính đều ghi bằng tiếng Hán...có khi dùng hình học để giải quyết một bài toán đại số. Thời là sinh viên nông học (1929-1931) luận án thực tập của anh không phải về quản lí nông trang lớn, hiện đại mà về hai người nông dân cụ thể bằng xương bằng thịt qua sự so sánh động tác khuân vác và sử dụng công cụ lao động của họ. Anh học Erperranto và tự chế cho mình một thứ chữ ghi âm, dựa trên chữ Cyrilique để ghi chép các bài giảng. Trước những biểu hiện ấy cha mẹ và thầy cô vừa thất vọng lại vừa ngạc nhiên... A.G. Haudricourt là một nhà khoa học thực sự: "Lẽ sống chính của đời tôi là "hiểu": không những hiểu vũ trụ, thế giới mà còn hiểu những người khác để mà qua đó hiểu tôi". Ông là nhà dân tộc học, ngôn ngữ học, công nghệ học và là một người ưa thích nghiên cứu thực địa, ở nhiều nơi trên thế giới. Phương Đông hấp dẫn đã đưa ông đến Việt Nam, Trung Hoa, Miến Điện, Lào, Nhật Bản. Ông đã ba lần tới Việt Nam. Lần đầu vào năm 1948 làm cộng tác viên cho tạp chí BEFEO (Tập san của trường Viễn đông bác cổ). Lần thứ hai, ba vào năm 1973 và 1978 theo lời mời của Uỷ ban khoa học xã hội Việt Nam và các Viện ngôn ngữ học, dân tộc học. Tên tuổi Haudricourt đã trở nên thân quen với những nhà nghiên cứu của Việt Nam: " Chúng ta mừng thượng thọ A.G. Haudricourt, nhà ngôn ngữ học và dân tộc học lớn của nước Pháp, người thầy, người bạn thân thiết của giới ngôn ngữ học và dân tộc học Việt Nam, bằng số chuyên đề này của tạp chí ngôn ngữ."(Tạp chí ngôn ngữ số 1/1991)

Để khẳng định quan điểm của mình về nguồn gốc tiếng Việt, ông  công bố liên tiếp hai bài báo nhằm phản bác lại căn cứ của H. Maspero đã đưa ra. Đó là bài "Vị trí của tiếng Việt trong các ngôn ngữ Đông Nam Á" (1953) và "Về hệ thống thanh điệu tiếng Việt" (1954). Qua hai bài báo ông đã chỉ ra rằng: Trong vốn từ cơ bản của tiếng Việt có 4/6 nhóm giống với các ngôn ngữ Môn - Khmer. Tiếng Việt vốn là ngôn ngữ không có thanh điệu ngay từ đầu như các ngôn ngữ Môn - Khmer, trong khi đó các ngôn ngữ Tày -Thái có đủ 5 thanh điệu ngay từ đầu.

Ông đã đưa ra bản so sánh hệ thống thanh điệu của các ngôn ngữ

Thời điểm  Việt Môn - Khmer Tày - Thái
Đầu công nguyên Chưa có thanh điệu Chưa có 5 thanh
Thế kỉ VI có 3 TĐ Chưa 5
Thế kỉ XII có 6 TĐ 2-3 5
Giữa thế kỉ XX có 6 TĐ 3-4 5

Đến với Haudricout vấn đề nguồn gốc tiếng Việt đã được nghiên cứu một cách có hệ thống hơn cả về lí luận lẫn tư liệu khảo sát. Quan niệm của ông đã đứng vững nửa thế kỉ qua và những ý kiến khác sau ông dường như chỉ nhằm bổ sung hoặc minh hoạ những chi tiết nào đó cho hệ thống luận điểm của ông đưa ra. Hàng loạt tác giả như N.D.Andreev, S.Wilson, S.E. Yakhontov,  M. Ferlus và G. Diffoth...sau đó đã viết bài chứng minh cho quan điểm của Haudricourt.

Từ những viên gạch đặt nền móng đầu tiên của các học giả châu Âu các nhà nghiên cứu Việt ngữ như Nguyễn Tài Cẩn, Nguyễn Ngọc San, Trần Trí Dõi... đã dày công nghiên cứu, thể nghiệm để đi đến kết luận thoả đáng: Tiếng Việt là một ngôn ngữ thuộc ngữ hệ Đông Nam Á, họ Nam Á, chi Môn - Khmer, nhóm ngôn ngữ Việt - Mường. Sau nhiều thế kỉ, người Việt có chung tiếng nói với người Mường (ngôn ngữ Việt - Mường chung). Tiếng Việt đã tiếp xúc với ngôn ngữ Tày - Thái đặc biệt là tiếng Hán, vay mượn nhiều từ của các ngôn ngữ này để dần dần tách khỏi tiếng Mường và trở thành một ngôn ngữ độc lập. Hôm nay đây, tiếng Việt đã khẳng định vai trò và vị thế của mình và hẳn không ai có thể quên những "người thầy, người bạn" vĩ đại - các học giả châu Âu có công nghiên cứu về nguồn gốc tiếng Việt.

Tài liệu tham khảo

1. Giáo trình lịch sử ngữ âm tiếng Việt - Nguyễn Tài Cẩn - HN 1995

2. Tìm hiểu về tiếng Việt lịch sử - Nguyễn Ngọc San - NXBGD 1993

3. Khái quát về lịch sử tiếng Việt và ngữ âm tiếng Việt hiện đại - Hữu Quỳnh -  NXBGD - 1980

4. Các tạp chí ngôn ngữ học: số 1/1991, số 3/1997, số 5/1999, số 10/2000.

                                                          (Kỷ yếu khoa học số 1 tháng 3 năm 2016)



Copyright © 2024 Copyright Khoa Tiếng Việt - Trường Đại học Hà Tĩnh Rights Reserved.