foto1
Khoa Tiếng Việt
foto1
Khoa Tiếng Việt
foto1
Khoa Tiếng Việt
foto1
Khoa Tiếng Việt
foto1
Khoa Tiếng Việt

+(084)0393.885.133
khoatiengviet@htu.edu.vn
Liên hệ



 

Thơ trữ tình sau 1975 là một giai đoạn phát triển mới của thơ ca Việt Nam. Tuy chưa làm thành một Thời đại mới của thơ ca, chưa có những thành tựu thăng hoa của một thời ‘‘Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước’’  nhưng ở giai đoạn này, thơ đã có những bước ngoặt mới. Là thể loại vô cùng nhạy bén, sau 1975 thơ nhanh chóng nhập cuộc vào thế giới đa chiều và phong phú của thời đại mới. Làm nên diện mạo chung của thơ sau 1975 không thể không nói tới đóng góp của những cây bút nữ.

Trở về từ chiến tranh, những cây bút nữ như: Ý Nhi, Phan Thị Thanh Nhàn, Lâm Thị Mỹ Dạ, Đoàn Thị Lam Luyến, Nguyễn Thị Hồng Ngát, Lê Thị Mây... vẫn tiếp tục sáng tác. Thơ của họ mang đậm hơi thở của cuộc sống đời thường, những vui buồn thường trực của con người. Sau hơn một chút là lực lượng sinh viên vừa tốt nghiệp trong những trường đại học và họ cũng là những người sinh ra trong chiến tranh, ít nhiều biết mùi đạn bom, thuốc súng như: Tuyết Nga, Thảo Phương, Đỗ Bạch Mai, Phạm Hồ Thu, Nguyễn Thị Mai, Giáng Vân, Trần Kim Hoa, Trần Thị Huyền Trang, Thu Nguyệt, Đoàn Ngọc Thu, Đặng Thị Thanh Hương, Phan Thị Vàng Anh... Đáng chú ý là sự xuất hiện những cây bút thực sự trẻ, xuất hiện từ sau 1975, nhất là từ đầu những năm 1990 như: Vi Thùy Linh, Phan Huyền Thư, Ly Hoàng Ly, Lê Thị Mỹ Ý, Dạ Thảo Phương, Vũ Thị Huyền, Bình Nguyên Trang, Phạm Vân Anh, Nguyễn Thanh Vân, Chu Thị Minh Huệ, Ngô Thị Hạnh, Lê Ngân Hằng, Trang Thanh, Trương Quế Chi... Với những tác giả trẻ này, dù ít hay nhiều họ đã tự tạo cho mình một lối đi riêng. Tinh tế hay bộc trực; nhẹ nhàng hay mạnh mẽ ; gai góc, dữ dội hoặc dịu êm; thách thức hoặc khiêm nhường... tất cả đã tạo cho thơ một dòng chảy liên tục không ngắt quãngHọ đã đem đến nhiều tiếng nói mới, cách nhìn mới, cảm xúc mới trong thơ. Thơ họ một phần ảnh hưởng của truyền thống, một phần chịu sự tác động của thời cuộc. Họ được đón nhận nhiều luồng văn hóa của thế giới nên tác phẩm mang vẻ đẹp hiện đại. Họ ưa lối nói mạnh bạo, hướng đến những đề tài “nóng” về tình yêu, họ rung

          Nếu trước 1975, thơ ca phản ánh chân dung thế hệ, nhất là thế hệ chống Mỹ thì sau 1975, từ chân dung thế hệ thơ chuyển qua chân dung tự họa của các nhà thơ.  Đó là cái tôi tự ý thức, một cái tôi chiêm nghiệm luôn tự mình đối diện với chính mình. Lâm Thị Mỹ Dạ cúi xuống lòng mình để Viết tặng nỗi buồn riêng. Ý Nhi cảm nhận rõ về mình khi Tôi chợt thấy lòng tôi. Đinh Thị Thu Vân đối diện với bản thể của mình ở giây phút Tôi gọi tên tôi. Đây là trạng một trạng thái muốn tách mình ra khỏi thế giới để được thấy mình, thấy cái tôi của mình rõ nhất. Mô típ đi tìm bản thân là mô típ chứa đựng khát vọng khẳng định mình. Tập thơ Người đàn bà ngồi đan của Ý Nhi đã diễn tả khá sâu sắc hành trình đi tìm cái tôi ấy. Tác giả quay lại tuổi thơ, tuổi thiếu nữ, dừng lại phán xét người đàn bà trong hiện tại và trở về với nỗi cô đơn của người mẹ, người phụ nữ.

          Cái tôi xuất hiện với nhiều dáng vẻ, màu sắc. Ở Lâm Thị Mĩ Dạ đó là cái tôi tột cùng đau khổ trên nẻo đường tìm kiếm và khẳng định mình:

- Sao ta là người

Quằn quại chứng nhân chính mình quằn quại

         Hay:

- Tôi uống bao nhiêu phiền muộn

Dài dặc sao kiếm tìm

Ở Ý Nhi, cái tôi đi đến cùng cuộc khảo nghiệm tâm hồn mình để nhận ra cái thực chất của bản thân:

Giản đơn và rối ren

Lớn lao và hạn hẹp

Tôi đứng kề bên giới hạn của mình

Ở Xuân Quỳnh, cái tôi được biểu hiện và trở thành một khát vọng âm thầm nhưng mãnh liệt “Em trở về đúng nghĩa trái tim em”.

Với Vi Thùy Linh, cái tôi được ý thức ngay từ chính tên gọi của mình: “Khi bị gọi nhầm tên/Tôi không nói gì/ Khi ai đó nói rằng, tôi giống người họ đã gặp/  Tôi bỏ đi.../Tôi là tôi/ Một bản thể đầy mâu thuẫn.../ Tôi đã nhìn mình trong gương cả khi khóc khi cười/ Bất cứ lúc nào, trên sân khấu cuộc đời/ Tôi vẫn là diễn viên tồi/ Bởi tôi không hóa thân để nhập vai người khác.(Tôi – Vi Thùy Linh). Cá tính và quyết liệt, Vi Thùy Linh muốn “Đập nát đơn điệu, khuôn khổ của cũ kỹ, nhàm chán và cam chịu/ Em tự làm mất đối xứng – bằng em”/… Em sẽ vắt mình đến giọt cuối cùng, làm nghiêng ngả mọi ổn định” (Không thanh thản).

 Trở về với cái tôi, thơ nữ nói nhiều đến nỗi buồn, sự cô đơn. Điều này được thể hiện ngay ở tiêu đề của hàng loạt tập thơ: Lỡ một thời con gái (Đoàn Thị Lam Luyến); Nỗi đau buồn không lành (Thúy Bắc); Tặng riêng một người (Lê Thị Mây); Nhớ và khát (Nguyễn Thị Hồng Ngát). Nỗi buồn trong thơ nữ sau năm 1975 được thể hiện ở nhiều góc độ: từ tình yêu, thế thái nhân tình đến thân phận con người trong cuộc sống, cũng như mất mát lớn lao mà chiến tranh đã gây nên… Nhưng biểu hiện  sâu đậm nhất là nỗi buồn đến từ tình yêu. Trong thời chiến, tình yêu gắn liền với lẽ sống cách mạng nên ‘ ‘‘Khi tổ quốc cần họ biết sống xa nhau’’ (Nguyễn Mỹ) và ‘‘Xa nhau không hề rơi nước mắt/ Nước mắt để dành cho ngày gặp mặt’’ (Nam Hà). Tình yêu gắn liền với sức sống mãnh liệt, với nỗi nhớ thương, sự đợi chờ và hy vọng ngày trở về của người ra trận... Sau 1975, đặc biệt là trong thơ nữ, tình yêu được biểu hiện đa dạng, phức tạp và trần tục hơn so với những vần thơ tình viết trước đó. Bên cạnh niềm vui, hạnh phúc, thơ nói nhiều đến những mất mát đau thương, sự tan vỡ, nỗi đau buồn, sự trống vắng vô vọng và niềm khắc khoải chêng vênh.

Đó là những trắc ẩn về riêng tư, đôi lứa:

Em chết trong nỗi buồn

Chết như từng giọt sương

Rơi không thành tiếng

...

Em chết trong nỗi buồn

Chết lặng thầm âm ỉ đớn đau

Trời cho em nụ cười thật tươi

Ai biết sau nụ cười

Giọt nước mắt về đâu

                   (Tặng nỗi buồn riêng - Lâm Thị Mỹ Dạ).

Là nỗi đau đớn khi phải thừa nhận sự thật phủ phàng:

- “Anh đã đi cùng cô gái khác

    Xinh hơn tôi và trẻ hơn tôi”

                                                                   (Yêu – Phan Thị Thanh Nhàn)

Đằng sau giọng điệu có vẻ thản nhiên là một tiếng khóc thầm:

- “Hàng cây này đã lớn lên

Vươn cành để lá êm điềm chạm nhau

Hai ta không biết vì đâu

Hai con đường rẽ ra xa nhau hoài…”

                (Con đường - Phan Thị Thanh Nhàn)

Trở về với cái tôi cá nhân, có một nguồn cảm hứng bí ẩn và kì diệu nhất đấy là cảm hứng về tình yêu và hạnh phúc. Trước đây khi cả dân tộc đang “gồng mình” lên để chiến đấu, các nhà thơ không nở viết về tình cảm riêng tư: Giữa ngàn mất mát đau thương. Yêu nhau như có phần nào nhẫn tâm. Còn bây giờ, khi chiến tranh đã lùi xa, như một sự đối trọng, thơ tình phát triển với tốc độ nhanh chóng. Trong đó nhiều tập thơ tình của các cây bút nữ xuất hiện đã đáp ứng nhu cầu muôn thủa của con người như: Tự hát (Xuân Quỳnh) ; Tặng riêng một người (Lê Thị Mây) ;  Lối nhỏ (Dư Thị Hoàn) ; Khát (Vi Thùy Linh)...

Cái tôi trữ tình trong thơ nữ bộc lộ hết mình những khao khát mãnh liệt. Thơ họ thể hiện một bản năng yêu dữ dội.  Lâm Thị Mĩ Dạ dồn nén, bứt phá:

Trời ơi, làm sao có một cuộc đời

Để tôi ném mình vào đó

Mà không hề cân nhắc đắn đo

Rằng cuộc đời ấy còn chưa đủ

(Không đề)

Lê Thị Mây với những vần thơ đam mê mãnh liệt:

Em dốc cạn

Cuộc đời anh

Và uống

Cũng không sao hết khát một mình

Cũng không sao đỏ được má mùa xuân

(Bí mật mùa xuân)

         Hay khao khát về một hạnh phúc đời thường :

Anh khoác ba lô về

Đất trời dồn chật lại

Như trăng mọc ban ngày

               (Những mùa trăng mong chờ )

Đoàn Thị Lam Luyến cháy hết mình và dâng hiến trọn vẹn cho  tình yêu.

Tình yêu không là cuồng nhiệt

E khi sương gió lạnh lùng

Tình yêu không là dục vọng

Tự mình thiêu cháy như không

                                (Tình yêu)

Phan Huyền Thư với cái tôi đầy khát vọng bản năng của con người :

Dằn nỗi vô ơn không khoái thác

em thèm miết ngón tay

không vị mặn

của anh

                    (Điệp khúc sáng mùa đông)

Trong số những gương mặt thơ nữ sau 1975, Xuân Quỳnh là người dành nhiều tâm huyết cho đề tài tình yêu trở thành một trong số những thi sĩ viết thơ tình hay nhất của thời đại. Thơ chị thể hiện một "nhân bản yêu đương" cực kì mãnh liệt. Xuân Quỳnh không giấu giếm bản chất ấy của mình:

... Nếu tôi yêu được một người

Tôi yêu anh ta hơn anh ta yêu tôi nhiều lắm

Tôi yêu anh dẫu ngàn lần cay đắng...

            (Thơ viết cho mình và những người con gái khác)

Xuân Quỳnh là người hành động nên chị nhất định không chấp nhận kiểu sống "đói lòng ngồi gốc cây sung". Trái lại chị đã "đi khắp chốn tìm người tôi yêu", đồng thời gạt bỏ những gì chỉ là "mạo danh tình yêu". Và khi đã đạt được tình yêu rồi thì chị không ngần ngại bày tỏ nỗi đam mê giông bão: 

                              Ôi con sóng nhớ bờ

                                      Ngày đêm không ngủ được

                                      Lòng em nhớ đến anh

                                      Cả trong mơ còn thức.

                                                     (Sóng)
                            Khi anh nói yêu em, trái tim em đập chừng mạnh quá.

                                    Mạnh đến nỗi em tưởng là nghe rõ

                                   Tiếng tim anh đang đập vì em.

                                   Em yêu anh, yêu anh như điên ...

           (Thơ viết cho mình và những người con gái khác)

Người con gái trong thơ Vi Thùy Linh hòa tan cả cái bản ngã trong tình yêu của mình:

“Anh yêu của em

Em yêu anh cuồng điên

Yêu đến tan cả em ra”

                   (Người dệt tầm gai)

Yêu đến tan cả em ra thể hiện một thứ tình yêu vô điều kiện, yêu đến tôn thờ, yêu đến độ sẵn sàng hòa tan mình, dâng hiến bản thân mình cho đến giới hạn cuối cùng của tình yêu.  

Thơ tình của các nhà thơ nữ thường khai thác gặm nhấm cái tôi nội cảm. Họ thường đề cập đến cuộc sống thường nhật với đầy đủ sắc thái: nỗi buồn, sự cô đơn, hạnh phúc và bất hạnh…Viết về tình yêu, những năm cuối thập niên 80, Dư Thị Hoàn đã làm người đọc phải sửng sờ về những điều rất thật :

Tất cả rồi dễ qua đi, qua đi

Chúng mình sẽ thành vợ, thành chồng

Nếu không có một lần

Như đêm nay

Sau phút giây – êm đềm trên ghế đá

Anh không cài lại khuy áo ngực cho em.

                                                                   (Tan vỡ)

Đặc biệt thơ tình của họ giàu vẻ đẹp nữ tính. Đó là sự hội tụ thiên tính tự nhiên, ý thức phái tính như một tư cách hiện diện của người phụ nữ hiện đại và khuynh hướng bảo lưu những giá trị văn hóa cổ truyền. Họ tỏ ra rất nhạy cảm, tinh tế trước mọi biến thái của tự nhiên và lòng người, họ cũng nói nhiều đến thiên chức làm vợ, làm mẹ trong thơ. Đọc thơ Xuân Quỳnh ta dễ nhận ra hình ảnh người phụ nữ với những công việc gia đình: giặt giũ, nấu nướng, may vá, phơi mền, cắm hoa, treo tranh… Chị xem đó là niềm hạnh phúc rất đời thường của mình. Rất nhiều lần chị nhắc tới hình ảnh bàn tay với những đường nét thô vụng : “Bàn tay em ngón chẳng thon dài/Vết chai cũ đường gân xanh vất vã”. Nhưng đó lại là một bàn tay biết chăm sóc, gìn giữ hạnh phúc gia đình:

Trong tay anh, tay của em đây

Biết lặng lẽ vun trồng gìn giữ

Trời mưa lạnh bàn tay em khép cửa

Em phơi mền vá áo cho anh

Tay cắm hoa tay để treo tranh

Tay thắp sáng ngọn đèn đêm anh đọc

Rồi khi ở xa anh bàn tay ấy “biết nói” tiếng nói của yêu thương:

Khi vắng anh bàn tay em biết nhớ

Lấy thời gian đan thành áo mong chờ

Lấy thời gian em viết những dòng thơ

                                        (Bàn tay em)

 Xuân Quỳnh có rất nhiều bài thơ trò chuyện với người thân, với thế giới, với cuộc đời bằng lời ru: Ru, Lời ru, Lời ru trên mặt đất, Hát ru em bé trên đường chạy giặc, Hát ru chồng những đêm khó ngủ…

Với con:

                Ngủ nào ngủ ngoan

               Mí yêu của mẹ

                          (Ngủ nào ngủ ngoan)

Với chồng:

Anh không ngủ được ư anh

Để em mở quạt quấn mành lên cho

Lặng sao cái sóng mặt hồ

Ghét sao cái nóng đầu mùa đã ghê…

                                                                (Hát ru chồng những đêm khó ngủ)

 

         Với mình:

Thơ tình tôi viết cho tôi

Qua cay đắng với buồn vui đã nhiều

Vẫn còn nguyên vẹn niềm yêu

Như cây tứ quý đất nghèo nở hoa

                           (Thơ tình tôi viết)

Với những lời ru ấy, Xuân Quỳnh đã chọn được một giọng điệu thích hợp cho tiếng hát tâm hồn chị: tâm hồn của một người mẹ nhân hậu và giàu đức hi sinh, tâm hồn của một người vợ biết lặng lẽ chăm chút, vun trồng, gìn giữ hạnh phúc đời thường.

Trong thơ Đoàn Thị Lam Luyến ta cũng bắt gặp những ước mơ hạnh phúc rất bình dị, đời thường. Dù cuộc đời nhiều ngang trái, khổ đau, dù có lúc gần như hoàn toàn đánh mất niềm tin vào tình yêu, chị vẫn mơ về một người:

Hồn như sen mộc lá thơm tươi

Dầu đôi vai lấm, đôi tay lấm.

                      (Một sáng ban mai)

Một người Dễ thương như cây và hiền lành như đất (Chiến tranh). Và như bất cứ ngươì đàn bà nào, Lam Luyến cũng khao khát được sinh sôi, và mơ về một mái ấm gia đình, mơ được sinh con đẻ cái, mơ được làm mẹ.

- Em sẽ đẻ cho anh: một đứa, rồi một đứa.

Và hai chúng mình bồng bế chúng đi chơi.

                     (Đàn bà)

- Gái trai cũng thèm một đứa

Cho anh bế bế bồng bồng.

Đọc Tuyển tập 36 bài thơ của Đoàn Thị Lam Luyến người đọc đều có một cảm nhận chung là bài thơ nào cũng buồn, câu thơ nào cũng buồn. Nhưng trong nỗi buồn triền miên ấy ta vẫn thấy ánh lên vẻ đẹp của một tâm hồn cao thượng, giàu đức hy sinh vốn là thiên tính của người phụ nữ. Bị người yêu phụ bạc nhưng chị không hè trách cứ họ, không hề đổ lỗi cho họ. Chị luôn nhận về mình những thiệt thòi nhất và chỉ dám trách mình khờ dại trong tình yêu:

 Không hoang cây chỉ hoang đồi,

Em hoang con bởi có người đi hoang

 Số cầm tinh con dã tràng

Có viên ngọc cát biển mang đi rồi

 Lỡ chồng gỡ lấy con thôi

Lẽ đâu cam cái phận trời dành cho?

Đặc biệt ở Vi Thùy Linh, một cây bút thuộc thế hệ 8X nhưng lại nói nhiều đến niềm hạnh phúc được làm mẹ. Để sắm vai người mẹ, nhà thơ tự nhận mình làm thiếu phụ ở tuổi 20. Đó là một khao khát thiêng liêng, là biểu hiện cao nhất và tiêu biểu nhất của thiên tính mẫu ở chị. Dày đặc trong thơ chị là những câu thơ nói về nỗi khao khát thiêng liêng đó:

                                        - Em tin ở ngày mai của đôi ta

   Khi đôi mắt Anh nhìn thấy trong mắt em những đứa bé chờ

                                       được sinh ra, và hoan hỉ gọi

                                                                                 (Đôi mắt Anh)

      - Các con trai vây quanh, thúc giục

      Nhanh lên nào, bố mẹ cưới nhau đi!    (Chờ tháng Tư)

  • Con chạy trước dẫn đường cha mẹ tới

              Tiếng con reo trong hơi thở mỗi ngày

                                                                 (Hôn Việt Trì)

Ao ước trở thành mẹ và có những đứa con đã được thơ Linh nhắc đến nhiều lần, ở các bài như Những mặt trời đang phôi thai, Đôi cánh của mẹ, Đôi mắt Anh (Linh, 2000); Sinh năm 1980 (Đồng tử, 2005), Kể chuyện cho con, Giáng sinh con, Biển trời của bé (ViLi in love).... Trong thơ Linh hình ảnh những đứa trẻ trong mơ ấy đã trở thành khế ước tinh thần cao nhất để hướng tới tình yêu tối thượng thiêng liêng và to lớn.

Thơ tình nữ sau 1975 đáng chú ý bởi cách nói táo bạo, thẳng thắn về những bi kịch và ước muốn cá nhân. Nhưng ẩn đằng sau tất cả cái mạnh mẽ, dữ dội ấy là ý thức sâu xa về thân phận, về những nỗi bất hạnh của người phụ nữ vốn có trong thơ xưa. Với các nhà thơ nữ, tình yêu không đơn thuần chỉ là tình yêu mà tình yêu là cái đẹp, cái tốt, cái cao quý của con người, nó là nỗi khát khao vươn tới sự hoàn thiện trong cuộc đời mình.

Có thể nói thơ nữ thật sự trở thành một hiện tượng trên thi đàn. Sự xuất hiện của các nhà thơ nữ đã đem lại một luồng sinh khí mới cho thơ giai đoạn này. Bằng sự mẫn cảm của giới nữ, họ đã góp phần thể hiện đậm nét bề sâu và bề sâu của cuộc sống con người trong giai đoạn mới.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.  Nguyễn Đăng Điệp Thơ Việt Nam sau 1975 - từ cái nhìn toàn cảnh, Nghiên cứu văn học số 11, 2006

2.  Hà Minh Đức - Văn học Việt Nam hiện đại, Nxb Hà Nội, 1999

3.  Lê Lưu Oanh - Thơ trữ tình Việt Nam 1975 - 1990, Nxb ĐHQGHN, 1998

4.  Mã Giang Lân, Tiến trình thơ hiện đại Việt Nam, Nxb Giáo dục, 2000.

5.  Đoàn Thị Lam Luyến - Tuyển chọn 36 bài thơ, Nxb Lao động

6.  Vi Thùy Linh, Khát, Nxb Hội nhà Văn, 1999

7.  Tuyển tập thơ Việt Nam 1975 - 2000 (tập 1), Nxb Hội Nhà Văn, 2000)

 

 

 

 



Copyright © 2024 Copyright Khoa Tiếng Việt - Trường Đại học Hà Tĩnh Rights Reserved.