Truyện ngắn “Trong rừng trúc” vay mượn từ truyện cổ mang tên về “Người đàn ông cùng với vợ đến tỉnh Tamba bị trói ở núi Oêiama như thế nào”, được ông viết lúc ông 29 tuổi.
Tác phẩm là một câu chuyện xoay quanh cái chết của một võ sĩ đạo. Hai vợ chồng võ sĩ đạo bị một một tên cướp dụ dỗ đưa vào khu rừng trúc, sau đó người vợ bị cưỡng đoạt, người chồng bị giết. Và không một ai chứng kiến sự việc đó diễn ra như thế nào ngoài ba nhân vật chính của thảm kịch: Người chồng, người vợ, tên cướp. Câu chuyện càng lạ kỳ, càng thu hút được người đọc khi mà bi kịch đó lại được tường thuật lại khác nhau qua ba lời kể của ba nhân vật chính, ba người họ, ai cũng nhận mình là thủ phạm và câu chuyện được bỏ ngỏ tại đó, đặt ra cho độc giả một dấu hỏi lớn: ai là thủ phạm?
Tuy dựa vào cốt truyện của truyện của dân gian, Akutagwa đã xây dựng nên một câu chuyện mà khi mới tiếp xúc, độc giả không tránh khỏi sự hoang mang trước một sự thật hoang tưởng: ở một vụ giết người mà có đến ba người nhận mình là thủ phạm, và mỗi người đều có một lời biện minh cho riêng mình.
- Tên cướp: Thái độ của tên cướp cũng đơn giản như đời thường, như một tên cướp… bình dân. Trước hết là cách giết người của hắn. Hắn tự hào là giết người một cách mã thượng bằng cách so gươm với nạn nhân. Đó là sự tự hào của nam nhi, của giai cấp thống trị.
Nhưng ngoài cái hào quang mà hắn tự khoác cho mình, ta cũng thấy cái nhìn của hắn cũng tiêu biểu cho cái nhìn muôn thuở của xã hội cũ đối với người phụ nữ: Hắn kinh hoảng nhưng có lẽ không kinh ngạc khi người phụ nữ muốn hắn giết chồng mình: Hắn nghĩ đàn bà là thế!
- Người chồng: anh ta coi người vợ là “đàn bà nhẹ dạ”. Anh ta dù bị trói và bịt miệng vẫn bằng mắt cố ra hiệu cho vợ đừng nghe lời dụ dỗ của tên cướp. Nhưng rốt cuộc anh ta đành thất vọng nhận thấy rằng người vợ đã “nhẹ dạ” mà tin theo tên cướp.
Diễn biến càng bi thảm hơn nữa khi anh chồng thấy rằng vợ mình còn xui tên cướp thanh toán chồng!
Dostoievski có viết một truyện vừa với tựa đề “Người chồng Vĩnh cửu” trong đó sau cái chết của một người đàn bà, hai nhân vật, một là chồng và một là tình nhân của bà ta, tìm gặp nhau. Cái tựa đề “Người chồng Vĩnh cửu” ngụ ý rằng cái thuộc tính “vĩnh cửu” của người chồng là “luôn bị vợ … cắm sừng”!!!
Anh chồng của Akutagawa cũng mang cái quan niệm chủ quan đau đớn nọ: Phụ nữ không những có “thiên hướng” ngoại tình mà còn xui tình nhân giết chồng nữa!!!
- Người vợ: Nàng chỉ còn một con đường: Tự sát. Như những “liệt nữ” mà hành động tuẫn tiết vẫn thường được đem ra làm gương sáng giáo huấn thường ngày cho nàng và các bạn nữ.
Và trước khi tự sát thì nàng cũng muốn giết người chồng, như môt phản kháng tuyệt vọng đối với cái xã hội khắc nghiệt đã từng đè nén nàng cũng như bao chị em phụ nữ khác hàng ngàn năm qua!
Hành động của Người vợ trong “Trong Rừng Trúc” chỉ là hành động ở bước đường cùng. Nàng có thể tự sát chết một mình, đó là để trốn tránh một cuộc sống địa ngục sẽ diễn ra sau này nếu nàng còn gắng gượng sống nốt cuộc đời thừa… Nhưng nàng tự hỏi nàng nào có lỗi gì? Tại sao chồng nàng lại nhìn nàng với con mắt khinh bỉ, con mắt đại diện cho cả xã hội nghiệt ngã hà khắc sau này cũng sẽ kết tội nàng thất tiết, nên nàng đã phải phẫn uất mà vùng lên một lần cuối trước khi chết. Xã hội kia, mà đại diện nó là chồng nàng ở đây, phải cùng chết với nàng! Và ý nghĩ trong sâu thẳm tâm tưởng đó biến thành lời thú tội của nàng ở chùa Shimizu.
Dù kết cấu câu truyện không cho ta xác nhận có thật nàng đâm dao vào ngực chồng hay không thì điều đó cũng chẳng có gì quan trọng. Điều quan trọng là Akutagawa muốn cho ta biết cảm nghĩ của những phụ nữ bị đè nén khốn khổ trong xã hội thời ấy nghĩ gì, và muốn làm gì để chống trả, dù là trong tuyệt vọng.
Qua tác phẩm, tác giả chỉ thấy một thực tại trong xã hội: sự đè nén phụ nữ một cách bất công của xã hội phong kiến với những thành kiến nặng ngàn cân của nó. Người phụ nữ phải phụ thuộc hoàn toàn vào chồng, vào xã hội. Từ đó cho thấy đặc quyền của nam giới trong xã hội phong kiến, trai năm thê bảy thiếp, gái chính chuyên một chồng, tiếng nói của họ vẫn còn nhỏ bé trong xã hội.
Việc xây dựng cho mỗi nhân vật một cách nhìn của riêng mình trước sự việc, đã cho thấy tài năng của tác giả trong việc khắc hoạ tính cách và tâm lý nhân vật.
Và một điều thực tế xã hội đã được tác giả đưa vào đầy khéo léo trong tác phẩm đó là: trong xã hội, một sự việc có thể được nhìn dưới nhiều góc độ khác nhau, và trong cách nhìn của mỗi người thì sự việc đó lại có những sắc màu khác nhau, để từ đó mỗi người có một cách suy nghĩ riêng, lí lẽ riêng của mình. Việc bảo vệ ý kiến của mình là điều đáng khích lệ những nếu vì bảo vệ cái lí lẽ của riêng mình mà không chịu nhìn nhận, lắng nghe những luồng ý kiến khác nhau, mà sẵn sàng đánh đổi cá tính mạng của mình giống như ba nhân vật trong tác phẩm này (họ biết nếu nhận tội thì có thể phải chết mà ai cũng nhận tội về mình) – quả là một hiện thực đau lòng của nhận loại. Tác phẩm xứng đáng được đánh giá là một truyện ngụ ngôn hiện đại!