Thơ và nhạc là hai nghệ thuật riêng biệt, nhưng lại có một sự gắn kết sâu sắc làm xao động lòng người. Thơ là tinh chất của sự sống được thể hiện bằng cảm xúc, thông qua ngôn ngữ. Nhạc là nghệ thuật dùng âm thanh làm ngôn ngữ để diễn đạt tình cảm và tư tưởng con người. Và khi những giai điệu được cất lên từ lời thơ, nó tạo thành một mối tương giao kì diệu giữa hồn người, hồn nhạc, hồn tạo vật - Đó chính là sự thăng hoa giữa thơ và nhạc. Thơ tình viết ở biển của nhà thơ Hữu Thỉnh được nhạc sỹ Phú Quang phổ nhạc với tiêu đề " Biển, nỗi nhớ và em" là một thi phẩm như thế!
Em xa anh
Trăng cũng lẻ
Mặt trời cũng lẻ
Biển vẫn cậy mình dài rộng thế
Vắng cánh buồm một chút đã cô đơn
Gió không phải là roi
Mà vách núi phải mòn
Em không phải là chiều
Mà nhuộm anh đến tím
Sóng chẳng đi đến đâu
Nếu không đưa em đến
Vì sóng đã làm anh nghiêng ngả vì em.
Hữu Thỉnh
Năm câu thơ đầu như một khúc nhạc dạo nhẹ nhàng, êm ái, sâu lắng và cũng đầy day dứt, xót xa khi phải xa cách trong tình yêu. Chỉ một từ " xa' thôi nhưng sao nó vô tận đến thế! Từ "xa '' ở đây không chỉ gợi lên khoảng cách về thời gian, không gian mà sâu hơn, xa hơn là khoảng cách của lòng người. Một cảm giác cô đơn rợn ngợp, cô quạnh khi không có em. " Tình yêu trong xa cách ví như ngọn lửa trong gió. Gió thổi tắt ngọn lửa nhỏ và thổi bùng ngọn lửa lớn" (B. Rebutin). Khoảng cách càng làm da diết hơn tình yêu của anh dành cho em. Không biết bao người đã từng băn khoăn: Tại sao nhà thơ lại viết " trăng cũng lẻ, mặt trời cũng lẻ"? Trăng và Mặt trời vốn đã đơn lẻ lại càng lẻ loi hơn khi anh xa em. Phải chăng trước cái mênh mông, bao la của biển cả con người mới cảm nhận hết nỗi yêu thương và sự cô đơn. Và tình yêu cũng như biển cả biến đổi khôn lường, không bao giờ đứng yên. Cho nên “thơ tình ở biển” càng làm cho cảm xúc có dịp thăng hoa. Trong thơ ca, không phải chỉ có Hữu Thỉnh mới viết thơ ở biển để nói chuyện tình yêu, ấy thế mà sao bài thơ lại da diết quyến rũ đến thế! – hình như nó kết tụ giải bày được niềm khát khao cháy bỏng và mơ hồ của hạnh phúc trong tình yêu đôi lứa.
Bài thơ đẹp, vốn đã đầy nhạc điệu, sâu lắng, xoáy sâu vào lòng người, về sau lại được nhạc sỹ Phú Quang phổ nhạc. Nhạc sĩ Phú Quang đã giải bày "Một buổi chiều tôi ngồi giữa hoàng hôn của biển Vũng Tàu. Bài thơ của nhà thơ Hữu Thỉnh vang trong đầu tôi và tôi bỗng thấy mình đồng điệu với tâm trạng đó. Bài hát ra đời từ đó. Chỉ có câu "Gió không phải là roi mà quất núi phải mòn" tôi thương núi nên đổi lại thành "Gió âm thầm không nói, mà sao núi phải mòn". Nhạc sĩ đã thả hồn theo ý thơ để diễn tả những tình cảm da diết, sâu sắc, mãnh liệt của tình yêu qua nốt nhạc giúp hồn thơ thăng hoa, thấm sâu vào lòng người.
Nổi buồn khi tình yêu xa cách được diễn tả thật xúc động, thật đáng yêu qua cặp hình ảnh so sánh tương đồng hoà hợp: "Gió và em, vách núi và anh". Tác giả nói liên tiếp những cái không có (không phải là roi, không phải là chiều...) để khẳng định, làm nổi bật một cái có thật là nổi buồn nhớ thường trực giăng ngập hồn anh. Nhà thơ đã rất tài tình khi sử dụng động từ "nhuộm" mà không phải là "nhuốm " trong câu thơ: Em không phải là chiều /Mà nhuộm anh đến tím…” Nhuốm” - chỉ một phần, "nhuộm'' diễn tả một cách trọn vẹn sự tác động của tình yêu, nó như chiếm lĩnh cả tâm hồn, trái tim nhân vật trữ tình. Từ '' tím'' tạo một mỹ cảm trọn vẹn cho câu thơ về nỗi nhớ tình yêu. Vi Thùy Linh có câu thơ ấn tượng " Tím thế gian… lãng mạn vô cùng...Cho màu yêu loang nhiều thế kỉ", Tím - màu yêu của Linh “loang” nhiều về phía nhục thể , tím trong thơ Hữu Thĩnh “nhuộm” bao quát phần hồn.
Bài hát đã một lần nữa chắp cánh cho những vần thơ ngọt ngào, da diết bay cao, lay động lòng người./.
A.T.