ÔHenry (1862 – 1910) là nhà văn xuất sắc của nền văn học Mỹ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Tuy chỉ sống một cuộc đời ngắn ngủi nhưng ông đã để lại cho nước Mỹ và nhân loại hàng trăm truyện ngắn chứa chan tinh thần nhân đạo và giá trị hiện thực sâu sắc. Tám năm sau ngày ông mất, Hội nghệ thuật và khoa học Mỹ đã thành lập giải thưởng văn chương O.Henry để tặng cho những truyện ngắn hay nhất hàng năm ở Mĩ và tên tuổi ông trở nên bất tử.
Văn học không thể thiếu vắng nhân vật, bởi vì đó là hình thức cơ bản để qua đó văn học miêu tả thế giới một cách hình tượng. Đi tìm hiểu vấn đề này tôi dựa vào quan niệm về nhân vật của “Từ điển văn học”; “Nhân vật văn học là đơn vị nghệ thuật, nó mang tính ước lệ không thể đồng nhất với con người có thật, ngay khi tác giả xây dựng nhân vật với những nét rất gần với nguyên mẫu có thật. Nhân vật văn học là sự thể hiện quan niệm nghệ thuật của nhà văn về con người, nó có thể được xây dựng dựa trên cơ sở quan niệm ấy”. Sáng tác của ÔHenry vào đầu thế kỷ XX, nhưng truyện ngắn của ông vẫn mang đậm phong cách hiện thực của các nhà văn truyền thống. Từ cốt truyện đến cách xây dựng nhân vật, giọng điệu ngôn ngữ, thủ pháp kể và tả, nghệ thuật xử lý không gian, thời gian... đóng vai trò hết sức quan trọng trong nghệ thuật truyện ngắn của ông. Nổi bật lên hàng đầu là cách xây dựng nhân vật.
Trước hết, nhân vật trong truyện ngắn của ÔHenry được khắc họa từ điểm nhìn bên ngoài. Truyện của ông đầy ắp các sự kiện, những sự kiện hấp dẫn được chọn lọc kỹ càng và đựơc dày công sắp xếp, nhằm gây hiệu quả thẩm mỹ cao nhất. Ông rất chú trọng miêu tả, ngoại hình, tên tuổi của nhân vật. Người kể chuỵên của ÔHenry thường đứng ở điểm nhìn bên ngoài để quan sát các nhân vật, vị trí này làm cho giữa người kể chuyện và nhân vật có một khoảng cách ngăn cản sự “nhập thân” của người kể chuyện vào thế giới bên trong của nhân vật, dẫn đến các nhân vật của ông hiện lên rõ với những biểu hiện ở bề ngoài như: hình dáng, cử chỉ, thái độ… Trong câu chuyện “ Người đánh giá sự thành công” Môli được kể lại: “Môli ăn mặc chải chuốt và gọn gàng. Đó là kết quả của một bản năng nhờ vào dòng dõi và giáo dục mà có. Chúng ta không có được khả năng nhìn sâu trong lòng một con người mà phải dừng lại ở lớp hồ cứng trên ngực áo sơ mi anh ta, cho nên chúng ta chỉ còn cách kể lại những sự đi lại và những cuộc trò chuỵên của anh ta mà thôi”. Ngoại hình của mỗi người bao giờ cũng bộc lộ phần nào bản chất tính cách của con người đó. Khi miêu tả nhân vật, ÔHenry đều cố gắng thể hiện những nét tính cách đằng sau ngoại hình đó. Qua cách ăn mặc “chải chuốt” và “bản năng nhờ vào dòng dõi và giáo dục” của Môli người đọc đã cảm nhận anh không thật là con người đàng hoàng, có nhân cách, đạo đức. Điều đó càng lộ rõ khi anh ta lẩm bẩm một mình: “Cứ trơ tráo là được! Đấy là chủ bài trong ván bạc. Sao mà chúng nó dễ tin thế. Đàn ông, đàn bà, trẻ con - những chuyện giả mạo, những trò dối trá, muối pha nước lã - sao mà chúng nó dễ tin thế …” (Người đánh giá thành công).
Nhân vật đựơc khắc họa từ điểm nhìn bên ngoài, thế giới bên trong của nhân vật không đựơc hiện hình qua lời kể. Toàn bộ suy tư, khát vọng, ước mơ, những nổi ám ảnh của nhân vật là điều bí ẩn chưa được khám phá đối với mỗi người đọc, đó là cánh cửa đóng kín mà người kể chuỵên đã không mở ra trước mắt người đọc. Điều đó kích thích khả năng phân tích của người đọc. Trong truyện “Căn buồng có sẵn đồ cho thuê”, nhân vật chính được kể ở đây là Anh - Anh đến đây hy vọng tìm được dấu vết của người mình yêu. Vì người yêu anh đã từng thuê ở đây. Căn buồng được dọn sạch không còn mẫu đồ đạc nào của cô gái, nhưng linh tính mách bảo cô đã từng ở đó, bởi trong căn buồng bẩn thỉu bừa bộn đó anh bổng cảm nhận đựơc mùi hòa Mộc Tế. Suốt theo thời gian tìm kiếm, anh luôn nhận được câu trả lời “không” hết sức vô tình của bà chủ. Câu đối thoại của các nhân vật dường như không khớp nhau, người hỏi một đằng, người trả lời một nẻo. Những câu trao đổi của các nhân vật đều hé mở thế giới sâu kín bên trong của họ. Người hỏi là nhân vật Anh ẩn dấu khao khát tìm hiểu dấu vết của người yêu dù chỉ là dấu hiệu nhỏ bé, mong manh. Mặc dù bà chủ trả lời qua quýt, không dừng lại sự kiện chính nào và tỏ ra lời hết sức bình thường nhưng lại ẩn dấu những điều khác thường. Ngay cả khi anh cảm nhận đựơc mùi hoa Mộc Tế “mùi hoa mà nàng yêu thích nên đã biến thành mùi của riêng mình”. Anh vẫn không nhận được sự khuyên răn hay lời nói chân thành nào từ bà chủ, vẫn là những lời dối trá… Quá tuyệt vọng hay để giữ tình yêu của mình anh đã mở cửa tự vẫn giống người yêu anh cách đây một tuần. Người đọc sẽ bằng kinh nghiệm sống, sự từng trải để thấu hiểu nhân vật.
Nhân vật trong truyện ngắn Ôhenry được khắc họa với vẻ đẹp trong tâm hồn.. Thế giới nhân vật trong truyện ngắn của ÔHenry rất đa dạng và phong phú, nhưng phần lớn ông thường hướng vào những nhân vật nữ có cuộc sống nghèo khổ, bất hạnh. Họ nghèo khổ về vật chất nhưng lại rất giàu có về tinh thần. ở họ ẩn chứa vẻ đẹp tâm hồn. Họ có tấm lòng nhân hậu, vị tha và khả năng chịu đựng. Trong mọi hoàn cảnh, thử thách họ đều tồn tại với ý nghĩ làm sao cho mọi người quanh họ, người thân của họ sống tốt đẹp hơn. ÔHenry đã tạo ra những hoàn cảnh, những tình thế độc đáo để thử thách con người và để nâng cao phẩm giá của con người. Người đọc nhận thấy trong cách cư xử của các nhân vật ở đây ánh sáng lung linh của những tâm hồn cao đẹp, rất lãng mạn nhưng cũng rất hiện thực phù hợp với lô gíc của cuộc sống.
Trong môi trường xã hội Mỹ nơi phẩm hạnh và cái xấu của con người khó bề che dấu, vẽ đẹp tâm hồn của các nhân vật trong truyện ngắn ÔHenry rất được đề cao. Sự hy sinh cho tình yêu chân chính là biểu hiện cao đẹp của đời sống tâm hồn. Các nhân vật nữ trong truyện ngắn Ôhenry thường có đời sống tinh thần phong phú, đặc biệt họ rất nhạy cảm, tinh tế và hết sức dịu dàng khác với nhiều hình tượng phụ nữ trong văn học Mỹ hiện đại. Vẻ đẹp tâm hồn của nhân vật trong truyện ngắn Ôhenry không chỉ được biểu hiện ở tình yêu đôi lứa mà còn được biểu hiện ở lòng say mê nghệ thuật. Chính tác giả đã đề cập đến vấn đề này trong truyện “ Một sự giúp đỡ của tình yêu”. Hai nhân vật chính ở trong truyện muốn bằng mọi cách, mọi hoàn cảnh đều có thể thực hiện được khát vọng nghệ thuật. Nhưng điều đó thật không dể dàng, mặc dù “Khi người ta yêu nghệ thuật thì không có việc gì khó”. Để thực hiện khát vọng nghệ thuật, điều quan trọng phải có tình yêu lứa đôi như của Đêlia “ Chỉ cần khi người ta yêu nhau thôi là đủ”. Bởi nghệ thuật chính là sự thực cuộc đời.
Các nhân vật của ÔHenry rất được chú trọng ở đời sống tinh thần. Chính vì vậy ngay khi vào đọc chuyện chúng ta chưa thể đoán biết được số phận, tính cách của họ kết thúc sẽ thế nào. Kết thúc nhân vật không lý giải sẵn. Tuy nhiên đời sống nội tâm của họ không phải phức tạp, khó giải mã mà cũng được định hình rõ ràng tuy nhiên các nhân vật có những bước chuyển biến tạo ra kết thúc bất ngờ, ngoài dự đoán của người đọc.
Tài liệu tham khảo
1. Từ điển thuật ngữ văn học - Lai Nguyên Ân NXB - Hội nhà văn 1997
2. Từ điển văn học (bộ mới) - Tập thể nhiều tác giả - NXB Giáo dục 2004
3. Hành trình văn học Mỹ - Nguyễn Đức Đàn - NXB Giáo dục 1998
4. Truyện ngăn ÔHenry - NXB Hội nhà văn 2001
5. Chuyên luận văn học Mỹ - Lê Huy Bắc - NXB Đại học quốc gia 2004