Hiện nay, trong tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, đối với các nhà trường, dạy học trực tuyến là giải pháp hữu hiệu để thực hiện phương châm “Tạm dừng đến trường nhưng không ngừng việc học” đối với học sinh các cấp học, giúp các em vẫn tiếp thu được kiến thức cơ bản, hoàn thành chương trình năm học và vừa đảm bảo chống dịch an toàn. Tại trường Đại học Hà Tĩnh, giảng viên và sinh viên toàn trường nói chung và của Khoa Tiếng Việt nói riêng vẫn đang thực hiện tốt việc dạy và học online để đảm bảo kế hoạch đào tạo từ đầu năm của nhà trường. Bài viết này tác giả đề cập đến thực trạng cũng như đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng dạy và học online dành riêng cho việc dạy Tiếng Việt giảng viên và Lưu học sinh Lào (LHS Lào) Khoa Tiếng Việt trong năm học 2021-2022.
1. Thực trạng dạy và học online của Khoa Tiếng Việt - Trường Đại học Hà Tĩnh
1.1. Ưu điểm
1.1.1. Tiết kiệm thời gian và chi phí đi lại
Đối với học online, người học có thể ngồi ở bất cứ đâu miễn là cảm thấy thoải mái cho việc tiếp thu kiến thức và có các thiết bị kết nối internet.
1.1.2. Không gian học tập thoải mái
Vì đặc thù của các lớp học online là chỉ cần có các thiết bị kết nối internet thông minh thì sinh viên có thể tham gia lớp học bất cứ lúc nào nên LHS Lào lại càng có nhiều lựa chọn cho vị trí học thoải mái nhất có thể. Điều đó phần nào giúp nâng cao hiệu quả của việc học cho các em.
1.1.3. An toàn trước dịch bệnh
Đây chính là điều kiện quan trọng nhất mà nhà trường, giáo viên, sinh viên hướng đến khi triển khai thực hiện hình thức dạy và học online trong thời điểm mà dịch Covid-19 ở Hà Tĩnh trở nên phức tạp và khó lường. Việc học online sẽ đảm bảo an toàn cho LHS Lào trước dịch bệnh, giảm bớt lo lắng cho các em và gia đinh khi đang phải học xa nhà mà lại rơi vào vùng dịch bệnh không mong muốn.
1.1.4. Dễ dàng lưu trữ tài liệu
Việc học online thực sự là một trợ thủ đắc lực cho việc sắp xếp hay lưu trữ tài liệu hiệu quả thay vì phải ghi chép nội dung ra vở và lúc nào cần tìm kiếm lại thông tin bài học rất mất thời gian. LHS Lào hoàn toàn có thể ghi lại toàn bộ buổi học hoặc ghi lại đoạn nào thật sự cần thiết để mở lại khi cần ôn bài. Đây thực sự là một ưu điểm vượt trội so với việc ghi chép truyền thống.
1.2. Hạn chế
1.2.1. Thay đổi liên tục hình thức học tập gây ảnh hưởng chất lượng dạy và học.
Đối với người nước ngoài mới học tiếng Việt, việc học trực tiếp với giáo viên trên lớp sẽ hỗ trợ cho các em được rất nhiều trong việc trao đổi và tương tác trực tiếp. Nếu có bất kỳ vấn đề nào với bài giảng, sinh viên có thể hỏi lại và đưa ý kiến ngay lập tức. Ngược lại, giáo viên cũng có thể quan sát quá trình học tập, tiếp thu của sinh viên thông qua việc theo dõi bài giảng trên lớp.
Với phương pháp dạy học online, việc tương tác, trao đổi này được thực hiện thông qua các công cụ hỗ trợ như tính năng chat, nhắn tin, hoặc gửi âm thanh,… nên bị hạn chế nhiều.
Việc LHS Lào đến học trực tiếp tại lớp hay học online do tình hình dịch bệnh tác động nên việc thay đổi hình thức học trong quá trình học tập sẽ làm cho việc triển khai nội dung học không thống nhất từ đầu đến cuối, gây ảnh hưởng đến kết quả cuối cùng.
1.2.2. Kém hiệu quả với những sinh viên thiếu chủ động, tự giác
Vì sinh viên nắm quyền chủ động nhiều hơn trong việc lựa chọn thời gian, không gian học tập nên nếu không có sự chủ động, việc học tập sẽ không đạt được hiệu quả.
1.2.3. Cơ sở vật chất không đồng bộ
Tùy vào điều kiện và nhu cầu của từng sinh viên, việc đầu tư vào các trang thiết bị để học online như điện thoại, máy tính bảng, laptop cũng như dịch vụ internet là vô cùng khác biệt. Trong trường hợp tham gia vào những buổi dạy học trực tuyến chung, sẽ có những trường hợp sinh viên không thể theo kịp bài giảng vì lỗi kỹ thuật. Bởi vậy, đôi khi việc học online sẽ bị ngắt quãng, đứt đoạn nhiều lần trong quá trình giảng dạy, không được liền mạch như thông thường. Vấn đề này không chỉ làm giảm chất lượng bài giảng mà còn khiến học sinh mất tập trung.
2. Một số giải pháp giúp nâng cao chất lượng dạy và học online của Khoa Tiếng Việt – Trường Đại học Hà Tĩnh
2.1. Khai thác triệt để các công cụ giao tiếp
Khi dạy online, ngoài công cụ chatbox trong ứng dụng Google Class, giáo viên nên sử dụng đa dạng các công cụ giao tiếp với sinh viên như: boxchat, forum, facebook,... và gia tăng các yếu tố tương tác cho bài giảng (trò chơi, câu đố, video học tập,…) để tăng cường sự tương tác giữa giáo viên và sinh viên cũng như tăng thêm hứng thú học tập cho sinh viên.
2.2. Đa dạng cách trình bày nội dung bài học
Ưu điểm của dạy học online là giáo viên có thể trình bày một cách đa dạng nội dung thông tin bài học. Giáo viên vừa có thể thêm vào hình ảnh, âm thanh, hay cả video phù hợp để minh họa cho bài học, vừa giúp LHS Lào hiểu nhanh nội dung cần học, vừa giúp các em hứng thú hơn trong học tập.
2.3. Tạo sự chủ động từ cả hai phía người dạy – người học
Để đảm bảo phương pháp dạy học trực tuyến đem lại hiệu quả thực tế, cả người dạy và người học đều cần sự chủ động, tự giác. Về phía LHS Lào, cần xác định rõ mục tiêu tham gia các khóa học, thiết lập cho mình thói quen tập trung, tham gia bài học đúng giờ, tự ghi chép để gia tăng hiệu quả tiếp thu kiến thức. Về phía giáo viên, cần khuyến khích việc trao đổi, thảo luận, thường xuyên điều chỉnh nội dung để gia tăng hứng thú cho sinh viên.
2.4. Đổi mới cách thức giảng dạy
Ở các lớp học thông thường, nhiều giáo viên vẫn áp dụng hình thức dạy học theo kiểu một chiều, chủ yếu là giảng bài, hạn chế hỏi đáp với học sinh. Nhưng khi chuyển sang hình thức online, việc trao đổi, thảo luận trực tiếp cần được gia tăng để đảm bảo rằng học sinh nắm chắc kiến thức và tập trung học tập. Ngoài ra, tùy theo đặc thù của từng môn học, giáo viên có thể điều chỉnh cách thức giao bài, ôn tập để giúp gia tăng hứng thú của người học.
2.5. Theo sát hỗ trợ sinh viên trước, trong và sau quá trình học online
Vì việc tương tác, hỗ trợ sinh viên không thể tiến hành trực tiếp như với hình thức giáo dục truyền thống, nên giáo viên cần quan tâm, theo sát các em hơn ở trước, trong và sau mỗi buổi học. Quá trình hỗ trợ này có thể được chuyển qua các kênh như email, tin nhắn hay các cuộc gọi. Giáo viên cần đảm bảo rằng các sinh viên đang theo sát nội dung và không gặp phải vấn đề gì trong việc tiếp nhận kiến thức khi tham gia buổi học.
2.6. Lưu trữ bài giảng
Có hai lý do cần lưu trữ lại bài giảng: thứ nhất, đảm bảo rằng các sinh viên vì lỗi kỹ thuật, không thể tham gia trực tiếp cũng không bị lỡ bài học; thứ hai, giúp các sinh viên tự học, tự ôn tập tốt hơn vì việc tương tác, trao đổi trực tiếp cùng giáo viên khá hạn chế.
Ngoài các video dạy học trực tuyến, giáo viên cũng nên gửi kèm các tài liệu hỗ trợ thiết yếu như slide bài giảng, tài liệu và các nội dung tham khảo.
2.7. Đánh giá sau mỗi khóa học
Quá trình học tập nào cũng vậy, việc đánh giá kết quả của người học được xem là khâu quan trọng nhất. Từ khâu đánh giá người dạy có thể rút ra được phương pháp dạy của mình có phù hợp không, người học có thật sự ham muốn, ý thức và tự giác không... Vì vậy đánh giá sau mỗi khóa học được xem là kim chỉ nam để đánh giá năng lực người học.
Rất nhiều người nghĩ rằng, sau khi triển khai khóa học thì mọi công việc đã hoàn thành, tuy nhiên, bước đánh giá lại là giai đoạn giúp bạn nâng cao kĩ năng cũng như kiến thức của bản thân một lần nữa. Đánh giá sau mỗi khóa học là cần thiết vì bạn cần xác định xem liệu bạn đã đạt được mục đích của mình đề ra chưa. Ngoài ra những đánh giá từ những học viên còn giúp bạn nhận ra những điểm mạnh, yếu về hệ thống trực tuyến mà mình sử dụng, từ đó bạn có thể cải thiện chúng ở những lần lựa chọn đơn vị đào tạo trực tuyến tiếp theo.
Tài liệu tham khảo