foto1
Khoa Tiếng Việt
foto1
Khoa Tiếng Việt
foto1
Khoa Tiếng Việt
foto1
Khoa Tiếng Việt
foto1
Khoa Tiếng Việt

+(084)0393.885.133
khoatiengviet@htu.edu.vn
Liên hệ



Bước vào thế giới Đường thi đâu đâu cũng nghe tiếng rì rào, xôn xao của gió gửi đến con người những thông điệp của đất trời và của lòng người.

Người Trung Quốc cổ xưa cho rằng: “Gió là một cái gì hết sức quan trọng, hùng mạnh, là yếu tố thể hiện cái sức mạnh vũ trụ, là thông điệp của đất trời, là hơi thở của hoàn vũ, chiếm một vị trí đặc biệt trong bức tranh về thế giới”. Có lẽ xuất phát từ quan niệm đó mà các nhà thơ đời Đường đã xem gió như một phương tiên nghệ thuật độc đáo: nó không chỉ mang thông tin báo mùa mà còn là nhịp cầu giao cảm giữa thiên nhiên với con người, giữa con người với con người.

Trong thơ Đường, gió gắn với bốn mùa trong đó tây phong (gió thu), đông phong (gió xuân) xuất hiện nhiều nhất và có mối quan hệ rất đặc biệt với con người. Cái xôn xao của gió trong các trang thơ hay chính là những cảm xúc xốn xang, man mác của lòng người trước một nỗi niềm nào đó.

Đúng vậy, gió thu đã thức dậy trong lòng lữ khách nỗi nhớ quê nhà da diết. Trong bài thơ “Thu tứ” của Trương Tịch, gió thu như gợi cảm hứng, gợi nỗi niềm tha hương khiến cho nỗi nhớ cứ dâng đầy trong lòng người xa xứ. Nhớ đến nỗi không giữ kín được tâm sự mà phải viết thư để san sẻ bày tỏ. “ý vạn trùng” mà vẫn cảm thấy chưa giãi bày hết.

     Lạc Dương thành lí kiến thu phong,

     Dục tác gia thư ý vạn trùng.

     Phục khủng thông thông thuyết bất tận,

     Hành nhân lâm phát hựu khai phong

     (Thành Lạc gió thu chợt thổi qua

     Ngổn ngang trăm mối viết thư nhà

     Những e vội vã lời chưa hết

     Sắp gửi người đi lại bóc ra).

 

Qua chiều sâu của tâm trạng nhân vật trữ tình, chúng ta thấy sự tác động của gió thu mạnh mẽ sâu sắc đến nhường nào. Gió xuân êm đềm, dìu dặt sưởi ấm thiên nhiên bằng hơi thở đầy sức sống của nó nhưng cũng chính nó đã mang theo những khúc nhạc làm lay động mối tình quê của người khách tha hương:

       Thùy gia ngọc địch ám phi thanh,

      Tán nhập xuân phong mãn Lạc Thành.

      Thử dạ khúc trung văn “Chiết liễu”,

      Hà nhân bất khởi cố viên tình?

                    (Lý Bạch – “Xuân dạ Lạc Thành văn”)

 

      (Nhà ai sáo ngọc tiếng mơ màng

       Theo gió xuân vào khắp Lạc Dương

       Văng vẳng đêm nay bài “Chiết liễu”

       Ai người không chạnh nỗi tha hương)

                      (“Đêm xuân ở Lạc Thành nghe tiếng sáo”)

 

Ở đời Đường, chiến tranh xảy ra liên miên. Trong bao nỗi khổ đau chồng chất, các nhà thơ đời Đường đã dành một vị trí đặc biệt để cảm thông, chia sẻ trước cảnh người  vợ có chồng đi chinh chiến ở nơi xa. Gió cũng vậy, dường như thấu hiểu được lòng người. Chính nó là nhịp cầu nối liền giữa quê nhà và chốn biên cương xa xôi. Nhờ vậy mà người chinh phụ đã giãi bày được những nỗi niềm, khát vọng, tình thương của mình đối với chinh phụ. Đồng thời qua đó chúng ta cũng thấy được lời tố cáo chiến tranh thật là sâu sắc.

       Trường An trăng một mảnh

        Đập vải rộn muôn nhà

        Gió thu thổi không ngớt

        Aỉ Ngọc tình bao la

        Bao giờ dẹp yên giặc

        Cho chàng khỏi xông pha

                            (Lý Bạch)

 

        Bóng chiều sắp tắt hoa ngậm sương

        Trăng cao không ngủ, sầu còn vương

        Đàn sắt vừa buông trụ phượng hoàng

        Chiếc cầm toan gãy dây uyên ương

        Khúc này có ý ai đưa hộ?

       Yên Nhiên mang gửi gió xuân sang

       Xa cách trời xanh thiếp nhờ chàng

       Thuở nào sóng mắt liếc

       Bây giờ suối lệ chan...

                    (Lý Bạch – “Trường tương tư”)

 

Không gì mạnh và nhanh bằng gió, có lẽ vì vậy mà người chinh phụ khao khát được gió mang theo nỗi lòng mình, chở mối sầu của mình đến nơi chồng đóng quân và đến với những trái tim đồng cảm. Cũng có khi gió thu như một sứ giả mang thông tin từ biên cương gửi về quê nhà. Ơ đây, gió thu trở thành một “chất xúc tác” cực mạnh. Cho nên khi gió từ phương chàng thổi về phương thiếp thì có ngay sự “phản ứng tâm lý”. Người vợ đã cảm nhận được cái lạnh nơi chiến trường, nỗi khổ của chinh phụ và nỗi xót thương tê tái cứ xâm chiếm cả cõi lòng.

 

         Phu thú biên cương, thiếp tại Ngô,

         Tây phong xuy thiếp, thiếp ưu phu.

         Nhất hàng thư tín, thiên hàng lệ,

         Hàn đáo quân biên, y đáo vô?

                             (Trần Ngọc Lan – “Ký phu”)

         “Chồng trấn tây cương, thiếp ở đông

          Gió tây lạnh thiếp, thiếp thương chồng

          Một dòng thư viết, trăm dòng lệ

          Rét đến bên chàng, áo đến không?)

 

Những cảnh ngộ, những số phận trong chiến tranh và đặc biệt là những cuộc chia tay đầy tâm trạng không chỉ làm động mối thương tâm của con người mà ngay đến gió xuân cũng thế. Đó chính là sự cảm ứng giữa vũ trụ với con người mà chúng ta bắt gặp rất nhiều trong thơ Đường.

          Thủy biên dương liễu lục yên ti,

          Lập mã phiền quân chiết nhất chi.

          Duy hữu xuân phong tối thương tích.

          Ân cần cánh hướng thủ trung xuy.

                                                 (Dương Cự Nguyên)

 

          (Bờ sông dương liễu rũ xanh tươi,

           Dương ngựa phiền nhau bẻ một cành

           Chỉ có gió xuân còn luyến tiếc,

           Ân cần đến thổi giữa tay anh)

          - Thiên hạ thương tâm xứ,

           Lao Lao tống khách đình.

           Xuân phong tri biệt khổ,

           Bất khiển liễu điều thanh.

                             (Lý Bạch _ “Lao Lao đình”)

 

           (Người đời đau khổ dường bao

            Là nơi tiễn khách Lao Lao đình này

            Gió xuân như cũng thấu hay

            Không còn cành liễu điểm đầy xanh non)

                               (“Đình Lao Lao”)

 

Ngọn gió vốn vô hình, vô tình nhưng khi thổi vào bầu trời thơ Đường đã trở nên hữu hình, hữu linh trong tâm hồn người đọc. Đó chính là cái độc đáo trong cách nhìn, cách cảm của các thi nhân đời Đường.

 

 

Tài liệu tham khảo

1. Nam Trân, Thơ Đường (tuyển chọn), Tập 1, tập 2, NXBVH, 1987.

2. I.X.Lixêvich, Tư tưởng văn học cổ Trung Quốc (Trần Đình Sử dịch), NXBGD,1994



Copyright © 2024 Copyright Khoa Tiếng Việt - Trường Đại học Hà Tĩnh Rights Reserved.