foto1
Khoa Tiếng Việt
foto1
Khoa Tiếng Việt
foto1
Khoa Tiếng Việt
foto1
Khoa Tiếng Việt
foto1
Khoa Tiếng Việt

+(084)0393.885.133
khoatiengviet@htu.edu.vn
Liên hệ



Hòa cùng xu thế hội nhập và phát triển của thế giới, văn hóa-đất nước-con người Việt Nam cũng ngày càng đón nhận được nhiều sự quan tâm, yêu mến từ bạn bè quốc tế. Do đó mà nhu cầu học tiếng Việt của người nước ngoài ngày càng tăng cao. Các cơ sở, trung tâm, trường học dạy tiếng Việt cũng xuất hiện ngày càng nhiều. Vậy làm thế nào để việc dạy tiếng Việt có được hiệu quả tốt nhất? Bài viết này sẽ đề xuất một số kỹ thuật dạy tiếng Việt cho người nước ngoài!

1. Một số yếu tố ảnh hưởng đến việc tiếp thu tiếng Việt cho người nước ngoài

Phân loại đối tượng người học theo giới tính, trong khi nếu nữ thường có khuynh hướng quan tâm đến nhiều chiến lược học tiếng Việt cho đa dạng mục đích giao tiếp xã hội, thì nam thường chỉ xác định và tập trung vào mục tiêu nhất định như  học đọc, học nói để ứng dụng vào giao tiếp, nghiên cứu hay làm việc. Ở những mục tiêu học tiếng Việt khác nhau, mỗi người sẽ có một động cơ khác nhau và phương pháp học khác nhau.

Về khía cạnh tuổi tác, những người trẻ thường có xu hướng học tập, tiếp thu nhanh hơn về khả năng nghe và nói. Trong khi những người lớn tuổi hơn mạnh về đọc và viết.

Dựa trên những yếu tố này, người dạy cần biết phân loại học viên một cách hợp lý và dựa trên thế mạnh của từng cá nhân học viên để khéo léo áp dụng những phương pháp dạy tiếng Việt một cách hiệu quả nhất.

2. Một số kỹ thuật dạy tiếng Việt cho người nước ngoài

Đối với những ai từng học ngoại ngữ, việc học tiếng Việt sẽ có phần dễ dàng hơn. Song để giúp người nước ngoài tiếp cận nhanh hơn, người dạy cần có những kỹ thuật đặc biệt. Tiếng Việt là ngôn ngữ đơn lập, số lượng nguyên âm và phụ âm khá lớn, đặc biệt đính kèm thêm cả các thanh điệu. So với những ngôn ngữ khác, đây chính là tính đặc trưng quan trọng để phân biệt cũng đồng thời là rào cản tương đối lớn với người học tiếng Việt. Do đó, người dạy cần chia lộ trình học cho học viên của mình làm 3 nội dung cơ bản bao gồm: hệ thống phụ âm, nguyên âm và thanh điệu.

2.1. Kỹ thuật dạy phụ âm cho người nước ngoài

Phần lớn để giúp người Việt làm quen với hệ thống chữ cái và phụ âm trong tiếng Việt, các giáo viên thường mang đến học viên của mình bảng chữ cái. Cách này hiệu quả ở chỗ giúp người viết nhận diện được mặt chữ, số lượng phụ âm. Song không dừng ở đó, giáo viên nên giới thiệu và thực hành từng cách đọc, cách mở khẩu hình miệng cho từng phụ âm. Đặc biệt, cho người học đọc lên những nguyên âm và xem xét họ hay bị nhầm lẫn ở những phụ âm nào, từ đó sửa rồi cho họ những bài tập luyện đọc sao cho hợp lý. Bởi lẽ, không chỉ bởi người nước ngoài mới bắt đầu học tiếng Việt mà ngay cả người Việt đều có thể vấp phải những sai lầm này. Người Hàn khi mới học tiếng Việt thường dễ bị nhầm giữa “b” và “v”, người Lào khó phát âm “r” và “s”, người Nhật thì khó phân định chữ “t” và “th”, và hay đồng nhất cách đọc giữa hai âm này với nhau. Quan trọng nhất là giáo viên dạy tiếng Việt phải chỉ ra chỗ sai để sửa lỗi.

Còn một lưu ý mà người dạy cần phải nhấn mạnh với người đọc, đó là có sự khác nhau giữa một số phụ âm đứng ở đầu và đứng ở cuối. Ví dụ như một số âm đứng cuối trong vần “ich”, “êch”...trong tiếng Việt có xu hướng phát âm thành “c”, trong khi phụ âm “Ch” đứng đầu sẽ đọc là “chờ”. Với riêng với phụ âm “nh”, khi đứng một mình hoặc đứng đầu sẽ đọc bằng âm mặt lưỡi. Nhưng sau khi đứng cuối trong các vần như “anh”, “inh” sẽ trở thành âm gốc lưỡi. Việc phân biệt rõ ràng những phụ âm và cách phát âm khác nhau của những phụ âm sẽ giúp người đọc dễ dàng nắm bắt và học ngữ pháp cũng như luyện nghe và nói dễ dàng hơn.

2.2. Kỹ thuật dạy nguyên âm hiệu quả

Tương tự giống như phụ âm, nguyên âm là nội dung khá quan trọng trong tiếng Việt. Để học tốt, việc chia các nguyên âm thành 2 dạng căn bản nguyên âm có dấu và nguyên âm không dấu. Khi dạy giáo viên nên chia làm các nhóm như: “A, Ă, ”, “ U, Ư”, “O, Ô, Ơ”. Bởi lẽ, theo kinh nghiệm dạy tiếng Việt cho LHS Lào, sinh viên thường dễ bỏ quên dấu trong quá trình viết cũng như nhầm lẫn các dấu này với thanh điệu.

Sau khi chỉ ra các nhóm nguyên âm thành một nhóm, các giáo viên, có thể căn cứ trên các yếu tố bao gồm: Vị trí đặt của lưỡi, cách mở khẩu hình miệng, dáng môi khi đọc để nhóm lại với nhau. Ví dụ như: Nhóm nguyên âm hàng trước khi phát âm sẽ phát âm không tròn môi bao gồm:’ i, e, ê. Trong khi đó, nhóm nguyên âm hàng sau tròn môi sẽ bao gồm: o, ô, u… Một lưu ý khác về nguyên âm “a” khi ghép với một số phụ âm khác như “nh” hay “Ch” thành “anh” và “ach”. Tuy là viết là “a” nhưng phát âm hơi lái qua âm “e”. Một số kỹ thuật khi hướng dẫn người mới học tiếng Việt này cực kỳ cơ bản, người dạy cần phải lưu ý ngay từ đầu để giúp học viên nhận diện được một cách đúng đắn.

2.3. Kỹ thuật dạy thanh điệu

Một yếu tố quan trọng khác liên quan trực tiếp đến hiệu quả học tiếng Việt của người nước ngoài chính là thanh điệu. Trong tiếng Việt có “6 thanh điệu” khác nhau bao gồm (ngang- không dấu), huyền, sắc, nặng, hỏi, ngã. Đây cũng đồng thời là hình thức thay đổi cao giọng khi nói đối với một số ngôn ngữ khác như tiếng Hàn, tiếng Anh…

Để người nước ngoài có thể phát âm đúng, người dạy cần phân biệt được đặc trưng của từng dấu lẫn âm vực của từng từ khi thêm dấu câu để học viên đọc cho chính xác. Dĩ nhiên, quá trình này cần đi từ thấp đến cao và kiên trì.

Giáo viên cần thường xuyên luyện cho học viên trong suốt khóa học chứ không phải chỉ trong buổi đầu tiên. Giáo viên nên nói chậm và dùng tay ra dấu lên, xuống, ngang….để học viên nhớ đi nhớ lại và cố gắng nói dấu chính xác. Việc luyện này cần kết hợp với luyện viết (ví dụ điền thanh điệu vào các từ trong đoạn văn hoặc đọc cho học viên viết những câu, đoạn đơn giản để học viên viết đúng. Khi đó họ nhớ đúng dấu, nghĩa là họ sẽ có ý thức nói đúng thanh điệu đó. Và đây là nguyên tắc cực kỳ quan trọng để nghe và nói tiếng Việt tốt. (mặc dù đối với bài tập luyện kiểu này học viên rất chán và nản nên cần làm ít một, mỗi ngày một ít, nhưng thường xuyên là quan trọng)

Bên cạnh đó, như việc người Việt học tiếng Anh sẽ có các bài hát tiếng Anh dễ học để cho mọi người có thể quen thanh âm, thanh điệu của tiếng Anh, thì người dạy tiếng Việt cũng nên đưa ra hay chuẩn bị một số bài hát tiếng Việt dễ học để làm tăng hiểu quả học tập.

3. Một số tố chất cho người dạy tiếng Việt hiệu quả cho người nước ngoài

Bên cạnh trang bị những kỹ thuật dạy tiếng Việt và hướng dẫn người học một cách chi tiết, bản thân người dạy cũng cần trang bị cho mình một vài phẩm chất đặc biệt, để giúp quá trình học tiếng Việt của người học tiếng Việt trở nên dễ dàng và chất lượng hơn.

3.1. Vận dụng linh hoạt các phương pháp dạy tiếng Việt

Theo các tài liệu khoa học, để tăng tính tiếp thu ngôn ngữ, thay vì chỉ sử dụng việc giảng và bắt ghi chép suông, người dạy nên ứng dụng đa dạng các phương pháp dạy phù hợp với từng đối tượng bao gồm sách, tranh ảnh, công cụ hỗ trợ học tập và ngôn ngữ hình thể…

3.2. Am hiểu tiếng Việt và văn hóa Việt

Để có thể dạy được người nước ngoài, ngoài nghiệp vụ sư phạm, người dạy cần am hiểu ngữ pháp, cách phát âm, cách đọc, cách đặt câu,...thì mới có thể truyền thụ kiến thức chuẩn cho học viên được. Bên cạnh đó, người dạy cũng cần am hiểu vốn văn hóa Việt để tạo động lực và chia sẻ. Tiếp thu tiếng Việt qua văn hóa là cách học tiếng Việt hiệu quả.

3.3. Kiên trì và tự tin là từ khóa

Học tiếng Việt là một cuộc hành trình mà ở đó, đòi hỏi cả người học và người dạy cần có sự kiên trì. Lý do đầu tiên là tiếng Việt rất khó. Trong quá trình dạy học, giáo viên có thể bắt gặp nhiều người, mỗi người có cách tiếp thu khác nhau và phải vận dụng từng phương pháp khác nhau để kích thích họ học tập chăm chỉ và hiệu quả. Quan trọng nhất, là giáo viên phải biết làm chủ các tình huống, tự tin. Sẽ có rất nhiều học viên đưa ra cho người dạy những câu hỏi hóc búa, thậm chí là đặt họ vào những tình huống khó, chỉ vì họ không biết. Trong lúc này, hãy to ra vừa chuẩn chỉnh, tự tin và từng bước giải đáp từng vấn đề để cho họ hiểu nhé.

3.4. Hóm hỉnh, hài hước

Ngoài sự chuẩn bị kỹ càng về giáo án và nằm lòng các kỹ thuật dạy tiếng Việt cho người nước ngoài, bạn cần thiết tạo ra một không khí học tập thoải mái, vui vẻ, có sự tương tác sôi nổi giữa giáo viên, gia sư và học viên qua sự hóm hỉnh của mình tránh sự căng thẳng, để tạo động lực cho người học.

Trên đây là một số chia sẻ về những kỹ thuật dạy tiếng Việt cho người nước ngoài để đạt được hiệu quả tốt. Hy vọng rằng, bằng niềm đam mê, sự yêu nghề và những kinh nghiệm tích lũy dần theo thời gian, công việc giảng dạy tiếng Việt của bạn sẽ ngày càng thành công và phát triển hơn!

Tài liệu tham khảo:

1. Lại Trang, 2021, Cẩm nang tìm việc, Kỹ thuật dạy tiếng Việt cho người nước ngoài, https://timviec365.vn/blog/day-tieng-viet-cho-nguoi-nuoc-ngoai-new14088.

2. Công ty Gia sư Tâm Tài Đức, 2020, Cách học tiếng Việt cho người nước ngoài, https://giasutamtaiduc.com/cach-hoc-tieng-viet-cho-nguoi-nuoc-ngoai.html



Copyright © 2024 Copyright Khoa Tiếng Việt - Trường Đại học Hà Tĩnh Rights Reserved.