Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời, mở ra kỷ nguyên mới của lịch sử dân tộc: kỷ nguyên đấu tranh bảo vệ và xây dựng nền độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc, từng bước đưa đất nước phát triển theo con đường XHCN. Sau Cách mạng Tháng Tám, bên cạnh những thuận lợi cơ bản, nước ta đứng trước muôn vàn khó khăn như thù trong, giặc ngoài, nền kinh tế kiệt quệ, dân trí thấp, tàn dư xã hội cũ nặng nề… Ngày 23-9-1945, thực dân Pháp núp bóng quân Anh nổ súng gây hấn ở Nam Bộ, đe dọa vận mệnh dân tộc ta. Nhận rõ những khó khăn to lớn của đất nước, trước sự sống còn của dân tộc, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hết sức sáng suốt, từng bước vạch ra đường lối kháng chiến kiến quốc đúng đắn, trong đó, vấn đề xây dựng nền kinh tế kháng chiến được coi trọng.
Ngày 12-12-1946 Trung ương Đảng ra Chỉ thị Toàn dân kháng chiến. Chỉ thị vạch rõ: mục đích của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược là giữ vững nền độc lập của dân tộc và thống nhất của Tổ quốc. Tính chất của cuộc kháng chiến là toàn dân, toàn diện, trường kỳ, tự lực cánh sinh. Kháng chiến về kinh tế là "tăng gia sản xuất, thực hiện kinh tế tự túc, hết sức sản xuất võ khí" [1, tr.152].
Ngày 19-12-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, khẳng định quyết tâm kháng chiến chống thực dân Pháp của toàn dân tộc Việt Nam. Chỉ thị Toàn dân kháng chiến của Trung ương Đảng và Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh phản ánh đường lối kháng chiến cơ bản của cách mạng Việt Nam. Đường lối kháng chiến của Đảng sau đó được giải thíchvà phát triển đầy đủ trong tác phẩm Kháng chiến nhất định thắng lợi của Tổng Bí thư Trường Chinh.
Tháng 4-1947, Ban Chấp hành Trung ương Đảng triệu tập Hội nghị cán bộ Trung ương. Hội nghị đã cụ thể hóa đường lối kháng chiến trong tình hình trước mắt và kịp thời rút kinh nghiệm trong những tháng đầu của cuộc kháng chiến toàn quốc. Hội nghị nêu rõ: Chiến tranh sẽ quyết liệt hơn và có thể kéo dài, ta phải bồi bổ thực lực để một ngày kia phản công; xây dựng nền kinh tế kháng chiến phải đi đôi với phá hoại kinh tế địch. "Phá kinh tế địch bằng cách tẩy chay và quân sự phá hoại; kinh tế trong lúc kháng chiến phải thích hợp với điều kiện chiến tranh. Chỉ sản xuất những thứ cần dùng cho mặt trận và đời sống nhân dân. Sự sản xuất ấy phải có Chính phủ điều khiển" [1, tr.181].
Như vậy, ngay từ sớm, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định rõ đường lối kháng chiến; sáng suốt, kịp thời đưa ra các biện pháp thiết thực nhằm giải quyết những vấn đề cấp thiết trước mắt cho cách mạng. Đường lối cơ bản về xây dựng nền kinh tế kháng chiến tiếp tục được Đảng bổ sung, hoàn thiện và cụ thể hóa trong suốt quá trình lãnh đạo cuộc kháng chiến. Đường lối đó là kim chỉ nam cho Đảng bộ Liên khu vận dụng, triển khai, chỉ đạo các tỉnh vùng tự do Thanh - Nghệ - Tĩnh xây dựng kinh tế kháng chiến ở địa phương, góp phần xây dựng hậu phương vững mạnh, đưa cuộc kháng chiến đến thắng lợi.
Cuối tháng 8-1945, Xứ ủy Trung Bộ được tổ chức lại. Tháng 10-1945, Chiến khu IV được thành lập, trực tiếp chỉ đạo việc thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Dưới sự lãnh đạo của Xứ ủy Trung Bộ, các Đảng bộ Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh tập trung củng cố, kiện toàn hệ thống tổ chức đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở và các đoàn thể quần chúng.
Đảng bộ và chính quyền các tỉnh Thanh - Nghệ - Tĩnh tổ chức thực hiện tốt các chủ trương, chính sách mới của Đảng và Chính phủ như tuyên bố xóa bỏ các thứ thuế bất hợp lý do chế độ cũ để lại; miễn giảm thuế điền thổ đối với những vùng bị thiên tai, mất mùa; hoãn nợ, giảm tô, giảm tức cho dân nghèo; chia lại ruộng đất công cho nông dân cả nam và nữ. Chính quyền cho nông dân chuộc lại ruộng đất cầm cố trước Cách mạng Tháng Tám. Thực hiện ngày làm việc 8 giờ và chế độ bảo hiểm đối với công nhân. Kêu gọi nhân dân thực hành tiết kiệm, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, thực hiện nếp sống mới; tổ chức các trại tế bần để tập trung những người không nơi nương tựa đến sống và làm ăn.
Để xây dựng kinh tế, Đảng bộ, chính quyền 3 tỉnh phát động phong trào làm thủy lợi, khai hoang, phục hóa, đẩy mạnh sản xuất. Để đảm bảo cho việc vận chuyển, giao lưu giữa các địa phương, Đảng bộ 3 tỉnh còn tập trung chỉ đạo nhân dân sửa chữa, nâng cấp các tuyến đường bộ từ tỉnh xuống huyện, xã; tu sửa, khai thông các bến phà, đường sông. Các cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, nghề rừng được khôi phục. Các nghề thủ công như đan lát, làm miến, làm giấy, dệt vải, làm mật, ép dầu, làm đồ gỗ, các nghề đúc đồng, sành sứ... được khuyến khích phát triển.
Giải quyết khó khăn chung về tài chính, ngân sách của đất nước, đảm bảo nhu cầu chi tiêu của địa phương, Đảng bộ và chính quyền các tỉnh Thanh - Nghệ - Tĩnh đã tổ chức nhân dân thực hiện tốt cuộc vận động "tuần lễ vàng", "quỹ độc lập", "quỹ đảm phụ quốc phòng".
Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Khu ủy khu IV, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân ba tỉnh Thanh - Nghệ - Tĩnh đã ra sức thực hiện nhiệm vụ kháng chiến - kiến quốc, đẩy mạnh "tiêu thổ để kháng chiến", kết hợp với tăng cường các hoạt động sản xuất và cất giấu lương thực, thực phẩm; ủng hộ đồng bào miền Bắc, miền Nam kháng chiến. Cùng với tiêu thổ để kháng chiến, Khu ủy Khu IV và Đảng bộ ba tỉnh còn chỉ đạo nhân dân đẩy mạnh sản xuất, tích cực chuyển hướng các hoạt động kinh tế theo chủ trương của Trung ương Đảng, tập trung cao nhất vào sản xuất nông nghiệp với các biện pháp cơ bản là: chú trọng công tác thủy lợi, đẩy mạnh khai hoang phục hóa và thâm canh tăng vụ. Nhằm thúc đẩy hơn nữa sự phát triển kinh tế nông, tiểu thủ công nghiệp, công nghiệp của vùng tự do, nhiều cán bộ khoa học kỹ thuật của 3 tỉnh đã tự nguyện lên rừng núi và về vùng nông thôn, sống cùng công nhân, nông dân để nghiên cứu phương pháp sản xuất mới, cải tiến kỹ thuật canh tác, sáng chế ra sản phẩm mới phục vụ sản xuất chiến đấu và đời sống nhân dân.
Bước sang năm 1948, cuộc kháng chiến của nhân dân ta có bước chuyển biến quan trọng. Sau thất bại ở Việt Bắc, thực dân Pháp ngày càng lâm vào bế tắc. Ở nước Pháp, phong trào đấu tranh chống chiến tranh Việt Nam của nhân dân Pháp dâng cao. Phong trào đòi độc lập dân tộc của các nước thuộc địa của Pháp ở châu Phi ủng hộ cuộc kháng chiến của Việt Nam ngày càng mạnh mẽ. Khó khăn về kinh tế, chính trị và những thất bại về quân sự làm giới cầm quyền Pháp lúng túng về chiến lược. Chúng buộc phải chuyển hướng chiến lược từ đánh nhanh thắng nhanh sang chiến lược đánh lâu dài, tiếp tục thực hiện chính sách "lấy chiến tranh nuôi chiến tranh, dùng người Việt đánh người Việt"; thực hiện âm mưu càn quét vùng tự do, mở rộng, củng cố vùng chiếm đóng, lập đội ngũ tề ngụy làm cơ sở.
Trước tình hình đó, để tạo ra bước chuyển mạnh mẽ cho cuộc kháng chiến, tháng 1-1948, Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp Hội nghị mở rộng đánh giá những năm đầu cuộc kháng chiến toàn quốc và vạch ra phương hướng, biện pháp lớn nhằm đẩy mạnh cuộc kháng chiến trong giai đoạn mới. Đối với Liên khu IV, Hội nghị nhận định: “Mấy tỉnh Bắc và Nam Trung Bộ sẽ bước vào vòng khói lửa. Hiện đã có nhiều triệu chứng địch sắp đánh Thanh - Nghệ - Tĩnh đến nơi. Chúng sẽ cố giải quyết mau, đóng quân ở nhiều điểm rồi càn quét. Đường giao thông liên lạc từ Bắc vào Nam đã khó khăn sẽ khó khăn thêm”. [2, tr.21-22].
Hội nghị xác định nhiệm vụ của Liên khu IV và nhân dân cả nước là phải chuẩn bị làm cho địch thất bại nếu chúng đánh vào mấy tỉnh phía Bắc Liên khu và phải "chỉnh đốn quân giới, quân nhu, quân y để cải thiện việc trang bị và cấp dưỡng cho bộ đội" [3, tr.25]. Tiếp đó, các Hội nghị cán bộ Trung ương (5-1948 và 8-1948) đã đưa ra những biện pháp cụ thể nhằm khuyến khích phát triển sản xuất, cải thiện dân sinh,như quy định các chính sách cụ thể đối với nông dân; đối với công nhân, công chức; đối với các nhà trí thức; các nhà tư sản điền chủ; đối với đồng bào thiểu số.
Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng, tháng 5-1948, Đại hội Đảng bộ Liên khu IV lần thứ nhất họp. Đại hội kiểm điểm, đánh giá tình hình một năm kháng chiến và đề ra nhiệm vụ công tác trong giai đoạn mới. Đại hội khẳng định quyết tâm bảo vệ vững chắc Thanh - Nghệ - Tĩnh và xây dựng Thanh - Nghệ - Tĩnh thành hậu phương của cuộc kháng chiến. Đại hội nêu rõ nhiệm vụ chuẩn bị sẵn sàng về mọi mặt để đánh bại địch nếu chúng tấn công vào Thanh - Nghệ - Tĩnh và xác định nhiệm vụ trọng tâm là cải thiện dân sinh.
Để huy động có hiệu quả sức dân tham gia kháng chiến, đầu 1950, Liên khu ủy ra Nghị quyết về vấn đề cải cách ruộng đất. Năm 1950, thực hiện tốt chủ trương chuyển mạnh sang tiến công và phản công, Liên khu ủy đã phát động phong trào "vụ chiêm quyết thắng" và "vụ mùa chủ lực tổng phản công". Phong trào tăng gia sản xuất diễn ra sôi nổi và rộng khắp. Công tác thủy lợi, ứng dụng kỹ thuật chăm bón, nuôi trồng được tăng cường; thâm canh, xen canh, gối vụ được đẩy mạnh, diện tích gieo trồng được mở rộng.
Cùng với trồng trọt, Liên khu ủy chỉ đạo các tỉnh đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm và phát triển nghề cá. Chủ trương của Liên khu ủy là chú trọng phát triển chăn nuôi gia đình, lập trại chăn nuôi ở các vùng đất khai hoang; khuyến khích, tạo điều kiện cho các gia đình ở miền núi, trung du phát triển chăn nuôi trâu bò; khai thác tiềm năng của ao, hồ, đầm, để nuôi thả cá ở vùng đồng bằng.
Xuất phát từ mục tiêu của nền kinh tế kháng chiến, Liên khu ủy chỉ đạo các địa phương Thanh - Nghệ - Tĩnh đẩy mạnh phát triển công nghiệp (công nghiệp quốc phòng) và tiểu thủ công nghiệp, nhằm tạo ra nhiều vũ khí, đạn dược, thuốc men, một số máy móc, quân trang, quân dụng và các đồ dùng thiết yếu khác cho bộ đội và nhân dân. Trong ngành quân giới, phong trào thi đua tăng năng suất và chất lượng sản phẩm diễn ra sôi nổi. Nhiều xưởng sửa chữa và sản xuất vũ khí được thành lập. Các ngành tiểu thủ công nghiệp, nghề thủ công truyền thống được khuyến khích phát triển. Đi đôi với phát triển công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, Liên khu ủy chỉ đạo đẩy mạnh các hoạt động nội, ngoại thương.
Giao thông vận tải là một trong những nhân tố góp phần thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế. Để phục vụ cho việc vận chuyển đạt hiệu quả cao, Liên khu ủy chỉ đạo các địa phương tận dụng mọi phương tiện vận tải, kể cả các phương tiện vận tải thô sơ như xe cút kít, xe bò, thuyền,... khai thác tối đa khả năng vận tải đường thủy.
Quán triệt sự chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bức thư gửi đồng bào Liên khu IV (7-1950), Chỉ thị của Ban Thường vụ Trung ương (11-1950) về vấn đề sửa chữa sai lầm khuyết điểm trong việc thi hành chính sách nông thôn của Đảng; dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Liên khu ủy, các cấp ủy, chính quyền ở Thanh - Nghệ - Tĩnh, với tinh thần thẳng thắn, tích cực đã từng bước sửa chữa khuyết điểm trong thực hiện chính sách nông thôn, khắc phục sự mất đoàn kết, bất hòa trong nội bộ. Từ đó củng cố được niềm tin của toàn thể nhân dân Liên khu đối với Đảng, đối với cuộc kháng chiến.
Sức mạnh đoàn kết nhất trí giữa các cấp ủy Đảng và nhân dân Thanh - Nghệ - Tĩnh là động lực to lớn để Đảng bộ và nhân dân Thanh - Nghệ - Tĩnh vững bước cùng cả nước bước vào giai đoạn mới của cuộc kháng chiến.
Tài liệu tham khảo