foto1
Khoa Tiếng Việt
foto1
Khoa Tiếng Việt
foto1
Khoa Tiếng Việt
foto1
Khoa Tiếng Việt
foto1
Khoa Tiếng Việt

+(084)0393.885.133
khoatiengviet@htu.edu.vn
Liên hệ



Nguyễn Tuân là nhà văn lớn của nền văn học Việt Nam hiện đại. Nhắc đến Nguyễn Tuân người ta nghĩ ngay tới một phong cách nghệ thuật độc đáo, tài hoa vào loại bậc nhất trong lịch sử văn học Việt Nam. Suốt một đời cầm bút, Nguyễn Tuân luôn mãi miết đi tìm cái đẹp. Nếu trước cách mạng Nguyễn Tuân đi tìm những vẻ đẹp xưa còn sót lại trong những thú chơi tao nhã, đài các của một tầng lớp nhà nho thất thế thì sau cách mạng ông lại say sưa với những vẻ đẹp tươi mới của cảnh sắc thiên nhiên quê hương đất nước, vẻ đẹp của con người lao động mới. Tiêu biểu cho sự chuyển hướng trong quan niệm thẩm mỹ của Nguyễn Tuân giai đoạn sau cách mạng là tùy bút “Người lái đò sông Đà”. Đắm mình trong vẻ đẹp của dòng sông huyền thoại, Nguyễn Tuân không chỉ thấy sự quyến rũ, hấp dẫn của cảnh sắc thiên nhiên mà còn lắng nghe trong đó âm vang bài ca lao động của con người chinh phục thiên nhiên. Người lái đò sông Đà với vẻ đẹp tài hoa, trí dũng hơn đời chính là hiện thân cho những con người lao động mới, là nhân vật tiêu biểu cho quan niệm nghệ thuật về con người của Nguyễn Tuân giai đoạn sau cách mạng.

              Tùy bút “Người lái đò Sông Đà” được in trong tập tùy bút “Sông Đà” (1960). Đây là kết quả của chuyến thâm nhập thực tế ở Tây Bắc của nhà văn sau chiến thắng Điện Biên Phủ. Tác được đánh giá là một công trình mĩ thuật bằng ngôn từ về Tây Bắc kì vĩ, thơ mộng đồng thời là tấm lòng của nhà văn lớn đối với đất nước, nhân dân ta. Trong tùy bút “Người lái đò Sông Đà”, Nguyễn Tuân tự cho mình là người “đi tìm cái thứ vàng  của màu sắc sông núi Tây Bắc và nhất là cái thứ vàng mười mang sẵn trong tâm trí tất cả những con người ngày nay đang nhiệt tình gắn bó với công cuộc xây dựng cho Tây Bắc sáng sủa, tươi vui và bền vững”, người lái đò sông Đà với vẻ đẹp trí dũng, tài hoa nghệ sỹ độc hành đưa con đò mưu sinh chiến đấu với con sông Đà hung bạo chính là biểu hiện cụ thể cho “chất vàng mười” của con người Tây Bắc.

            Người lái đò được khắc họa trong tác phẩm là người Lai Châu, khoảng 70 tuổi. Ông đã từng xuôi ngược Sông Đà không dưới 100 lần, trong đó có tới 60 lần giữ lái chính. Con số đó cho thấy ông lái đò là người tài giỏi, lão luyện trong nghề chèo thuyền vượt thác Sông Đà. Người lái đò là một nhân vật không tên, chỉ được gọi bằng nghề nghệp của mình. Bằng cách ấy, nhà văn muốn khắc họa tính chất đại diện của ông lái đò. Ông lái đò là hiện thân của những con người lao động bình dị và vô danh trong muôn triệu người khác. Ông cũng giống như những chị lao công, cô dân quân, anh bộ đội... là những người bình thường mà vĩ đại nhất trong mỗi trang văn của Nguyễn Tuân sau cách mạng. Ở cái tuổi 70, nhưng ông lái đò lại có một vẻ ngoài đầy phong sương, cơ thể in hằn mùi sông nước “tay lêu nghêu như cái sào, chân khuỳnh ra như kẹp lấy một cái bánh lái tưởng tượng nào đó, giọng nói ào ào như thác lũ Sông Đà, nhãn giới vòi vọi như nhìn về một bến xa nào đó”. Tuổi đã cao nhưng cặp mắt ông đò vẫn tinh anh, thông thạo từng đường đi nước bước trên Sông Đà. Đặc điểm ngoại hình và tố chất ấy được tạo nên bởi nét đặc thù của môi trường lao động trên sông nước, nó toát lên cái thần thái của một người đã gắn bó với sông nước nhiều năm. Những đường nét ngoại hình của ông đò đủ để minh chứng cho ta hiểu rằng: không cần một chàng trai lực lưỡng trẻ khỏe nào mà chính ông lái đò Lai Châu với 70 tuổi đời và 10 năm kinh nghiệm chiến đấu sẽ khuất phục được con Sông Đà bất kham kia.

     Trong tác phẩm, người lái đò hiện lên với vẻ đẹp trí dũng song toàn. Để làm nổi bật phẩm chất anh hùng, dũng cảm của người lái đò, bằng trí tưởng tượng phong phú của mình, Nguyễn Tuân đã dựng lên một cuộc thủy chiến khốc liệt mà ở đó sông Đà hiện ra bộ mặt ác hiểm tột cùng và người lái đò cũng phô bày những phẩm chất hiếm có. Để làm nổi bật tính chất khốc liệt của trận chiến trên thác đá sông Đà, Nguyễn Tuân đã cho thấy tương quan lực lượng giữa 2 bên tham chiến. Một bên là sông Đà với sự hung hãn tột cùng từ những quãng bờ sông với vách đá cao ngất chẹt lòng sông Đà lại như một cái yết hầu, những cái hút nước ghê người sẵn sàng lôi tuột bất cứ con thuyền nào dìm xuống đánh cho tan xác đến thế trận dàn sẵn hàng ngàn năm nay bởi binh pháp của thần sông, thần đá với đội quân đá ô hợp, hiếu chiến và những dòng thác muốn “lật bung”, “ăn chết” những con thuyền... Trái ngược với sự hung bạo, ác hiểm của con sông Đà, người lái đò chỉ có một chiếc thuyền đuôi én thon nhỏ và mái chèo mỏng mảnh mà sóng thác sông Đà có thể ùa vào bẻ gãy bất cứ lúc nào. Nhưng bù lại sự thô sơ của vũ khí ông lái đò có một trí tuệ thông minh và trái tim dũng cảm không biết sợ. Trong cuộc chiến không cân sức ấy con người đã chiến thắng nhờ sự gan dạ, dũng cảm, ngoan cường.

Ở trùng vi thứ nhất, dòng sông mở ra 5 cửa, 4 cửa tử, 1 cửa sinh. Cửa sinh nằm lập lờ phía tả ngạn. Những tên đá đám tảng đám hòn dữ tợn, nham hiểm được chia ra 3 hàng chặn ngang trên sông đòi ăn chết cái thuyền. Phối hợp với thế trận đá “Sóng nước như thể quân liều mạng vào sát nách mà đá trái mà thúc gối vào bụng và hông thuyền. Có lúc chúng đội cả thuyền lên”. Chúng thi nhau đánh ông lái đò những đòn tỉa, đòn âm, đòn “vô sở bất chí” làm ông lái đò nhiều khi mặt “méo bệch” ra vì đau đớn. Song người lái đò vẫn không hề nao núng, ông vẫn bình tĩnh, đầy mưu trí như một vị chỉ huy, lái con thuyền vượt qua ghềnh thác. Ông lái đò “hai tay giữ mái chèo khỏi bị hất lên khỏi sóng trận địa phóng thẳng vào mình”. Ngay cả khi bị thương, người lái đò vẫn “cố nén vết thương, hai chân vẫn kẹp chặt lấy cuống lái”. Bước sang trùng vi thứ 2, sóng thác tăng thêm nhiều cửa tử để đánh lừa con thuyền và cửa sinh lại bố trí lệch qua bờ hữu ngạn. Nhưng ông lái đò đã nắm rất vững âm mưu của kẻ thù. Mỗi động tác của ông đều tỏ ra dứt khoát, mạnh mẽ, chính xác tuyệt vời. Để diễn tả điều này Nguyễn Tuân đã huy động một vốn từ ngữ phong phú và bố trí chúng vào những vị trí không thể thay thế được. Ông lái đò “nắm chặt lấy bờm sóng đúng luồng rồi, ông đò ghì cương lái, bám chắc vào luồng nước đúng mà phóng nhanh vào cửa sinh, lái miết một đường chèo về phía của đá ấy”... Hàng loạt động từ được huy động như một đội quân ngôn ngữ hùng hậu hò reo theo từng động tác của ông lái đò. Tư thế dũng mãnh của ông lái đò được Nguyễn Tuân diễn tả trong một hình ảnh so sánh đắc địa “Cưỡi lên thác Sông Đà, phải cưỡi đến cùng như là cưỡi hổ”. Bọn tướng đá, đứa thì “ông tránh mà rải bơi chèo lên”, đứa thì bị “ông đè sấn lên mà chặt đôi ra để mở đường tiến”. Một trùng vi với bao cửa tử, cửa sinh mà chỉ một vài ngón đòn ông lái đò đã đánh sập vòng vây của lũ đá đồng thời làm cho bọn đá phải thua cuộc với bộ mặt “tiu nghỉu, xanh lè thất vọng”. Đến vòng thứ bà, ít cửa hơn, bên phải bên trái đều là luồng chết cả, luồng sống ở chặng này lại nằm ngay giữa bọn đá hậu vệ. Mặc dù phải đối mặt với khó khăn nhưng bằng sự trí dũng cao cường, người lái đò đã chủ động “tấn công”. Ông chẳng khác gì một kị sĩ dũng cảm đang thuần phục một con ngựa bất kham. Ông đã biến chiếc thuyền sáu bơi chèo thành một mũi tên “phóng thẳng thuyền, chọc thủng cửa giữa đó”. Con thuyền “như một mũi tên tre xuyên nhanh qua hơi nước, vừa xuyên vừa tự động lái được lượn được”. Sự thần tốc trong cách đánh đã giúp người lái đò vượt qua trùng vi cuối cùng đầy phi thường. Có thể nói trong cuộc chiến với SĐ, người lái đò đã bộc lộ những phẩm chất tuyệt vời của một vị tướng lão luyện, một chiến binh quả cảm.

Ông lái đò là người tinh thạo, từng trải, giàu kinh nghiệm, hiểu biết sâu sắc về từng luồng lạch, ngõ ngách trên Sông Đà. Đã 70 tuổi, cái tuổi đầu bạc chân rung nhưng ông lại một trí nhớ siêu phàm. Ông lái đò thông thuộc thế trận sông Đà như lòng bàn tay của mình, đóng đinh vào đầu tất cả luồng nước đúng của 73 con thác hiểm trở: “Sông Đà, đối với ông lái đò ấy như một trường thiên anh hùng ca mà ông đã thuộc đến cả những cái chấm than, chấm câu và cả những đoạn xuống dòng”. Ông lái đò vừa thuộc quy luật của lũ đá nơi ải nước hiểm trở này, vừa nắm chắc binh pháp của thần sông thần đá. Vì thế, vào trận mạc, ông thật khôn khéo, bình tĩnh như vị chỉ huy cầm quân tài ba. Mọi giác quan của ông lão đều hoạt động trong sự phối hợp nhịp nhàng, chính xác.

               Phẩm chất nổi bật nhất, độc đáo nhất ở người lái đò sông Đà là phong thái của một nghệ sĩ tài hoa với phong thái ung dung bình dị. Trong tác phẩm, Nguyễn Tuân đã xây dựng một hình tượng người lái đò nghệ sĩ mà nhà văn trân trọng gọi là tay lái ra hoa. Phẩm chất tài hoa nghệ sỹ của ông lái đò trước hết được thể hiện ở niềm đam mê, thích thú với nghề chèo thuyền vượt thác của ông. Tất cả những gì ác hiểm nhất của con sông Đà bày ra hàng ngàn năm nay ông lái đò chỉ xem đó là sự kích thích trí mạo hiểm. Với ông phải chạy thuyền trên những khúc sông không có thác, ông cảm thấy “dại chân, dại tay và buồn ngủ”, và khi xuôi hết thác ghềnh thì ông cũng thấy hết cả mặn mà với con sông. Bởi vậy thật có lý khi có người đã ví ông lái đò là “tình nhân” của thiếu phụ sông Đà, một người tình nhân rất đỗi thủy chug ngay cả khi người thiếu phụ ấy nổi cơn thịnh nộ. Để chiến thắng con sông Đà hung hãn, bạo ngược bên cạnh phẩm chất anh hùng dũng cảm, sự dạn dày kinh nghiệm, ông lái đò còn sở hữu một bàn tay khéo léo, tài hoa để có thể chèo lái con thuyền vượt qua bao nhiêu trùng vi thạch trận. Những đường chèo của ông khi vượt qua bao cửa tử, cửa sinh trên sông Đà không những chính xác mà còn vô cùng điêu luyện, thuần thục, đẹp mắt. Có thể nói rằng trong cuộc thủy chiến trên sông Đà, ông lái đò với tay lái “ra hoa” đã chơi một vũ điệu ba lê trên sóng nước, ông đã điều khiển con đò một cách điệu nghệ, vượt qua tất cả các cửa tử để về đích một cách an toàn, ngoạn mục.

Không chỉ là người tài trí mà ông lái đò còn có phong thái ung dung pha chất nghệ sỹ. Xong trận, trở về với cuộc sống đời thường ông đò lúc nào cũng ung dung, thanh thản như chưa từng vượt thác: Sóng thác xèo xèo tan ra trong trí nhớ. Sông nước lại thanh bình. Đêm ấy nhà đò đốt lửa trong hang đá, nướng ống cơm lam và toàn bàn về cá anh vũ, cá dầm xanh, về những cái hầm cá hang ca mùa khô nổ những tiếng to như mìn bộc phá rồi cá túa ra đầy tràn ruộng. Cũng chả thấy ai bàn thêm một lời nào về cuộc chiến thắng vừa qua nơi ải nước đủ tướng dữ quân tợn vừa rồi. Như những nghệ sĩ chân chính, sau khi vắt kiệt sức mình để thai nghén nên tác phẩm không mấy ai tự tán dương về công sức của mình. Người lái đò vừa làm xong một công việc phi thường, vĩ đại nhưng ông không bao giờ xem đó là việc phi thường, vĩ đại. Đấy chính là vẻ đẹp cao quý, giản dị, là cái tâm trong sáng của người bình dân ngày đêm lặng lẽ công hiến, xây dựng quê hương đất nước. Nhà văn Nguyễn Tuân đưa ra một lời nhận xét : “Cuộc sống của họ là ngày nào cũng chiến đấu với sông Đà dữ dội, ngày nào cũng giành lấy sự sống từ tay những cái thác, nên nó cũng không có gì là hồi hộp, đáng nhớ… Họ nghĩ thế, lúc ngừng chèo”.

Để xây dựng thành công hình tượng người lái đò, Nguyễn Tuân chú ý sáng tạo nên tình huống thử thách để nhân vật bộc lộ phẩm chất của mình. Càng nhấn mạnh sự hung bạo dữ dội của Sông Đà, tác giả cảng khắc họa được sự từng trải, mưu mẹo, dũng cảm, tài hoa của ông lái đò. Bên cạnh đó, tác giả còn tung ra một kho ngôn từ miêu tả đầy cá tính, giàu chất tạo hình, lối nhân hóa, so sánh độc đáo, mới lạ, bất ngờ mà vô cùng chính xác, vốn tri thức phong phú về nhiều mặt: lịch sử, địa lý, quân sự, võ thuật, điện ảnh, điêu khắc, hội họa...

Trong “Người lái đò Sông Đà” Nguyễn Tuân đã cực tả những cuộc vượt thác thường ngày của người dân Tây Bắc như những trận đánh biến ảo, đầy sức hấp dẫn. Trên cái nền hoành tráng ấy, người lái đò hiện ra với vẻ đẹp kì vĩ, phi thường. Với chiến công kì diệu của mình họ xứng đáng được tôn vinh như những người anh hùng. Ông lái đò là một hình tượng đẹp về người lao động mới. Qua hình tượng này, Nguyễn Tuân muốn phát biểu quan niệm của mình: Anh hùng không chỉ có trong chiến đấu mà còn có cả trong cuộc sống lao động đời thường.

              Nhà văn Nga Leptonxtôi đã từng nói: “Một tác phẩm chân chính là kết quả của tình yêu”. Chính tình yêu cuộc sống, tình yêu con người đã thôi thúc người nghệ sỹ đi tìm “chất vàng mười” cho văn chương của họ. Xuyên suốt chặng hành trình cùng với người lái đò Sông Đà, Nguyễn Tuân đã thể hiện tình yêu da diết của mình với thiên nhiên quê hương đất nước và đặc biệt là tình yêu những người lao động mới. Họ chính là những con người bình thường mà vĩ đại trên mỗi trang văn của Nguyễn Tuân sau cách mạng.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Phan Cự Đệ, Trần Đình Hượu…- Nguyễn Tuân in trong Văn học Việt Nam (1900- 1945)- NXB Giáo dục, 2000.

2. Nguyễn Đăng Mạnh- Nguyễn Tuân- in trong Văn học Việt Nam 1945- 1975- tập 2- NXB Giáo dục, H.1990

3. Sách giáo khoa Ngữ văn 12 nâng cao, tập 1- NXB Giáo dục, 2008

4. Nguyễn Tuân, Tác giả trong nhà trường- NXB Văn học, 2007

5. Tuyển tập Nguyễn Tuân, tập1 & 2, NXB Văn học, 2008



Copyright © 2024 Copyright Khoa Tiếng Việt - Trường Đại học Hà Tĩnh Rights Reserved.