foto1
Khoa Tiếng Việt
foto1
Khoa Tiếng Việt
foto1
Khoa Tiếng Việt
foto1
Khoa Tiếng Việt
foto1
Khoa Tiếng Việt

+(084)0393.885.133
khoatiengviet@htu.edu.vn
Liên hệ



Trong văn chương bác học, ý thức trào phúng cũng đã xuất hiện từ rất sớm. Thơ Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã lồng cái cười vào việc giảng dạy đạo lý. Và càng về sau, khuynh hướng trào phúng càng được định hình rõ nét với những tên tuổi như Phạm Thái, Phạm Đình Hổ, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, Nguyễn Quý Tân… Cho đến cuối thế kỷ XIX, trong điều kiện lịch sử và xã hội đặc biệt, văn thơ trào phúng đã đạt đến độ kết tinh do công lao của các thi hào Nguyễn Khuyến, Nguyễn Văn Lạc, Từ Diễn Đồng, Trần Tế Xương… Đến đây, tiếng cười không còn là công cụ phục vụ cho việc giảng thuần đạo lý nữa mà đã tách bạch hẳn, nghĩa là có đối tượng để đùa vui, châm biếm, đả kích.

Trong làng thơ trào phúng ấy, tiếng cười trào phúng của Tú Xương đã vượt trội hơn hẳn và giữ một vị trí cao. Nếu cái cười của Hồ Xuân Hương lấp lửng hai mặt chỉ nhằm lố bịch hóa đối tượng, cái cười của Nguyễn Khuyến thâm trầm, kín đáo của bậc đại nhân; thì cái cười của Tú Xương lại phong phú linh động đến tột bực. Chính cái đa sắc điệu đó đã giúp nhà thơ non Côi sông Vị trở thành người ghi công đầu cho nền thi ca trào phúng của nước nhà. Tài sản văn chương của ông chỉ độ khoảng trăm bài, nhưng lại chiếm một vị trí thật đặc biệt trên thi đàn Việt Nam. Nhà thơ Nam Định ấy đã cất tiếng lên, mà ai đã nghe thì không quên được, không quên nỗi. Đó là tiếng cười dân tộc đã thêm âm sắc, thêm đốt khớp nên co duỗi linh động, thoải mái. Đó là lý do vì sao đã hơn một thế kỷ mà thơ Tú Xương vẫn không bị bụi thời gian phủ mờ, lại còn phổ biến rộng khắp.

Nhưng nếu chỉ nói Tú Xương đã thừa hưởng trọn vẹn di sản trào phúng của dân tộc cả bình dân lẫn bác học thì đó mới chỉ là nguyên nhân xa. Bởi tiếng cười trào phúng của Tú Xương còn được bắt rễ từ chính hiện thực cuộc sống đã kích thích mạnh mẽ trí phán đoán của ông, và trở thành thi liệu độc đáo cho ông sáng tác.

Trần Tế Xương sống trong bối cảnh giao thời của xã hội Việt Nam những năm cuối thế kỷ XIX. Đó là khi những tháng năm cuối cùng của một xã hội phong kiến lỗi thời đang tắt và một xã hội thực dân nửa phong kiến đang hình thành mà vừa ló mặt đã đầm đìa máu và nước mắt. Cụ thể hơn, Tú Xương sống và sáng tác vào thời kì thoái trào của phong trào chống Pháp, và bắt đầu cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất của thực dân Pháp. Tuổi thơ của ông trôi qua trong tiếng súng thắng trận của kẻ thù. Những tháng ngày oanh liệt của quê hương chống Pháp cũng chỉ còn âm vang trong miền kí ức của ông. Vì vậy ở Nam Định, ông chỉ nghe những lời xì xào bàn tán về chuyện ông Tây bà đầm, chuyện những kẻ hãnh tiến gặp thời phất lên như diều gặp gió… Ngay cả bản thân thành Nam quê ông cũng bị biến thành xã hội tư bản thu nhỏ với những cuộc va chạm tư tưởng và tác phong Đông- Tây đang diễn ra gay gắt. Sự xung đột lịch sử đó còn đẻ ra một giai cấp mới với nhiều thành phần hỗn tạp: phú nông, phú thương, cường hào và cả một số sĩ phu xu thời nữa. Và bức tranh xã hội đó đã trở thành đối tượng để Trần Tế Xương châm biếm, trào lộng.

Trong xã hội đen tối đó, cuộc đời Tú Xương là cả một chuỗi dài bi kịch. Là một con người tài năng, nhưng Tú Xương lại không thể đem cái tài đó ra thi thố với đời. Không thể và không bao giờ hòa tan vào xã hội lố lăng lúc bấy giờ nên ông bị gạt ra bên lề xã hội, côi cút, quanh quẩn với nỗi bi kịch của mình. Bế tắc về lí tưởng, thiếu lòng tin vào bản thân và cuộc đời, luẩn quẩn trong hành động, Tú Xương không biết làm gì hơn. Và nhà thơ non Côi sông Vị ấy đã hoán cải những bi kịch xã hội cùng sự thất vọng cá nhân thành một chuỗi cười dài trên bờ sông nhân thế.

Đó chính là những nhân tố khách quan và chủ quan khiến Trần Tế Xương ý thức hóa trào phúng hóa thơ mình. Nhờ vậy, thơ của “đỉnh cô phong” (Đào Thái Tôn) ấy luôn được nhân dân ngàn đời yêu thích.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Kiều Văn (tuyển chọn), “Thơ văn Tú Xương”, NXB Đồng Nai, 2002.

2. Ngô Văn Phú, “Tú Xương- con người và tác phẩm”, NXB Hội nhà văn, 1998.

3. Nguyễn Lộc, “Văn học Việt Nam nửa cuối thế kỷ XVIII đến hết thế kỷ XIX”, NXB Giáo dục.

4. Nguyễn Phong Nam, “Giáo trình văn học Việt Nam”, Đại học Đà Nẵng, Trường Đại học Sư phạm, 2003.

5. Nguyễn Văn Huyền, “Tú Xương- tác phẩm và giai thoại”, Hội văn học nghệ thuật Hà Nam Ninh, 1986.



Copyright © 2024 Copyright Khoa Tiếng Việt - Trường Đại học Hà Tĩnh Rights Reserved.