foto1
Khoa Tiếng Việt
foto1
Khoa Tiếng Việt
foto1
Khoa Tiếng Việt
foto1
Khoa Tiếng Việt
foto1
Khoa Tiếng Việt

+(084)0393.885.133
khoatiengviet@htu.edu.vn
Liên hệ



 

Công chức là một thuật ngữ sử dụng phổ biến ở các nước để chỉ nhóm người đặc biệt làm việc trong các cơ quan nhà nước. Tuy được sử dụng phổ biến nhưng chưa có một định nghĩa thống nhất về thuật ngữ này. Mỗi nước có một định nghĩa riêng về công chức.

Ở Pháp, công chức là những người làm công vụ được nhà nước hoặc cộng đồng lãnh thổ bổ nhiệm vào một công việc thường xuyên trong các công sở hay công sở tự quản, kể cả các bệnh viện [2, tr.241]. Ở Trung Quốc, khái niệm công chức nhà nước dùng để chỉ những người công tác trong các cơ quan hành chính nhà nước các cấp, từ nhân viên phục vụ. Gồm hai loại: Công chức lãnh đạo là những người thừa hành quyền lực hành chính nhà nước, được bổ nhiệm theo các trình tự luật định, chịu sự điều chỉnh của Hiến pháp, Điều lệ công chức và Luật Tổ chức chính quyền các cấp và công chức nghiệp vụ, là những người thi hành chế độ thường nhiệm, do cơ quan hành chính nhà nước các cấp bổ nhiệm và quản lý căn cứ vào Điều lệ công chức, họ chiếm tuyệt đại đa số công chức nhà nước, chịu trách nhiệm quán triệt, chấp hành chính sách và pháp luật [2, tr.23 - 24].

Ở Việt Nam, khái niệm công chức được hình thành, gắn với quá trình phát triển của nền hành chính nhà nước qua từng giai đoạn khác nhau. Sắc lệnh số 76/SL ngày 20/5/1950 của Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là văn bản có tính pháp lý đầu tiên ở nước ta quy định về công chức. Điều 1 Sắc lệnh quy định: “Công chức là những công dân Việt Nam được chính quyền nhân dân tuyển để giữ một chức vụ thường xuyên trong các cơ quan Chính phủ, ở trong hay ngoài nước, trừ trường hợp riêng biệt do Chính phủ quy định”. Theo quy định này, công chức có phạm vi rất hẹp, chỉ những người được tuyển dụng, giữ một chức vụ thường xuyên trong các cơ quan Chính phủ, những người làm việc trong các cơ quan, đơn vị khác của nhà nước thì không phải là công chức.

Từ năm 1954 trở đi, trong các văn bản pháp luật thường dùng thuật ngữ “cán bộ, viên chức”, bao gồm những người trong biên chế, làm việc trong các cơ quan nhà nước từ trung ương đến địa phương. Khái niệm này cho thấy phạm vi cán bộ, viên chức rất rộng và không phản ánh được đặc điểm nghề nghiệp, tính chất công việc, trình độ chuyên môn... của cán bộ, viên chức, là nguyên nhân của những khó khăn trong quản lý, sử dụng đội ngũ cán bộ, công chức.

Bước sang thời kỳ đổi mới, ngày 25/5/1991, Hội đồng Bộ trưởng đã ban hành Nghị định số 169/HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng về công chức nhà nước và quy định: “Công dân Việt Nam được tuyển dụng và bổ nhiệm giữ một công vụ thường xuyên trong một công sở của nhà nước ở Trung ương hay địa phương, ở trong nước hay ngoài nước đã được xếp vào một ngạch, hưởng lương do ngân sách nhà nước cấp gọi là công chức”.

 Như vậy, theo Nghị định số 169/HĐBT phạm vi công chức rộng hơn so với Sắc lệnh số 76/SL, bao gồm không chỉ những người được tuyển dụng hay bổ nhiệm giữ một công vụ thường xuyên trong các cơ quan của Chính phủ mà cả ở cơ quan khác của nhà nước. Tuy nhiên, khái niệm này cũng không bao hàm hết phạm vi công chức.

Pháp lệnh Cán bộ, công chức năm 1998 đánh dấu một bước phát triển mới trong quá trình xây dựng pháp luật về cán bộ, công chức ở nước ta. Điều 1 Pháp lệnh quy định: “Cán bộ, công chức quy định tại Pháp lệnh này là công dân Việt Nam, trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước…”. Quy định này khẳng định quan điểm và nhận thức mới về đội ngũ cán bộ, công chức trong giai đoạn hiện nay, song vẫn chưa có sự phân biệt rõ ràng giữa cán bộ với công chức. Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung năm 2000, 2003 cũng chưa đưa ra được định nghĩa riêng cho từng khái niệm “cán bộ”, “công chức” và những người làm việc trong bộ máy chính quyền cấp xã.

Trước yêu cầu của sự phát triển kinh tế - xã hội, sự phát triển của đời sống chính trị pháp lý, ngày 13/11/2008, Quốc hội nước Cộng hòa XHCN Việt Nam khóa XII thông qua Luật Cán bộ, công chức (có hiệu lực từ ngày 01/01/2010). Tại Khoản 2 Điều 4 Luật Cán bộ, công chức năm 2008 quy định:

 Công chức là công dân Việt Nam, được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện; trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân mà không phải là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng; trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân mà không là sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp và trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước; đối với công chức trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập thì lương được bảo đảm từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, tại Khoản 3 Điều 4 Luật Cán bộ, công chức năm 2008 còn quy định: “Công chức cấp xã là công dân Việt Nam được tuyển dụng giữ một chức danh chuyên môn nghiệp vụ thuộc UBND cấp xã, trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước”.

Như vậy, theo quy định của pháp luật hiện nay ở nước ta có hai nhóm công chức: Một nhóm công chức làm việc trong các cơ quan nhà nước, cơ quan Đảng và các tổ chức chính trị - xã hội từ cấp huyện trở lên (công chức ở các cơ quan chuyên môn cấp huyện, cấp tỉnh thuộc nhóm này) và nhóm công chức làm việc mang tính chuyên môn nghiệp vụ tại UBND cấp xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là “cấp xã”).

Theo quy định của pháp luật Việt Nam, công chức có nhiều điểm khác biệt với các nước, đó là, công chức không chỉ bao gồm những người làm việc trong hệ thống cơ quan HCNN, mà còn bao gồm cả những người làm việc cho các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội như: Các Ban của Đảng, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Công đoàn Việt Nam; các cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân, Công an nhân dân. Đây là một trong những đặc trưng cơ bản nhất của công chức nước ta, xuất phát từ đặc thù của thể chế chính trị và tổ chức bộ máy nhà nước, đảng, đoàn thể của nước ta.

Theo định nghĩa trên, đặc điểm của một công chức gồm:

Thứ nhất, phải là công dân Việt Nam;

Thứ hai, về chế độ tuyển dụng, bổ nhiệm:

- Công chức phải là người được tuyển dụng hoặc bổ nhiệm vào ngạch, chức danh, chức vụ trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc cấp Trung ương, cấp tỉnh, và cấp huyện.

- Công chức phải có đủ trình độ chuyên môn phù hợp với ngạch, chức danh, chức vụ. Các vấn đề liên quan tới bổ nhiệm, tuyển dụng công chức vào các chức danh, chức vụ và bổ nhiệm vào các ngạch công chức quy định cụ thể ở chương IV - Luật Cán bộ, công chức năm 2008. Những vấn đề này còn phụ thuộc vào quy định riêng đối với các chức danh, chức vụ khác nhau; cùng một chức danh, chức vụ nhưng thuộc các tổ chức, cơ quan, đơn vị khác nhau; cùng một chức danh, chức vụ thuộc cùng một loại tổ chức, cơ quan, đơn vị nhưng ở các cấp khác nhau.

Thứ ba, về nơi làm việc: Nơi làm việc của công chức rất đa dạng. Nếu như cán bộ là những người hoạt động trong các cơ quan của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương, ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, ở huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh thì công chức còn làm việc ở cả cơ quan, đơn vị thuộc quân đội nhân dân, công an nhân dân, trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập.

Thứ tư, về thời gian công tác: Công chức đảm nhiệm công tác từ khi được bổ nhiệm, tuyển dụng cho tới khi nghỉ hưu theo quy định của Bộ luật Lao động năm 2012 mà không hoạt động theo nhiệm kỳ như cán bộ (Điều 60 - Luật Cán bộ, công chức năm 2008). Chấm dứt đảm nhiệm chức vụ khi đến tuổi nghỉ hưu: Nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi (Quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 73 - Luật Bảo hiểm Xã hội năm 2014).

Thứ năm, về chế độ lao động: Công chức được biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước (Điều 12 - Luật Cán bộ, công chức năm 2008); đối với công chức trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập thì lương được bảo đảm từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật.

Vấn đề nâng cao chất lượng công chức là một nhiệm vụ rất quan trọng, do yêu cầu và nhiệm vụ của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, thực hiện cải cách hành chính, cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Yêu cầu của tiến trình xây dựng nhà nước pháp quyền và đảm bảo hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước càng đòi hỏi phải xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ, công chức tinh thông về chuyên môn, nghiệp vụ, có đủ năng lực, trình độ và phẩm chất đạo đức để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, trong giai đoạn phát triển kinh tế trí thức, chủ động hội nhập quốc tế, phát huy nội lực nhằm đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Nghị quyết Trung ương IV khóa XI thì công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có đủ bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức cách mạng, năng lực trí tuệ để gánh vác trọng trách xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân là yêu cầu cấp bách và có ý nghĩa thực tiễn hơn bao giờ hết.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Nguyễn Thị Hồng Hải, “Đánh giá thực thi công vụ nhằm đảm bảo hiệu quả hoạt động của tổ chức HCNN”, Tạp chí Tổ chức nhà nước, số 12 năm 2012

2. TS. Thang Văn Phúc và TS. Nguyễn Minh Phương: Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức đáp ứng đòi hỏi của Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân, Đề tài khoa học cấp nhà nước 2001 - 2005, mã số KX.04.09

3. Quốc hội, Luật Cán bộ, công chức số 22/2008/QH12 ngày 13/11/2008.

 

 

 



Copyright © 2024 Copyright Khoa Tiếng Việt - Trường Đại học Hà Tĩnh Rights Reserved.