Câu đố là thể loại văn học dân gian phản ánh sự vật, hiện tượng theo lối nói chệch (nói một đằng, hiểu một nẻo). Khi sáng tạo câu đố người ta lần tìm theo hướng chức năng của từng sự vật cá biệt và sau đó phản ánh thông qua sự so sánh, hình tượng hoá.
Xét về mặt cấu tạo, câu đố có cấu trúc của một cuộc đối thoại gồm hai phần: lời đố và lời giải
Lời đố là một câu hỏi dưới hình thức mô tả những đặc điểm về hình dáng, cấu tạo, sắc màu, công dụng…của vật đố. Như vậy, câu đố là một kiểu định nghĩa mà ở đó người đố cố gắng đưa ra những thông tin về vật đố để người giải có đủ cơ sở tên gọi của vật đố
Hai vế khác nhau về dạng thức hay cách xây dựng ngôn ngữ nhưng lại giống nhau về nghĩa. Lời đố bao giờ cũng là một miêu tả những yếu tố cấu tạo vật đố, nhưng chỉ cần đưa ra vài ba điểm chính hoặc hai ba điểm chính kèm theo một vài điểm phụ. Những đặc điểm chính này là chỉ dẫn để người giải câu đố đưa vào để đoán giải. Do đó còn có thể hiểu, câu đố như một cách xây dựng ngôn ngữ áp dụng phép hoán dụ vì chỉ lấy một vài đặc điểm tiêu biểu của sự vật để chỉ toàn bộ sự vật
Xét về mặt nghĩa, câu đố là một cuộc chơi ngôn ngữ. Nó sử dụng hình ảnh của từ để thể hiện ý nghĩa; là một cách chơi chữ, nhằm mục đích giải trí vui vẻ, nhưng là một giải trí của tinh thần vì chủ yếu người chơi sử dụng trí tuệ, óc phán đoán và đặc biệt là kinh nghiệm sống. Nói một cách khác, câu đố là một bài toán,không phải toán số mà là toán ngôn ngữ, có một trật tự ngôn ngữ chặt chẽ và khoa học, hợp lý theo cách riêng của câu đố để người chơi nhận diện được vật đố
Do đó, câu đố biểu lộ chức năng ngôn ngữ sinh hoạt tri thức thông qua những đấu trí thi đua trổ tài mà trình độ thông minh là tiêu chuẩn quyết định ý nghĩa giá trị câu đố và khả năng của người chơi.
Phần lớn câu đố không bày tỏ những ý nghĩa, tư tưởng, về đời người và người đời như thường thấy trong ca dao và tục ngữ, truyện thần thoại, truyện cổ tích…mà chỉ nhằm gọi đúng tên của sự vật và hiện tượng trong câu đố
Giá trị văn chương nghệ thuật cũng không có nhiều trong câu đố. Tuy câu đố có nhiều vần điệu nhưng không phải là thơ mà chỉ là thứ văn vần có tính cách dễ nói, dễ nhớ, dễ thuộc.
Câu đố trình bày một vài chỉ dẫn về phong tục nếp sống của dân tộc. Tính cách dân tộc, văn hoá dân tộc thể hiện trong câu đố không hẳn ở chính những lối sống (lề lối, kỹ thuật canh tác, làm việc, giải trí..) mà ở cách diễn tả, biểu lộ những nếp sống bằng hình tượng, văn cảnh.
1.2.2. Câu đố là sản phẩm của dân gian
“Xét qua những sinh hoạt của nông thôn ta trước đây, bà con hay đố nhau trong những lúc lao động tập thể: lúc đắp đê, lúc cùng nhau cấy lúa, nhổ mạ, đi củi; lúc tụ tập tại một sân nhà nào đó quanh xóm để quay xa, kéo sợi, làm nón, đan rổ rá; cũng có khi ngồi trong thuyền xuôi ngược trên sông để vận chuyển hàng hoá hay qua đò; hay lúc làm việc ngoài đồng ruộng mùa gặt hái; hoặc những lúc nhàn rỗi ban ngày hay ban chiều ngồi tụm năm, tụm ba trên phản, ngoài hè, trông thấy cái chum, cái gáo, thấy con vịt, con gà…đều có thể ra câu đố. Người tham gia đố và giải đố đủ hạng tuổi từ người già đến thanh niên, thiếu nữ, trẻ con, đủ các trình độ có học và không có học.” [20,28]. Như vậy, ngôn ngữ câu đố là sản phẩm của dân gian. Nó được sáng tác bởi những người dân chân lấm, tay bùn. Người đố có thể sử dụng những câu đố có sẵn, chưa có sẵn hoặc sáng tác ra những câu đố mới vì vậy câu đố có nhiều biến thể.
Câu đố Việt Nam trước hết là một phương tiện để thư giãn gân cốt trong lúc lao động và mua vui trong lúc nghỉ ngơi. Nó làm cho người ta không những quên nặng nhọc, quên nắng oi nồng, quên gió táp mưa sa…trong khi làm việc mà còn giúp người ta làm việc hăng hái hơn, cường độ lao động cao hơn.
Câu đố được sáng tác bởi những người dân vì vậy vật đố cũng là những sự vật, hiện tượng gần gũi với cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày của họ: Đó là những con trâu, con bò, con gà, con chó, cây cau, cây ôi, sấm, chớp, mặt trăng, mặt trời…Vật đố có hai đặc điểm là tính phổ biến và tính khái quát
Tính phổ biến của vật đố đòi hỏi những sự vật, hiện tượng, sự việc đem ra đố phải là những thứ, những vật mà ai cũng từng hay, từng biết. Chính vì vậy mà trong câu đố của người Việt hầu hết là những thứ gần gũi với cuộc sống của người dân quê.
Tính khái quát của vật đố yêu cầu sự vật đem ra đố phải là sự vật mà trong cảm quan ngôn ngữ của người Việt có được sự phân loại. Ví dụ như vật đố con trâu phải phân biệt được với con bò, con chó, con heo…cùng là vật nuôi của nhà nông. Chúng đồng thời cũng phân biệt với sự vật ở cấp chủng loại lớn hơn hoặc bé hơn mà chúng bao hàm
1.2.3. Câu đố thể hiện tư duy của người dân
Nhìn chung, đề tài của câu đố Việt Nam rất đa dạng. Tuy nhiên, qua cứ liệu mà chúng tôi có thì hầu như không có câu đố nào nói về những khái niệm trừu tượng như: đạo đức, tôn giáo, sự sống, cái chết vv…
Nội dung các câu đố chứa đựng tính hiện thực đời sống dân gian rất cao. Hiện thực ở đây xuất phát từ thế giới quan duy vật của người dân lao động. Trình độ sản xuất trước đây còn hạn chế, công cụ lao động thô sơ, đơn giản với kinh nghiệm thủ công. Vì thế, khi miêu tả những con vật đó, họ chỉ đưa ra những khái niệm đơn giản, dễ hiểu. Người nông dân khi quan sát sự vật hiện tượng mới chỉ dừng lại ở nhận thức cảm tính, quan sát trực tiếp mà chưa hệ thống hoá, chưa khái quát hoá. Những sự vật, hiện tượng nào gần gũi, được quan sát nhiều thì được đưa vào câu đố nhiều hơn. Tác giả dân gian thường miêu tả sự vật, sự việc trong câu đố bằng các dạng thức sau:
Dạng thức đầu tiên ta thường gặp là miêu tả một cách mộc mạc những đặc trưng về hình dáng bên ngoài của vật đố
Dạng thức thứ hai thể hiện ở chỗ nhiều câu đố trình bày cả về hình dáng bên ngoài lẫn trạng thái hoạt động của sự vật
Dạng thức thứ ba là nhiều câu đố không chỉ nêu rõ chức năng và công dụng của sự vật mà còn là cả quá trình phát triển, hoặc hoạt động của vật đố. Từng trường hợp này thể hiện quá trình quan sát của dân gian đối với các sự vật.
Một nhà nghiên cứu văn học Nga cho rằng: “Câu đố nhận thức những sự vật cụ thể thông qua nguồn gốc, ý nghĩa và quá trình biện chứng của đời sống những sự vật ấy”(dẫn theo [7]). Như vậy, câu đố thể hiện lối tư duy của người dân Việt Nam: Tư duy miêu tả, tư duy ưa ví von so sánh, và tư duy liên tưởng
Đối với loài vật, sự chú ý của người dân phụ thuộc vào sự vật xa hay gần, ngoài hay trong tầm tay chế ngự của con người. Câu đố thường chỉ chú trọng những con vật ở gần, hoặc bên cạnh người, hay ở xa nhà nhưng trong tầm tay chế ngự. Các con vật trong nhà có thể là gia súc, gia cầm, những chó, mèo, trâu, bò, gà lợn…Lối nhìn loài vật thông qua cách nhân hoá, so sánh, ẩn dụ có khi là chơi chữ, nói lái, dùng từ đồng âm, đồng nghĩa…
Câu đố Việt Nam được sáng tác theo hai hướng: tục hoá và mĩ hoá. Dù theo hướng nào thì hình thức miêu tả và kể chuyện ngắn gọn vẫn là chủ yếu. Có một số biện pháp thường được sử dụng trong câu đố như sau
* Ẩn dụ: Đây là phương pháp được sử dụng nhiều nhất trong câu đố Việt Nam. Phương pháp ẩn dụ cho phép dựng nên những câu đố hết sức mềm dẻo tạo nên những sắc thái ý nghĩa đa dạng mà vẫn giữ được sự hợp lý vừa đủ để câu đố tồn tại. Đặc tính của câu đố là miêu tả, phản ánh những đặc điểm, hình dáng, vai trò của sự vật trong thế giới khách quan chứ không phải chủ yếu là miêu tả và phản ánh xã hội. Cho nên không thể coi ẩn dụ trong câu đố giống như lối ẩn dụ trong các thể loại văn học thuần tuý được. Ẩn dụ trong câu đố không nhất thiết nói về người mà có thể nói về bất cứ sự vật nào trong thế giới khách quan. Hàng loạt ẩn dụ trong câu đố được xây dựng trên cơ sở quan sát những sự giống và khác nhau về đặc điểm bên ngoài của sự vật. Hoặc có nhiều ẩn dụ của câu đố được xây dựng bằng phương pháp nhân hoá (động vật hoá, thực vật hoá, tự nhiên hoá) những vật vô tri, vô giác. Từ những đặc điểm của vật đưa ra đố, nhân dân hay liên tưởng tới đặc điểm của chính bản thân con người như em …chàng…thiếp…cô…cậu…thằng…ông với tất cả những biểu hiện phong phú của đời sống con người.
* So sánh: Đây cũng là một phương pháp thường được sử dụng để sáng tạo câu đố. Phương pháp này làm cho câu đố trở nên cụ thể. Ở đây, vật đem ra đố giống như vật được miêu tả một vài đặc điểm hình thức hoặc chức năng nào đó nhưng lại không phải là bản thân sự vật được miêu tả
* Miêu tả trực tiếp: Đây là phương pháp được sử dụng nhiều nhất trong câu đố. Đối với phương pháp này chúng ta thấy rõ được hình khối, dáng dấp,, màu sắc, vị trí, trạng thái của sự vật
Miêu tả màu sắc
Miêu tả động tác
Miêu tả vị trí
Miêu tả hình khối
Miêu tả âm thanh
* Chơi chữ: Bà con thường sử dụng đặc điểm ngôn ngữ dân tộc xây dựng hình tượng trong lời đố như nói lái, sử dụng từ đồng âm khác nghĩa, từ đồng nghĩa, gần nghĩa
Ví dụ: Nói lái “Khi đi cưa ngọn, khi về cũng cưa ngọn”
Sử dụng từ đồng âm khác nghĩa
“Thui thủi như con chó thui
Chín tai, chín mắt, chín đuôi, chín đầu”
Những câu đố như trên là nằm trong xu hướng mĩ hoá. Phần lớn câu đố được sáng tác theo xu hướng này. Bên cạnh đó, còn có một bộ phận không nhỏ được sáng tác theo hướng tục hoá. Xu hướng đưa yếu tố tục thường xoay quanh vấn đề sinh lý vào câu đố có và có chung một nguồn gốc xã hội với các truyện tiếu lâm. Loại câu đố này có ý nghĩa sâu sắc là nó phản ứng lại những gì giả dối của lễ giáo phong kiến trước đây. Dù vậy, yếu tố tục trong câu đố không nằm ngoài mục đích gây cười, ngộ nghĩnh, dí dỏm.
“Cái chi chi khum khum như của chị hắn đó
Cái chi chi nho nhỏ như của anh hắn đây
Ngày ngày đi dạo khắp đông tây
Đêm về anh hắn đây lại chui vào chị hắn đó”
(Con rùa)
Trên đây là những giới thiệu sơ lược về câu đố của người Việt. Mục đích của bài viết này không nhằm tìm hiểu, nghiên cứu phương thức sáng tạo hay nguồn gốc câu đố…mà chúng tôi muốn tìm hiểu một khía cạnh khác. Đó là “mối liên hệ giữa từ ngữ và sự vật được nhận diện trong câu đố”. Từ những vấn đề chung về ngôn ngữ và những đặc điểm của câu đố như đã trình bày ở trên, chúng tôi vận dụng vào việc tìm hiểu mối liên hệ giữa ngôn ngữ và các sự vật được nhận diện trong câu đố. Qua đó, góp phần tìm hiểu về cách nhìn, cách tư duy, cách tri nhận thế giới của người Việt. .