foto1
Khoa Tiếng Việt
foto1
Khoa Tiếng Việt
foto1
Khoa Tiếng Việt
foto1
Khoa Tiếng Việt
foto1
Khoa Tiếng Việt

+(084)0393.885.133
khoatiengviet@htu.edu.vn
Liên hệ



Công tác bồi dưỡng học sinh giỏi (HSG) là công tác mũi nhọn trong việc nâng cao chất lượng giáo dục, tạo nguồn lực, bồi dưỡng nhân tài cho nhà trường nói riêng, cho địa phương nói chung. Đây là một công việc khó khăn và lâu dài, đòi hỏi nhiều công sức của cả thầy và trò. Đối với trường TH, THCS, THPT Đại học Hà Tĩnh những năm trước đây do chất lượng đầu vào của HS thấp, GV còn thiếu kinh nghiệm nên công tác bồi dưỡng HSG, tham gia các cuộc thi sáng tạo KHKT chưa được xem là nhiệm vụ trọng tâm, mang tính chiến lược. Tuy nhiên trong một vài năm trở lại đây, nhà trường luôn chú trọng chỉ đạo các tổ chuyên môn quyết liệt hơn trong việc thực hiện nhiệm vụ này. Và thực tế học sinh của trường đã gặt hái được một số thành tích bước đầu trong các cuộc thi HSG, thi STKHKT đặc biệt là ở các bộ môn Tiếng Anh và các môn Khoa học xã hội. Trong thành tích chung đó, tổ Xã hội đóng góp một phần không nhỏ với các giải khuyến khích môn Văn cấp Tỉnh năm học 2021-2022 (cô Lệ Hằng chủ trì); Giải ba môn Văn cấp Tỉnh năm học 2022-2023 (cô Mai Hoa chủ trì); Giải khuyến khích ST KHKT cấp tỉnh năm học 2020-2021 (thầy Thanh hướng dẫn); giải Ba cuộc thi STKHKT cấp Tỉnh năm học 2022-2023 (cô Huyền hướng dẫn), giải Nhì HSG tỉnh môn Lịch sử 10 và 12 năm học 2023-2024 (cô Kim Cúc chủ trì); giải khuyến khích môn Văn lớp 10 (cô Minh Hằng chủ trì). Những con số nói trên đã cho thấy sự cố gắng, nỗ lực và quyết tâm cao của đội ngũ giáo viên tổ Xã hội, Trường TH,THCS, THPT Đại học Hà Tĩnh trong việc thực hiện một nhiệm vụ hết sức khó khăn nhưng không thể không làm nếu muốn khẳng định vị thế, thương hiệu của nhà trường. Với những thành tích khiêm tốn bước đầu như vậy, chúng tôi xin được chia sẻ một vài kinh nghiệm góp phần nâng cao chất lượng các cuộc thi HSG, thi STKH dành cho học sinh.

Thứ nhất: Về kế hoạch bồi dưỡng:

a. Đối với giáo viên dạy bồi  dưỡng:

- Chúng tôi cho rằng muốn có HSG thì người thầy phải có tâm và có tầm, vì thế người thầy phải luôn luôn có ý thức tự rèn luyện, tích lũy tri thức và kinh nghiệm, trau dồi chuyên môn, luôn xứng đáng là “người dẫn đường tin cậy” cho học sinh noi theo. Phải thường xuyên tìm tòi các tư liệu, kiến thức nâng cao, cập nhật các tri thức mới trên các phương tiện, đặc biệt là trên mạng internet.

- Trong công tác BDHSG, khâu đầu tiên và là khâu quan trọng nhất là tuyển chọn được những học sinh có  tư duy tốt, có năng lực thực sự và quan trọng hơn là các em phải có đam mê, khao khát được khẳng định bản thân trong những cuộc thi HS giỏi. Bởi vì chỉ khi có đam mê, mong muốn khẳng định bản thân các em mới có động lực, hứng thú, sự chăm chỉ và hợp tác tốt với giáo viên bồi dưỡng.

- Sau khi lựa chọn được học sinh, chúng ta cần lập kế hoạch dạy học một cách cụ thể tránh tình trạng thích đâu dạy đó. Dạy theo chuyên đề là biện pháp mà tổ chúng tôi thấy đó là hữu hiệu nhất trong công tác bồi dưỡng HSG.

- Nắm vững phư­ơng châm dạy chắc cơ bản rồi mới nâng cao. Thông qua những bài luyện cụ thể để dạy phương pháp t­ư duy. Để giải đ­ược các dạng đề dành cho học sinh giỏi, học sinh cần phải hiểu kiến thức một cách cơ bản, hệ thống, vững và sắc sâu. Thực tế cho thấy một số giáo viên mới bồi d­ưỡng học sinh giỏi, thường hay nôn nóng, bỏ qua b­ước làm chắc cơ bản, cho ngay bài khó, học sinh mới đầu đã gặp ngay một “mớ bòng bong” HS không định hình đ­ược ph­ương pháp từ đơn giản đến phức tạp, càng học càng hoang mang, chán nản.

- Cuối cùng là công tác kiểm tra kiến thức sau mỗi chủ đề để nắm chắc khả năng tiếp thu, vận dụng của các em từ đó các em rút ra được những sai sót mà sửa chữa, GV cũng có kế hoạch bù đắp những lỗ hỏng (nếu có).

- Đối với cuộc thi STKHKT, GV cần hướng dẫn học sinh tìm ý tưởng, tìm đề tài phải sáng tạo, không lặp lại, mang tính thực tiễn và tính khả thi cao, có thể áp dụng vào thực tế cuộc sống. Sau đó, hướng dẫn học sinh chuẩn bị đề tài; trải nghiệm, thực nghiệm; trình bày báo cáo; trình bày poster; kĩ năng thuyết trình…

b. Đối với học sinh:

- Phải nhận thức đúng về tầm quan trọng của học tập và rèn khả năng chịu đựng áp lực khi tham gia học đội tuyển.

- Phải yêu thích môn học, say mê trong học tập và ham học hỏi.

- Cần nâng cao năng lực tự học qua nhiều kênh khác nhau như tài liệu tham khảo, các video bài giảng trên internet, tham gia các lớp bồi dưỡng online của các thầy cô giỏi trường ngoài.

Thứ 2. Về nội dung bồi dưỡng:

- Nội dung bồi dưỡng phải được dựa theo chương trình sách giáo khoa các lớp có nâng cao kiến thức trong từng phần học.

-  Biên soạn chương trình, nội dung bồi dưỡng rõ ràng, cụ thể, chi tiết cho từng khối, lớp, về từng mảng kiến thức rèn luyện các kỹ năng và nhất thiết phải bồi dưỡng theo quy trình từ thấp đến cao, từ dễ đến khó để các em HS bắt nhịp dần.

- Xác định rõ trọng tâm kiến thức giảng dạy cho từng khối lớp để tránh trùng lặp. Chương trình bồi dưỡng cần có sự liên thông trong suốt 3 năm liền (từ lớp 10 đến lớp 12 đối với cấp THPT; lớp 6 đến lớp 9 đối với cấp THCS)

Thứ 3. Về tài liệu bồi dưỡng:

  • GV cần cập nhật các tài liệu, tư liệu mới, bám sát ma trận đề để tạo ra những chuyên đề bồi dưỡng sát với nội dung thi.

- GV Sưu tầm các bộ đề thi các cấp  trong tỉnh và các tỉnh khác nhằm giúp các em  tiếp xúc làm quen với các dạng đề, luôn tìm đọc, tham khảo các tài liệu  hay để hướng cho học sinh.

- Giáo viên hướng dẫn học sinh các tài liệu, sách vở, băng đĩa phù hợp với trình độ của các em để tự rèn luyện thêm ở nhà. Đồng thời cung cấp hoặc giới thiệu các địa chỉ trên mạng để học sinh có thể tự học, tự nghiên cứu, bổ sung kiến thức.

Thứ tư. Thời gian dành cho đội tuyển

Ngoài những buổi dạy theo quy định của nhà trường thì GV cần dạy thêm kiến thức cho HS bằng nhiều hình thức như dạy online, dạy ở nhà riêng, giao bài tập về nhà rồi gửi cô chấm, làm đề … đặc biệt là ở giai đoạn nước rút.

Công tác bồi dưỡng học sinh giỏi các môn văn hóa, các cuộc thi STKHKT là khâu mũi nhọn của từng đơn vị trường học góp phần nâng cao uy tín của trường và của ngay bản thân người giáo viên trực tiếp giảng dạy. Để bồi dưỡng học sinh giỏi đạt kết quả cao, chúng tôi xin có một vài kiến nghị như sau:

  • Ban giám hiệu, GV bộ môn, giáo viên chủ nhiệm… cần tạo điều kiện hết sức cho HS và GV tham gia bồi dưỡng. Đối với HS, các em được ưu tiên về điểm số ở trên lớp, những ngày gần thi các em được nghỉ tập trung ôn thi và sau khi thi xong được nhà trường bố trí các buổi học bù kiến thức… Đối với giáo viên tham gia dạy đội tuyển nhà trường cần giảm bớt số tiết dạy chính khóa, công tác kiêm nhiệm, có chế độ chính sách thỏa đáng dành cho GV bồi dưỡng vì đây là nhiệm vụ quan trọng, cần bỏ rất nhiều chất xám cũng như quỹ thời gian; tuyên dương khen thưởng kịp thời đối với các giáo viên và học sinh đạt thành tích; quan tâm theo dõi và đáp ứng các nhu cầu chính đáng của giáo viên và học sinh…; nhà trường phải xem đây là một nhiệm vụ chiến lược cần đầu tư lâu dài.

- Việc lựa chọn đội tuyển cần tiến hành ngay sau khi kết thúc năm học thông qua việc trao đổi với giáo viên giảng dạy trước đó để lựa chọn những em có khả năng, tư chất, trí tuệ, lòng đam mê vào đội tuyển, làm nguồn cho năm học kế tiếp.

- Nhà trường cần có kế hoạch BDHSG ngay trong hè, liên tục và đều đặn, không dồn ép ở tháng cuối trước khi thi.

  • Mời các GV có kinh nghiệm bồi dưỡng HSG của các trường bạn trao đổi kinh nghiệm và trực tiếp đứng lớp một số chuyên đề cho GV và HS.
  • Nhà trường cần tăng cường các điều kiện phục vụ hoạt động nghiên cứu khoa học của học sinh bằng cách đầu tư hệ thống thông tin thư viện, phương tiện kỹ thuật hiện đại để hỗ trợ cho học sinh trong việc tìm kiếm, thu thập tài liệu, thông tin.

Chúng tôi tin rằng nếu thực hiện đồng bộ các giải pháp nói trên, chất lượng các cuộc thi HSG và STKHKT dành cho HS tại trường TH, THCS, THPT Đại học Hà Tĩnh sẽ được nâng cao, góp phần khẳng định thương hiệu của nhà trường.



Copyright © 2024 Copyright Khoa Tiếng Việt - Trường Đại học Hà Tĩnh Rights Reserved.