Thơ Đường là đỉnh cao của thơ cổ điển Trung Quốc, có ảnh hưởng sâu sắc đến thơ Trung Quốc các đời sau và cả đối với thơ Việt Nam. Các nhà văn, nhà thơ lớn Việt Nam ít nhiều đã vận dụng được những nét tinh hoa của thơ Đường tạo cho bài thơ một vẻ đẹp hài hoà giữa màu sắc cổ điển và màu sắc hiện đại. Bài viết này sẽ đi vào tìm hiểu dấu ấn bài thơ Đường nổi tiếng “Phong Kiều dạ bạc” của Trương Kế (nhà thơ đời Đường, Trung Quốc) đã được Hồ Chí Minh vận dụng trong hai thi phẩm “Chiều tối” và “Rằm tháng giêng”, Hoàng Phủ Ngọc Tường vận dụng trong bút kí “Ai đã đặt tên cho dòng sông?”. Qua đây không chỉ thấy được sự ảnh hưởng của thơ Đường mà còn thấy được sự sáng tạo tài hoa của các tác gia Việt Nam.
Trước hết, đọc thi phẩm “Phong Kiều dạ bạc” của Trương Kế
Phiên âm Hán -Việt:
Phong Kiều dạ bạc
Nguyệt lạc, ô đề, sương mãn thiên,
Giang phong, ngư hỏa, đối sầu miên.
Cô Tô thành ngoại Hàn San tự,
Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền.
Dịch nghĩa
Đêm đỗ thuyền ở bến Phong Kiều
Trăng lặn, quạ kêu, sương phủ đầy trời.
Hàng phong bên sông, ngọn đèn thuyền chài ở trước người đang ngủ buồn.
Ngoài thành Cô Tô là chùa Hàn San,
Tiếng chuông lúc nửa đêm vẳng đến thuyền khách.
Dịch thơ
Trăng tà, chiếc quạ, kêu sương,
Lửa chài cây bến, sầu vương giấc hồ.
Thuyền ai đậu bến Cô Tô,
Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San.
(Bản dịch thơ của Tản Đà)
chắc hẳn trong tâm trí chúng ta lại liên tưởng tới thi phẩm “Nguyên tiêu” (Rằm tháng giêng) [1] của Hồ Chí Minh.
Phiên âm
Đêm nay, đêm rằm tháng giêng, trăng đúng lúc tròn nhất,
Sông xuân, nước xuân tiếp giáp với trời xuân.
Nơi sâu thẳm mịt mù khói sóng bàn việc quân,
Nửa đêm quay về trăng đầy thuyền.
Dịch thơ
Rằm xuân lồng lộng trăng soi,
Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân.
Giữa dòng bàn bạc việc quân,
Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền.
( Nhà thơ Xuân Thủy dịch )
Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài thơ “Nguyên tiêu” năm 1948, giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Chúng ta thấy bài thơ của Bác và của Trương Kế có nét tương đồng: cả đều làm theo thể thất ngôn tứ tuyệt, đều xuất hiện những hình ảnh quen thuộc: dòng sông, ánh trăng khuya, con thuyền trên sông nước giữa đêm khuya thanh vắng. Tuy nhiên, “Phong Kiều dạ bạc” sử dụng âm thanh như tiếng quạ kêu, tiếng chuông chùa và các hình ảnh trăng tà, sương giăng đầy mặt sông, lửa chài le lói, sầu vương giấc hồ… càng làm tăng thêm tâm trạng buồn bã, cô đơn với bao nỗi niềm sâu kín của nhà thơ Trương Kế giữa bến sông trăng. Cũng dòng sông, con đò, ánh trăng đêm, người thi sĩ - chiến sĩ cách mạng lại nhìn cảnh vật vui tươi, tràn đầy sức sống. Trong tác phẩm “Nguyên tiêu” một bức tranh sông nước giữa đêm rằm tháng giêng tuyệt đẹp: trăng ở độ tròn nhất, đẹp nhất (nguyệt chính viên); điệp từ “xuân” ba lần liên tiếp trong một câu thơ (Xuân giang, xuân thuỷ tiếp xuân thiên) khiến cho sông xuân, nước xuân, trời xuân hòa lẫn vào nhau tràn ngập sắc xuân. Xuân như chảy dài theo dòng sông, lan rộng cùng mặt nước, vút lên tận trời cao, dâng trào cảm hứng trong lòng người. Cảnh tĩnh lặng nhưng không buồn như trong thơ Trương Kế mà vô cùng nên thơ, lãng mạn, phơi phới lòng lạc quan, yêu đời, yêu thiên nhiên sông nước đến kì lạ của nhà thơ cách mạng. Nó mang đến cho ta bức chân dung tinh thần của Hồ Chí Minh – một cái tôi trữ tình dạt dào cảm xúc mà vẫn đầy chất “thép”. Bài thơ đậm sắc thái nghệ thuật cổ điển mà hiện đại tiêu biểu cho phong cách thơ của Bác. Như vậy, hai bài thơ đều đạt tới đỉnh cao của thơ tứ tuyệt nhưng vẻ đẹp rất khác biệt bởi “tình trong cảnh ấy và cảnh trong tình này” của hai thi nhân ở hai đất nước khác nhau, sáng tác ở thời điểm khác nhau, cảm hứng cũng hoàn toàn khác nhau. Chính vì vậy trong sáng tác của Hồ Chí Minh người đọc ít nhiều cảm nhận được dấu ấn của Đường thi song đã được Việt hoá một cách nhuần nhị theo cách riêng vừa quen vừa lạ.
Thứ hai, người đọc ít nhiều cảm nhận được dấu ấn của “Phong Kiều dạ bạc” trong bài thơ “Mộ” (Chiều tối) [2] - một thi phẩm tiêu biểu của tập “Nhật kí trong tù”.
Phiên âm
Quyện điểu quy lâm tầm túc thụ,
Cô vân mạn mạn độ thiên không.
Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc,
Bao túc ma hoàn, lô dĩ hồng.
Dịch nghĩa
Chim mỏi về rừng tìm cây ngủ,
Chòm mây lẻ trôi lững lờ trên tầng không;
Thiếu nữ xóm núi xay ngô,
Ngô xay vừa xong, bếp lò đã nhóm.
Dịch thơ
Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ
Chòm mây trôi nhẹ gữa tầng không
Cô em xóm núi xay ngô tối
Xay hết lò than đã rực hồng
(Bản dịch của Nam Trân)
Đây là một trong những thi phẩm tiểu biểu rút từ tập thơ “Nhật kí trong tù”, tập thơ được sáng tác khi tác giả bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giam (từ tháng 8/1942 – 9/1943) tại tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. Cảm hứng bài thơ được gợi lên từ cuộc chuyển lao của Hồ Chí Minh từ Tĩnh Tây đến Thiên Bảo. Trong nguyên bản bài “Mộ”, sự dịch chuyển về thời gian không được biểu hiện trực tiếp bằng từ ngữ chỉ thời gian. Người đọc cảm nhận được thời gian trôi dần theo cánh chim bay về rừng, theo chòm mây trôi chầm chậm, theo vòng quay của cái cối xay ngô và dừng lại ở bếp lửa rực hồng. Rất tiếc bản dịch thơ: “Cô em xóm núi xay ngô tối", đã thêm chữ “tối” vào làm lộ ý thơ, mất đi ý tại ngôn ngoại trong bài thơ chữ Hán này. Cái tài của nhà thơ - chiến sĩ Hồ Chí Minh là trong nguyên bản của bài thơ không có chữ “tối” nhưng người đọc vẫn cảm nhận được thời gian, không gian qua hình ảnh bếp lửa hồng. Đây là nghệ thuật “vẽ mây nẩy trăng”, dùng ánh sáng để diễn tả thời gian, không gian. Với hình ảnh lò than rực hồng nổi bật, rực sáng, ấm áp đã cho thấy sự dịch chuyển của thời gian từ chiều muộn sang tối. Hơn thế nữa, còn mở ra trong cảm nhận của người đọc không gian vào đêm ở miền sơn cước và vẻ đẹp tâm hồn của nhân vật trữ tình. Trong bài “Phong Kiều dạ bạc”, nhà thơ Trương Kế từ ánh lửa nhỏ của đèn chài từ xa mà gợi ra thời gian, không gian của ngoại cảnh và tâm trạng lữ khách thật tài tình. Thủ pháp nghệ thuật lấy “sáng để nói tối”, lấy không gian để miêu tả thời gian đã được Hồ Chí Minh vận dụng từ bài “Mộ” (Chiều tối) thật tài tình.
Thứ ba, khi đọc bút kí “Ai đã đặt tên cho dòng sông?” [3] của Hoàng Phủ NgọcTường – nhà văn được xem là cây bút viết ký tài hoa, có nhiều đóng góp cho ký hiện đại Việt Nam - có người cho rằng “Tôi ngờ rằng nhận xét này của tác giả đã nảy sinh từ một liên tưởng đầy chất thơ đến một hình ảnh cổ điển rất quen thuộc của Đường thi : "[…] sông Hương toả đi khắp phố thị, với những cây đa, cây cừa cổ thụ toả vầng lá u sầm xuống những xóm thuyền xúm xít; từ những nơi ấy, vẫn lập loè trong đêm sương những ánh lửa thuyền chài của một linh hồn mô tê xưa cũ mà không một thành phố hiện đại nào còn nhìn thấy được". Cái ngờ này quả là không phải không có lí. Với cái nhìn hoài cổ khi cảm được phần hồn sâu lắng của con sông Hương trữ tình, thơ mộng – biểu tượng văn hóa xứ Huế thân thương, Hoàng Phủ Ngọc Tường thật tinh tế khi thấy sông Hương mang nét đẹp cổ thi đầy lãng mạn với hình ảnh: “từ những nơi ấy, vẫn lập loè trong đêm sương những ánh lửa thuyền chài của một linh hồn mô tê xưa cũ”. Những hình ảnh ấy làm sông Hương vừa gần gũi đời thường, vừa lại mang những nét đẹp xa xăm của cổ thi“trăng tà chiếc quạ kêu sương”, “giang phong ngư hoả đối sầu miên” trong bài thơ Đường “Phong Kiều dạ bạc”. Với vẻ đẹp cổ thi này, Sông Hương đã đánh thức được linh hồn của dân tộc, tạo nên sự khác biệt với nhiều dòng sông nổi tiếng thế giới như sông Seine của Pari, sông Đa-nuýp của Bu-đa-pét, sông Nê-va của Nga,… Từ đó mà ông đã tôn vinh vẻ đẹp độc đáo của dòng sông Hương thơ mộng của xứ Huế mộng mơ vào buổi đêm về “mà không một thành phố hiện đại nào còn nhìn thấy được”.
Như vậy, qua sự gặp gỡ giữa bài thơ Đường “Phong Kiều dạ bạc” của Trương Kế với một số tác phẩm văn học Việt Nam vừa cho thấy những nét tương đồng, vừa thấy sự khác biệt bởi hoàn cảnh sống, môi trường văn hóa, phong cách nghệ thuật, tài năng văn chương…đã tạo nên vẻ đẹp độc đáo trong mỗi tác phẩm. Dấu ấn bài thơ “Phong Kiều dạ bạc” của Trương Kế trong một số tác phẩm văn học Việt Nam, đã khẳng định một điều có thể học tập, tiếp thu tinh hoa văn học nhân loại nhưng các tác gia Việt Nam đã không sao chép, mô phỏng mà vận dụng thi liệu Đường thi theo những cách độc đáo riêng. Nói như M. Gorki: “Các anh hãy học tập tất cả những nhà văn có phong cách điêu luyện, nhưng các anh hãy tìm lấy nốt nhạc lời ca cho riêng mình”. Đúng thế, với tài năng nghệ thuật xuất sắc, nhà thơ Hồ Chí Minh, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường đã vận dụng khéo léo nhiều nét tinh hoa của Đường thi vào những trang văn, trang thơ của mình tạo nên “những nốt nhạc lời ca cho riêng mình”, tạo ấn tượng sâu đậm trong tâm trí người đọc những liên tưởng thú vị lấp lánh vẻ đẹp hài hoà giữa màu sắc cổ điển và màu sắc hiện đại.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Bộ Giáo dục và Đào tạo (2017), Ngữ văn 7, Tập 1 và 2, Nxb Giáo dục Hà Nội.
Bộ Giáo dục và Đào tạo (2007), Ngữ văn 11, Tập 2, Nxb Giáo dục Hà Nội.
Bộ Giáo dục và Đào tạo (2007), Ngữ văn 12, Tập 1, Nxb Giáo dục Hà Nội.
Hồ Thúy Ngọc (2003), “Một vài cảm nhận về bài thơ Phong Kiều dạ bạc của Trương Kế”, Tạp chí Ngôn ngữ và đời sống (số 12), 22-23.
Nam Trân (tuyển chọn) (1987), Thơ Đường, Tập 1và 2, Nxb Văn học.
Nguyễn Đăng Mạnh (1981), Mấy vấn đề về phương pháp tìm hiểu, phân tích thơ Hồ Chủ tịch, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
https://www.giaoduc.edu.vn/ly-giai-bai-phong-kieu-da-bac.