Dân ca ví giặm Nghệ Tĩnh được hình thành và phát triển từ lâu đời, trở thành một phần không thể thiếu đối với những người con xứ Nghệ; là nét văn hóa đặc trưng mang những giá trị về giáo dục và đời sống đối với mỗi người dân của một vùng quê vốn “ngàn năm khó nhọc mà sống chắt chiu câu nghĩa tình” (Hà Tĩnh mình thương - An Thuyên).
Dân ca ví giặm Nghệ Tĩnh giữ vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân Nghệ An và Hà Tĩnh, là loại hình nghệ thuật có sức sống lâu bền, in đậm bản sắc tâm hồn, cốt cách của người dân nơi đây, là di sản quý trong kho tàng văn hóa, văn học Việt Nam. Ngày 27 tháng 11 năm 2014, trầm tích văn hóa quý báu có niên đại hàng ngàn năm của người dân xứ Nghệ đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá Liên Hợp Quốc (UNESCO), chính thức ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Tổ chức các hoạt động sinh hoạt Dân ca ví giặm trong trường học, tìm hiểu và diễn xướng những “Khúc dân ca có từ trong máu thịt” cũng chính là để “ Không thể dối lòng làm sống dậy một hồn quê” (Điệu Ví Giặm là em – Nhạc sỹ Quốc Nam).
Văn học dân gian vốn là ngọn nguồn, cơ sở của văn học viết.Là đặc sản của quê hương, những làn điệu ví, giặm đã đi vào thơ ca địa phương xứ Nghệ như một tất yếu tự nhiên. Từ cách lựa chọn những yếu tố hình thức dễ thấy như đề tài, thể loại, sử dụng giọng điệu, hình ảnh, ngôn từ đến những phương diện khác lặn sâu vào bên trong phong cách của từng tác giả. Đó là trường hợp của những ảnh hưởng về quan điểm xã hội, đạo đức, ý tưởng, thầm mỹ v.v…Tìm hiểu Dân ca ví giặm Nghệ Tĩnh chúng ta có cơ sở để tìm thấy những liên hệ thú vị giữa văn học dân gian và văn chương bác học; cảm nhận sâu sắc giá trị thẩm mỹ trong những sáng tác của các nhà thơ xứ Nghệ, nhất là những bài thơ được học trong nhà trường của các tác giả Huy Cận, Minh Huệ, Trần Hữu Thung, Hoàng Trung Thông…
Trong công cuộc đổi mới đất nước, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm, coi trọng. Vấn đề này, được thể hiện rõ trong các nghị quyết chuyên đề như Nghị quyết Trung ương 05 Khóa VIII “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc” và gần đây nhất là Nghị quyết số 33 NQ-TW khóa XI về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”. Trong đó, Đảng ta đặc biệt nhấn mạnh và coi trọng việc phát huy các giá trị truyền thống.
Hiện nay, Dân ca nói chung, Dân ca ví giặm nói riêng đang đứng trước tình trạng bị mai một, bị biến dạng. Xã hội đương đại với tính chất bùng nổ thông tin, giao lưu, tiếp biến văn hóa mạnh mẽ có nhiều yếu tố không thuận lợi cho sự phát triển Dân ca ví giặm. Vì vậy, vấn đề bảo tồn và phát huy di sản Dân ca ví giặm xứ Nghệ đang được đặt ra như một nhiệm vụ cần thiết và cấp bách.
Giáo dục di sản, đưa các loại hình di sản văn hóa phi vật thể vào giới thiệu, giảng dạy trong nhà trường là một trong những giải pháp quan trọng nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể thường được các nhà quản lý văn hóa đề cập đến.
Từ những lý do trên, thiết nghĩ việc các trường học nói chung và Trường Đại học Hà Tĩnh nói riêng tổ chức thành công Hội thi Dân ca ví giặm trong cán bộ giáo viên vừa rồi là một việc làm có ý nghĩa văn hóa sâu sắc cần được phát huy hằng năm nhằm góp phần bảo tồn và phát huy giá trị đặc sản văn hóa của miền quê xứ Nghệ.
Hà Tĩnh tháng 5 /2015