foto1
Khoa Tiếng Việt
foto1
Khoa Tiếng Việt
foto1
Khoa Tiếng Việt
foto1
Khoa Tiếng Việt
foto1
Khoa Tiếng Việt

+(084)0393.885.133
khoatiengviet@htu.edu.vn
Liên hệ



Viết về đề tài rất quen thuộc và có nhiều bài thơ nổi tiếng nhưng vẫn tạo được cho thi phẩm của mình một màu sắc độc đáo, hấp dẫn thì không thể không nói đến nhà thơ Thâm Tâm với bài thơ Tống biệt hành. Đã có rất nhiều người khám phá vẻ đẹp lung linh muôn sắc màu của tác phẩm này. Xin góp thêm cảm nhận về Tống biệt hành nhìn từ góc độ cấu tứ mang màu sắc Đường thi trong việc thể hiện tâm trạng, tinh thần của đấng nam nhi thời đại mới thông qua cuộc tiễn đưa.

Một trong những đặc điểm của cấu tứ thơ Đường là các nhà thơ không bao giờ nói trực tiếp và nói hết ý mình mà chỉ dựng lên các mối quan hệ để độc giả luận ra ý tác giả. Thâm Tâm đã kế thừa cấu tứ thơ Đường làm cho bài thơ đậm đà phong vị Đường thi nhưng lại ngời sáng tinh thần thời đại. Trước hết, tác giả tạo dựng mối quan hệ KHÔNG – CÓ ở bốn câu thơ mở đầu bài thơ để diễn tả nỗi buồn tê tái của người đưa tiễn, ẩn chứa đằng sau đó là tâm trạng của người ra đi: không có sông nhưng có tiếng sóng ở trong lòng, không có bóng chiều nhưng có hoàng hôn trong mắt. Thâm Tâm đã tạo ra sự hiện diện của những cái không có bằng hàng loạt từ phủ định (“không đưa qua sông”, “bóng chiều không thắm, không vàng vọt”) nhưng liền sau đó lại đưa ra những câu hỏi tu từ.

Đưa người, ta không đưa qua sông,

Sao nghe tiếng sóng ở trong lòng?

Bóng chiều không thắm, không vàng vọt,

Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong?

Chính điều đó lại gợi cái có trong liên tưởng người đọc về hình ảnh “dòng sông”, “hoàng hôn” đã trở thành biểu tượng cho những cuộc chia ly. Trong thơ Đường, dường như cuộc tiễn đưa nào cũng không thể thiếu những hình ảnh đó: 
                            Sổ thanh phong địch ly đình vãn

                 Quân hướng Tiêu Tương, ngã hướng Tần.

                                  (Trịnh Cốc – Hoài thượng biệt hữu nhân)

               (Vài tiếng sáo theo gió vi vút, ở đình ly biệt buổi chiều hôm

                Anh đi tới vùng sông Tiêu, sông Tương, tôi đi tới đất Tần)

                 -Thỉnh quân thi vấn đông lưu thuỷ

                 Biệt ý dữ chi thuỷ đoản trường.

                                   (Lý Bạch)

                   (Xin bạn thử dòng nước chảy về đông.

                 Xem tình ý biệt ly và dòng nước bên nào ngắn bên nào dài)

                 - Li tâm bất dị Tây giang thuỷ

                                           (Hứa Hồn)

                 (Tình li biệt chẳng khác gì dòng nước sông)

Các nhà thơ cổ điển lúc viết thơ “tống biệt” vẫn thường hay dùng thủ pháp đồng nhất tình  và cảnh, còn Thâm Tâm có cách thể hiện riêng: không tả cảnh nhưng lại gợi cảnh đồng thời cảnh lại gợi tình. Cái tài của tác giả là tạo nên sự cộng hưởng, sự liên tưởng cuộc chia ly hiện tại với cảnh cũ người xưa trong lòng độc giả. Chính vì vậy nhà thơ đã thành công khi thể hiện tình cảm muôn thưở của con người: “Bi mạc bi hề sinh biệt ly”(Không gì buồn bằng nỗi buồn chia ly) (Khuất Nguyên). Có lẽ Thâm Tâm đã gặp gỡ Huy Cận trong cách thể hiện này. Khi tác giả Tràng giang viết “Lòng quê dợn dợn vời con nước / Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà” đâu có ý phủ nhận “khói” để khẳng định nỗi nhớ nhà của mình da diết và thường trực hơn Thôi Hiệu:

Quê hương khuất bóng hoàng hôn

Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai?

                   (Thôi Hiệu – Hoàng Hạc lâu)

Ngược lại  Huy Cận đã tạo sự cộng hưởng bằng cách cộng thêm nỗi buồn của người xưa để diễn tả nỗi buồn hiện tại và tình quê thiết tha, sâu nặng. Cũng bằng cách này đã giúp Thâm Tâm thể hiện sâu sắc tình li biệt.

Tác giả Tống biệt hành đã phát hiện những nét đối lập mà thống nhất để tạo dựng hàng loạt mối quan hệ: bề ngoài – bên trong; con người giả - con người thực; dửng dưng, lạnh lùng - buồn bã, dằn vặt… để khắc hoạ tâm trạng, ý chí, khát vọng của li khách thông qua cảm nhận của người đưa tiễn. Người ra đi (li khách) là con người khác thường, bề ngoài có vẻ dửng dưng với tất cả, vượt lên mọi trở lực riêng tư để thực hiện chí lớn.

 Đưa người, ta chỉ đưa người ấy,

 Một giã gia đình, một dửng dưng…

Li khách! Li khách! Con đường nhỏ,

Chí nhớn chưa về bàn tay không,

           Thì không bao giờ nói trở lại!

           Ba năm, mẹ già cũng đừng mong.

Các từ ngữ “một”, “giã”, “không bao giờ”, “đừng” cực tả cái rắn rỏi, dứt khoát tưởng chừng không ai có thể ngăn cản quyết tâm của người ra đi. Li khách có vẻ như  không hề vướng bận với một chút tình riêng:

Mẹ thà coi như chiếc là bay

Chi thà coi như là hạt bụi

Em thà coi như hơi rượu say.

Dáng vẻ cương quyết của li khách, chúng ta đã từng bắt gặp ở tráng sĩ Kinh Kha, ở “Chàng tuổi trẻ” trong Chinh phụ ngâm của Đặng Trần Côn. Nhưng đến khổ thơ thứ ba qua sự hồi tưởng của người tiễn thì con người thật bị che đậy ở trên đã được bộc lộ.

Ta biết người buồn chiều hôm trước

 …

 Ta biết người buồn sáng hôm nay

“Ta biết” chứ không phải “ta thấy” tức là người ở lại hiểu được nỗi niềm sâu thẳm trong cõi lòng người ra đi. Nếu như “nước mắt như mưa” giúp ta nhận biết về con người thật ẩn chứa sau dáng vẻ bề ngoài oai nghiêm, hùng dũng của lính thú đời xưa thì ở bài thơ này ta nhận được con người thật li khách qua sự đồng cảm của người ở lại. Đằng sau cốt cách rắn rỏi, dửng dưng của đấng nam nhi ý thức được “Làm trai đứng ở trong trời đất / Phải có danh gì với núi sông” là cả chiều sâu nội tâm. Đó là những nỗi buồn day dứt, dằn vặt, xót xa của li khách trước tình cảm gia đình thiêng liêng. Ngay sau giọng thơ có vẻ dứt khoát, rắn rỏi và sự lặp đi lặp lại ba chữ “thà coi như” ở ba câu cuối bài thơ là sự xót xa, nghẹn ngào thầm lặng. Có một sự giằng xé nội tâm trong con người này: một bên là tình cảm, một bên là ý chí, khát vọng. Những sự tương phản đó chính là nhằm tô đậm thêm sự thống nhất trong hành động, ý chí của li khách. Có lẽ điều đó cho ta thấy tráng sĩ trong thơ của Thâm Tâm vừa phảng phất bóng dáng của tráng sĩ xưa nhưng lại vừa mang hơi thở của thời đại.

Thủ pháp gợi - một thủ pháp quen thuộc trong Đường thi đã được nhà thơ vận dụng để thể hiện khát vọng thực hiện chí lớn của li khách. Khi Thâm Tâm cực tả tình cảm tiếc thương, níu kéo của người thân chính là để cực tả ý chí không gì lay chuyển nổi của người ra đi. Tác giả còn tạo ra mối quan hệ tin – không tin để tô đậm thêm ý này. Người ở lại in đây là cuộc đưa tiễn thật nên mới có “sóng ở trong lòng”, “hoàng hôn trong mắt” thế mà khi li khách đi rồi vẫn không tin là có thật: “Người đi? Ừ nhỉ, người đi thực!”. Câu thơ diễn tả sự bàng hoàng, ngỡ ngàng của người tiễn vì anh ta cứ tưởng là tình cảm của người thân có thể níu kéo li khách ở lại được. Làm sao có thể đành lòng trước cảnh mẹ già, cảnh chị gái “Khuyên nốt em trai dòng lệ sót” , còn em gái thì“Gói tròn thương tiếc chiếc khăn tay” ?... Điều đó cũng chỉ nhằm khắc hoạ thêm quyết tâm thực hiện một cuộc ra đi tự nguyện đầy lãng mạn với những khát vọng cao cả của li khách. Tạo dựng nên các mối quan hệ, nhà thơ dần dần hé mở cho người đọc nhận ra cái có ẩn chứa trong cái không, cái thực ẩn chứa trong cái hư… và cuối cùng là sự lộ diện hình ảnh một con người mang dáng dấp trượng phu được nhiều người ngưỡng mộ.

Kế thừa nhưng không lặp lại, Thâm Tâm đã tạo nên sức sống diệu kỳ cho Tống biệt hành. Đặc biệt, sự kế thừa, sáng tạo trong cấu tứ thơ Đường giúp tác giả thể hiện sâu sắc một cái nhìn đa chiều về “vẻ đẹp con người cao cả trong toàn bộ sự biểu hiện chân thật của nhân tính, đầy tinh thần nhân đạo” (Trần Đình Sử). Và ai đó đã rất có lí khi cho rằng thi phẩm này là “quả lạ trái mùa”.



Copyright © 2024 Copyright Khoa Tiếng Việt - Trường Đại học Hà Tĩnh Rights Reserved.