foto1
Khoa Tiếng Việt
foto1
Khoa Tiếng Việt
foto1
Khoa Tiếng Việt
foto1
Khoa Tiếng Việt
foto1
Khoa Tiếng Việt

+(084)0393.885.133
khoatiengviet@htu.edu.vn
Liên hệ



Ở bất kì nơi nào và trong bất cứ tình huống giao tiếp ngôn ngữ nào của con người (trực tiếp hay gián tiếp) thì nghi thức giao tiếp đầu tiên bao giờ cũng bắt đầu bằng phát ngôn chào hỏi. Chào hỏi không đúng thể thức, không phù hợp với chuẩn mực và tập quán giao tiếp của từng dân tộc, dễ xảy ra các sự cố gây “sốc”, gây phản cảm hay cảm giác “thiếu văn hoá” đối với người bản ngữ hoặc người có bối cảnh văn hoá khác biệt với người nói. Ở bài viết này chúng tôi sẽ tìm hiểu văn hóa chào hỏi của Việt Nam và Lào nhằm tìm ra những nét tương đồng và khác biệt để rút ra những kinh nghiệm trong phép ứng xử, giao tiếp hàng ngày.

Trong giao tiếp hằng ngày ở mỗi quốc gia đều có một cách chào hỏi riêng. Điều này phụ thuộc vào quan niệm, phong tục, lối sống của nước đó. Xuất phát từ loại hình văn hóa nông nghiệp trọng tình nên người Việt phân biệt kĩ lời chào theo quan hệ xã hội và sắc thái tình cảm. Đây là một nét văn hóa tốt đẹp của người Việt cũng là điểm tương đồng với văn hóa Lào. Tuy nhiên, ở Lào lời chào thể hiện rõ hơn ở bình diện phi ngôn ngữ, còn ở Việt Nam lời chào thể hiện rõ hơn ở bình diện ngôn ngữ.

           Cách chào hỏi của người Việt Nam đã trở thành một nét đặc trưng trong văn hoá Việt. Phương châm xưng hô lịch sự là luôn hướng tới “xưng khiêm hô tôn” tức là gọi mình thì khiêm nhường, gọi người khác thì tôn kính. Vì vậy, người Việt khi muốn giao tiếp với người khác thường qui chiếu tuổi của người đó với một người trong quan hệ thân tộc để thiết lập nên các cặp từ xưng gọi sao cho phù hợp với thói quen văn hoá dân tộc. Chẳng hạn: anh - em, chị - em, bác - cháu, u - con, chú - cháu, thầy - con... Cuộc giao tiếp sẽ trở nên tốt đẹp nếu chủ thể và đối tượng giao tiếp tuân thủ các yêu cầu của chuẩn mực giao tiếp như lịch sự, lễ phép, đúng mực, đúng vai giao tiếp, đúng hoàn cảnh và tuân theo những quy ước của xã hội và có tính khuôn mẫu trong văn hóa của người Việt Nam. Người Việt Nam có rất nhiều kiểu chào hỏi:

 Lời chào có khi được thể hiện bằng lời nói trực tiếp. Ví dụ: Chào chị; Cháu chào bà ạ!; Em chào thầy ạ!...Tuy nhiên tuỳ thuộc vào mối quan hệ thân - sơ hay quan hệ vị thế giữa những người tham gia giao tiếp mà các đại từ nhân xưng có sự phân ngôi rất rõ ràng. Thêm tình thái từ “ạ!” vào cuối lời chào thể hiện sự kính trọng của mình đối với người có vị thế giao tiếp cao hơn. Đối với những người có vai giao tiếp ngang nhau và có mối quan hệ thân thiết thường là: Chào! Xin chào!...

 Lời chào có khi được thể hiện gián tiếp. Đây là những lời chào mà người phát ngôn sử dụng những hành vi ngôn ngữ khác nhau như: hỏi, khen, đề nghị, nhận xét, chúc, thông báo... Muốn giải mã được những thông tin hàm ẩn, chúng ta phải dựa vào nhiều yếu tố đặc biệt là phải đặt nó trong một môi trường văn hoá riêng của từng cộng đồng dân tộc. Khi gặp người quen, người Việt thường có thói quen chào bằng cách hỏi đưa ra câu hỏi: Chị đi đâu vậy?; Em đi học hả?; Chà, lâu quá không gặp!; Mới đi đâu về đấy?...Ở đây, người hỏi mà không cần nghe câu trả lời của người được hỏi như đặc trưng của câu nghi vấn. Có khi  để biểu thị sự quan tâm, làm tăng thêm mối quan hệ thân tình, gần gũi thì cách hỏi rất cụ thể về tình hình gia đình, công việc, sức khoẻ... Có khi lời chào kèm với các tình thái từ (Kìa!, Trời!, Này!, Trời ơi!, A!, Ôi…) để bộc lộ cảm xúc. Ví dụ: A! Mẹ đã về!; Trời ơi! Anh!...Các lời chào này thường kèm thêm các cử chỉ, điệu bộ như ánh mắt, vẫy tay, vỗ tay …nhằm làm tăng thêm hiệu quả giao tiếp. Có khi lời chào được thay bằng lời chúc hoặc lời mời, lời khen, lời nhận xét. Ví dụ: Chúc mừng ông!; Chúc mừng nhé!;  Xin chúc mừng chị!.... Hoặc là chào bằng lời mời nhằm bày tỏ lòng hiếu khách: Mời bác vào xơi cơm ạ! (Khi đến chơi chủ nhà đang ăn cơm). Đáp lại lời chào mời của chủ nhà là lời từ chối kèm lời cảm ơn: Vâng, cảm ơn bác; Vâng, mọi người cứ tự nhiên!; Vâng, cảm ơn bác, tôi ăn rồi.…Có khi lời chào là lời khen, lời nhận xét như bắt đầu một câu chuyện, tranh thủ tình cảm, biểu thị sự quan tâm, tỏ lòng ngưỡng mộ…

Những hình thức chào gián tiếp trên đây chỉ là một thủ tục chào hỏi, nó chỉ có chức năng đánh tiếng trong giao tiếp. Nhiều người nước ngoài thấy bối rối và khó xử trước kiểu “chào hỏi” như vậy nhưng ở Việt Nam ẩn sau lời chào “vòng vo” ấy chính là một lối sống trọng tình, lối sống mang tính cộng đồng của người Việt.

Đối với người Lào, cũng một lời chào “Sabaidee” nhưng họ thể hiện lòng kính trọng và sự khiêm nhường bằng hành động nói lời chào kèm theo cử chỉ cúi đầu và chắp tay chào khi gặp người khác. Đây là cử chỉ đặc thù mang giá trị đạo đức và nhân sinh quan của người Lào. Nó nhấn mạnh đến cấu trúc xã hội và tôn ti “cao thấp” trong cộng đồng người Lào.

Với người Lào, cúi đầu đồng thời chắp tay chào là tỏ lòng kính trọng và khiêm nhường, không chỉ thế nó còn ẩn chứa nhiều ý nghĩa. Cách chào của người Lào có thể chia thành hai loại: “vái” (chắp tay cúi chào) và “hắp vái” (chào đáp lại). Nó được thể hiện bằng bốn tư thế chính:

Tư thế thứ nhất: Úp hai lòng bàn tay vào nhau, hướng các ngón tay lên trên đưa tay lên ngang mặt, đầu cúi thấp sao cho đầu ngón tay chạm vào chóp mũi. Đây là cách chào của người có địa vị thấp chào người trên để biểu thị sự kính trọng, chẳng hạn như con cái cúi chào cha mẹ, cháu cúi chào ông bà. Trong trường hợp này nếu người chào cúi đầu càng thấp thì biểu hiện sự kính trọng càng cao.

Tư thế thứ hai: Hai tay đặt sát vào thân, sao cho đầu ngón tay để ngang vị trí cổ nhưng không quá cằm. Đây là cách chào của những người có vị trí ngang hàng nhau như bạn bè hoặc những người lạ chưa biết rõ địa vị của nhau.

Tư thế thứ ba: Đặt hai bàn tay theo cách thông thường (hoặc thấp hơn tư thế II) đầu giữ thẳng hoặc hơi cúi. Đây là cách chào của người có địa vị cao dành cho người có địa vị thấp hơn mình.

Tư thế thứ tư: Vẫn với cách chắp tay như vậy, trán cúi thấp chạm vào gốc hai ngón tay cái và cúi mình xuống. Tư thế này thể hiện sự cung kính tột bậc giữa những người có vị trí xã hội khác nhau. Khi khoảng cách xã hội giữa hai người cách nhau quá xa thì khi chào sẽ không có sự đáp lại như người dân đối với nhà sư; hoặc em bé chào cụ già, thì cụ già chỉ đáp lại bằng cách gật đầu hay mỉm cười.

Bốn hình thức thể hiện trên đều được làm một cách thanh nhã, cử động chậm rãi. Phong thái trên biểu lộ bản tính hiền hòa, trung dung của người Lào. Nếu người “vái” không đúng các trình tự trên thì sẽ rất khó coi và đương nhiên là sẽ không được thiện cảm của người trên. Cách chào của người Lào có thể bày tỏ bất cứ lúc nào. Xét trên phương diện tâm lý, khi chào người trên, người dưới luôn luôn phải chắp tay trước và người trên “hắp vái” bằng chắp tay đáp lại thì người được “vái” mặc dù có địa vị thực tế là cao hơn người “vái” nhưng vẫn cảm thấy rằng vào lúc đó mình mới thực sự được kính trọng và tôn vinh. Do đó, người nhận “vái” luôn luôn có ý thức cư xử gương mẫu, đúng mực làm cho người dưới kính phục.

Ở bình diện phi ngôn ngữ, người Việt thường cười, gật đầu, bắt tay…,  người Lào thường chắp tay và cúi đầu. Ở Việt Nam, muốn tỏ ra thân thiện có thể kèm những hành động ôm eo, bá vai, bá cổ hay xoa đầu người ít tuổi hơn nhưng với người Lào bị xem là khiếm nhã. Người Lào không thoa đầu mọi người kể cả trẻ em. Hành động sờ, hay vỗ đầu một người Lào (đặc biệt là đàn ông) thì không những là điều kiêng kị mà còn bị xem là sự xúc phạm nặng nề, thậm chí có thể dẫn đến ẩu đả gây thương tích. Với người Lào việc chào hỏi bằng hành động hay đụng chạm chân tay với người đối diện có thể gây ra sự lung túng và không thoải mái đối với người xung quanh và chính bản thân người được chào hỏi.

Chào hỏi trở thành nét đẹp văn hóa đặc trưng của mỗi dân tộc. Trong bối cảnh hội nhập hiện nay sự giao thoa và ảnh hưởng văn hoá vô cùng mạnh mẽ, việc giữ gìn bản sắc văn hoá là nhiệm vụ hết sức cần thiếtcủa mỗi người. Người xưa thường nói “nhập gia phải tùy tục” song nếu chúng ta có vốn  hiểu biết về phong tục, tập quán… của nước bạn thì có nhiều thuận lợi trong giảng dạy, học tập, giao lưu. Bởi vậy việc có ý thức so sánh, đối chiếu với văn hóa nước bạn vô cùng cần thiết để có hành vi ứng xử phù hợp với văn hóa của từng dân tộc, góp phần làm cho khoảng cách giữa người nước ngoài và người Việt Nam gần nhau hơn.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1]. Phan Mậu Cảnh, Góp phần tìm hiểu vẻ đẹp văn hoá của Tiếng Việt qua lời chào”, Hội ngôn ngữ học Việt Nam,1993.

        [2]. Trần Ngọc Thêm, Giáo trình Cơ sở văn hoá Việt Nam, NXBGD, 2002

[3]. Nguyễn Duy Thiệu (chủ biên), Di cư và chuyển đổi lối sống trường hợp cộng đồng người Việt ở Lào, NXB Thế giới, 2008.



Copyright © 2024 Copyright Khoa Tiếng Việt - Trường Đại học Hà Tĩnh Rights Reserved.