foto1
Khoa Tiếng Việt
foto1
Khoa Tiếng Việt
foto1
Khoa Tiếng Việt
foto1
Khoa Tiếng Việt
foto1
Khoa Tiếng Việt

+(084)0393.885.133
khoatiengviet@htu.edu.vn
Liên hệ



Là người tâm đắc với những bài thơ trong sáng, ngộ nghĩnh viết cho thiếu nhi của Phạm Hổ, Võ Quảng, tôi thích thú đọc liền một mạch tập thơ “Mùa chim” của Nguyễn Ngọc Phú. Những kí ức tuổi thơ ùa về trong tôi như mới vừa hôm qua…

Trần Đăng Khoa làm thơ lúc lên sáu, thơ Khoa là tình cảm thật, là suy nghĩ trong sáng, tinh khôi của cậu bé đối với cuộc sống quanh mình. Còn Nguyễn Ngọc Phú viết “Mùa chim” khi anh đã bước vào tuổi làm ông, đảm nhận cương vị lãnh đạo, trong bối cảnh “Văn học viết cho trẻ nhỏ vẫn bị coi là việc nhỏ” (Phạm Đình Ân) nhưng thơ anh vẫn nồng hậu, vẫn thật hồn nhiên và dí dỏm. Tôi trộm nghĩ anh có chung suy nghĩ với Phạm Hổ: “được sống và viết cho các em là một hạnh phúc”.

Những bài thơ của anh đẫm kí ức về một thời tuổi thơ… gắn bó với quê hương - Thạch Kim của mình. Những trường ca về biển đã làm nên phong cách riêng của Nguyễn Ngọc Phú… Trong tập “Mùa chim” những hình ảnh về biển chân thật nhưng không làm giảm đi sự trong sáng, hồn nhiên của tâm hồn trẻ nhỏ:

Cá Ngựa chẳng có bờm

Ăn phù du thay cỏ

Không biết hỏi: đâu đâu

Vẫn gọi là cá Chó!

Chẳng rù rì mờ tỏ

Sao gọi là cá Ong

Không cày vỡ ruộng đồng

Cá Bò chơi bong bóng

                                                                    (Cá)

Những bài thơ của Nguyễn Ngọc Phú có thể là “tài liệu” giúp các em thiếu nhi “Tìm hiểu môi trường xung quanh” với những trường từ vựng về thiên nhiên, cây cỏ, về loài vật mang màu sắc đồng quê:

Quả Cau có tai đâu

Sao gọi là Cau điếc

Quả Bí không nhọn sắc

Sao gọi là Bí đao

Mèo có phải quả đâu

Sao gọi là Mèo mướp

(Hỏi)

Không chỉ thế, trong thơ anh có những bài rất hiện đại… hợp với những cô bé, cậu bé sinh ra từ thành phố không phân biệt được “cấy cày”, “rơm rạ” khác nhau như thế nào.

Chùm đèn trong phố nhỏ

Chín không bao giờ mềm

Quả thức khi em ngủ

Mới gọi là: quả đêm

(Quả đêm)

Trong “Mùa chim” thể thơ truyền thống: bốn chữ, năm chữ được anh sử dụng rất gần với đồng dao, vui nhộn, dễ nhớ, dễ thuộc; có những bài sáu chữ hoặc lục bát trong sáng, đậm chất dân ca. Thơ anh biểu hiện những quan sát tinh tế nhưng vẫn gần gũi với những cảm nhận của trẻ thơ:

Nắng sàng qua mắt lá

Chấp chới nở thành hoa

Chú chuồn Kim xâu chỉ

Thêu nắng lên mái nhà

(Hoa nắng)

Nhiều bài thơ của anh thể hiện sự liên tưởng độc đáo, gợi trí sáng tạo và ý thức yêu lao động cho các em thiếu nhi:

Sao Thần Nông cày ruộng

Sao Hôm khép lại ngày

Sao Mai thường dậy sớm

Treo sương đầu ngọn cây.

(Sao)

 Trẻ thơ thường say mê với phim hoạt hình bởi các em nhìn thiên nhiên, loài vật giống như chính những người bạn thân của mình. Điều này đã lí giải tại sao trong tập thơ “Mùa chim” biện pháp nhân hóa được sử dụng với tần số cao:

Có một anh chàng Châu Chấu

Sáng nay lên đấu võ đài

Nhờ chị Cào Cào may hộ

Áo quần đủ cả cân đai

(Cào Cào may áo)

 “Hạnh phúc của trẻ em là được cười” tâm niệm được điều này nên nhiều bài thơ của Nguyễn Ngọc Phú sử dụng hiện tượng đồng âm chơi chữ thật thú vị:         .

Nào bắt đầu rán bánh*

Mỡ* phồng căng đáy nồi*

Bánh đựng bằng gì nhỉ?

Đĩa* đây rồi bạn ơi!

Gắp bánh bằng đũa* nhé

Thêm xúc xích* ăn kèm

Cá* cứ kêu: Chép! Chép!

Khô dầu* là cháy nhem

(Bữa ăn: chiếc xe đạp)

Đọc thơ Nguyễn Ngọc Phú ta thấy một miền kí ức đẹp về tuổi thơ “chân đất đầu trần”. Nơi ấy bao nhiêu người mơ ước “Cho tôi một vé đi tuổi thơ”. Tập thơ “Mùa chim” là tình yêu, là món quà quí giá tác giả dành cho tuổi thơ hôm nay.

Tôi thầm chúc anh sẽ mãi là “người bộ hành chung thủy” trên con đường sáng tác văn học cho thiếu nhi hôm nay và mai sau.  



Copyright © 2024 Copyright Khoa Tiếng Việt - Trường Đại học Hà Tĩnh Rights Reserved.