“Truyện Kiều” sáng tác dựa theo cuốn tiểu thuyết chương hồi “Kim Vân Kiều truyện” của Thanh Tâm Tài Nhân ở Trung Quốc, song tác phẩm này không phải là một bản dịch thơ từ một tác phẩm văn xuôi mà là kết tinh tài năng và tấm lòng của đại thi hào Nguyễn Du. Hiện nay có rất nhiều trích đoạn được đưa vào chương trình Ngữ văn phổ thông. Mỗi trích đoạn đều chịu sự chi phối tư duy nghệ thuật, bút pháp miêu tả, phong cách biểu hiện của văn học trung đại, song bên cạnh đó vẫn thể hiện rõ cá tính sáng tạo của đại thi hào Nguyễn Du. Khi dạy học “Truyện Kiều” làm nổi bật được điều này vô cùng quan trọng và cần thiết. Bài viết này xin góp thêm một số định hướng dạy học trích đoạn “Chị em Thúy Kiều” trong Sách giáo khoa Ngữ văn 9.
1. Giáo viên cần làm nổi bật sự kế thừa và sáng tạo về nghệ thuật miêu tả, xây dựng nhân vật của Nguyễn Du.
“Truyện Kiều” là tác phẩm thuộc nền văn học trung đại nên nghệ thuật xây dựng nhân vật nói chung, nghệ thuật miêu tả ngoại hình nhân vật nói riêng đều chịu ảnh hưởng sâu sắc đặc điểm của văn học thời kì này. Giống như các nhà thơ khác cùng thời, khi khắc họa Thúy Kiều và Thúy Vân – hai nhân vật chính diện, là những tuyệt sắc giai nhân của tác phẩm, Nguyễn Du đã sử dụng bút pháp phác họa và ngôn ngữ ước lệ, tượng trưng . Nhà thơ miêu tả vẻ đẹp theo những “môtip” khuôn mẫuquen thuộc: “khuôn trăng”, “nét ngài”, “hoa cười” “ngọc thốt”, tóc mây, da tuyết, “làn thu thủy, nét xuân sơn”... Các hiện tượng, sự vật từ thế giới thiên nhiên chính là chất liệu để làm chuẩn so sánh. Điều này xuất phát từ cũng quan niệm của người Á Đông xưa: Con người là một "tiểu vũ trụ" trong mô hình vũ trụ Thiên - Địa - Nhân hợp thành "Tam Tài", có quan hệ tương thông, tương cảm với "đại vũ trụ"(thiên nhiên ngoại giới). Trong văn học nói chung, “Truyện Kiều” nói riêng, thiên nhiên không chỉ là cái nền đơn giản cho câu chuyện mà nó đã trở thành một yếu tố cấu thành trong tư duy nghệ thuật khi khắc hoạ những phẩm chất, tâm hồn, tình cảm của người phụ nữ tài sắc. Đây là nét khu biệt không thể lẫn so với cách miêu tả nhân vật trong văn học các thời kì sau. Giáo viên có thể nêu một số dẫn chứng từ những tác phẩm cùng thời để các em dễ nhận thấy những đặc điểm trên. Tóc mây chấm đất, da ngà, gương trong. … Nở nang nét nguyệt, vuông tròn mặt hoa. ( Tả Cúc Hoa – “Phạm Công Cúc Hoa”) Má đào phấn điểm hồng hồng, Tóc mây một mái dòng dòng xanh non. Môi tươi một ngấn hồng son, Mày ngang lá liễu, mắt tròn bóng gương. (Tả Công chúa – “Hoàng Trừu”) Người đâu trong ngọc trắng ngà, Mặt vành vạnh nguyệt, tóc ngà ngà mây. (Tả Hạnh Nguyên – “Nhị độ mai”) Mặn mà chìm cá rơi nhàn, Nguyệt ghen gương khép, hoa hờn thắm bay. (Tả Dao Tiên – “Hoa tiên”) Làu làu một vẻ một thanh, Mày nga khói đượm, tóc xanh mây lồng. Gót sen đua nở bạch hồng, Sóng ngời ngân hải, thanh phong má đào. Rỡ ràng ánh nguyệt chói sao, Mỉa dường thần nữ, kém nào Hằng Nga. (Tả Nhụy Châu – “Song Tinh”)
Trong văn học cổ điển, việc sử dụng điển tích điển cố, bút pháp ước, tượng trưng thường làm cho nhân vật trở nên chung chung, mờ nhạt ít nhiều mất đi cái nét riêng, cái dáng vẻ riêng. Vấn đề ở chỗ là bằng tài năng nghệ thuật của mình, những nhà thơ nào sử dụng đúng tình, đúng cảnh và biết “thổi hồn” đều có thể tạo nên sức mạnh khơi gợi cho hình tượng. Với Nguyễn Du “một tay bó chặt vào truyền thống” (tuân theo tính quy phạm), “một tay múa” (sáng tạo, phá vỡ tính quy phạm) đã giúp ông phát huy thành công tài năng khắc họa chân dung và tính cách nhân vật. Vì thế, dưới ngòi tài hoa, sáng tạo, biến hóa khôn lường của nhà thơ, nhân vật Thúy Kiều và Thúy Vân hiện lên vô cùng sinh động, hấp dẫn và có sức khái quát cao. Bởi vậy khi dạy, giáo viên phải phân tích , lí giải để giúp học sinh lĩnh hội được tính quy phạm và việc phá vỡ tính quy phạm trong trích đoạn “Chị em Thúy Kiều”. Giáo viên có thể nhấn mạnh sự sáng tạo nghệ thuật của Nguyễn Du ở một số điểm nhấn sau:
Chị em Kiều đều có vẻ đẹp mười phân vẹn mười song để khắc họa chân dung Thúy Kiều - nhân vật trung tâm của tác phẩm, Nguyễn Du đã phác họa trước chân dung của em gái Thúy Vân. Thúy Vân xuất hiện với hình mẫu dung nhan đẹp tuyệt vời, tưởng như không có gì sánh bằng. Vẻ đẹp của Thúy Vân khiến cho thiên nhiên phải “nhường”, phải “thua”. Thế mà chị của Vân còn hơn thế nữa: “Kiều càng sắc sảo mặn mà, So bề tài sắc lại là phần hơn”. Vẻ đẹp của Kiều khiến cho “hoa ghen, liễu hờn”. Nếu Nguyễn Du chủ yếu đặc tả Thúy Vân cái đẹp bề ngoài của nhan sắc trong bốn câu thì khác biệt hơn, Nguyễn Du dành tới mười sáu câu thơ còn lại để giới thiệu Thúy Kiều. Ông không chỉ tả khuôn mặt mà hướng tới khắc họa toàn diện sắc đẹp, tài hoa, tâm hồn của Kiều - một vẻ đẹp điển hình, lí tưởng của người phụ nữ trong xã hội phong kiến. Như vậy, việc miêu tả tài sắc của Thúy Vân trước là dụng ý của Nguyễn Du, nhằm tạo một phông nền để tôn vinh tài sắc vượt trội của Thúy Kiều. Bên cạnh Thúy Vân, bức chân dung Thúy Kiều càng trở nên ngời sáng hơn, toàn diện hơn, hoàn chỉnh hơn. Điều đó giúp cho Nguyễn Du đạt được mục đích là làm nổi bật sự tuyệt mỹ, hoàn mỹ của Thúy Kiều - nhân vật ông dành sự trân trọng, yêu thương nhất tác phẩm.
Nguyễn Du đã kết hợp nhuần nhuyễn, khéo léongôn ngữ bác học và ngôn ngữ bình dân để tăng thêm sức biểu cảm. Từ Hán Việt, điển tích, ước lệ đều được sử dụng hợp người, hợp cảnh và thể hiện được tư tưởng tình cảm của nhà thơ. “Nguyễn Du đã tạo nên tính chất sinh động trong chân dung nhân vật bởi vì bên cạnh những từ ngữ, những điển cố, những thi liệu văn học Trung Quốc được sử dụng thích đáng, Nguyễn Du còn đưa vào nhiều từ loại dân tộc có giá trị biểu đạt và biểu cảm…như những danh từ khuôn trăng, nét ngài, làn, nét, các động từ như cười, thốt , thua, nhường, ghen, hờn, nghiêng nước, nghiêng thành, những phó từ như đầy đặn, nở nang, đoan trang, sắc sảo, mặn mà...” (2).
Mặc dù vẫn chịu sự chi phối của thi pháp văn học trung đại, ngôn ngữ ít nhiều có tính chất ước lệ công thức nhưng bằng bút pháp “tâm lý hoá ngoại hình, thân phận hoá phẩm cách” (2), Nguyễn Du đã xây dựng hai nhân vật vô cùng sống động, ấm nồng hơi thở của ông và thời đại. Trong vẻ đẹp của hình thức luôn luôn tiềm ẩn vẻ đẹp của tâm hồn và vẻ đẹp của tâm hồn đã phản chiếu trên những nét dung nhan của nhân vật. Không những thế, thông qua miêu tả những đặc điểm về ngoại hình, tài năng, tâm hồn, nhà thơ đã có ngầm báo về cuộc đời, số phận nhân vật trong tương lai và gửi gắm bao tư tưởng, tình cảm của mình khiến cho người học, người đọc càng thêm tò mò, hứng thú tìm hiểu, khám phá. Biểu hiện cụ thể về những điều này sẽ được đề cập trong phần tiếp theo.
2. Giáo viên khi phân tích nên đặt các chi tiết, hình ảnh trong tổng thể đoạn trích, đồng thời phải nắm được ý nghĩa của trích đoạn đối với toàn tác phẩm
Trong trích đoạn “Chị em Thúy Kiều”, có những chi tiết đặc biệt là hình ảnh “nét ngài nở nang” có nhiều cách hiểu, cách lí giải. Đây là một điểm nhấn tạo nên sự thú vị cho người dạy và người học. Theo tôi khi giảng cho học sinh nên đưa ra ngắn gọn một số cách hiểu khác trước khi nêu chủ kiến của mình. Việc hiểu “nét ngài” như thế nào thì chúng ta cần phân tích logic trong tổng thể đoạn trích.
Thứ nhất, Nguyễn Du viết “nét ngài nở nang” chứ không phải “mày ngài nở nang” có lẽ ông muốn diễn tả lông mày Thúy Vân có nét giống với con ngài (con bướm tằm) nở nang để ngầm chỉ nét lông mày đậm mà đẹp. Khi tả lông mày Kiều, Nguyễn Du cũng viết “nét xuân sơn” để chỉ lông mày có nét đẹp, thanh thoát như dáng núi mùa xuân. Nếu “nét ngài nở nang” hợp với vẻ đẹp đầy đặn, đoan trang, phúc hậu của Vân thì “nét xuân sơn” lại rất hợp với vẻ đẹp sắc sảo của Kiều. Có ý kiến cho rằng nên hiểu “nở nang” ở đây là rạng rỡ, tươi tắn, hớn hở, phấn khởi như người ta thường nói “nở mày nở mặt”. Với cách hiểu như vậy thì e rằng từ “nở nang” ở đây có vẻ bị thừa. Bởi với khuôn mặt như ánh trăng rằm, miệng cười tươi như hoa, lời nói như ngọc đã đủ toát lên vẻ đẹp tươi tắn, rạng rỡ của Thúy Vân rồi. Đó cũng là bút pháp “vẽ mây nẩy trăng” Nguyễn Du vẫn hay sử dụng trong “Truyện Kiều”.
Thứ hai, có một số tác giả đã đề nghị hiểu “nét ngài” là “nét người” bởi vì trong phương ngữ Nghệ Tĩnh, từ “ngài”có nghĩa là người (6). Trong bài viết “Trao đổi về “Truyện Kiều” (6), nhiều người sẽ đồng ý với cách hiểu “nét ngài” là hình ảnh “nét mày ngài” của ThúyVân hơn là nét người, dáng người của nhân vật . Song không ít người rất băn khoăn khi tác giả cho rằng “Mai cốt cách” là cốt cách của cây mai mảnh dẻ thanh tao và kết luận Thúy Vân là tiểu thư khuê các, vóc dáng, nét người không thể là nở nang mà phải gầy, mảnh dẻ, thanh tao, liễu yếu đào tơ (gọi theo từ ngữ hiện đại thì người đẹp có dáng người dây). Tác giả còn dựa vào câu thơ “Nét buồn như cúc, điệu gầy như mai” trong “Truyện Kiều” để nhấn mạnh điều này. Theo tôi, vẻ đẹp ở đây không phải là gầy hay nở nang mà phải là sự cân xứng, hài hòa. Bởi nếu lấy cách hiểu đó để so với trong thực tế thì “ khuôn trăng” của Thúy Vân sẽ không cân đối, hài hòa với dáng người gầy, thanh mảnh và như thế chắc chắn Thúy Vân không thể có vẻ đẹp “mười phân vẹn mười”. Từ ý nghĩa biểu trưng về cây mai trong bộ tứ quý; tùng, cúc, trúc, mai; đến câu chuyện vua Trần Minh Tông cảm nhận nét đẹp sâu kín của mai trắng đã đặt cho công chúa Huy Ninh một cái tên riêng là “Nhất Chi Mai”, chúng ta nên hiểu hình ảnh “mai cốt cách” thiên về chỉ phẩm cách trong trắng, thanh cao hơn là tả vóc dáng của chị em Thúy Vân. Thơ hay là ý tại ngôn ngoại, nói ít gợi nhiều, vì vậy, đại thi hào không cần nói rõ nét người nở nang nhưng với khuôn mặt tròn, đầy đặn, đẹp tựa trăng rằm của Vân đã gợi lên ý nghĩa của từ “nở nang” - diễn tả vẻ đẹp hình thể đầy đặn, tròn trịa, căng tràn sức sống của tuổi xuân xanh . Chắc hẳn chúng ta không ít lần được chiêm ngưỡng vẻ đẹp này qua những bức danh họa thời phục hưng ở phương Tây. Sự chuẩn xác trong từng chi tiết; sự hài hòa, cân xứng trong tổng thể; tả ít mà lại gợi được thần thái nhân vật, Nguyễn Du đã tạo nên bức danh họa bằng thơ về chân dung “mỗi người mỗi vẻ, mười phân vẹn mười” của chị em Thúy Kiều. Điều đó không chỉ khẳng định Nguyễn Du là một “họa sĩ ngôn từ” tài hoa mà còn toát lên cảm hứng nhân văn ca ngợi, đề cao vẻ đẹp của phụ nữ.
Thứ ba, khi miêu tả chân dung nhân vật, nhà thơ sử dụng nhiều thủ pháp nghệ thuật như: so sánh, ẩn dụ, thậm xưng, tượng trưng, ước lệ...Đặc biệt là sự đa dạng trong nghệ thuật so sánh: so so sánh bằng, so sánh hơn – kém, có – không, giống - khác... Bên cạnh miêu tả vẻ đẹp có nhiều điểm chung của hai chị em..., Nguyễn Du còn tạo nên nhiều điểm khác biệt giữa Kiều và Vân. Và đó cũng là ý đồ nghệ thuật sâu xa của nhà thơ. Riêng tả lông mày của hai chị em đã mang hai nét đẹp rất khác nhau, khác hơn nữa là so với Kiều, Thuý Vân thiếu đi cái thần “đôi mắt”- cửa sổ tâm hồn. Trong truyện thơ Nôm, miêu tả lông mày thường đi liền với đôi mắt “mày tằm mắt phượng”, “mắt tròn bóng gương”…. Đôi mắt không chỉ là phương tiện miêu tả sắc đẹp, nó còn là phương tiện để nhìn nhận, đánh giá, biểu lộ cảm xúc, tình cảm... Nguyễn Du không tả đôi mắt Thúy Vân và điều đó đã là một sự khác biệt để ông dồn hết bút lực làm nổi bật sự sắc sảo về trí tuệ và chiều sâu tâm hồn ẩn chứa trong đôi mắt của Kiều. Hơn nữa khi so sánh đôi mắt Kiều trong sáng, long lanh như hồ nước mùa thu vừa toát lên vẻ đẹp, vừa gợi lên sự đa sầu, đa cảm “Sóng thu một liếc, hạt châu đôi hàng” , vừa ngầm báo một cuộc đời nhiều đa đoan, nhiều nước mắt của Kiều. Không chỉ khi miêu tả ngoại hình ThúyKiều mà kể cả Thúy Vân, nhà thơ đã dựa trên phương diện thẩm mỹ và tướng pháp. Qua ngoại hình có thể dự báo số phận của nhân vật trong tương lai. Với “khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang”, một khuôn mặt đẹp đầy đặn, phúc hậu như Thúy Vân sẽ có cuộc đời bình yên, phẳng lặng hơn. Cũng nhờ vẻ đẹp phúc hậu “nở nang nét nguyệt, vuông tròn mặt hoa” giống Thúy Vân mà Cúc Hoa trong “Phạm Công Cúc Hoa” may mắn hơn so với các nhân vật nữ khác trong truyện thơ Nôm.
Không phải ngẫu nhiên mà trong hai chị em, Thúy Kiều được giới thiệu kỹ hơn, nhiều phương diện hơn và nổi trội hơn. Nói về nhan sắc, Thúy Kiều hơn hẳn Thúy Vân. Vẻ đẹp Thúy Vân “tuyết cũng nhường, mây cũng thua”, tức là thiên nhiên đã thuận lòng, thuận tình nên không còn ghen ghét, đó kị vì thế nàng sẽ có được một cuộc sống êm đềm, hạnh phúc hơn. Và Nguyễn Du đã trả lời về sự dự báo này ở cuối tác phẩm “ Một nhà phúc lộc gồm hai, Nghàn năm dằng dặc quan giai lần lần. Thừa gia chẳng hết nàng Vân, Một cây cù mộc một sân quế hòe . Phong lưu phú quý ai bì, Vườn xuân một cửa để bia muôn đời”. Còn Kiều mang vẻ đẹp “nghiêng nước nghiêng thành” đến nỗi hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh. Những động từ “ghen”, “hờn” dự báo trước Kiều sẽ bị thiên nhiên “trả đũa” vì lòng ganh tị. Cung đàn bạc mệnh của Kiều đã trở thành một hình tượng nghệ thuật thể hiện tâm hồn đa sầu, đa cảm và dự báo số phận bi thương của nàng. Quả đúng như vậy, Kiều sinh ra nơi “phong gấm rủ là”, gặp được Kim Trọng hào hoa phong nhã, cuộc đời như vậy tưởng là hứa hẹn cho một tương lai rạng ngời hạnh phúc, nào ngờ tai biến xảy ra đến nỗi phải nửa đời lênh đênh trôi giạt nếm đủ mọi tủi nhục, ê chề. Cung đàn ấy không chỉ là tiếng lòng của Thúy Kiều mà còn là tiếng lòng đồng cảm, thương cảm của Tố Như. Tả hai chị em nhưng chỉ riêng Kiều mới được Nguyễn Du giới thiệu và đánh giá rất cao tài năng. Thông minh vốn sẵn tính trời Pha nghề thi họa đủ mùi ca ngâm Cung thương làu bậc ngũ âm Nghề riêng ăn đứt hồ cầm một trương Khúc nhà tay lựa nên chương Một thiên bạc mệnh lại càng não nhân Kiều vừa là một tuyệt sắc giai nhân, vừa tài giỏi khó ai sánh bằng “sắc đành đòi một, tài đành họa hai”. Vì Trời cho Kiều nhiều thứ hơn Vân nên đã lấy đi của Kiều một thứ quan trọng nhất đó là cuộc sống hạnh phúc, bình an. Qua đây, Nguyễn Du không chỉ thể hiện đơn thuần quan niệm “hồng nhan bạc mệnh” ,“tài mệnh tương đố” hay “bỉ sắc tư phong” mà còn cất lên tiếng than cho bao tấn bi kịch của những tài năng dưới chế độ xã hội phong kiến; đồng thời còn thể hiện ước vọng thiết thực, chính đáng và rất nhân bản về quyền bình đẳng và truy cầu hạnh phúc của người phụ nữ trong xã hội xưa.
Sức hấp dẫn của trích đoạn “Chị em Thúy Kiều” không chỉ là ở sự đặc sắc trong sáng tạo nghệ thuật, sự đa dạng trong cách cảm, cách hiểu, sự khái quát đầy sức gợi của hình tượng nhân vật ... mà đây còn là phần mở đầu quan trọng, thú vị gợi mở nhiều vấn đề để chúng ta khám phá về cuộc đời số phận nhân vật và giá trị tư tưởng của tác phẩm. Vì vậy thành công của giáo viên khi dạy đoạn trích này là truyền được cho các em ngọn lửa đam mê, hứng thú học những đoạn trích tiếp theo để càng nhân lên niềm yêu thích, tự hào về kiệt tác “Truyện Kiều” – đỉnh cao của sáng tạo nghệ thuật dân tộc.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Nguyễn Du, Truyện Kiều, Đào Duy Anh hiệu đính, Nxb Văn học, HN, 1973
2. Đặng Thanh Lê, Giảng văn Truyện Kiều(tr21-30), NXBGD 1997
3. Nguyễn Công Lí, Bàn về chữ nghĩa “Truyện Kiều” qua một vài trường hợp (tr64-69), Tạp chí KHXH và Nhân văn Nghệ An (1+2)/2015
4. Nguyễn Khắc Phi (Tổng chủ biên), SGK Ngữ văn 9, Tập một, NXBGD Việt Nam
5. Trần Đình Sử, Mấy vấn đề thi pháp văn học trung đại Việt Nam, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 1999)