foto1
Khoa Tiếng Việt
foto1
Khoa Tiếng Việt
foto1
Khoa Tiếng Việt
foto1
Khoa Tiếng Việt
foto1
Khoa Tiếng Việt

+(084)0393.885.133
khoatiengviet@htu.edu.vn
Liên hệ



                      

          Thơ là tình cảm, là cảm xúc. Thơ  hay lay động ta bởi những nỗi niềm xúc

cảm, bởi sự bừng  sáng của vẻ đẹp tình yêu…cuộc sống, con người. Thơ có thể

biểu hiện được những điều  mà ngôn ngữ  đời thường không  nói được.  Đây là một

bài thơ như thế:

                    

                            Tựa

                        Nắng chiều tựa những hàng cây

            Cánh chim tựa những áng mây ngang trời

                        Con thuyền tựa sóng biển khơi

              Chiều tà tựa những đêm vơi tháng ngày

                           Tình buồn tựa chén rượu cay

                    Tình yêu tựa gió heo may cuối mùa.

                             Dòng sông xanh tựa đôi bờ

                    Tình anh tựa cõi hư vô vĩnh hằng.

                                                                         Trần Công Hoán

            Bài thơ là một lời bộc bạch, tâm sự hết sức chân thành, cởi mở mà ở đó đã ẩn chứa một tâm hồn nhạy cảm, một trái tim ấm áp, thiết tha với cuộc đời, với tình yêu. Có lẽ, chỉ trong thơ thì bao điều khó nói, bao trăn trở, suy tư mới được giãi bày. Cái khoảng cách, sự ngăn trở trong tình yêu được nhà thơ thể hiện trong sự vô cùng, vĩnh hằng của cõi đời và hóa giải nó bằng niềm an ủi của thi ca.  

            Ở đây, động từ “ Tựa” vừa là nhan đề, vừa được sử dụng lặp đi lặp lại trong suốt  bài thơ. Đó không phải là một cách sử dụng ngẫu nhiên mà là dụng ý nghệ thuật của nhà thơ. Trong Tiếng Việt, từ “tựa” thường có hai nghĩa: Thứ nhất là vật này tựa vào vật khác. Thứ hai là có nghĩa như sự so sánh- giống như. Cái hay ở bài thơ này, tác giả đã sử dụng linh hoạt kết hợp cả hai nghĩa đó và cùng với các hình ảnh để khái quát nội dung triết lý: Trong vũ trụ bao la này, tất cả đều phải giao hòa, gắn kết, nương tựa vào nhau và mỗi sự vật, hiện tượng dù nhỏ nhất cho đến lớn nhất đều có vị trí, tầm quan trọng, ý nghĩa khác nhau. Như nắng và cây; như thuyền và biển; như dòng sông và đôi bờ...và như anh và em! Sự vĩnh cữu của Tình Yêu!

            Bằng sự tưởng tượng phong phú, sự cảm nhận tinh tế nhà thơ đã sử dụng những hình ảnh hết sức độc đáo, thú vị: Nắng chiều/ hàng cây; cánh chim/ áng mây; con thuyền/ biển khơi; chiều tà / đêm vơi; tình buồn / rượu cay; Tình yêu/ gió heo may... Hệ thống các hình ảnh này vừa cụ thể gần gũi vừa có khả năng gợi lên sự liên tưởng rất rộng, rất xa về không gian, thời gian; gợi lên ý niệm về sự vô hạn của không gian, thời gian và sự hữu hạn của đời người, tình yêu. Sự chuyển hóa của hình ảnh càng về cuối bài thơ càng mơ hồ, khó nắm bắt nhưng lại rất phù hợp với qui luật của tình yêu. Trong cái mênh mông của đất trời hiện lên cái tôi với tình yêu mãnh liệt, đầy sự thánh thiện:          

                                      Dòng sông xanh tựa đôi bờ

                              Tình anh tựa cõi hư vô vĩnh hằng.

            Tôi đã đọc nhiều câu thơ, bài thơ hay về tình yêu, nhưng có lẽ đây là một trong những câu thơ để lại trong tôi ấn tượng mạnh mẽ. Không quyết liệt, táo bạo như ý thơ:                       

                                                Về với đất nơi vĩnh hằng trú ngụ

                                                Anh trả lại đời tất cả chỉ trừ em

                                                                        ( Trong bài "Em"- Nguyễn Văn Minh )

mà ở “tựa” ta tìm thấy chiều sâu thăm thẳm, sự bí ẩn của một tình yêu đích thực.    Bài thơ mang âm hưởng trầm buồn, sâu lắng nhưng là chiêm nghiệm sâu sắc, một triết lý rõ ràng về cuộc đời, về tình yêu. Và con người thơ, trở thành bến bờ để cảm thông, chia sẻ, nói hộ biết bao tiếng lòng, bao nhịp đập nồng say của trái tim. 

                                               

                                                                                                        

                                                                       



Copyright © 2024 Copyright Khoa Tiếng Việt - Trường Đại học Hà Tĩnh Rights Reserved.