foto1
Khoa Tiếng Việt
foto1
Khoa Tiếng Việt
foto1
Khoa Tiếng Việt
foto1
Khoa Tiếng Việt
foto1
Khoa Tiếng Việt

+(084)0393.885.133
khoatiengviet@htu.edu.vn
Liên hệ



       BÓNG CHỮ

Chia xa rồi anh mới thấy em

Như một thời thơ thiếu nhỏ

Em về trắng đầy cong khung nhớ

Mưa mấy mùa

                       mây mấy độ thu

Vườn thức một mùi hoa đi vắng

Em vẫn đây mà em ở đâu

Chiều Âu Lâu

bóng chữ động chân cầu.

                                             Lê Đạt

  “Bóng chữ” là một bài thơ hay của nhà thơ Lê Đạt (được lấy làm tên cho cả tập thơ) thể hiện được tình cảm tinh tế cũng như phong cách nghệ thuật tài hoa của ông. Đọc kỹ bài thơ ta không chỉ cảm thấy cảm xúc thẩm mỹ tinh tế mà còn là thông điệp đầy ẩn ý của nhà thơ nằm sau con chữ sáng tạo. 

           Bài thơ “Bóng chữ” có hai “trường” nghĩa đen và bóng. Nghĩa cụ thể, nghĩa đen nói về tình yêu, nghĩa bóng ẩn dụ nói về chữ nghĩa của việc sáng tạo nghệ thuật. Chính hai “trường” nghĩa lẫn vào nhau làm bài thơ có “trạng thái nhập nhoà và cạm bẩy của con chữ” (Thuỵ Khê). Bài thơ hay, hấp dẫn độc giả  một cách lạ kỳ nhờ cấu tứ độc đáo bằng lối sử dụng “ẩn dụ kép” về các khái niệm Chữ và Em. Chữ có thể là con chữ nhưng cũng có thể là em , bóng chữ còn có nghĩa là bóng em. Cái tên bài thơ, và hình ảnh“bóng chữ lay động chân cầu” cuối bài càng nói rõ điều đó. Em gắn với kỷ niệm tình yêu tha thiết. Chữ gắn với công việc sáng tạo kỳ thú của nhà thơ. Em thực thể không có trong bài thơ ( em ở đâu) mà chỉ là cái bóng ma mị (em vẫn đây), nhưng chính bóng em về trong kỷ niệm làm lay động tác giả và cũng chính cái bóng chữ ở sau các con chữ mới tạo cảm xúc nơi độc giả!

Câu thơ “Em về trắng đầy cong khung nhớ” theo tôi là câu thơ hay nhất bài. Nó không gợi dục theo kiếu phồn thực Xuân Hương dẫu có các hình ảnh trắng, đầy, cong  khêu gợi cảm giác và cũng không lãng mạn kiểu cổ điển  “ánh trăng nơi khung cửa sổ”... Câu thơ  đánh thức trí tưởng tượng người đọc bởi cái vẻ siêu thực của nó. Hư ảo bên ngoài trộn lẫn mộng tưởng bên trong. Cái bóng em hiện về theo kỷ niệm: áo trắng thanh tân với  những đường cong đầy đặn thanh xuân đứng che khung cửa như còn in hình… Em giờ vắng xa nhưng mùi hương vẫn lẩn quất trong vườn. Câu thơ đầy ắp ấn tượng mà trong trẻo đến vô cùng!

              Cái sâu kín, sự gửi gắm không kém phần quan trọng, nếu không nói quan trọng nhất (nếu liên hệ tên tập thơ)- bài thơ lấy tình yêu để nói về chuyện chữ nghiã trong công việc sáng tạo của người nghệ sĩ. Sự xúc cảm của tác giả trong bài thơ là xúc cảm bởi bóng em, kỷ niệm về em chứ không phải em trước mặt ( chia xa rồi mới thấy em,... em ở đâu...) Bóng em- kỷ niệm về em làm tác giả dấy lên bao xúc động, cũng như bóng chữ- cái hồn cốt đằng sau con chữ mới tạo nên giá trị đích thực câu thơ, tạo được cái bóng đó của chữ là bản chất, là tinh hoa công việc sáng tạo của nhà thơ. Bởi thế mới Chiều Âu Lâu / bóng chữ động chân cầu. Câu thơ kết lại bằng cái ẩn dụ bóng chữ  lay động không gian sáng tạo của tác giả, chứ không chỉ là bóng em và chỉ tình yêu thôi vậy.

                                                                                                                                                                                      A.T

-------------------------------------------------

* Tài liệu tham khảo

1. Thụy  Khê. Cấu trúc Thơ- XV. Thơ tạo sinh Lê Đạt in ở Tạp chí Thơ 04-2009

2. Báo Văn Nghệ - số15-2010

 



Copyright © 2024 Copyright Khoa Tiếng Việt - Trường Đại học Hà Tĩnh Rights Reserved.