foto1
Khoa Tiếng Việt
foto1
Khoa Tiếng Việt
foto1
Khoa Tiếng Việt
foto1
Khoa Tiếng Việt
foto1
Khoa Tiếng Việt

+(084)0393.885.133
khoatiengviet@htu.edu.vn
Liên hệ



 

Trần Nhân Tông ( 1258 - 1308,) là vị vua thứ 3 của triều đại nhà Trần. Trần Nhân Tông được sử sách ca ngợi là một trong những vị vua anh minh nhất trong lịch sử Việt Nam. Trần Nhân Tông không chỉ là một bậc cao minh, một nhà hiền triết mà còn là một nhà thi sĩ với tâm hồn thanh cao, trong sáng và tinh tế. Đọc bài thơ “ Thiên Trường vãn vọng” chúng ta sẽ cảm nhận rõ hơn tâm hồn thơ mang nặng tình cảm quê hương thắm thiết của nhà thơ: 

Thôn hậu thôn tiền đạm tự yên

Bán vô bán hữu tịch dương biên

Mục đồng địch lý ngưu quy tận

Bạch lộ song song phi hạ điền

 

Trước xóm sau thôn tựa khói lồng

Bóng chiều man mác có dường không

Mục đồng sáo vẳng trâu về hết

Cò trắng từng đôi liệng xuống đồng

                                               ( Bản dịch của Ngô Tất Tố)

Phủ Thiên Trường ( nay thuộc tỉnh Nam Định) là quê hương của nhà thơ Trần Nhân Tông. Trong một lần về thăm cố hương ngắm nhìn khung cảnh làng quê, tâm hồn thi sĩ tràn đầy cảm xúc và viết nên bài thơ:

Thôn hậu thôn tiền đạm tự yên

Bán vô bán hữu tịch dương biên

Bài thơ miêu tả khung cảnh buổi chiều tà, khi nhà thơ thu vào tầm mắt quang cảnh xóm làng mờ mờ trong màn sương khói. Dễ dàng nhận thấy thời gian nghệ thuật được miêu tả trong bài thơ là thời khắc hoàng hôn của  mùa thu , khi trời đất bắt đầu giăng một màn khói sương mờ ảo bao trùm lên toàn bộ cảnh vật. Trong ánh hoàng hôn sương khói đó vạn vật lúc ẩn lúc hiện nhưng không mang đến cảm giác lạnh lẽo, hoang vắng và buồn tẻ . Ngược lại hai câu thơ đã tái hiện  chân thực một  không gian làng quê trong buổi chiều thu rất đặc trưng của mùa thu đồng bằng Bắc Bộ. Hai câu đầu trở thành tiền đề dẫn dắt, mở ra những cảm xúc của nhà thơ về cảnh sinh hoạt đồng quê vừa thân thương vừa sinh động:

                                           Mục đồng sáo vẳng trâu về hết

                                          Cò trắng từng đôi liệng xuống đồng

Giữa khung cảnh làng quê khi màn đêm sắp buông xuống tưởng chừng như yên ắng ấy, tiếng sáo mục đồng vang lên trở thành một điểm nhấn đầy thi vị. Âm thanh đó hẳn đã rất quen thuộc đối với người dân nơi đây nhưng đối với nhà thơ - một ông vua quen sống cảnh lầu son gác tía thì nó lại gợi nhớ gợi thương đến nao lòng. Trên cánh đồng lúa mênh mông lại xuất hiện những cánh cò trắng muốt như một sự điểm xuyết khiến cho bức tranh đồng quê trở nên sinh động hơn. Khung cảnh làng quê thật yên bình, mang một vẻ đẹp vừa gần gũi vừa không kém phần thơ mộng.

Chỉ đôi ba nét chấm phá, lựa chọn một vài hình ảnh, âm thanh đặc sắc, từng câu thơ đều thể hiện tâm hồn thi sĩ vô cùng thư thái và đầy xúc cảm trước cảnh sắc bình dị của quê hương. Tình cảm đối với quê hương  rõ ràng không hề khiên cưỡng mà xuất phát từ tấm lòng yêu quê hương nồng hậu, tha thiết. Bài thơ khiến ta hiểu thêm vì sao triều đại nhà Trần dưới sự trị vì của vua Trần Nhân Tông lại là thời kì yên bình và phồn thịnh vào bậc trong lịch sử dân tộc Việt Nam.

 

 

 



Copyright © 2024 Copyright Khoa Tiếng Việt - Trường Đại học Hà Tĩnh Rights Reserved.