foto1
Khoa Tiếng Việt
foto1
Khoa Tiếng Việt
foto1
Khoa Tiếng Việt
foto1
Khoa Tiếng Việt
foto1
Khoa Tiếng Việt

+(084)0393.885.133
khoatiengviet@htu.edu.vn
Liên hệ



Ma Văn Kháng là một trong số những nhà văn có đóng góp đáng kể vào công cuộc đổi mới văn xuôi giai đoạn sau 1975. Một trong những đóng góp ấy là sự đổi mới về cái nhìn, giọng điệu và ngôn ngữ nghệ thuật. Ông "đã cố gắng đổi mới tư duy nghệ thuật tiểu thuyết, tìm hướng đi mới trong lao động sáng tạo nghệ thuật".

Mỗi nhà văn khi sáng tác đều thể hiện quan điểm, cách nhìn nhận về nghệ thuật, về cuộc đời. Thông qua tác phẩm văn học, nhà văn thể hiện quan niệm nghệ thuật về con người. Ma Văn Kháng xây dựng một quan niệm đa chiều khá phức tạp về nhân vật trong sáng tác của ông.

1. Nhân vật trí thức.

              Nhân vật trí thức trong tiểu thuyết của Ma Văn Kháng là những con người mang nỗi đau thân phận nhưng luôn biết vươn lên để chống trả số phận khẳng định tài năng nhân cách.

Qua những tác phẩm của Ma Văn Kháng ta thấy một xã hội đa chiều, đa màu sắc được tái hiện một cách sinh động dưới ng̣òi bút đậm tính người, với chiều sâu của tâm tư, với khao khát cháy bỏng về một cuộc sống nhân ái, tốt đẹp. 

Trước hết, loại nhân vật trí thức chân chính trong tiểu thuyết Ma Văn Kháng là những con người tốt nhưng kết thúc tác phẩm nếu họ không rơi vào cái chết thì cũng sống trong đắng cay, túng quẫn, tủi cực. Ông Bằng - chân dung một bậc túc nho đến phút lâm chung vẫn không nguôi được những lo âu, trắc ẩn trên những dòng di chúc: “Ba mong các con yêu thương nhau, lấy cái chính ngăn cái tà, theo gương cha ông gìn giữ và bồi bổ tinh hoa, truyền thống dân tộc, phục vụ nhân dân tổ quốc” [tr.639]. Bà lang Chí, chị Hoài, Luận, Phượng, Vân, Cừ… kết thúc tác phẩm vẫn là những con người phải nhẫn nhục cam chịu trong cái đói nghèo về vật chất và phẫn uất về tinh thần…

Bên cạnh con người nạn nhân là hình ảnh bọn trí thức lưu manh hóa (thủ phạm chính gây ra những khổ đau, kịch cho con người và cuộc sống) và mô hình dị dạng hóa đã được nhà văn sử dụng triệt để làm mẫu chuẩn để xây dựng chân tướng của chúng. Lưu manh ở đây là trạng thái đạo đức của con người đã xuống cấp trầm trọng, mọi hành vi, suy nghĩ đều đi ngược lại lẽ phải của cuộc đời, với lẽ công bằng của xã hội. Thay vào tình yêu thương, lòng bác ái, độ lượng, sự công minh, niềm tin yêu, tinh thần tương trợ con người thì loại người này chỉ sống bằng mưu mô, thủ đoạn, thói ganh ghét, đố kị, bằng sự lộng quyền, quyết hãm hại, đè bẹp những con người có tài năng, đức độ thật sự. Đó là một “thằng” hiệu trưởng, một “con” giáo viên, một “vị” văn nhân đại diện cho tầng lớp trí thức. Đó cũng là những chức danh như: Tổng cục trưởng, Bí thư chi bộ, Bí thư huyện ủy, Trưởng ban tuyên huấn, Chủ nhiệm, Phó chủ nhiêm…đại diện cho công lí và quyền lực của nhà nước. Tất cả đều hiện ra trong một hình thù dị dạng. Dị dạng cả nhân hình lẫn tính cách. Đám trí thức lưu manh này đang có sức mạnh khuynh đảo xã hội bởi tính chất nhân danh của chúng. Chúng nhân danh Đảng, nhân danh cho quyền lực và cán cân công lý của xã hội nhưng thực chất là hạng người thô thiển, tâm địa hẹp hòi, tư duy máy móc, giản đơn và trì trệ. Nói tóm lại, chúng là những trở lực kìm hãm sự phát triển xã hội. Mọi giá trị cuộc sống vì chúng mà trở nên hỗn độn, băng hoại, cuộc sống vì chúng mà trở nên thảm hại, chấn thương. Vì vậy, gọi tên chúng, xưng hô với chúng chỉ có lớp từ bụi bặm, đậm chất chợ búa như: thằng cha, con mẹ, tên này, gã kia …mới tỏ ra phù hợp nhất.

Hay khi ông viết về những nhân vật tri thức dấn thân và hi sinh về những cái chết bi hùng. Không phải ngẫu nhiên mà trong tác phẩm của ông dựng lên một hệ thống những nhân vật trí thức. Cũng có thể nói không quá lời rằng qua tác phẩm của ông mà người đọc sau này có thể “nhận diện” thế hệ trí thức của một thời đời.

         2. Nhân vật phụ nữ.

Trong các tác phẩm của mình tác giả lại một lần nữa cho người đọc chiêm ngưỡng một bức tranh sinh động về thời hiện đại với đủ màu sắc, cung bậc, với đủ loại người, với biết bao điều khiến ta phải suy tư, trăn trở. Trong thế giới nhân vật của mình Ma Văn Kháng tập trung ngòi bút của mình vào việc miêu tả  đến nhân vật người phụ nữ, đối tượng được Ma Văn Kháng giành nhiều tâm sức hơn cả trong tập truyện và đặc biệt là cách xây dựng loại nhân vật này của ông. Quả vậy, khảo sát trong số 18 truyện ngắn trong tập Trốn nợ chúng tôi thấy có đến 10/18 tác phẩm Ma Văn Kháng hướng ngòi bút của mình vào việc thể hiện thân phận người phụ nữ. Họ đều là những người phụ nữ bình dị, có vai trò rất quan trọng trong gia đình, trong đời sống; nhưng họ cũng là những thân phận éo le, trắc trở phải gánh chịu nhiều bất hạnh, khổ đau ở đời. Qua đây ta thấy Ma Văn Kháng bộc lộ sự trân trọng và niềm cảm thông sâu sắc với họ.

Đa phần những chân dung phụ nữ trong Trốn nợ được hiện lên dưới con mắt đánh giá chủ quan, nhuốm màu nhục cảm và thậm chí có phần dung tục của các nhân vật đàn ông trong truyện. Do đó các nhân vật phụ nữ dù đẹp hay xấu trong tập truyện đều được mô tả rất đàn bà, đậm yếu tố loài. Chính vì vậy, như một tất yếu, sự xuất hiện của các nhân vật nữ trong truyện có giá trị khơi dậy cảm xúc giới tính và ham muốn bản năng của các nhân vật đàn ông. Ta bắt gặp chân dung Thoa, một người đàn bà góa chồng vất vả nuôi hai đứa con trong cái nhìn dù là tình cờ bắt gặp của Quang, người “Khách trọ”: “Suối tóc đen nhánh chảy sau lưng. Cả phần ngực trần trụi mênh mông với hai bầu vú mụp mạp, nhuầy nhuậy cùng hai núm vú đỏ hồng cong vểnh căng tràn sinh lực của chị in trong làn gương sáng, tạo nên một hình dạng đặc thù, vừa hiện thực vừa hư ảo lạ lùng” (tr.104). Cái chân dung ấy đã gây nên “những ám ảnh khôn nguôi” trong Quang khiến anh mỗi lần “bước vào căn buồng nhỏ và đứng soi mình trước tấm gương nọ, anh lại run rẩy bồi hồi như đang ở nơi thánh địa”. Và nó cũng là một trong những lí do khiến anh “tự nguyện vào vai hiệp sĩ” trong gia đình nhỏ này với không ít niềm hi vọng và toan tính.

Ở truyện ngắn Bãi vàng, Ma Văn Kháng đã cố ý vẽ lên một bức chân dung nhân vật nữ chính với “mắt trắng dã. Mũi hếch. Mồm vẩu. Mày dựng đứng. Mặt đầy tàn nhang. Lường quyền cao. Giọng á thanh khan rè. Đã thế lại chân thấp chân cao. Diện mạo, thân hình tiên thiên bất túc thật chẳng được nét nào đáng gọi là đàn bà”. Có thể nói đây là bức chân dung thậm xấu về hình hài của một người đàn bà. Ấy vậy mà, 37 tuổi nhưng đường tình của thị Nhi có vẻ là “gặp hên” khi Ma Văn Kháng “gán” cho nhân vật này những hai đời chồng và sau rốt là một người tình mới chỉ 17 tuổi. Sức hút của nhân vật này nằm trọn trong yếu tố bản năng mà nhà văn cố tình khắc họa. Có thể thấy, khi đánh giá, nhìn nhận người phụ nữ, Ma Văn Kháng chủ yếu nhìn từ phương diện bản năng, giống loài. Vì vậy, vẻ đẹp của phụ nữ là vẻ đẹp nhục cảm. Và đây là một trong những giá trị của người phụ nữ trong quan niệm của nhà văn.

       Tóm lại, các nhà văn trong khi cố gắng khám phá thế giới bí ẩn, khuất lấp, đầy bất trắc và bất thường trong mỗi con người, bên trong bản thể người, đều đang tìm một hướng đi riêng để khẳng định mình. Qua những thế hệ nhà văn đi trước, Ma Văn Kháng đã chọn cho mình một hướng đi riêng. Ông là một trong những nhà văn có công đầu tiên cho sự nghiệp đổi mới văn học. Vào những năm đầu 80 của thế kỉ XX, nhiều sáng tác của Ma Văn Kháng đã “nhìn rõ sự thật, nói rõ sự thật”, từ đó tạo nên những cuộc tranh luận sôi nổi trên các diễn dàn văn học. Ông cũng là một trong số các nhà văn Việt Nam hiện đại sáng tác thành công ở cả hai thể loại tiểu thuyết và truyện ngắn. Qua từng truyện ngắn, tiểu thuyết, Ma Văn Kháng không ngừng tìm kiếm những cách thể hiện mới. Sự từng trải và kinh nghiệm nghệ thuật đã tôi luyện ngòi bút Ma Văn Kháng khiến ông luôn gặt hái được những thành tựu đáng kể và để lại dấu ấn sâu sắc trên văn đàn.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. S Phong Lê “ Trữ lượng Ma Văn Kháng” ( 2005)

PGS.TS Lã Nguyên “ Tiểu thuyết về đề tài dân tộc và miền núi của Ma Văn Kháng” (



Copyright © 2024 Copyright Khoa Tiếng Việt - Trường Đại học Hà Tĩnh Rights Reserved.