foto1
Khoa Tiếng Việt
foto1
Khoa Tiếng Việt
foto1
Khoa Tiếng Việt
foto1
Khoa Tiếng Việt
foto1
Khoa Tiếng Việt

+(084)0393.885.133
khoatiengviet@htu.edu.vn
Liên hệ


  1. Dẫn nhập

Ngôn ngữ là nơi lưu giữ và thể hiện đặc trưng văn hóa dân tộc. Ngôn ngữ là cầu nối về văn hóa giữa các cộng đồng người khác nhau. Điều này không chỉ phản ánh qua ngôn ngữ từng dân tộc, cộng đồng, khu vực mà ở ngay trong chính phương ngữ . Nghiên cứu phương ngữ cũng chính là nghiên cứu văn hóa của từng vùng miền với những nét độc đáo riêng biệt.

Ngôn ngữ hình thành từ cuộc sống và phản ánh cuộc sống từng địa phương. Ở Việt Nam có ba vùng phương ngữ chính: phương ngữ Bắc (Bắc Bộ), phương ngữ Trung (Trung Bộ), phương ngữ Nam (Nam Bộ). Các phương ngữ này chủ yếu khác nhau về ngữ âm, rồi đến từ vựng và một chút khác biệt về ngữ pháp.Phương ngữ là một thuật ngữ ngôn ngữ học để chỉ sự biểu hiện của ngôn ngữ toàn dân ở một địa phương cụ thể với những nét khác biệt của nó so với ngôn ngữ toàn dân hay với một phương ngữ khác.

Hà Tĩnh là một tỉnh ven biển thuộc vùng Bắc Trung Bộ Việt Nam. Đây là mảnh đất thiên nhiên không mấy ưu đãi. Nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa, Hà Tĩnh còn chịu ảnh hưởng của khí hậu chuyển tiếp miền Bắc và miền Nam, với đặ trưng khí hậu nhiệt đới điển hình của miền Nam và có một mùa đông giá lạnh của miền Bắc nên thời tiết vô cùng khắc nghiệt. Có lẽ do điều kiện thiên nhiên như thế nên con người Hà Tĩnh cần cù, lầm lũi quanh năm kiếm sống, giọng nói của con người Hà Tĩnh cũng khác hơn để át đi cái nắng, cái gió nơi mảnh đất này.

Những người dân vùng ven biển Hà Tĩnh có giọng nói “đặc sệt tiếng Nghệ Tĩnh” như nhận xét của những người ở nơi khác đến. “Đặc sệt tiếng Nghệ Tĩnh” có nghĩa là cả ngữ điệu và từ dùng đều là tiếng địa phương. Giọng nói của những vùng quê ven biển HàTĩnh là giọng nói mà “không thể nghe được” đối với những người khách đến từ nơi khác và cả chính những người dân ở trong tỉnh. Huyện Lộc Hà  là một trong những vùng quê như thế.

Nằm ở ven biển, cách Thành phố Hà Tĩnh khoảng 20km về phía Bắc, người dân ở huyện Lộc Hà có giọng nói khác với giọng nói của người dân ở thành phố Hà Tĩnh. Sự khác biệt đó chủ yếu là sự khác biệt về ngữ âm. Sự khác biệt về ngữ âm đó đã khiến cho mọi người khi đến nơi đây có chung một nhận xét là “dân ở đây nói không nghe được”, “dân ở đây nói không có dấu”,.... Có lẽ vì thế mà chúng tôi đã muốn tìm hiểu về ngữ âm của người dân huyện Lộc Hà như một cách tìm hiểu về những nét độc đáo trong ngôn ngữ và văn hóa của Nghệ Tĩnh nói chung và của huyện Lộc Hà nói riêng.

  1. Đặc điểm của phương ngữ Nghệ Tĩnh

Hiện nay, có nhiều nghiên cứu khẳng định, phương ngữ Hà Tĩnh là gốc rễ của tiếng Việt, mới là ngôn ngữ thuần Việt. Theo nhà nghiên cứu Bùi Thiết “ngôn ngữ của Hà Tĩnh nói riêng và của vùng khu Bốn nói chung là một hệ thống ngôn ngữ hoàn chỉnh, khoa học, chứ không thể xem đó là ngôn ngữ địa phương”. Do đó, tiếng địa phương Nghệ Tĩnh có vị trí quan trọng trong nghiên cứu những vấn đề đồng đại và lịch đại tiếng Việt.

Có thể khái quát đặc trưng của phương ngữ Nghệ Tĩnh ở các mặt ngữ âm và từ vựng  như sau:

-Về ngữ âm: Sự khác biệt về ngữ âm và ngữ  nghĩa giữa vốn từ địa phương Nghệ Tĩnh so với vốn từ toàn dân và các phương ngữ khác là khá rõ nét. Trong phương ngữ Nghệ Tĩnh, bộ mặt ngữ âm thể hiện trong ba bộ phận cấu thành âm tiết là âm đầu, phần vần và thanh điệu.

+ Về hệ thống thanh điệu, người Nghệ Tĩnh sử dụng 5 thanh điệu, khác phương ngữ Bắc ở cả số lượng và chất lượng. Hệ thống thanh điệu là yếu tố có vai trò hết sức quan trọng làm nên đặc trưng của giọng Nghệ Tĩnh. Các thanh điệu được sử dụng trong vùng âm vực hẹp nên không có dấu hiệu khu biệt rõ ràng. Đường nét các thanh quá nghèo nàn và có xu hướng hỗn nhập như các thanh hỏi với ngã, ngã với nặng, sắc với hỏi, không dấu với sắc,... Đặc điểm nổi bật của hệ thanh điệu Nghệ Tĩnh là hệ thanh điệu trầm đục. Do việc sử dụng các thanh điệu như vậy nên đã làm cho giọng điệu của người Nghệ Tĩnh có những nét khác biệt đặc trưng.

+ Hệ thống phụ âm đầu có 23 đơn vị, Danh sách phụ âm đầu trong phương ngữ Nghệ Tĩnh có đầy đủ ba phụ âm quặt lưỡi và bảo lưu một số phụ âm cổ tiếng Việt như các phụ âm tắc bật hơi [k’,p’, t’], các tổ phụ âm [tl], [dj], [bj],...

+  Hệ thống vần trong phương ngữ Nghệ Tĩnh cũng mang đặc trưng riêng. Phần vần của phương ngữ Nghệ Tĩnh gần như giữ được trọn vẹn các yếu tố phụ âm tính ở kết vần. Các yếu tố phụ âm tính làm nhiệm vụ kết vần là một sự sao phỏng không hoàn toàn các phụ âm có ở phần đầu âm tiết, yếu tố nguyên âm tính đỉnh vần không có sự đối lập về trường độ và có độ nâng lưỡi thấp nên vần phương ngữ Nghệ Tĩnh có số lượng tối đa(159 vần). Phương ngữ Nghệ Tĩnh có sự phân biệt các vần ?w(ưu)/ iw(iu), ??w(ươu)/ iew(iêu), tận dụng tối đa các vần ?n(ưn)/ ?t(ưt), bảo lưu một lối tiếp hợp lỏng giữa đỉnh vần và kết vần như e:?(êêng)/ e:k(êêk), ?:?(eng)/ ?:k(ec), u:?(uung)/ u:k(uuc), o:?(ôông)/ o:k(ôôc), ?:?(oong)/ ?:k(ooc) và cả ?:?(ơng)/ ?:k(ơc), i:?(ing)/ i:k(ic).

-Về từ vựng: Phương ngữ Nghệ Tĩnh có vốn từ hết sức đa dạng, trong đó có nhiều từ cổ như: tru, nác, nhút, trôốc,... Vốn từ vựng phương ngữ Nghệ Tĩnh có thể chia ra từ ngữ âm như lạt/nhạt, (mọi/muỗi),... và từ ngữ nghĩa thao các trường nghĩa khác nhau như trường nghĩa chỉ công cụ gia đình, trường nghĩa chỉ nghề nghiệp, trường nghĩa chỉ các bộ phận cơ thể,...

3.Những khác biệt thú vị về thanh điệu của tiếng ở huyện Lộc Hà so với phương ngữ Nghệ Tĩnh nói chung và ngữ âm tiếng Việt phổ thông.

Phương ngữ Nghệ Tĩnh dày đặc các thổ ngữ. Có thể thấy gần như mỗi xã trong hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh là một thổ ngữ. Trong đó có những tiếng hết sức đặc biệt như tiếng nói của người dân ở huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh.

Để tiến hành nghiên cứu ngữ âm của tiếng Lộc Hà, chúng tôi đã sử dụng phương pháp điều tra điền dã phương ngữ học, phân tích miêu tả ngữ âm học và âm vị học và tiến hành so sánh đối chiếu để chỉ ra những nét khác biệt về ngữ âm của tiếng Lộc Hà, với ngữ âm phương ngữ Nghệ Tĩnh và ngữ âm tiếng Việt phổ thông.

Quá trình xử lí tư liệu chúng tôi dựa trên phân tích bằng thính giác kết hợp dùng máy ghi âm và sử dụng phần mềm phân tích ngữ âm Praat.

Bước đầu nghiên cứu về ngữ âm của tiếng Lộc Hà, chúng tôi mới chỉ bước đầu tìm hiểu về sự khác biệt về thanh điệu trong phát âm của vùng đất này.

Xét về mặt lịch sử, hệ thống thanh điệu tiếng Việt là kết quả của quá trình chuyển hóa các yếu tố âm thanh chiết đoạn thành siêu đoạn theo hai bước như sau:

+ Các âm cuối -h, -? biến mất tạo nên đường nét thanh điệu: các thanh bằng (ngang-huyền), các thanh không bằng (sắc- nặng), các thanh gãy (hỏi – ngã).

+ Quá trình vô thanh hóa các âm đầu hữu thanh làm xuất hiện sự đối lập về âm vực thanh điệu: các thanh cao (ngang – sắc – hỏi), các thanh thấp (huyền – ngã – nặng).

Hệ thống thanh điệu tiếng Việt được thể hiện hết sức khác nhau ở các địa phương. Do vậy, trong tiếng Việt, thanh điệu là một yếu tố quan trọng để phân biệt các phương ngữ, thổ ngữ.

Ở vùng Nghệ Tĩnh, khi phát âm, người ta sử dụng 5 thanh điệu là thanh ngang, huyền, sắc, hỏi, nặng. “Phương ngữ Nghệ Tĩnh không phân biệt được thanh ngã và thanh nặng . Cả năm thanh tạo thành hệ thống các thanh điệu khác với phương ngữ Bắc, có độ trầm lớn” [7,tr.93]. Tuy nhiên, sự đa dạng của phương ngữ Nghệ Tĩnh lại có sự khác nhau giữa các vùng, các thổ ngữ. Trong tiếng Lộc Hà, xu hướng hỗn nhập các thanh được thể hiện rất rõ nét. Người dân ở đây không những không phân biệt thanh ngã và thanh hỏi khi phát âm mà còn không phân biệt được thanh ngã và thanh hỏi, thanh nặng và thanh sắc, thanh ngã và thanh huyền,.... Các thanh điệu phát âm hỗn nhập từ thanh này sang thanh khác như một sự “rối loạn”, đã làm cho bức tranh ngữ âm ở đây trở nên đặc biệt.

Từ sự quan sát thực tế, dùng thính quan trực tiếp và qua tư liệu ghi âm cách phát âm của những người dân gốc ở địa phương và sử dụng phần mềm phân tích ngữ âm Praat , chúng tôi nhận thấy, cách phát âm của người dân Lộc Hà khác biệt với phương ngữ Nghệ Tĩnh và tiếng phổ thông như sau:

  1. Thanh ngang

Thanh ngang trong tiếng An Lộc là một thanh cao.Khi phát âm thanh ngang, cao độ xuất phát giống với thanh ngang tiếng Việt phổ thông nhưng điểm kết thúc lại cao hơn hẳn. Đường nét âm điệu không bằng phẳng mà đi lên ở phần cuối âm tiết và kết thúc gần với thanh sắc, trường độ kéo dài, cường độ hơi mạnh. Cách phát âm thanh ngang của người dân Lộc Hà giống với thanh ngang của tiếng Nghi Xuân (Hà Tĩnh), Nghi Lộc (Nghệ An).

Cách phát âm thanh ngang của người Lộc Hà có đường nét không thực sự ngang bằng mà có nhịp diễn tiến đi lên ở phần cuối âm tiết. Tuy nhiên, quan sát chuỗi phát ngôn của người Lộc Hà, chúng tôi thấy khi xuất hiện trong sự kết hợp với các thanh khác, thanh ngang bị biến dạng ít nhiều so với cách thể hiện thanh ngang trong âm tiết rời.

Ngoài các biến thể địa phương trong thực tế phát âm, thanh ngang Lộc Hà còn tương ứng với thanh huyền - thanh sắc,  của tiếng Việt phổ thông ở một số bộ phận từ vựng. S­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­ự tương ứng này còn thể hiện ở một số từ tra/già, mi/ mày, chi/ gì, bươi/ bới, ngong/ ngóng,...

  1. Thanh huyền

Thanh huyền là thanh điệu thuộc âm vực thấp. Độ cao xuất phát ở mức trung bình, điểm kết thúc thấp hơn điểm xuất phát, tạo thành một đường dốc đi xuống rõ rệt, trường độ vừa phải, cường độ trung bình. Thanh huyền trong phương ngữ Nghệ Tĩnh nhìn chung được phát âm giống thanh huyền trong tiếng Việt văn hóa. Nhưng phát âm thanh huyền ở tiếng Lộc Hà lại có sự khác biệt hơn. Nó có các biến thể như sau:

-Thanh huyền được phát âm gần giống thanh ngang trong tiếng Việt văn hóa. Cao độ xuất phát hơi cao và kết thúc bằng cao độ xuất phát. Đường nét âm điệu tương đối bằng phẳng, trường độ hơi dài, cường độ hơi mạnh. Thanh huyền ở trong tiếng Lộc Hà có ấn tượng “bằng” hơn.

-Trong một cách phát âm nữa, thanh huyền có cao độ xuất phát và cao độ kết thúc như cách thể hiện ở trên nhưng âm điệu lại có phần không bằng phẳng mà hơi đi xuống ở khoảng giữa kèm theo hiện tượng thanh quản hóa. Tuy nhiên, trường hợp này rất ít khi xuất hiện.

Về cơ bản thanh huyền trong tiếng Lộc Hà có thể gọi là thanh ngang thấp.

Thanh huyền trong tiếng Lộc Hà tương ứng với thanh ngang của tiếng Việt phổ thông ở một số bộ phận từ vựng như: trùn/ giun, trằn/ lăn, quành/ quanh,...

Như vậy, theo tôi, có thể coi thanh huyền của tiếng Lộc Hà có thể được gọi là thanh ngang thấp.

Thanh huyền trong tiếng Lộc Hà còn tương ứng với thanh ngang, thanh nặng trong tiếng phổ thông ở một số bộ phận từ vựng như: con trùn/ con giun, trằn/ lăn, quành/ quanh, lằng/ nhặng, gầm/ gậm,...

  1. Thanh ngã

Giống như  các thổ ngữ Nghệ Tĩnh, trong phát âm, tiếng Lộc Hà không có thanh ngã. Các âm tiết mang thanh ngã trong tiếng Việt phổ thông được người dân Nghệ Tĩnh phát âm thành thanh nặng (ở khu vực thành phố Hà Tĩnh, thanh ngã được phát âm thành thanh hỏi) thì ở tiếng Lộc Hà , thanh ngã lại được phát âm tương ứng với thanh ngang của tiếng phổ thông.

Nhưng khi giao tiếp với người Nghệ Tĩnh nói chung thì người dân Lộc Hà có xu hướng cố gắng phát âm thanh ngã thành thanh nặng để cũng mã giao tiếp. Đó là sự tương ứng về mặt từ vựng của người dân Lộc Hà so với tiếng Hà Tĩnh và tiếng phổ thông. Chẳng hạn: mọi/ muỗi, địa/ đĩa, độ/ đỗ, cượi/ cưỡi, cộ/ cũ,...

  1. Thanh hỏi

Trong tiếng Lộc Hà, thanh hỏi được phát âm có cao độ xuất phát như thanh huyền, cao độ kết thúc cao hơn hẳn cao độ xuất phát. Đường nét âm điệu có phần hơi đi xuống sau lúc mở đầu nên giống với thanh sắc của tiếng Việt phổ thông. Chính vì phát âm thanh hỏi theo tiếng địa phương nên học sinh ở những vùng này thường viết sai chính tả, những chữ được viết với dấu hỏi lại thường được viết với dấu sắc. Ví dụ như: “đỏ lửa” sẽ được các em học sinh viết thành “đó lứa”, “cửa sổ” sẽ được viết thành “cứa sổ”, “tổ trưởng” sẽ được viết thành “tố trướng”,....

Khi phân tích bằng phần mềm Praat, chúng ta có thể thấy, đường nét biểu diễn của sóng âm và độ lớn của tiếng Lộc Hà ở âm tiết “kể” gần trùng với đường nét của âm tiết “kê” trong tiếng phổ thông, nhưng lại có sự khác biệt với đường nét của âm tiết “kể” trong phương ngữ Nghệ Tĩnh.

Thanh hỏi trong tiếng Lộc Hà còn tương ứng với thanh ngang của tiếng Việt văn hóa ở các từ địa phương như: nhởi/ chơi, chửa/ chưa, cưởi/ sương...

  1. Thanh sắc

Trong tiếng Việt phổ thông, thanh sắc có cao độ xuất phát thấp hơn thanh ngang, đường nét ngang ở đoạn đầu và vút lên cao và kết thúc bằng cao độ cao hơn hẳn thanh ngang. Còn trong phát âm của người Lộc Hà, thanh sắc có cao độ xuất phát cao bằng thanh ngang của tiếng phổ thông và điểm kết thúc cao hơn một chút chứ không vút lên cao như thanh sắc của tiếng phổ thông, trường độ kéo dài, cường độ mạnh.

  1. Thanh nặng

Thanh nặng trong tiếng Việt phổ thông là một thanh điệu thuộc âm vực thấp. Nó bắt đầu xấp xỉ với mức cao ban đầu của thanh huyền. Nhưng khi quan sát các phát âm của người dân Lộc Hà, chúng tôi nhận thấy, thanh nặng ở đây được phát âm gần giống với thanh hỏi, với đường nét âm điệu hơi xuống thấp sau đó kết thúc lại vút lên cao khác với các địa phương trong tỉnh Hà Tĩnh khi phát âm thanh nặng vẫn giữ nguyên thanh nặng như trong tiếng phổ thông.

Từ kết quả phân tích, có thể thấy, thanh nặng trong phát âm của tiếng Lộc Hà tương ứng với thanh hỏi trong phát âm của tiếng Việt phổ thông.

Ngoài ra, thanh nặng trong tiếng An Lộc còn tương ứng với thanh ngã của tiếng Việt văn hóa ở các từ địa phương như: địa/ đĩa, nại/ nãy, dệ, dễ rượi/ rưỡi,...

4.Một số nhận xét chung về thanh điệu được sử sụng trong tiếng Lộc Hà

Tiếng Lộc Hà là một bộ phận trong phương ngữ Nghệ Tĩnh, do đó nó mang những đặc điểm chung của phương ngữ Nghệ Tĩnh nhưng đồng thời nó cũng mang những nét  đặc trưng tạo nên sự khác biệt độc đáo của mình và rất dễ nhận biết khi phát âm. Một trong những yếu tố làm nên sự khác biệt của tiếng Lộc Hà so với phương ngữ Nghệ Tĩnh và tiếng Việt phổ thông chính là ở hệ thống thanh điệu của người địa phương.

Từ những phân tích ban đầu như trên, theo chúng tôi, phẩm chất thể hiện lại là các thanh điệu được thể hiện như sau: thanh ngang cao (tương ứng với thanh ngang, thanh sắc, thanh ngã trong tiếng Việt phổ thông), thanh ngang thấp (tương ứng với thanh huyền trong tiếng Việt phổ thông), thanh hỏi (tương ứng với thanh nặng trong tiếng Việt phổ thông). Khi phát âm, người Lộc Hà có xu hướng nhập thanh ngã, thanh hỏi với thanh ngang. Tuy nhiên, ở một số âm thay khi cố ý phất âm tiết rời rạc hay khi cố ý phát âm cho người địa phương khác nghe thì người Lộc Hà vẫn dùng các thanh hỏi, thanh sắc tương ứng. Với một người đến từ vùng khác, mới đầu nghe người Lộc Hà phát âm sẽ cảm thấy ở đây là một sự “rối loạn” của hệ thống thanh điệu.

Điều này được chúng tôi rút ra khi đi khảo sát vùng địa phương này bằng cách nghe trực tiếpvà ghi âm giọng nói của những người dân địa phương, sau đó phân tích bằng phầm mềm Praat. Sự hỗn nhập các thanh rất lớn do đó sự khu biệt trở nên không rõ ràng.

Các thanh điệu trong tiếng Lộc Hà nói riêng và phương ngữ Nghệ Tĩnh nói chung có phẩm chất ngữ âm và hoạt động phù hợp với các biến thể thanh điệu của một bộ phận từ vựng trong phương ngữ Nghệ Tĩnh trong sự tương ứng các thanh của tiếng Việt phổ thông.

Nếu như người Nghệ Tĩnh khi phát âm có xu hướng mờ đục do dùng nhiều thanh nặng thì tiếng Lộc Hà lại có xu hướng dùng nhiều thanh ngang, thanh sắc, âm vực giọng nói cao và vút hơn so với các vùng khác của phương ngữ Nghệ Tĩnh.

Trên đây là những nhận xét ban đầu của chúng tôi khi tìm hiểu về ngữ âm của tiếng Lộc Hà như một nét độc đáo của đại phương này trong hệ thống phương ngữ Nghệ Tĩnh dựa trên những cứ liệu thu thập được. Hy vọng nó sẽ góp phần cung cấp thêm cứ liệu trong nghiên cứu phương ngữ Việt Nam.

Tài liệu tham khảo

  1. Hoàng Trọng Canh (2009). Từ địa phương Nghệ Tĩnh, về một khía cạnh ngôn ngữ văn hóa, Nxb KHXH, HN.
  2. Nguyễn Tài Cẩn (1995). Lịch  sử ngữ âm tiếng Việt, Nxb Giáo dục, HN.
  3. Hoàng Thị Châu (1989). Tiếng Việt trên các miền đất nước, Nxb KHXH, HN.
  4. Hoàng Thị Châu (2004). Phương ngữ học tiếng Việt, Nxb ĐHQG HN.
  5.  Hoàng Cao Cương (1986). Suy nghĩ thêm về thanh điệu tiếng Việt, Tạp chí Ngôn ngữ, số 3).
  6. Vũ Bá Hùng (1991). Nguồn gốc các thanh điệu tiếng Việt và cacschs nhìn đồng đại của khảo sát tiếng Việt, tạp chí ngôn ngữ số 1.
  7. Nguyễn Hoài Nguyên (2001). Thanh ngã trong phương ngữ tiếng Việt, Ngữ học trẻ 2001, Hội ngôn ngữ học Việt Nam, HN.
  8. Nguyễn Hoài Nguyên (2005). Đặc điểm ngữ âm phương ngữ Nghệ Tĩnh với việc nghiên cứu lich sử tiếng Việt.
  9. Đoàn Thiện Thuật (2004). Ngữ âm tiếng Việt, Nxb ĐHQG HN.



Copyright © 2024 Copyright Khoa Tiếng Việt - Trường Đại học Hà Tĩnh Rights Reserved.