Xã hội Việt Nam vào những năm năm mươi của thế kỉ XIX đã rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng về mọi mặt, mâu thuẫn trong xã hội ngày càng gay gắt, hệ thống chính trị mục nát từ trên xuống dưới. Ngay lúc đó Thực dân Pháp nổ súng xâm lược Việt Nam, nguy cơ mất nước khó tránh khỏi. Tình hình xã hội Viêt Nam trong khoảng thời gian cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX là sự sỉ nhục đau xót cho lịch sử dân tộc qua mấy ngàn năm. Chưa bao giờ nhân dân Việt Nam lại sống trong cảnh đen tối, tủi hổ và bế tắc như vậy, cũng chưa bao giờ vua quan triều đình lại ươn hèn bạc nhược đến thế. Tình trạng này đã tác động và sâu sắc đến con người và toàn bộ thơ văn Nguyễn Khuyến.
Từ xưa đến nay, chúng ta biết đến bi kịch của những con người, bi kịch trong kịch và bi kịch trong thơ. Nhưng chúng ta chưa thấy một khái niệm nào về: bi kịch “lạc thời” trong thơ.
Theo tác giả Lại Nguyên Ân với cuốn sách 150 Thuật ngữ văn học đã đưa ra khái niệm bi kịch: “Loại hình kịch, bi kịch phản ánh không phải bằng tự sự mà bằng hoạt động của nhân vật, mối xung đột không thể điều hòa được giữa cái thiện và cái ác, cái cao cả và cái thấp hèn diễn ra trong một tình huống cực kỳ căng thẳng mà nhân vật chỉ thường thoát ra khỏi nó bằng cái chết bi thảm gây nên những suy tư và xúc động mạnh mẽ đối với công chúng”.
Trên cơ sở lý luận đó, người viết đưa ra cách hiểu về khái niệm bi kịch lạc thời là: Một con người được đào tạo theo một khuôn mẫu nhất định. Một khi đã đạt đến tiêu chuẩn đó thì xã hội thay đổi, xã hội cần một con người khác. Mẫu người này không còn phù hợp với thời đại, dẫn đến mâu thuẫn không thể nào khắc phục nổi khiến cho cảnh ngộ nhà thơ lâm vào bi đát. Đây là bi kịch “lạc thời”.
Soi chiếu nó vào thơ văn Nguyễn Khuyến, quả thực ở đây nổi lên một mối mâu thuẫn lớn không thể nào giải quyết được đó là Bi kịch “lạc thời” trong thơ Nguyễn Khuyến. Ông là một trong số các nhà nho nổi danh nhất giai đoạn cuối thế kỷ XIX. Nguyễn Khuyến là con người được đào luyện chu đáo. Ông được rèn cặp đạo lý, tri thức nho giáo ngay từ nhỏ, khi đã được đào tạo thành một nhà nho nghiêm chỉnh, đỗ đạt thành Tam Nguyên, nghĩa là lúc này yếu tố nho giáo đã thấm sâu vào máu thịt của ông thì xã hội thay đổi. Lúc này xã hội cần một con người khác. Mẫu người cũ – vai trò cốt cách nho giáo không còn phù hợp nữa. Nguyễn Khuyến là người đầu tiên ý thức được điều đó mà không thể nào thay đổi được, chính điều này dẫn đến bi kịch “lạc thời” trong thơ Nguyễn Khuyến. Bi kịch lỗi thời ngay ở trong ông, ông loanh quanh không biết ứng xử thế nào cho phải. Ngay cả khi về Vườn Bùi vẫn còn băn khăn, trăn trở, vẫn còn ham hố với đời, chừng vẫn còn tiếc nuối muốn dan tay vào hội lạc.
“Bi kịch “lạc thời” trong thơ Nguyễn Khuyến” là một tất yếu. Lịch sử đã thay đổi, Nguyễn Khuyến là sản phẩm của hoàn cảnh xã hội Việt Nam buổi giao thời đang bị đổ vỡ về chỗ đứng chính trị và nền tảng văn hoá. Trước hoàn cảnh lịch sử dân tộc, khi mà tất cả vũ khí vật chất và tinh thần, tất cả thế ứng xử truyền thống tồn tại hàng nghìn năm đã bị kẻ thù mới lạ bẻ gẫy một cách dễ dàng thì Nguyễn Khuyến đã rơi vào tâm trạng bất lực. Ông không còn tin tưởng vào cái xã hội bền vững mà ông tôn thờ từ xưa nữa, và cảm thấy nghi ngờ cả tài năng, sức lực của lớp đại diện cho tinh hoa của chế độ ấy. Ông nhìn thấy sự vô nghĩa của bản thân và sự bế tắc, bất lực của giai cấp ông trước yêu cầu mới của lịch sử. Nguyễn Khuyến là người đầu tiên ý thức, tiên giác được điều đó mà không thể nào thay đổi được. Chính điều này dẫn đến bi kịch dai dẳng trong lòng ông. Bi kịch “lỗi thời” càng cao khi con người lỗi thời ấy đã cố công đi tìm cái mới mẻ để mong thoát khỏi tâm trạng tù túng nhưng cuối cùng vẫn vô vọng. Rồi ông tìm về con đường mà các bậc danh nho xưa đã chọn – đó là trốn khỏi cái xã hội nhố nhăng với bao cám dỗ thấp hèn để trở về ở ẩn, lúc này mâu thuẫn đẩy lên đỉnh cao. Có thể nói trong hầu hết các hạng người đâu đâu nhà thơ cũng nhìn thấy một con người trống rỗng, không tinh thần, vô bản sắc. Điều này cũng thể hiện rõ trong những người tri thức, những bậc khoa cử , rường cột của nước nhà.