Bài viết tìm hiểu văn hóa ứng xử trước những nghịch lí tình yêu của nhân vật “tôi” trong bài thơ tình nổi tiếng Tôi yêu em (Puskin). Qua đó khẳng định giá trị nhân văn của tác phẩm: tình yêu đôi lứa không chỉ là sự rung động mãnh liệt về cảm xúc của trái tim mà còn thể hiện trí tuệ của con người trong nhận thức và cách ứng xử thông minh, có nghĩa, có tình, có văn hóa hướng đến “tôn vinh giá trị con người với tư cách là CON NGƯỜI” (Bê-lin-xki) .
Có rất nhiều lí do để tuyệt phẩm thơ tình “Tôi yêu em” của Pus-kin, người được mệnh danh “mặt trời thi ca Nga”, tạo nên sức hấp dẫn, sức sống lâu bền trong lòng độc giả nước Nga và nhân loại, đặc biệt là những bài học về văn hóa ứng xử trong tình yêu mang giá trị nhân văn sâu sắc.
Tuyệt tác thơ tình này được gợi cảm hứng từ cuộc tình có thực mà nhà thơ đã trải qua. Pus-kin rung động, say đắm thiếu nữ Ôlênhina xinh đẹp, con gái vị Chủ tịch Viện Hàn lâm nghệ thuật Nga. Ông đã cầu hôn nhưng bị khước từ. Một năm sau bài thơ Tôi yêu em đã ra đời. Bài thơ vừa có độ chân thật của tình cảm, sự sâu lắng của xúc cảm, suy tư vừa thể hiện được những cung bậc, trạng thái đa dạng, tinh tế của thế giới tâm hồn con người. Yêu và được yêu, đó quả là hạnh phúc tuyệt vời. Điều đó chỉ trọn vẹn khi và chỉ khi có sự hòa điệu của hai trái tim, hai tâm hồn. Còn nhân vật “tôi” trong bài thơ yêu chân thành, mãnh liệt nhưng không được người mình yêu đáp lại. Tình yêu đơn phương với nhiều biến động phức tạp trong tâm hồn càng tạo nên nhiều nghịch lí. Trước những nghịch lí ấy càng thể hiện rõ trí tuệ trong văn hóa ứng xử của nhân vật “tôi”. Văn hóa ứng xử chúng tôi muốn bàn đến chính là cách ứng xử có văn hóa của con người đạt giá trị chuẩn mực chân - thiện - mỹ của một cộng đồng xã hội.
Trước nghịch lí giữa tình cảm (vẫn yêu) và lí trí (muốn dừng tình yêu của mình) trong bốn câu thơ đầu, nhân vật trữ tình đã hòa giải như thế nào? Để thấy rõ điều này, trước hết chúng ta tìm hiểu về cảm xúc, mong muốn… của nhân vật “tôi”. Nhân vật “tôi’ công khai thổ lộ tình yêu cháy bỏng, say đắm, mãnh liệt với người mình yêu, nhưng lại không phải là người yêu mình.
Dịch nghĩa
(Tôi đã yêu em, tình yêu , có lẽ còn
Chưa tắt hẳn trong lòng tôi)
Dịch thơ
“Tôi yêu em: đến nay chừng có thể
Ngọn lửa tình chưa hẳn đã tàn phai”
Tình yêu tôi dành cho em vẫn chưa tắt, trái lại, nó vẫn sống mãnh liệt trong trái tim tôi. Tình yêu đó thể hiện qua lời nói ngắn gọn, giản dị muôn đời: Tôi yêu em. Vì sao nhân vật trữ tình không chọn cách xưng hô ngọt ngào, lãng mạn hơn? Bở lẽ đây là tình yêu đơn phương nên cách xưng hô “tôi yêu em” điềm tĩnh, chừng mực như vậy mới phù hợp. Không phải ngẫu nhiên điệp khúc “Tôi đã yêu em” được nhắc lại nhiều lần như là giai điệu ngân vang từ rung động của trái tim, nhằm khẳng đinh tình yêu chân thành, tha thiết, đắm say. Lời chàng trai thú nhận thành thực: đã yêu em và giờ vẫn yêu, nó giống như ngọn lửa tình vẫn luôn âm ỉ cháy, tiếc thay chỉ thiếu ngọn gió của tình em. Lời thú nhận cho thấy dấu hiệu của những cảm xúc vững bền, của một trái tim thủy chung, chứ không phải là sự đam mê bột phát lóe sáng rồi vụt tắt. Hai dòng thơ trên như một lời xác nhận sự tồn tại của một tình yêu của “tôi” dành cho em. Đến hai dòng thơ tiếp theo, mạch thơ bỗng có sự thay đổi bất ngờ:
Dịch nghĩa
(Nhưng hãy để nó không làm phiền em thêm nữa,
Tôi không muốn làm em buồn vì bất cứ điều gì)
Dịch thơ
“Nhưng không để em bận lòng thêm nữa,
Hay hồn em phải gợn bóng u hoài.”
Từ “nhưng” chỉ quan hệ đối lập vừa tạo mạch thơ sự thay đổi đột ngột vừa diễn tả những nghịch lí giữa cảm xúc và lí trí. Cảm xúc dâng trào bởi sự rung động mãnh liệt của con tim. Còn lí trí thì quyết tâm, dứt khoát phải ngăn cản. Những từ ngữ trong nguyên tác “hãy để…không”, “không muốn…bất cứ điều gì” nhấn mạnh sự quyết tâm, dứt khoát đó. Đằng sau những lời lẽ điềm tĩnh ấy là bao nỗi niềm chua xót, băn khoăn, day dứt, giằng xé khi ngọn lửa tình yêu đang rực cháy nhưng phải dập tắt ngay. Song điều đáng nói ở đây, nỗi buồn dù xót xa, thấm thía nhưng không hề vị kỉ mà trái lại đầy vị tha, nhân hậu. Chàng trai đã lựa chọn không phải tình yêu của mình mà là sự thanh thản trong tâm hồn em vì không muốn em phải bận lòng, hay u hoài vì bất cứ lẽ gì. Bởi lẽ chàng trai rất hiểu tâm lí của người mình yêu nhưng không yêu mình. Những vần thơ của nhà thơ Anh Ngọc đã nói hộ những trạng thái tâm lí này.
“Khi người không yêu ta
Buồn đã đành một nhẽ
Khi ta không yêu người
Sao cũng buồn đến thế?
Như đánh mất điều gì
Lòng bâng khuâng khó tả
Như thể mắc nợ ai
Món nợ không thể trả.”
Đây là tâm trạng rất thật không chỉ của một người mà của nhiều người khi không yêu ai đó, nhưng họ lại có tình cảm với mình, biết bao là áy náy, khó xử xen lẫn bao buồn, thương…Xuất phát từ sự thấu hiểu điều đó và cả sự chân thành của một trái tim biết yêu thương, biết hi sinh, giàu lòng tự trọng đã giúp nhân vật “tôi” trong bài thơ biết đối diện hiện thực, chấp nhận những đau khổ trong tình yêu và tôn trọng sự lựa chọn của người mình yêu. Đó là sự thể hiện ứng xử tế nhị, nhân ái, vị tha và có văn hóa trong tình yêu.
Với sự ứng xử rất nhân văn đó ngỡ rằng đã hòa giải được mâu thuẫn giữa lí trí và tình cảm nhưng không, tình yêu có những lí lẽ riêng mà lí trí nhiều khi phải bất lực, mâu thuẫn này vẫn còn tiếp diễn và người đối diện với nó sẽ ứng xử ra sao? Bề ngoài cho thấy lí trí rất mạnh mẽ, dứt khoát tưởng có thể ngăn bước tình yêu của chàng trai nhưng nó lại vấp phải sự bất chấp mạnh mẽ của con tim. Nhịp thơ nhanh hơn, mạnh hơn, nhiều ngắt cách kết hợp với những trạng thái tình cảm biến đổi liên tục đã cho thấy dù lí trí dù mạnh mẽ đến mức nào cũng không ngăn được cảm xúc đang dâng trào trong trái tim yêu. Cảm xúc giờ đây không chịu tuân theo mệnh lệnh của lí trí, mà ngược lại giống như cái lò xo bị nén giờ lại bật tung lên càng mãnh liệt hơn. Lời thú nhận thành thực đã khơi mở những lớp tình cảm phức tạp trong góc khuất của tâm hồn của nhân vật “tôi” .
Dịch nghĩa
(Tôi đã yêu em lặng thầm vô vọng
Bị giày vò khi bởi sự rụt rè, khi bởi sự ghen tuông)
Dịch thơ
"Tôi yêu em âm thầm không hy vọng
Lúc rụt rè, khi hậm hực lòng ghen"
Lời thú nhận đó đã bộc lộ bao khổ đau, day dứt của mối tình đơn phương. Ai đã từng trải qua càng thấu cảm hơn về nỗi buồn đau, bất hạnh của tình yêu một phía, đúng như Mác từng viết “Nếu tình yêu không phải từ cả hai phía, tức là nếu tình yêu của bạn không làm nảy sinh tình yêu đáp lại, nếu bạn yêu nhưng không làm bản thân mình trở thành người được yêu, thì tình yêu của bạn là bất lực và đó là nỗi bất hạnh”. Những từ "lúc, khi" liên tiếp diễn tả bao trạng thái của sóng lòng: có sự âm thầm chỉ mình mình biết, chỉ mình mình hay; có sự rụt rè, e ngại vì không dám bày tỏ; có sự giày vò khổ sở của cảm giác ghen tuông (bởi chính Pus-kin từng cho rằng: Trên đời này không có tra tấn nào đau đớn hơn những giày vò khắc nhiệt của ghen tuông); có sự khổ đau, tuyệt vọng của một con người tha thiết yêu mà không được người mình yêu đáp lại…Thế nhưng dẫu biết đó là tình yêu không hy vọng, không đơm hoa kết trái, vậy mà tôi vẫn cứ âm thầm yêu em. Điệp khúc “Tôi yêu em” điệp lại hai lần ở câu 7 và câu 8 tiếp tục khẳng định tình yêu tôi dành cho em là “chân thành, đằm thắm”.
Dịch nghĩa
(Tôi đã yêu em chân thành như thế đó, dịu dàng như thế đó
Cầu Trời cho em được người khác (cũng) yêu (chân thành, dịu dàng) như thế)
Dịch thơ
" Tôi yêu em yêu chân thành đằm thắm.
Cầu em được người tình như tôi đã yêu em."
Trước hết, lời cầu nguyện kết thúc bài thơ như một lời từ biệt cho mối tình không thành, ẩn chứa trong đó bao nỗi buồn xót xa, nuối tiếc. Tuy buồn nhưng không bi lụy, tuy chấp nhận thất bại nhưng không phũ phàng, ca thán, oán trách mà để mở rộng tình người, tình đời. Tâm lí thông thường càng yêu sâu đậm thì khi không đạt được điều mình mong muốn, người ta hay có những phản ứng tiêu cực, ích kỉ, nhỏ nhen thậm chí là thù hận song nhân vật trữ tình đã vượt qua thói ích kỉ tầm thường ấy bằng cách ứng xử đầy nhân văn của một trái tim giàu độ lượng, giàu vị tha mấy ai có được: cầu cho người con gái mình yêu hạnh phúc với người khác nào đó. Nếu chỉ là lời cầu mong cho người mình yêu những điều tốt đẹp nhất dẫu mình không thuộc về trái tim cô ấy đã là một ứng xử đẹp. Nhưng việc cầu mong em có “người khác” cũng yêu chân thành, dịu dàng như anh đã yêu em là một thử thách tâm lí vô cùng khó khăn trong tình yêu, chỉ có người vô cùng cao thượng, vô cùng nhân hậu mới có thể làm được.
Thứ hai, lời cầu mong đồng thời cũng là một lời chúc phúc, nó không chỉ thể hiện sự cao thượng tột cùng của lí trí, sự nhân ái của một tấm lòng mà còn là lời thổ lộ tình yêu đầy khôn khéo, thông minh của một con người tự tin, kiêu hãnh. Ai đó hoàn toàn có lí khi cho rằng lời chúc phúc có vẻ như là một lời thách đố người con gái tìm được một người tình chân thành, đằm thắm như mình thực chất nhằm khẳng định anh là người yêu em nhất không có ai chân thành hơn thế, đằm thắm hơn thế. Và nếu không có ai yêu em hơn anh nữa thì em hãy đến với anh. Điều này khiến chúng ta liên tưởng đến câu hát quan họ trong bài Giã bạn: “Người về em dặn câu rằng / Đâu hơn thì lấy, đâu bằng đợi em”. Phải rất tự hào về tình yêu chân thành, lớn lao mình đã dành cho cô gái, chàng trai mới có lời thổ lộ tự tin như vậy.
Thứ ba, lời cầu mong là đỉnh cao của lòng vị tha, cao thượng đã hòa giải nghịch lí giữa lí trí và tình cảm, giữa cái có (tình yêu của mình) với cái không có (tình yêu của em dành cho tôi), giữa sự ích kỉ (bởi ghen tuông) và sự vị tha (dũng cảm chúc phúc em có người tình như tôi đã yêu em)…một cách rất hợp lí, hợp với sự phát triển mạch cảm xúc của nhân vật trữ tình. Quan trong hơn thế nữa, nó vụt sáng những giá trị nhân văn cao đẹp đem đến bài học thật sâu sắc về thái độ ứng xử có văn hoá trong tình yêu. Không chỉ ở bài thơ này, mà trong một bài thơ khác của Pus-kin, chúng ta cũng bắt gặp cách ứng xử có văn hóa, có nghĩa, có tình sau khi kết thúc một mối tình dang dở
“Nhưng nếu gặp ngày buồn rầu đau đớn,
Em thầm thì hãy gọi tên lên,
Và hãy tin: còn đây một kỉ niệm,
Em vẫn còn sống giữa một trái tim”.
Điều này càng khẳng định bài thơ “Tôi yêu em” nói riêng và thơ tình của Pus-kin nói chung luôn hướng đến sự hài hòa, cao cả, luôn hướng đến “tôn vinh giá trị con người với tư cách là CON NGƯỜI” (Bê-lin-xki).
Như vậy, bài thơ kết thúc một câu chuyện buồn về tình yêu song lại bừng sáng bởi những giá trị nhân văn cao đẹp. Bởi “Tôi yêu em” không chỉ là sự rung động mãnh liệt về cảm xúc của trái tim mà còn thể hiện trí tuệ của con người trong nhận thức và cách ứng xử tuyệt vời thông minh, có văn hóa, có nghĩa, có tình trong tình yêu đôi lứa. Những điều đó khiến cho áng thơ tình bất hủ “Tôi yêu em” nói riêng và thơ tình Pus-kin trở thành “một thứ khí giới thanh cao và đắc lực” giúp con người thanh lọc tâm hồn, chối bỏ sự giả dối, vị kỉ, tàn ác để hướng tới chân, thiện, mĩ.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bộ giáo dục và Đào tạo, Ngữ văn 11, Tập 2, NXBGD, 2018
2. Pus-kin, Wikipedia Tiếng Việt.