foto1
Khoa Tiếng Việt
foto1
Khoa Tiếng Việt
foto1
Khoa Tiếng Việt
foto1
Khoa Tiếng Việt
foto1
Khoa Tiếng Việt

+(084)0393.885.133
khoatiengviet@htu.edu.vn
Liên hệ



 

      Có người đã từng nói rằng: “Cô đơn, cái này đáng sợ hơn cả đói rét và ốm đau”. Dường như hiểu thấu trạng thái tâm lý ấy, các nhà văn sau 1975 đã đi sâu vào diễn tả và rất thành công khi viết về con người cô đơn. Thật vậy, đến với Thiên sứ của Phạm Thị Hoài người đọc dường như bị choáng ngợp bởi nỗi cô đơn tràn ngập ở các nhân vật trong tác phẩm. Nhân vật trong Thiên sứ không chỉ cô đơn trong gia đình, cô đơn trong tình yêu mà sự cô đơn ấy còn được đẩy đến đỉnh điểm, đó là con người cô đơn trong chính bản thân mình.

Hầu hết các nhân vật trong Thiên sứ đều mang nỗi cô đơn ngay trong chính bản thân mình. Nhưng có lẽ được thể hiện rõ nhất trong nhân vật chị Hằng và bé Hoài. Nhân vật Hoài xuất hiện với một hình hài không bình thường, thậm chí là xấu xí. Trong suốt 29 năm, cô luôn tự ti về hình hài của mình: “Tôi lĩnh trọn phần đen đủi, xấu xí, để chị hồn nhiên nhận mọi vẻ đẹp xinh, quyến rũ về mình. Tạo hoá trong cơn cao hứng trước tác phẩm tuyệt vời là chị, đã tiện tay nhặt nhạnh những mảnh đầu thừa đuôi thẹo đắp điếm lên tôi. Không có câu chuyện cổ về hai chị em sinh đôi giống nhau như hai giọt nước. Càng không có chuyện Thuý Kiều, Thuý Vân. Lỗi đâu ở tạo hoá, lỗi ở chính tôi”. Chính sự tự ti đã khiến cô sống khép mình, ngại giao tiếp với bên ngoài. Cô thu mình trong một “ốc đảo” chỉ 400 ô vuông màu nâu. Những con người xuất hiện trong tâm trí của cô bé Hoài chỉ mang một trong hai loại hoặc homo A hoặc homo Z, những nhìn nhận đánh giá của cô về thế giới bên ngoài chỉ qua khung cửa sổ ô vuông hình chữ nhật...

          Hơn thế nữa, để bù đắp những thiệt thòi về hình hài kì dị của mình cô bé Hoài đã thực sự cố gắng trong học tập, tuy vậy những cố gắng của Hoài đều bị phủ nhận. “Từ hồi lớp 5, mặc cảm bị tẩy chay không chịu buông tha tôi. Tôi trốn tránh những cặp mắt hoặc tò mò, hoặc chế nhạo của họ, ngày càng lầm lì, ngày càng chiếm điểm tuyệt đối trong mọi môn học, ngày càng khao khát cảm thông. Tốt nghiệp phổ thông, với 4 điểm 10 tròn trĩnh, để khỏi bật khóc lần nữa trước con mắt những người xa lạ trong vòng 5 năm tiếp theo, tôi ôm riết lấy bậu của sổ mở thẳng vào tim con đường dẫn đến cổng nhà máy rượu bia Hà Nội”. Vì thế, cô thấy nghi ngờ chính bản thân mình, cô buông xuôi tất cả mọi thứ “ tôi từ chối không đứng vào bất kì thế hệ nào”, “tôi khước từ các loại bậc thang, nhất là bậc thang dẫn qua các trường đại học và kim tự tháp các địa vị xã hội”. Và tự cho rằng mình là người vô ích đối với cuộc đời này. Đối với Hoài, sự cô đơn chính là không tìm thấy sự đồng cảm, sẻ chia, thấu hiểu “ Tôi có ai? Tôi, đứa con gái út bất đắc dĩ của gia đình, ốc nhỏ lặng câm của thiên hạ, hứng chịu, cái hom giỏ không đáy khiêm nhường”. Câu hỏi  “tôi có ai?”  xoáy sâu vào lòng bạn đọc, càng cho ta thấy được nỗi cô đơn đến cùng cực của nhân vật, sự cô đơn không lối thoát. Cuộc đời của Hoài chỉ như một ốc đảo buồn, cô độc không có dấu tích của niềm vui.

          Đối lập hoàn toàn với vẻ xấu xí của cô em gái, Hằng mang trong mình vẻ đẹp kiêu sa của một nàng tiên, sự thông minh của một cô sinh viên trường ngoại ngữ. Sự toàn diện của cô khiến cho nhiều người phải ngưỡng vọng và ghen tị. Có lẽ bạn đọc ban đầu khi tiếp xúc với tác phẩm sẽ nghĩ rằng một cô gái thông minh, xinh đẹp như vậy sẽ được hưởng một cuộc sống vui vẻ, hạnh phúc. Nhưng thực tế, Hằng lại rất cô đơn. Hằng dễ dàng có được mọi thứ, nhưng cô lại luôn khao khát theo đuổi, tìm kiếm “ một cái gì đó” không gọi được thành tên, nhưng thực chất cô lại không biết mình muốn gì “giá có thể đánh đổi sắc đẹp lấy một cái gì....Vả lại cái gì? Chị không biết mình muốn gì. Chị ghen tị những người biết rõ điều họ mong muốn, đồng thời hoài nghi họ”. Chính vì không biết mình muốn và cần gì trong cuộc sống, nên mọi thứ diễn ra xung quanh cô đều như vô nghĩa, cô không còn có cảm xúc trước cuộc sống xung quanh. Cô luôn coi cuộc sống này như một trò chơi, ngay cả khi lựa chọn đức lang quân cho mình thì cô cũng chỉ chọn ngẫu nhiên qua những lá phiếu bốc thăm “Đầu tiên chị phó thác cho run rủi,“Đằng nào chả thế, em nhỉ, họ có khác gì nhau, (khanh khách cười). Bốc thăm vậy nhé”. Chị giao tôi 300 lá phiếu, điền đủ các loại tên tuổi đàn ông tuỳ thích”; “Như con tàu không xác định nổi phương vị, chạy trốn cái gì không biết, tìm kiếm cái gì không hay, lại một lần nữa, âu cũng là lần chót, chị phó thác cho một bế bờ nào đó ngẫu nhiên đập vào tầm mắt, trượt theo quán tính, chỉ vì không thể không trượt”. Hằng thực sự buông xuôi tất cả, cô phó mặc cuộc đời mình trong sự chảy trôi vô đinh, như một cánh bèo không biết trôi dạt về đâu.

Vẫn lời thú nhận truyền đời “Chị sợ... Chị sợ...”, câu nói dở dang ấy cứ như ám ảnh theo cô suốt từ năm 17 tuổi đến mãi sau này. Hằng sợ hãi một cái gì đó mơ hồ nhưng lại khiến tâm trí cô hoảng loạn, hoang mang. Sự phó thác số phận mình nên ngay cả trong ngày cưới nỗi cô đơn ấy càng lên đến đỉnh điểm – lạnh lùng, thờ ơ tất cả. “Ngày cưới, chị giữ nguyên cặp mắt hoá đá và nét đẹp buồn, khó hiểu. Chị không phản đối cũng không tham dự tấn trò lố bịch diễn ra xung quanh mình, như thể ấy là một cô dâu khác, một số phận khác chẳng liên quan”. Và có lẽ nỗi cô đơn ngay trong chính bản thân mình của Hằng không chỉ còn là những lạnh lùng nữa mà giờ đây là sự lãnh cảm. Cô trơ lì mọi cảm xúc trước những ham muốn, những khát khao biến động của cuộc đời. Đêm tân hôn, trong cuộc làm tình, cô dường như không hề tham dự “Chỉ cần họ để chị được yên, dõi theo cái cơ thể không chịu cộng tác, cứ lang thang vào một vùng trống trải, muốn chới với mà không thể chới với, không thể tụt hẫng tràn trề... chỉ bởi cảm xúc tận cùng máu thịt không ai đánh thức”“ bao giờ chị cũng còn lại một mình, cố xua đuổi một cảm giác nhớp lạnh trên bụng và mơ ước một vòi hoa sen ngay tại chỗ”. Những khoái lạc cảm xúc khi chung đụng thể xác không còn nữa mà thay vào đó là sự nhơ nhớp, vô cảm.

          Sự mất mát đớn đau thể xác có lẽ không khiến con người ta quá đớn đau bằng  nỗi cô đơn – cái đau đớn khó gọi tên trong lòng, bởi chính nó khiến người ta sợ hãi, tuyệt vọng, thậm chí là lãnh cảm với tất cả. Nhân vật Hoài và Hằng trong tác phẩm mang trong mình một nỗi cô đơn suốt từ những ngày còn bé và cho đến tận sau này. Họ lạc lõng ngay trong chính những khát khao, ham muốn của mình và hơn thế nữa nó đã đẩy họ đến sự nghi ngờ, thờ ơ, vô cảm với cuộc đời.

Đến với Thiên sứ, bạn sẽ hiểu được rất nhiều vấn đề về văn hóa, văn minh hiện đại, về đạo đức nhân sinh…Và chắc chắn, có lúc, bạn sẽ không tránh khỏi giật mình, thảng thốt vì hình như những gì mình bắt gặp trong tác phẩm vẫn hiển hiện đâu đó quanh ta…Như lời nhận xét của Văn Giá: “Thiên sứ là nhân vật của sự cô đơn. Các nhân vật lao vào hành động, sống quyết liệt để rồi cuối cùng rơi vào tình trạng cô đơn”

 



Copyright © 2024 Copyright Khoa Tiếng Việt - Trường Đại học Hà Tĩnh Rights Reserved.