foto1
Khoa Tiếng Việt
foto1
Khoa Tiếng Việt
foto1
Khoa Tiếng Việt
foto1
Khoa Tiếng Việt
foto1
Khoa Tiếng Việt

+(084)0393.885.133
khoatiengviet@htu.edu.vn
Liên hệ



Lễ tổng kết khóa học tiếng Việt 2023-2024 cho lưu học sinh Lào K16

Chiều 24/10/2024, Trường Đại học Hà Tĩnh đã tổ chức Lễ tổng kết khóa học tiếng Việt cho Lưu học sinh Lào K16 Tiếng Việt. Đến dự lễ có TS. Trần Thị Ái Đức – Phụ trách hội đồng trường, Phó hiệu trưởng; TS. Hồ Thị Nga, Phó hiệu trưởng nhà trường; đại diện Phòng…
Default Image

Những điểm tương đồng và khác biệt về địa lý, lịch sử, quan hệ ngoại giao và ngôn ngữ giữa hai nước Việt - Lào

I. Đặt vấn đề Quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh xây…
Default Image

Một số đóng góp của Hoàng Giáp Lê Tuấn trên lĩnh vực văn học, sử học và quân sự trong lịch sử Việt Nam nửa cuối thế kỷ XIX

Hà Tĩnh là một vùng đất có bề dày lịch sử - văn hóa. Do những đặc điểm riêng về vị trí…
Default Image

Vấn đề định hướng xây dựng kế hoạch học tập môn Ngữ Văn cho học sinh lớp 10 đáp ứng yêu cầu Giáo dục

Học tập là một kế hoạch xuyên suốt và yêu cầu quá trình thực hiện phải nghiêm túc và bài…
Default Image

Vấn đề định hướng xây dựng kế hoạch học tập môn Ngữ Văn cho học sinh lớp 10 đáp ứng yêu cầu Giáo dục

Học tập là một kế hoạch xuyên suốt và yêu cầu quá trình thực hiện phải nghiêm túc và bài…
Default Image

Nỗi lòng của Nguyễn Du qua đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích (Trích Truyện Kiều)

Với đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích (trích Truyện Kiều), Nguyễn Du được đánh giá là bậc…

Hà Tĩnh là một vùng đất có bề dày lịch sử - văn hóa. Do những đặc điểm riêng về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên và lịch sử, trong quá trình đấu tranh chống giặc ngoại xâm để bảo vệ, giữ gìn Tổ quốc, quê hương và chống thiên tai khắc nghiệt để tồn tại, phát triển, người dân nơi đây cũng đã sáng tạo, xây đắp nên những nét riêng về cốt cách, truyền thống, góp phần làm phong phú thêm lịch sử của dân tộc ta. Trải qua các thời kỳ dựng nước và giữ nước, nhân dân Hà Tĩnh đã có những đóng góp hết sức xứng đáng vào những thành tựu vẻ vang của cả dân tộc. Nói đến Hà Tĩnh cũng như nói đến xứ Nghệ người ta thường nghĩ ngay đến một vùng đất địa linh nhân kiệt hầu như ở thời nào cũng có những con người xuất chúng, đặc biệt trong số đó phải kể đến Thượng thư Lê Tuấn dưới thời Nguyễn và nhiều danh thần tên tuổi khác.

Đặt vấn đề

Hoàng giáp Thượng thư Lê Tuấn sinh năm Mậu Dần (1818), tại làng Mỹ Lụ, tổng Hà Trung, huyện Hà Hoa, nay là thôn Thanh Sơn, xã Kỳ Văn (huyện Kỳ Anh). Thuở nhỏ, ông nổi tiếng là người thông minh, hiếu học, đậu tú tài năm 1842, đậu cử nhân năm 1851. Tại kỳ thi Đình, năm Quý Sửu (1853), niên hiệu Tự Đức thứ 7, Lê Tuấn đỗ Nhị giáp Tiến sĩ (Hoàng giáp). Ông là vị quan đại thần có tiếng thanh liêm, tài đức vẹn toàn, được nhà vua quý trọng, người đương thời mến mộ. Cuộc đời và sự nghiệp khoa cử, hoan lộ của Hoàng giáp Thượng thư Lê Tuấn tiêu biểu cho truyền thống cần cù, hiếu học, ý chí vươn lên mạnh mẽ của người dân Kỳ Anh nói riêng và người Hà Tĩnh nói chung.

1. Đóng góp trên lĩnh vực quân sự

Hầu hết những ghi chép về ông trong các bộ chính sử triều Nguyễn ở cuối thập niên 60 đầu thập niên 70 của thế kỷ XIX là những ghi chép chi tiết chủ yếu về việc ông được cử làm Khâm sai đại thần, Kinh lược sử Bắc Kỳ về việc quân đi đánh dẹp nạn thổ phỉ, thủy phỉ, hải tặc, giặc cướp hoành hành ở hàng loạt các tỉnh Bắc Kỳ. Đây cũng là thời kỳ mà Bắc Kỳ chịu nhiều nạn thổ phỉ Cờ đen của Lưu Vĩnh Phúc, Cơ vàng của Hoàng Sùng Anh, Cờ Trắng… phần lớn các thổ phỉ tràn từ biên giới nước Thanh sang nước ta, khiến cho triều đình nhà Nguyễn gặp rất nhiều khó khăn. Phần trích dẫn dưới đây tóm lược một số sự kiện lớn, chính được chép trong sách “Đại Nam thực lục” do Quốc Sử quán triều Nguyễn biên soạn:

Tháng 4, năm Tân Mùi, Tự Đức năm thứ 24 (1871), khi đang giữ chức Thượng thư bộ Hình ông được vua Tự Đức cử ra Bắc Kỳ để lo việc quân. Sử chép: “Cho Thượng thư bộ Hình là Lê Tuấn sung chức Khâm sai đi coi quân. Khi ra đi, vua dụ rằng: Ngươi phải xét rõ thế giặc tình quân, cùng với Hoàng Tá Viêm hết lòng mưu tính, nghiêm đốc tướng biền đánh dẹp, người nào bất lực thì hặc tội tâu lên, để nghiêm quân luật”[1]. Đến tháng 8 (1871) ông được vua thăng thêm chức “Bắc Kỳ kinh lược đại thần[2].

Thượng thư Lê Tuấn và Thống đốc quân vụ Bắc Kỳ là Hoàng Tá Viêm được vua lo lắng quý mến gian khổ nơi chiến trường đã ban áo tặng cho để úy lạo tướng sĩ ngoài mặt trận. Sách Đại Nam thực lục viết “Ban áo của vua dùng cho Thống đốc là Hoàng Tá Viêm, Thị sư là Lê Tuấn, nhân làm thơ ban cho (trước đã từng ban áo cho tướng sĩ các đạo, nay đặc cách ban cho)”[3].

Tháng 9 (1871), trước nạn thổ phỉ[4] quân Cờ Vàng và Cờ Đen đang hoành hành Bắc Kỳ mà triều đình chưa đánh dẹp tan, chưa có biện pháp hữu hiệu đối phó. Trước yêu cầu của vua Tự Đức các ông Thống đốc và Kinh lược ở Bắc Kỳ phải thường xuyên gửi tấu sớ về để vua được biết kíp thời. Như trong bản sớ tấu của Thống đốc Hoàng Tá Viêm, Thị sư Lê Tuấn tâu rằng: “Dò thám được tên tù trưởng dân Mèo ở động suối Bốc là người chủ chứa chấp tên giặc Hoàng Anh (toán quân phỉ Cờ Vàng), giặc Hoàng Anh lại là người chứa chấp các giặc trốn ở tỉnh Bắc, tỉnh Thái và tình trạng Hoàng Anh, Lưu Vĩnh Phúc (phỉ Cờ Đen) thù hằn lẫn nhau. Vua truyền phải nói cho tướng họ Phùng biết để trù tính và đốc suất các tỉnh Sơn Tây, Bắc Ninh, Hải Dương phái quân đi đóng giữ ngăn chặn. Các thổ dõng, dân đinh bắn giỏi đã mộ được, cho theo như lệ quân ở trong Kinh phái đến các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Thái Nguyên mà cấp lương, (mỗi người mỗi tháng 3 quan tiền, 1 phương gạo, người nào ở quân thứ cứ đủ 4 tháng, cấp cho áo quần 1 lần), lại cấp thêm cho 1 quan tiền”.

Trong lúc lo việc quân ở Bắc Kỳ Khâm sai Thị sư kiêm Kinh lược Lê Tuấn cùng với Thống đốc Hoàng Tá Viêm bàn dâng sớ tấu lên vua Tự Đức bàn những việc cần làm ngay tâu rằng: Các tỉnh ở nơi biên giới, hiện nay những công việc phải xếp đặt sau này, còn có nhiều khoản. Nay đương lúc thanh thế của quân lừng lẫy, thế giặc đến lúc cùng, vậy tỉnh nào việc quân tạm thư, như 2 tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn thì hết thảy mọi việc ở nơi biên giới, tưởng nên phải sửa soạn ngay từ bây giờ, để được bền vững. Nếu đợi đến khi dẹp yên hết cả, sợ mối lo bên ngoài lại sinh ra, lại khó xếp đặt. Còn như các tỉnh Tuyên Quang, Thái Nguyên, khi nào trừ hết bọn giặc, cũng xin lần lượt chấn chỉnh công việc...[5].

Trong các bản tấu sớ trước vua chưa ưng ý, vì nạn phỉ chưa đánh dẹp được gì. Các tấu sớ gửi về làm cho vua không được hài lòng hết. Lúc này vua mới bảo rằng ít lâu nay chỉ có tập tâu tính liệu trước này là thích hợp với công việc và có lòng lo việc nước, chuẩn cho thi hành ngay.

Trong quá trình làm toàn quyền kinh lược Bắc Kỳ cùng với Hoàng Tá Viêm, Khâm sai Thị tư kiêm sung Kinh lược đại thần, thự Thượng thư bộ Hình là Lê Tuấn cũng có những kiến nghĩ giúp cho việc quân mà lại tăng thêm nguồn thu của nhà nước và cũng là tránh tình trạng ruộng đất công bỏ hoang quá nhiều ở các tỉnh đất đai màu mở như Nam Định, Ninh Bình… Ông tâu rằng: “Hiện nay quân phí rất nhiều, mà các tỉnh ở Bắc Kỳ, sau khi bị lụt, thuế khoá đã giảm, khuyên người quyên tiền ra cũng khó. Duy có cách nhân lòng người ai cũng hám lợi mà khơi ra, thì mọi người tất vui theo, mà Nhà nước cũng lợi, hoặc có thể giúp vào quân nhu... Xét ra trong hạt Nam Định, số ruộng công bỏ hoang, các ruộng cói cỏ lẫn lộn và các hạng thổ bùn lầy, số ấy đến hơn 6 vạn mẫu. Trong số ấy có chỗ đã khai khẩn thành thục rồi, ẩn lậu chưa nộp thuế, quan cũng khó lòng trích ra được : có chỗ gần sông lớn, đất sa ngày ngày bồi thêm lên, dễ cho việc khai khẩn ; có chỗ ở vào ven biển, phải đắp đê ngăn nước mặn, lấy nước ngọt vào, tháo nước ứ ra, công việc có phần khó khăn. Thần đã hỏi hiện giá dân muốn mua, thì ruộng thục điền lậu thuế, hạng nhất mỗi mẫu phỏng được trên dưới 100 quan ; hạng ruộng dễ khai khẩn, hạng nhất mỗi mẫu phỏng được trên dưới 40 quan ; hạng ruộng khó khai khẩn, hạng nhất mỗi mẫu phỏng được trên dưới 20 quan. Đem chỗ nhiều bù vào chỗ ít, đại khái lấy mỗi mẫu 40 quan, thì một hạt Nam Định nếu bán được hết cả, phỏng được đến hơn 200 vạn quan tiền. Còn ở ven biển, như tỉnh Ninh Bình (số ruộng bỏ hoang cỏ cói, bùn lầy hơn 7.000 mẫu), tỉnh Hải Dương (số ruộng bỏ hoang hơn 13.000 mẫu) và các tỉnh khác cũng nhiều tỉnh có. Nếu vẫn để làm ngạch ruộng công, thì hoặc bỏ hoang mà không thuế, hoặc lấy thuế thổ thì không được mấy, đợi được thành thuế lệ ruộng công cả, cũng còn tốn công và còn lâu ngày, sao bằng dân thuận tình mua làm ruộng tư, ngày nay lấy tiền có thể giúp cho quân nhu, chỉ vài ba năm, lại có thể thu tất cả về ngạch thuế ruộng là hơn cả. Xin từ nay phàm các tỉnh ở Bắc Kỳ, những ruộng công bỏ hoang và các hạng thổ trồng khoai đậu cói, các thứ cỏ, nơi bùn lầy phù sa, bất cứ là người trong xã ấy hoặc người xã khác, huyện khác, nếu có người nào muốn mua làm của tư, thì làm đơn lên tỉnh xin nhận mua, rồi do quan tỉnh lấy công bằng khám xét đích xác, chỗ nào đã khai khẩn thành thuộc, đã cấy lúa thì chước định mỗi mẫu giá tiền là 120 quan ; việc nhận mua xong, tức phải chiếu theo lệ ruộng tư chịu thuế ; tha cho tội lậu thuế và không truy thu thuế trước nữa. Còn như ruộng nguyên bỏ hoang còn là  hạng thổ, chỗ nào gần nước ngọt dễ khai khẩn thì mỗi mẫu giá tiền 40 quan ; chỗ nào gần nước mặn khó khai khẩn thì mỗi mẫu giá tiền 20 quan. Người nào mua để khai khẩn bao nhiêu mẫu, cứ chiếu theo giá ấy, đem tiền đến nộp. Xong rồi, do quan tỉnh được phái đi khám xét ấy, cấp cho giấy làm bằng, chua rõ vào trong sổ ruộng, tạm theo ngạch cũ thu thuế, chiểu theo chỗ dễ làm chỗ khó làm, định cho niên hạn làm thành ruộng báo lên để phái đến khám, bắt đầu thu thuế, cho theo hạng ruộng tư, làm của riêng đời đời. Còn người nào mua làm hạng nào ruộng đất giá tiền bao nhiêu, quan tỉnh ấy làm danh sách tư cho bộ Hộ để lưu chiểu.

Lại xét các tỉnh ở Bắc Kỳ và Tả hữu 2 kỳ gián hoặc có nhiều dân xã nguyên ngạch là ruộng công, đất công cả, không có hạng đất làm nhà ở riêng, để cho dân đều làm nhà ở vào trong hạng ruộng công để ở. Một khi nhà cửa bỗng đổ nát, vườn đất không phải là của mình, chưa làm cho lòng người yên được. Nay nếu trích ra 1 - 2 phần nguyên là ngạch ruộng đất công của xã thôn ấy bán cho dân làm ruộng tư, thì mọi người tất thích mua, cũng là công tư đều được lợi cả. Xin phàm các xã thôn nào mà toàn là ruộng đất công cả, thì chia ra làm 10 thành, trích ra 2 thành, chiểu theo thời giá (hoặc 100, hoặc 200 - 300 quan không nhất định, đều phải đúng sự thực) bán ra làm của tư, giữ lấy làm sản nghiệp để ở. Còn thuế lệ vẫn chiểu theo ngạch cũ là ruộng đất công mà nộp. Như thế thì về quân nhu, về chi dùng của nước, mới có thể bổ ích được một chút. Đình thần xét lại cho là từ tỉnh Ninh Bình trở ra ngoài Bắc, ruộng đất của các hạt đều tốt màu, nghĩ nên chiểu từng hạng liệu tăng giá lên (như trong tập tâu xin hạng ruộng thành thục mỗi mẫu giá 120 quan, nên tăng làm 150 quan ; hạng ruộng dễ làm mỗi mẫu giá 40 quan, nên tăng làm 60 quan ; hạng ruộng khó làm mỗi mẫu giá 20 quan, nên tăng làm 30 quan). Cùng là các tỉnh, đạo từ Thanh Hoá trở vào Nam, những ruộng đất bỏ hoang, cũng nên theo thế cho dân được mua, nhưng ruộng đất ở các hạt ấy phần nhiều là đất rắn và xấu, khai khẩn hơi khó. Xin chiếu giá ở Bắc Kỳ, giảm bớt đi một nửa để tiện cho dân”. Vua y cho. Sai hãy lục sức điều khoản bán ruộng công bỏ hoang thi hành cho ổn thoả, để xem thành hiệu[6].

Tháng 11 (1871), ở Quảng Yên lại có tên Hoàng Tề nổi lên, thông với giặc Tô Tứ và giặc Tàu Ô ở ngoài bể, rồi đem binh thuyền đi cướp phá các nơi… Hay tin vua Tự Đức cho là quân thứ ở Sơn Tây đã tạm rỗi, mà thế giặc ở Hải - Yên lại hoành hành, phải tính nơi cần kíp trước. Chuẩn cho Thị sư Lê Tuấn đem quân và thuyền phái đi trước và lấy thêm 2 vệ quân mạnh khoẻ ở quân thứ Thái Nguyên về ngay tỉnh Hải Dương để trấn áp. Lại sai tỉnh Nam Định phái Hải phòng thương biện Phạm Văn Nghị đem 3 cơ binh dõng đắc lực đi ngay để cùng làm việc[7].

Tháng 2, năm Nhâm Thân, Tự Đức năm thứ 25 (1872), nạn giặc phỉ Hoàng Tề mới được đánh dẹp. Nhận được tấu sớ của Thị sư Lê Tuấn vua Tự Đức đã ban thưởng có thứ bậc khác nhau. Chính sử triều Nguyễn viết: “Bọn giặc thuỷ bộ ở tỉnh Hải Dương tụ họp bè lũ chia ra từng toán đi đánh quấy nơi đóng quân ở Thanh Lâm. Quan tỉnh và quan quân thứ (Bố chính là Tôn Thất Thuyết, Tán tương là Trương Văn Đễ) đốc suất và thúc đẩy tướng, quân vây đánh, được thắng trận to (bọn giặc ấy bỏ chạy. Trong khi đánh nhau hiện có bắt sống, chém đầu, bắn chết, đâm chết được quân giặc và thu được khí giới thực tang). Tên đầu sỏ của giặc là Hoàng Tề bị chết trong khi bắn loạn. Thị sư Lê Tuấn tâu xin ban thưởng để khuyến khích từ quản, suất trở xuống đều được thăng trật. Lại thưởng cho tiền bằng vàng, bằng bạc có thứ bậc. Viên Thị sư và các quan ở quân thứ ấy vì bàn tính đánh dẹp được việc, được khai phục hết. (Trước vì phòng giữ bất lực, Lê Tuấn, Tôn Thất Thuyết đều phải giáng 4 cấp ; Trương Văn Đễ phải giáng 3 cấp)”[8].

Tháng 11 (1872), do có nhiều công trạng trong việc quân đánh dẹp ở Bắc Kỳ Thị sư Lê Tuấn được vua Tự Đức ban áo rét của vua đang dùng để úy lạo và khích lệ tướng sĩ. Sách Đại Nam thực lục chép: Vua Dụ rằng: Áo ấy là áo rét của vua dùng, mặc để tỏ rõ là người có đức và vẻ quân thêm hùng mạnh, tạm tỏ lòng thành cởi áo cừu ban cho. Mong ai nấy đều có lòng quên rét, thực không thể ban cho khắp mọi người được[9].

Giữa năm 1873, ông được triệu về kinh để vua giao phó những trọng trách cao hơn là đàm phán với Pháp và đi sứ nước Pháp. Theo nhận định của GS. Trần Văn Giàu về việc triệu hồi Kinh lược sứ Bắc Kỳ là Lê Tuấn về kinh và ông cũng nhãn quan của vua Tự Đức là vị vua không có tài trong chống Pháp và đối phó với Pháp, chứ không hoàn toàn thuộc về trách nhiệm của các đại thần như ông Lê Tuấn. Trong sách Chống xâm lăng GS Trần Văn Giàu viết: “… chúng ta thấy rằng, tuy bên Pháp bọn cầm quyền ngần ngại vì tình thế Âu châu, bọn thực dân ở Sài Gòn rất quả quyết muốn chiếm Bắc Kỳ mà chúng quả quyết như thế là bởi vì chúng trông thấy rõ sự suy đồn của chính quyền Tự Đức, thấy rằng Tự Đức sẽ không dám cương quyết chống cự. Thật vậy, trong lúc Đuy-pơ-rê và Đuy-puy ráo riết chuẩn bị cuộc võ trang can thiệp vào Bắc Kỳ, cuối tháng 8 năm 1873, triều đình Huế triệu kinh lược sứ Bắc Kỳ là Lê Tuấn, Tán lý Nguyễn Văn Tường về kinh, cùng với Nguyễn Tăng Doãn đi vào Gia Định để hội đàm với quân Pháp Đuy-pơ-rê đặng xin đi sứ sang Pháp mà thương thuyết”[10].

                                                                                       (Còn nữa)

 

[1] Quốc Sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập 7, bản dịch Viện Sử học, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2007, tr.1275.

[2] Quốc Sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập 7, bản dịch Viện Sử học, Sđd, tr.1296.

[3] Quốc Sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập 7, Sđd, tr. 1276.

[4] Thổ phỉ từ nước Thanh ở Bắc Kỳ theo sử gia Trần Trọng Kim tác giả sách Việt Nam sử lược viết: “… Dư đảng của Hồng Tú Toàn là bọn Ngô Côn chạy tràn sang nước ta, trước còn nói xin hàng, rồi sau đem quân đi cướp phá các tỉnh, quan quân đánh mãi không được. Năm Mậu Thìn… Ngô Côn chiếm giữ tỉnh thành Cao Bằng… Ngô Côn tuy chết, song còn có những đồ đảng là Hoàng Sùng Anh, hiệu cờ vàng, Lưu Vĩnh Phúc, hiệu cờ đen, Bàn Văn Nhị, Lương Văn Lợi, hiệu cờ trắng, vẫn cứ quấy nhiễu ở mạn Tuyên Quang, Thái Nguyên,… Triều đình vội vàng sai Hoàng Kế Viêm ra làm Lạng Bình Ninh Thái Thống đốc quân vụ đại thần, cùng với quan Tán tương Tôn thất Thuyết đi dẹp giặc ở Bắc Kỳ”. Trần Trọng Kim có nhắc tới một số đảng phỉ khác ở Bắc Kỳ mà như: “Năm 1871, ở Quảng Yên lại có tên Hoàng Tề nổi lên, thông với giặc Tô Tứ và giặc Tàu Ô ở ngoài bể, rồi đem binh thuyền đi cướp phá các nơi… Ở mạn thượng du thì đảng Cờ đen là bọn Lưu Vĩnh Phúc và đảng Cờ vàng là bọn Hoàng Sùng Anh quấy nhiễu ở đất Tuyên Quang…”.

[5] Quốc Sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập 7, Sđd, tr. 1298-1303.

[6] Quốc Sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập 7, Sđd, tr.1311-1312.

[7] Quốc Sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập 7, Sđd, tr.1315.

[8] Quốc Sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập 7, Sđd, tr.1325.

[9] Quốc Sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập 7, Sđd, tr.1365.

[10] Trần Văn Giàu, Chống xâm lăng (lịch sử Việt Nam từ 1858 đến 1898), Nxb Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, 2018, tr.339-340.

Sinh viên tiêu biểu



Copyright © 2024 Copyright Khoa Tiếng Việt - Trường Đại học Hà Tĩnh Rights Reserved.