Đột nhiên chồng thương vợ
Đang lúi húi nấu ăn
Muốn ôm hôn âu yếm
Thế mà cứ ngại ngần
Muốn nói câu gì đó
Thật dịu dàng, thật hay
Lần nữa lại ngần ngại
Vì sợ giống thằng Tây
Thế đấy, ta là thế
Các ông chồng Việt Nam
Cái việc đáng làm nhất
Cuối cùng lại không làm
Báo Tuổi trẻ, 6/3-2015
LỜI BÌNH
Vợ chồng thương yêu nhau diễn ra tự nhiên, thường xuyên, không gián đoạn, sao ở đây lại có chuyện “đột nhiên” - bỗng chốc, bất ngờ, bất thình lình thương vợ? Không phải vô ơn, tệ bạc, nhưng do quá mê mải làm ăn, lại quen được sống trong sự yêu chiều của vợ mà sinh ra vô tâm, rồi dần quên đi. Chỉ tạm thời quên thôi, chứ “ bầu máu nóng” thương vợ thì vẫn còn đây.
Sự tình diễn ra như một vở hài kịch ngắn, dạng kịch bản văn học. Sân khấu là nơi phòng bếp, chỉ có hai nhân vật: chồng và vợ. Vợ thì “Đang lúi húi nấu ăn”; chồng thì ngồi… nhìn ngắm, suy ngẫm và xúc cảm. Ngôn ngữ và hành động kịch diễn ra từ nội tâm. Bất chợt để ý, chồng liền nổi cảm hứng thi sĩ như hồi đang yêu, bèn muốn có một hành vi âu yếm ngọt ngào với vợ. Từ “lúi húi” diễn tả việc làm vừa chăm chỉ vừa tỉ mẩn, thật dễ thương…Kể ra lúc này, nếu chồng cùng “lúi húi”, tham gia tí chút, rồi có thể vừa làm vừa hát, hoặc thổi sáo miệng mấy câu, chẳng hạn: “Cuộc đời vẫn đẹp sao/ tình yêu vẫn đẹp sao…” thì đời cũng…tỏa hương lắm đấy! Nhưng theo thói quen của bao ngày, chồng đã không làm như thế .
Hình ảnh người vợ trong lúc nấu ăn không chỉ dễ thương mà còn… rất đẹp, có duyên và đáng yêu. Cái ý định “Muốn ôm hôn âu yếm”, để bộc lộ tình thương cụ thể, là một cử chỉ đẹp, cũng nên lắm chứ. Nụ hôn lúc này có nhiều ý nghĩa lắm. Thế mà “cứ ngại ngần”, không thể nào thực hiện được. Đành nhận thua 0-1. Thôi thì chân tay đã không “nhúc nhích” nổi thì cứ theo câu thành ngữ “Mồm miệng đỡ chân tay”, hãy “nói câu gì đó/ Thật dịu dàng thật hay” với nàng. Thiếu gì câu, chẳng hạn cứ phương châm “Em có tài nấu nướng, anh có tài ngợi khen” (XD), cũng là cách chân thành, tế nhị tỏ lòng yêu thương và lòng biết ơn về công lao to lớn của vợ cứ ngày ngày vất vả, chăm chút từng bận ăn cơm ngon canh ngọt cho gia đình. Trời đã cho cái “tài” sao không biết phát huy? Thế mà rồi “Lần nữa lại ngần ngại”, không nói nổi được một câu nào…! Lại thua thêm lần nữa, 0-2. Từ “ngại ngần” và “ngần ngại” đồng nghĩa tuyệt đối, cho thấy sự e dè, sợ sệt có lực cản ghê gớm. Thua ai vậy? Không thua ai cả, mà là thua… chính mình!
Thật tiếc, chồng không thể ghi điểm trước người vợ, vốn giàu lòng bao dung và nhạy cảm CÁI ĐẸP. Giá mà vừa hôn vừa thì nói tuyệt vời biết mấy! Động viên đúng lúc, tỏ ra mình biết điều, sẽ làm cho vợ phấn chấn, giữ được lâu bền sự trẻ trung, xinh đẹp; tình yêu được lãng mạn hóa, được thăng hoa, hạnh phúc bội phần. (Các nhà khoa học cho biết, cứ mỗi nụ hôn, tăng thêm được hơn 10gy tuổi thọ!). Chuyện tưởng chừng nhỏ, nhỏ như…con kiến, thế mà thành ra “khó khăn thách thức”, không thể thắng nổi mình. Thời đang yêu đã hôn nhiều và nói nhiêu câu hay lắm kia mà… “Nét đẹp truyền thống” đã đi vào quên lãng. Chỉ biết biện hộ“Vì sợ giống thằng Tây” . Đỉnh điểm kịch tính hài. Nực cười, vì nói đến Tây là nói đến người Âu- Mĩ, họ thông minh, tài giỏi, văn minh đi trước mình hàng mấy trăm năm. Họ cực kì quý trọng phụ nữ, đối với vợ thì “Nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa” và hôn vợ không biết chán, cho mãi đến già , “Đã hôn rồi, hôn lại/ Hôn đến mãi muôn đời” (Xuân Diệu). “Bạn khôn phải học” (Phan Bội Châu), sao lại sợ mình giống người ta? Chẳng lẽ đi học cho giống bọn người xấu xí, nòi con cháu Tào Tháo gian hùng ? Định kiến, nhút nhát, sợ sệt như thấm vào huyết quản. Nghĩ ra trong lòng mà không dám nói ra, không dám hành động. Cảm hứng tính hài đã song hành cùng tính bi. Bên trong cái vỏ hài kịch dí dỏm là bi kịch, là cả một nỗi niềm. Thương vợ đã không trọn thì chỉ biết xót xa thương mình kém cỏi mà thôi. Hỏi “hùng tâm tráng chí” của đàn ông đâu rồi? Nhưng nói ra được điều đó kế cũng đã là bản lĩnh, biết tự trào, biết xấu hổ.
Tứ thơ và nội dung chủ đề được nâng lên bằng ẩn dụ kép, không còn là chuyện nơi buồng the, bếp núc của gia đình nữa, mà rộng ra là xã hội. Nếu cho nói vậy là suy diễn, ta thử chữa lại hai câu cuối: “Thế đấy, ta là thế/ Các ông chồng Việt Nam/ Lúc cần hôn vợ nhất/ Cuối cùng lại không hôn”. Thêm được chất hài mà chất thơ đã giảm đi nhiều lắm. Thơ còn muốn nói tới một điều lớn lao hơn. Ai chẳng biết thiên chức của đàn ông “Tiên tề gia, hậu trị quốc”, “Đàn ông sinh ra là để làm điều vĩ đại”. “Cái việc cần làm nhất” không chỉ là việc trong nhà mà rộng ra là việc làng, việc nước. Việc của “quốc gia đai sự” mà cứ ngại ngần, ngần ngại, sợ này sợ nọ để “Cuối cùng lại không làm”, thì tránh sao khỏi hai chữ bac nhược và ươn hèn?
Mới đọc qua, cứ ngỡ nhà thơ Thái Bá Tân viết theo tài “khẩu thơ” của mình, giống như vè 5 tiếng của dân ca Xứ Nghệ, quê hương ông; thơ chỉ kể chuyện hài một cách thật thà, vui vẻ, hồn nhiên. Đọc kĩ ra mới biết, đây là kiểu thật thà khôn khéo, sâu sắc đến là cao thủ!
Phạm Văn Chữ