Trong mỗi chúng ta, chắc hẳn ai cũng từng trải qua tuổi học trò trong trẻo, thơ mộng với bằng lăng tím, hàng cây, ghế đá, khoảng trời trong xanh cùng nhành phượng vĩ rực cả góc trời… Có nỗi bồi hồi khi bắt gặp tiếng ve ngân dài…, những cơn mùa đầu hạ chợt đến chợt đi. Mà thời gian như vô tình chẳng đợi chờ ai, cứ thế mang những hồi ức trong trẻo ấy về với miền nhung nhớ - mang tên ký ức tuổi học trò. Tuổi học trò dường như là nguồn đề tài bất tận, nguồn cảm xúc vô biên cho biết bao thi sĩ vẽ nên bức tranh thật đẹp về thời kỳ đẹp nhất của cuộc đời mỗi người – tuổi hoa niên.
“ Chiếc lá đầu tiên” của nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm là một bài thơ đã được biết bao thế hệ học trò yêu thích, mến mộ, và là một trong những bài thơ hay nhất viết về tuổi học trò. Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm giờ đây đã bước vào mùa thu của cuộc đời mình thế nhưng trong đôi mắt nhuốm màu thời gian của thi sĩ vẫn còn mãi cái xôn xao, bâng khuâng của mùa hạ đã xa...
Xuyên suốt mạch cảm xúc của bài thơ “ Chiếc lá đầu tiên ” chính là tiếng lòng, khúc tự tình của một người lính trẻ “ xếp bút nghiên lên đường”, tạm biệt bảng đen phấn trắng, tạm biệt khung trời mơ mộng với mối tình đầu vụng về còn bỏ ngỏ… Người lính trẻ ấy đã lên đường ra trận, đi theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc.
Bài thơ mở đầu thật nhẹ nhàng nhưng sâu sắc, như khúc nhạc dạo đưa người đọc vào bản tình ca:
Em thấy không tất cả đã xa rồi
Trong tiếng thở của thời gian rất khẽ
Dòng ký ức của mùa hạ năm xưa về thưở học trò năm xưa chợt ùa về dạt dào trong tâm trí nhà thơ, dâng trào trong nỗi nhớ đặc quánh. Nhà thơ đang cùng với cỗ xe thời gian, quay về quá khứ, cùng ngoảnh lại với “em” để thốt lên bằng câu hỏi tu từ: “ Em thấy không tất cả đã xa rồi”… Em – là mối tình đầu và phải chăng cũng chính là nguồn cảm hứng xuyên suốt dòng cảm xúc của bài thơ. Thật vậy, tất cả đã là của ngày hôm qua, đã xa, đã qua… Đó là những mảnh ghép ký ức về thời hoa niên tươi đẹp, không vội vã cũng chẳng ồn ào, cứ giản dị mà sâu lắng, khẽ lướt qua như một cuốn phim quay chậm, như tiếng thở của dòng chảy thời gian. Kỉ niệm cứ ùa về như lật gấp từng trang, từng trang…
Tất cả đã xa rồi. Hẳn đã là số nhiều. Cái đã xa là gì nhỉ? Khi đọc những câu thơ tiếp theo thì nỗi lòng ta được phần nào giải mã:
Tuổi thơ kia ra đi cao ngạo thế
Hoa súng tím vào trong mắt lắm mê say
Chùm phượng hồng yêu dấu ấy rời tay
Bài thơ vừa mới đọc qua tưởng chừng như đang viết về tình yêu đôi lứa với nỗi nhớ thiết tha nhưng không hẳn vậy, mạch thơ hướng người đọc đến với phương diện khác khi nhà thơ đặt hệ quy chiếu là mái trường xưa. Nơi có mối tình đầu còn vụng dại bỏ ngỏ, nơi có thầy cô, bạn cũ ắp đầy tuổi thanh xuân. Điều này lí giải vì sao bài thơ này lúc đầu được tác giả đặt tên là “ Trường ơi, chào nhé”. Có lẽ, tình yêu tuổi học trò thường bắt nguồn từ tình bạn, vì vậy khi nhắc đến tình yêu này chính là gợi nhớ với những kỉ niệm dưới mái trường. Tuổi học trò với những gì thiếng liêng, nuối tiếc ấy đột nhiên xa ngái đến thảng thốt, khiến tác giả coi sự “ra đi” ấy thật cao ngạo, đầy bất ngờ mà cũng thật đáng nhớ. Giờ ngoảnh nhìn vùng trời kỉ niệm tuổi hoa niên sáng rỡ trong tâm tư, mà ngậm ngùi nuối tiếc, nhớ thương vời vợi “ Tuổi thơ kia ra đi cao ngạo thế ”. Tất cả miền kí ức ấy ập về không tuần tự sắp xếp ngay ngắn, chỉn chu nào mà dường như mạch cảm xúc ấy ùa về cùng những hình ảnh gần gũi, giản dị, thân thiết đến nao lòng – một nỗi nhớ ngồn ngộn màu sắc và âm thanh. Cách tác giả sử dụng màu sắc để vẽ lại bức tranh tuổi hoa niên ấy thật hài hòa, linh hoạt và tinh tế. Gần như tất cả các màu sắc từ hoa lá, cây cỏ, mái trường cho đến mái tóc người thầy, bím tóc trắng của học sinh… tất cả đã được nhà thơ mô tả, khơi gợi lại theo dòng cảm xúc, kết nối của kí ức. “ Em” của mối tình đầu ngày ấy được hiển lộ qua hình ảnh “ hoa súng tím” – màu của tình yêu, của sự nhẹ nhàng, lãng mạn, và cũng lắm “ mê say” . Đi bên cạnh sắc tím ấy là “ chùm phượng hồng” ai đó đã đánh rơi trong giây phút ban đầu ngập ngừng, bối rối. Sắc màu ấy tưởng như tương phản mà trái lại rất tương đồng. Hơn thế nữa, sắc màu còn là biểu tượng cho thưở học trò, đó chính là hình ảnh “ Trên trán thầy, tóc chớ bạc thêm” – thể hiện sự nhớ thương, kính trọng, là niềm mong mỏi nhỏ nhoi của những đứa học trò chỉ mong thầy vẫn luôn trẻ mãi. Bên cạnh hình ảnh người thầy đáng kính, còn hiện ra hình ảnh “ thời bím tóc trắng ngủ quên” – như sự lưu luyến, nhớ nhung về tuổi học trò trong sáng, với bao kỉ niệm buồn vui ngọt ngào bên bạn bè yêu dấu.
Không chỉ vẽ nên một bức tranh hoa niên tuyệt đẹp với sự kết hợp hài hòa các màu sắc mang tính biểu trưng, Hoàng Nhuận Cầm còn thể hiện sự tài tình khi hô biến những con chữ, câu thơ tựa như nốt nhạc vang lên trên phím đàn.
Tiếng ve trong veo xé đôi hồ nước
Con ve tiên tri vô tâm báo trước
Có lẽ một người cũng bắt đầu yêu
Tiếng ve. Âm thanh đặc trưng của mùa hạ. Âm thanh đặc trưng cho mùa chia tay của tuổi học trò. Tiếng ve sầu mùa hạ không giống như giai điệu và tiết tấu gợi nỗi buồn như chúng ta thường biết đến, trong thơ Hoàng Nhuận Cầm, tiếng ve ấy ngân lên thật tươi tắn, trong trẻo, khỏe khoắn đến mức sắc ngọt: “ Tiếng ve trong veo xé đôi hồ nước”. Tình yêu đầu đời với những rung động đầu tiên đã khiến cho cảm nhận về tiếng ve năm ấy cũng khác lạ đi. Mối tình ấy là thật hay hư mà sao khiến tác giả mơ hồ thế? Chính chàng thi sĩ cũng không thể khẳng định được chắc chắn mà phải mượn lời “ con ve tiên tri” như một chứng minh, một thanh âm có sức mạnh mang tính đặc trưng, ghi dấu lại rung động đầu đời của một thời vô tư: “ Có lẽ một người cũng bắt đầu yêu”. Tình yêu đầu là cảm xúc tinh sương của đời người. Nó không đơn giản là tình yêu nam - nữ thuần túy, nó cao hơn thế nhiều, vì trong đó còn có cả tình bạn, nhưng cũng hơn cả tình bạn, nó còn là tình người… Thật khó để gọi thành tên, nguồn cảm xúc rưng rưng ấy một đi không trở lại, như không ai có thể tắm hai lần trên một dòng sông.
Ngoài tiếng ve trong veo với cách đặc tả khác lạ của Hoàng Nhuận Cầm, ta còn bắt gặp âm thanh của tiếng cười trong trẻo, cái âm thanh tinh khôi, hồn nhiên rất riêng, chỉ bắt gặp ở tuổi học trò:
“ Ôi những trận cười trong sáng đó lao xao”
Tất cả đã đi qua, chỉ còn lại trong ký ức. Trường xưa, bạn cũ, màu sắc và âm thanh trở nên mơ hồ nhưng lại da diết, xúc động:
Một lớp học bâng khuâng màu xanh rủ
Sân trường đêm – Rụng xuống trái bàng đêm
Câu thơ đã gieo dấu ấn sâu đậm với độc giả. Ngay từ những ngày đầu tiên bước chân chập chững vào trường, cây bàng đã để lại ấn tượng đặc biệt trong tác giả như người lính gác tuổi thơ. Để rồi, ấn tượng ấy cứ theo tác giả mãi và về sau hình ảnh trái bàng đã rụng xuống rơi rớt trong tranh thơ anh theo nỗi nhớ bâng khuâng.
Thủ pháp lặp được nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm sử dụng khá đắt trong vần thơ của mình. Dòng cảm xúc về những kỉ niệm của tuổi học trò được dồn nén đến cực hạn, dường như vỡ òa:
Muốn nói bao nhiêu, muốn khóc bao nhiêu
Những chuyện năm nao, những chuyện năm nào
Cứ xúc động, cứ xôn xao biết mấy
Những cảm xúc trong thơ rất thực, rất gần. Ngôn từ giản dị, thơ kiệm lời nhưng nói biết bao nhiêu, từng con chữ như khía vào cảm xúc, khẽ khàng thôi mà hết sức sâu lắng, tha thiết, thân thương, câu chữ cũng hóa mềm khi nỗi nhớ ấy dường như lên đến cực điểm, cảm xúc như thắt chặt, lắng lại:
Nỗi nhớ đầu tiên anh nhớ về em
Nỗi nhớ trong tim em nhớ về với mẹ
Ôi nỗi nhớ có bao giờ nhớ thế
Bạn có nhớ trường, nhớ lớp, nhớ tên tôi?
Cụm từ “ nỗi nhớ”, từ “ nhớ” được tác giả sử dụng lặp đi, lặp lại, một mặt tạo ấn tượng sâu đậm về những kỉ niệm thân thương của tuổi học trò một mặt khác để diễn tả nguồn cảm xúc rưng rưng, sự xúc động trào dâng, từng câu từng chữ tuôn ra, dào dạt, nhấn nhá, tưởng chừng như không kìm được nỗi nhớ. Ở đó, người đọc cũng nhận ra được nỗi nhớ về em – mối tình đầu được đặt ra trước nhất, và đó là cầu nối về mẹ, về trường, về lớp, về bạn bè cũ. Tất cả như tạo nên chu trình cảm xúc dường như không kìm nén và khó thoát ra được của tác giả.
Khổ thơ cuối dường như đã bật lên tất cả cảm xúc kìm nén của nhà thơ:
Em đã yêu anh, anh đã xa vời
Cây bàng hò hẹn chìa tay vẫy mãi
Anh nhớ quá! Mà chỉ lo ngoảnh lại
Không thấy trên sân trường – chiếc lá buổi đầu tiên
Từng câu từng chữ như đậm đặc những cảm xúc của người lính trẻ khi đất nước chiến tranh, bao người trẻ xung phong tình nguyện nhập ngũ, để đến một ngày đất nước im tiếng súng, trở về trường xưa. Cây bàng xưa vẫn đó, nhưng cái ngày xưa yêu dấu với phượng hồng, với ve kêu vĩnh viễn không bao giờ trở lại và em… em cũng xa. Tác giả đã trải lòng cùng những cảm xúc chân thật nhất, điều đó đã chạm đến sự đồng vọng của bao trái tim đã từng bước qua tuổi học trò. Hình ảnh nhân hóa “ Cây bàng chìa tay vẫy mãi” sao mà da diết, xao xuyên và bâng khuâng đến lạ, như một lời mời gọi trở về với mùa hạ năm ấy. Tưởng như rất gần mà lại hóa xa xôi, lắng đọng lại bao nhiêu cảm xúc day dứt, khôn nguôi. Dường như với Hoàng Nhuận Cầm, chiếc lá nào cũng là chiếc lá đầu tiên, mỗi tình nào vẫn còn mãi cái hồi hộp, xôn xao của mối tình đầu…
“ Chiếc lá đầu tiên” của nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm là một giai điệu đẹp về tuổi học trò, một bức tranh tuyệt mỹ được phối màu hài hòa, một bản hòa tấu với những nốt nhạc có lúc ngân vang trong trẻo, có lúc lắng đọng, day dứt, chơi vơi... Với ngôn từ mộc mạc, bình dị nhưng từng câu chữ trong bài thơ vẫn mang vẻ đẹp riêng, không cầu kỳ, trau chuốt nhưng chân thực, tinh tế, tạo sự rung cảm nhờ nhạc tính và sự bung nở của từng con chữ… Có thể nói, bài thơ là dòng kí ức nóng hổi về một thời học trò dào dạt dâng trào trong nỗi nhớ quánh đặc đến mức khiến ta nghẹt thở. Kí ức tuổi học trò ấy, rất riêng mỗi một người lại có dịp ùa dậy, lan tỏa trong chiều sâu bài thơ và bừng sáng khắp vòm trời kỉ niệm của tuổi hoa niên, và chính vì thế “ Chiếc lá đầu tiên” đã chạm đến trái tim người đọc.