I. MỞ ĐẦU
Lỗ Tấn một nhà văn, nhà tư tưởng lớn, nhà cách mạng vĩ đại của Trung Quốc. Ông sống vào nửa đầu thế kỉ XX, lúc này cả dân tộc Trung Hoa đang trên đà chuyển sang thời cận đại, đặc biệt với phong trào Ngũ Tứ, cách mạng dân chủ mới đã nêu yêu cầu cao hơn về vấn đề giải phóng phụ nữ như một đòi hỏi cấp bách của xã hội bấy giờ trong bối cảnh chung của nhân loại. Sự đa dạng trong hệ thống nhân vật, những quan niệm mới mẻ, tiến bộ của ông khi viết về đề tài phụ nữ đã có những tác động to lớn đến tư tưởng của một đất nước có truyền thống Nho giáo hàng ngàn năm. Thế giới nhân vật phụ nữ trong truyện Lỗ Tấn không chỉ dừng ở ý nghĩa phản ánh hiện thực ngột ngạt, bức bối của cuộc sống đương thời mà còn có ý nghĩa nhân văn vượt thời đại. Trong xã hội truyền thống của “cửa Khổng sân Trình” với bao tục lệ oái ăm, bao ràng buộc khắt khe... trói buộc cuộc đời người phụ nữ, những điều đó đã góp phần làm nên giá trị to lớn và khẳng định tên tuổi ông trong nền văn chương thế giới từ cổ chí kim. Bài viết của chúng tôi khai thác một khía cạnh nhỏ -“niềm tin của nhà văn vào phụ nữ” để thêm một “hạt cát”, khẳng định những đóng góp của đại văn hào trong công cuộc giải phóng phụ nữ Trung Quốc nói riêng, phụ nữ toàn nhân loại nói chung.
II- NỘI DUNG NGHIÊN CỨU
1. Từ những số phận bi thương
Xã hội phong kiến với quan niệm “trọng nam khinh nữ” đó xô đẩy nhiều phụ nữ đến với sự bất hạnh và đắng cay. Trung Quốc là cái nôi của đạo Khổng, với bao quan niệm ràng buộc, bao tục lệ oái ăm càng khiến người phụ nữ phải gánh chịu nhiều thiệt thòi, bất công. Đó là số phận của Tường Lâm ("Cầu phúc"), Chị Tư Thiền ("Ngày mai"), A Thuận ("Trên quán rượu"), cô Ái ("Li hôn")... Cuộc đời họ là một tấn bi kịch đầy nước mắt bởi lễ giáo phong kiến lạc hậu, tàn nhẫn. Họ bị đè nén, áp bức bởi tộc quyền, thần quyền và nam quyền... Lỗ Tấn là nhà văn hiểu sâu sắc cuộc sống của những con người này. Ôngvừa thể hiện nỗi đau thể xác vừa đi sâu vào khám phá những nỗi đau tinh thần của họ. Song ông chú trọng hơn bi kịch tinh thần của những người cùng khổ để từ đó tố cáo sự nham hiểm độc địa của giai cấp thống trị, khơi dậy lòng căm phẫn sâu xa đối với chế độ phong kiến.
Nhà văn thường ít chú ý đến việc miêu tả hoàn chỉnh cuộc đời của nhân vật mà chỉ chọn một thời điểm, một giai đoạn nào đó trong cuộc đời nhân vật, để rồi từ những giai đoạn đó mà khái quát về nhân vật. Mỗi nhân vật của ông đều có một con đường đời, con đường số phận riêng. Họ có tìm cách vật lộn, trăn trở nhưng cũng khó thoát khỏi bàn tay của số phận. Ở truyện "Cầu phúc", chị Tường Lâm goá chồng phải đi làm thuê, cầu mong để sống một cuộc đời nô lệ cũng không xong. Bà mẹ chồng lại gả bán chị để "mua" cô dâu cho em chồng. Thím phản đối quyết liệt "đập đầu vào hương án để máu chảy ròng ròng" mà cũng không thoát được. May mắn thay lần lấy chồng thứ hai chị "cảm thấy sung sướng không nói ra được" khi sinh được một thằng con trai nhưng hạnh phúc sao quá mong manh, ngắn ngủi. Chồng làm quá sức ốm chết, con bị sói tha, thím bị gia đình chồng đuổi ra khỏi nhà. Khi Tường Lâm xuất hiện muốn làm người ở cho gia đình chú Tư thì chú Tư đã tỏ ra không thích, chẳng qua chẳng còn ai có thể làm việc tốt hơn thím nên đành nhận thím ở lại mà thôi. Vì chú đã có định kiến cố hữu về người phụ nữ góa chồng, lại đi lấy chồng rồi chồng chết sẽ làm uế tạp, bại hoại gia phong. Bao nhiêu tai hoạ giáng xuống đầu người phụ nữ này. Từ một người khoẻ mạnh, nhanh nhẹn, hạnh phúc chị trở thành một mụ ăn mày. Chị không những không được mọi người chia sẻ mà còn hù doạ rằng nếu chết sẽ bị Diêm Vương cưa đôi vì đã lấy hai đời chồng. Xót xa thay! Trong lúc mọi người nhộn nhịp với lễ cầu phúc cuối năm thì chị phải chết thê thảm ngoài đường. Nhân vật "tôi" trong truyện vô cùng chua xót khi nhận xét về cuộc đời thím "một đời người như không nơi nương tựa, như một thứ đồ chơi cũ kĩ, chơi lâu chán ngấy, người ta vứt vào đống rác, bấy lâu nay vẫn lăn lóc ở đấy làm cho những kẻ sống sung suớng phải ngạc nhiên sao thím ta lại cố bám vào cuộc đời mãi làm chi". Lời nhận xét ấy có vẻ rất nhẫn tâm nhưng chính là nỗi đau, sự đồng cảm và tình thương sâu sắc mà Lỗ Tấn dành cho kiếp người "muốn làm nô lệ mà không được làm" như thím Tường Lâm. Cuộc đời của Chị Tư Thiền - một phụ nữ quê mùa, nghèo khổ cũng có cảnh ngộ tương tự. Niềm an ủi lớn nhất đời chị là đứa con trai ba tuổi thế nhưng nó cũng bỏ chị mà đi. Chị sống trong sự cô độc, trong sự thờ ơ, dửng dưng của người xung quanh. Niềm hi vọng duy nhất của chị là gặp lại đứa con đã chết trong mơ nhưng bao trùm lên chị là "sự vắng vẻ, to lớn, trống trải mênh mông". Cuộc đời của cô bé thảo hiền A Thuận trong truyện ngắn "Trên quán rượu" từng mơ ước một chiếc nơ nhung đỏ cũng không sao có được. "Thứ nơ nhung đó thì các tỉnh phía Bắc mới có, chứ ở thành S tìm đâu ra; con bé có muốn có thì có làm sao được". Hạnh phúc và may mắn luôn ở ngoài tầm tay cô bé. Khi Lã Vi Phủ mang nơ nhung về thì A Thuận đã chết. Ai cũng thương xót cho cô nhưng chẳng biết trách tại đâu, chỉ biết trách cái số cô bạc phước. Người phụ nữ lao động trong những trang văn của Lỗ Tấn mỗi người hiện lên một vẻ nhưng có sức khái quát chung cho cuộc đời bất hạnh của bao phụ nữ trong xã hội đương thời.
Còn số phận phụ nữ trí thức thì sao? Tử Quân trong tác phẩm “Tiếc thương những ngày đã mất” là trí thức tân thời có nhiều ưu điểm hơn hẳn so với Tường Lâm, Tư Thiền... song số phận cũng buồn đau và kết thúc bi thương. Hai vợ chồng cô sống có lí tưởng song phải đối mặt thật nghiệt ngã với cơm áo, gạo tiền, với con đường mưu sinh, với con mắt bảo thủ, lạc hậu, đố kị, tàn nhẫn của người đời khiến họ phải bó tay trước cuộc sống. Tình yêu đẹp đẽ cũng dần dần rạn nứt, cuối cùng là đổ vỡ, đến nỗi chồng cô phải thốt lên cay đắng: “Cuộc sống thật trớ trêu đem số phận của người đời ra đùa bỡn, hành hạ đủ kiểu khiến cho họ không thể chết ngay được nhưng sớm muộn gì thì cũng khó mà gượng dậy được, giống như chuồn chuồn bị buộc chỉ vào chân". Hình ảnh Tử Quân "mang cái gánh hư không nặng trĩu trên vai, mà bước đi trên cái gọi là đường đời, trước cái uy nghiêm của ông bố và sự khinh bỉ của những người xung quanh, hỏi còn có gì ái ngại hơn, huống chi cuối con đường ấy chỉ là một nấm mồ, một nấm mồ mà đến một tấm bia cũng không có nốt" cứ ám ảnh người đọc khôn nguôi. Cái gánh hư không nặng trĩu kia, không phải cái gì khác ngoài tư tưởng phong kiến cổ hủ ngàn năm và thói đời lạnh lùng, băng giá. Nó đã cản trở không biết bao nhiêu người phụ nữ Trung Hoa trên con đường kiếm tìm hạnh phúc, thậm chí đẩy họ đến cái chết oan nghiệt.
Cuộc đời, số phận của họ là bản cáo trạng xã hội phong kiến và tiếng kêu khẩn thiết đòi quyền sống cho con người. Từ những mảnh đời đau thương, khổ cực ấy nhà văn đó đánh động vào tâm linh người đọc bao nỗi ưu tư, trăn trở về cuộc đời, về con người. Đằng sau giọng văn lạnh lùng, sắc sảo, có khi hài hước, u mua người đọc nhận thấy một tấm lòng ưu ái sâu xa của Lỗ Tấn dành cho những kiếp người cùng khổ trong xã hội cũ. Khi đi vào thể hiện cảnh ngộ bất hạnh người phụ nữ, truyện ngắn Lỗ Tấn đó đạt tới chiều sâu nhân đạo để khơi gợi niềm đồng cảm thiết tha ở bạn đọc.
2. Và những “căn bệnh tinh thần” cần được thức tỉnh...
Lỗ Tấn rất thương xót những người bất hạnh nhưng đồng thời lại hiểu sâu sắc nhược điểm vốn có của họ. Chính nhược điểm của họ đã bị bọn thống trị tàn ác và nham hiểm lợi dụng. Bởi thế trong tác phẩm của mình, ông đã tập trung phơi bày những biểu hiện mê muội, an phận của người nông dân với mục đích “vạch ra căn bệnh để mọi người tìm phương chạy chữa”. Ông nêu ra những nhược điểm của họ không phải để giễu cợt mà “hát cho họ nghe bài hát lạc điệu của chính bản thân họ, chỉ cho họ những bước đi sai nhịp trên con đường hành quân tiến về tương lai”(5)… Điều này thể hiện rõ quan niệm sáng tác của Lỗ Tấn: "Mỗi khi chọn đề tài, tôi đều chọn những người bất hạnh trong xã hội bệnh tật, với mục đích là lôi hết bệnh tật của họ ra, làm cho mọi người chú ý tìm cách chạy chữa" (5).
Tường Lâm “ngủ mê” trong nỗi khiếp sợ trước giáo lí và thần quyền phong kiến đến khi chết vẫn chưa hề thức tỉnh. Cô Ái bước đầu có tư tưởng phản kháng dám đấu tranh chống lại nam quyền để bảo vệ quyền lợi của mình song lại nuôi ảo tưởng đối với pháp luật phong kiến và những kẻ đại diện cho nó bởi thế cuộc đấu tranh đơn độc của cô cuối cùng đã thất bại, bản thân cô cuối cùng cũng phải cam tâm thừa nhận thất bại. Tử Quân sống có lí tưởng, có những quan niệm mới mẻ về tình yêu, luôn cố gắng vươn lên, thoát khỏi những định kiến xã hội để sống hợp với nguyện vọng chính đáng của mình. Thế nhưng lí tưởng của Tử Quân chỉ xuất phát từ lợi ích bé nhỏ của cá nhân, chìm ngập trong cái mà cô cho là” đích của hạnh phúc”, cô không còn “cùng nhìn về một hướng” với Quyên Sinh, không hề nghĩ đến mục tiêu đấu tranh lâu dài vì thế cuối cùng đã kết thúc bi thảm. Nhà văn đã chỉ ra căn nguyên thất bại không chỉ của riêng vợ chồng Tử Quân mà của bao trí thức lúc bấy giờ “Trên con đường mưu sống đó thì cần phải hoặc nắm tay cùng đi, hoặc một mình can đảm bước tiến lên. Còn như chỉ biết nắm lấy vạt áo mà đi theo thì dù người kia là một chiến sĩ đi nữa, cũng khó mà chiến đấu cho được. Rốt cuộc cả hai sẽ bị tiêu diệt”(1). Ông đã lồng bi kịch tình yêu riêng tư vào vấn đề chung của xã hội để bộc lộ những quan điểm tiến bộ mang ý nghĩa thời đại: vấn đề giải phóng cá tính, hôn nhân tự do không thể giải quyết đơn độc tách rời với vấn đề giải phóng dân tộc.
Chỉ ra những căn bệnh tinh thần, Lỗ Tấn không hề có ý để giễu cợt, mỉa mai, châm biếm mà mục đích sâu xa là chỉ ra nguyên nhân dẫn đến sự lạc hậu, dốt nát, khiếp nhược, thiếu bản lĩnh, lập trường... của phụ nữ nói riêng, của nhân dân nói chung trong xã hội cũ chính là để thức tỉnh họ đấu tranh tháo bỏ những “xiềng xích” trói buộc. Tất nhiên, do hạn chế trong tư tưởng, chủ yếu là chưa có quan điểm phân tích giai cấp nên Lỗ Tấn chưa thấy hết những phẩm chất cách mạng của quần chúng lao động bị vùi lấp dưới lớp bụi tư tưởng đầu hàng thất bại do chế độ nửa phong kiến, nửa thuộc địa tạo nên.
Tuy vậy, chúng ta vẫn có thể khẳng định rằng ông là nhà văn đầu tiên trong văn học hiện đại Trung Quốc hiểu sâu sắc nhất cuộc sống của phụ nữ dưới ách áp bức bóc lột của xã hội phong kiến và thực dân nửa phong kiến đồng thời muốn tìm lối thoát cho họ. Tôi rất đồng tình với nhận xét của nhà văn Xô Viết Phađêép “về mặt đồng tình và thương xót những nhân vật hèn mọn nhưng đồng thời lại hiểu sâu sắc nhược điểm của họ Lỗ Tấn gần với Tsêkhốp. Nhưng sự phê phán xã hội cũ của Lỗ Tấn mạnh mẽ và sắc bén hơn càng mang tính xã hội rõ ràng và điểm đó làm cho Lỗ Tấn gần với Gorki” (dẫn theo Phương Lựu)(8).
3. ... đến niềm tin vào phụ nữ
Người phụ nữ trong hai tập truyện "Gào thét" và “Bàng hoàng" đều phải gánh chịu những nỗi đau khôn cùng, sự mất mát lớn lao. Bên cạnh sự mẫn cảm, đồng cảm và chia sẻ với nỗi đau của họ, chỉ ra những căn bệnh tinh thần của họ, hơn ai hết Lỗ Tấn là nhà văn rất biết nâng niu, trân trọng phẩm chất tốt đẹp của những con người này. Cuộc đời họ tưởng chừng như bị che lấp sau phần u tối của cuộc sống, thế nhưng trong sâu thẳm những thân phận con người ấy vẫn toát lên bản chất hồn hậu, chất phác, chứa chan tình người. Vẻ đẹp đó đã được Lỗ Tấn phát hiện, khám phá và khẳng định trên trang văn của mình.
Tường Lâm, Tư Thiền, A Thuận... đều là những người phụ nữ hiền lành, chất phác lương thiện, chăm chỉ, siêng năng, giàu đức hi sinh, giàu tình yêu thương... Chúng ta được bắt gặp trong truyện ngắn Lỗ Tấn những trang văn thấm đẫm tình mẫu tử. Đằng sau cái dáng vẻ khốn khổ, quê mùa, mang đậm dấu ấn xù xì, thô tháp của cuộc sống không thể che khuất tâm hồn của ngưòi mẹ yêu con tha thiết của chị Tường Lâm và Tư Thiền.
Phát hiện và khám phá những phẩm chất tốt đẹp của phụ nữ, đó là những giá trị nhân đạo được kết tinh trong các tác phẩm của nhà văn trước và cùng thời với Lỗ Tấn song không phải nhà văn nào cũng phát hiện ra và tin vào khả năng cách mạng của họ như ông. Tường Lâm - người phụ nữ nông thôn mê muội, khuất nhục nhưng không phải không có tinh thần phản kháng. Khi bị bắt về để lấy chồng lần hai, thím Tường Lâm đã “một mực la ó, chửi bới, lúc về đến Hạ Gia Úc thì cổ đã khản đặc…”. Thím đã chống cự, đập đầu vào bờ tường để chối từ sự tái giá một cách ép buộc ấy. Người phụ nữ bất hạnh ấy đã nhiều lần cố vùng vẫy mong thoát khỏi bàn tay độc ác của thần quyền, nam quyền và cả sự ghẻ lạnh của người đời, song vẫn không sao thoát nổi. Ngay khi trở thành mụ ăn mày, chỉ còn lại đoạn cuối của đường đời, thím vẫn không buông xuôi. Thím đi xin lời giải đáp cho sự thanh thản của tâm linh trước khi nhắm mắt xuôi tay. Sự không phục tùng số phận là một điều đáng trân trọng trong phẩm chất thím.
Mặc dầu phụ nữ trong truyện ngắn Lỗ Tấn còn có nhiều nhược điểm nhưng một trong những điều đáng ca ngợi, cổ vũ đó là sự thể hiện tinh thần phản kháng trước thần quyền, nam quyền và những quan niệm lạc hậu để giành quyền sống, quyền tự do. Trong xã hội phong kiến, phái yếu luôn có mặc cảm về thân phận, "rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn", thế nhưng thật ngỡ ngàng khi chúng ta bắt gặp những người phụ nữ thật cứng cỏi, mạnh mẽ, bản lĩnh như cô Ái, Tử Quân... Cô Ái là người nông dân đầu tiên trong truyện ngắn Lỗ Tấn đã đứng lên chống lại áp bức của lễ giáo, chủ yếu là nam quyền phong kiến. Cô không cam chịu để cho chồng tự ý ruồng bỏ mình để đi theo người đàn bà khác. Cô nói: "gạt tôi ra là không được đâu, huyện xử không xong thì tôi lên phủ". Cô đã chống trả để bắt kẻ phụ bạc mình phải trả giá dẫu rằng thất bại, điều đó cho thấy niềm tin của tác giả vào khả năng đứng lên giải phóng của nông dân lao động. Tiếp theo cô Ái là Tử Quân, một trí thức mới tiến bộ mang tư tưởng thanh niên thời Ngũ Tứ rất ý thức về quyền tự do, dân chủ. Cô đã vượt qua rào cản của lễ giáo, gia đình và xã hội để tự quyết định thân phận mình, xây dựng tổ ấm tình yêu. Mục tiêu đấu tranh của cô Ái, Tử Quân là đúng, hành động phản kháng của thím Tường Lâm rất cần thiết, chỉ tiếc rằng điều đó mới chỉ là sự bột phát chứ chưa có sự gắn kết với cộng đồng xã hội vì vậy mà cuối cùng họ đã thất bại.
Tuy đau xót trước bi kịch của người phụ nữ Trung Hoa trong xã hội cũ nhưng ông vẫn không bi quan mà trái lại luôn tin tưởng ở họ. Ông gieo mầm hi vọng ở tương lai ngay trên mảnh đất những nhân vật bất hạnh của mình đang sống: "Hi vọng, dùng cái mâu thuẫn của hi vọng để kháng cự sự ập tới của đêm tối trong hư không, tuy đằng sau cái thuẫn hi vọng vẫn là đêm tối trong hư không" ("Dã thảo"). Ông đã đặt niềm tin vào chị Tư Thiền qua hình ảnh kết thúc truyện "sự chuyển mình của đêm trường để trở thành ánh sáng của ngày mai". Phản ánh cuộc đời bi thảm của Tử Quân, thực chất Lỗ Tấn muốn tìm cho cô một hướng đi, một lối thoát, dẫu chưa rõ nó như thế nào song ông vẫn hy vọng: "tương lai không xa nữa ánh sáng ban mai sẽ rực rỡ cho mà xem". A Thuận rất thích chiếc nơ màu nhung đỏ, chiếc nơ đó không chỉ đơn thuần là một đồ trang sức mà là biểu tượng cho ước mơ, khát vọng của cô bé tội nghiệp về một cái gì đó thật tốt đẹp, thật hạnh phúc. Lời cầu chúc "cho con bé được hưởng hạnh phúc trọn đời và mong mỏi thế giới sẽ biến đổi cho con bé được sung sướng hơn" của nhân vật "tôi" cũng chính là mong muốn của tác giả. Bởi lẽ đó mà truyện của ông tuy đều có kết cục bi đát song không gây cho độc giả cảm giác bi quan. Hơn nữa, những kết cục bi thảm của người phụ nữ trong truyện ngắn của ông là một sự thật mà nhà văn muốn qua đó kêu gọi, thức tỉnh và gián tiếp chỉ ra con đường giải phóng phụ nữ.
Tấm lòng yêu thương trân trọng và nâng niu vẻ đẹp tâm hồn, lên tiếng đòi quyền tự do, bình đẳng, muốn tìm con đường giải phóng cho phụ nữ đó chính là biểu hiện sâu sắc giá trị nhân đạo trong tác phẩm của Lỗ Tấn. Tấm lòng ấy được thể hiện trong hầu hết tất cả các tác phẩm mà những dẫn chứng nêu trên chưa thể nào diễn tả hết.
III- KẾT LUẬN
Kế thừa những tinh hoa của văn học truyền thống, ngòi bút tài hoa, sắc bén, độc đáo của đại văn hào Lỗ Tấn đã có cách khai thác và thể hiện hết sức sâu sắc và mới mẻ về đề tài phụ nữ. Ông viết về họ là do yêu cầu cấp bách của thời đại, sự thôi thúc của con tim, cho nên tác phẩm không chỉ dừng lại ở sự mô tả bên ngoài mà còn đi sâu vào nội dung lịch sử để khái quát hiện thực. Vì thế, "Trong một truyện ngắn của Lỗ Tấn, thường thấy cái ngắn ấy chất chứa không biết bao nhiêu là sự sống bao nhiêu là cuộc đời nhân dân lao động Trung Hoa héo úa đi như đám cỏ bốn ngàn năm bị đè dưới tảng đá lịch sử" (6). Không trực tiếp phát biểu bằng lí luận song thông qua sáng tác viết về phụ nữ đã cho thấy Lỗ Tấn là một nhà văn có cái nhìn rất tiến bộ. Ông day dứt, trăn trở trước thời cuộc và số phận những con người này song vẫn luôn tin vào bản chất lương thiện, vào khả năng cách mạng của họ. Với tư cách là nhà văn, nhà tư tưởng lớn, nhà cách mạng vĩ đại gánh vác sứ mệnh lịch sử, Lỗ Tấn thực sự đã truyền thêm nghị lực, sức sống, niềm tin cho bao người phụ nữ bất hạnh ở Trung Quốc nói riêng và thế giới nói chung.
Đặt trong bối cảnh hôm nay, khi phụ nữ đã được “cởi trói” trong nhiều lĩnh vực, họ được ăn chung mâm với chồng con, được cầm trên tay lá phiếu đi bầu cử hay được sánh vai, được xướng tên cùng nam giới trên các thảm đỏ... Tất cả những điều đó gợi cho ta nhớ đến các nhà tư tưởng đã từng bước đặt gạch xây móng cho công cuộc giải phóng phụ nữ của nhân loại, trong đó có Lỗ Tấn.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Trương Chính dịch, Truyện ngắn Lỗ Tấn, NXBVH, 2000.
2. Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Từ điển thuật ngữ văn học, NXBGD, H, 1992.
3. Đặng Thai Mai, "Lỗ Tấn - thân thế văn nghệ, NXB thời đại, H, 1944.
4. Nguyễn Khắc Phi, Lương Duy Thứ, Văn học Trung Quốc, tập II, NXBGD, H, 1988.
5. Lỗ Tấn, Vì sao tôi viết tiểu thuyết - Tạp văn Lỗ Tấn, NXB Giáo dục, 1999.
6. Lương Duy Thứ (Chủ biên), Lỗ Tấn, linh hồn dân tộc Trung Hoa hiện đại, NXB Trẻ, 2015.
7. Lưu Đức Trung chủ biên, Văn học thế giới, tập II, NXB Đại học Sư phạm, 2007.
8. Phương Lựu, Lỗ Tấn nhà lí luận văn học, NXBĐH và THCN, H, 1977.