Có thể nói, giao tiếp gắn với cái tôi, mà cái tôi là sự thể hiện của một nền văn hóa. Nếu như văn hóa phương Tây đề cao giá trị cá nhân thì văn hóa phương Đông lại chú trọng đến giá trị cộng đồng. Chính văn hóa mang tính cộng đồng đó đã tác động đến giao tiếp của người Việt Nam.
1. Khái niệm CÁI TÔI
Cái tôi hay còn gọi là bản ngã chính là cái làm nên tính cách riêng biệt của mỗi người.
Trong Triết học, cái tôi được hiểu như là cái tôi ý thức hay đơn giản là tôi, bao hàm trong đó những đặc tính để phân biệt tôi với những cá nhân khác.
Trong phân tâm học, cái tôi (ego )là phần cốt lõi của tính cách liên quan đến thực tại và chịu ảnh hưởng của tác động xã hội. Theo Sigmund Freud, cái tôi cùng với nó (id) và cái siêu tôi (superego) là ba miền của tâm thức. Cái tôi được hình thành từ khi con người sinh ra và qua tiếp xúc với thế giới bên ngoài, cái tôi học cách cư xử sao cho kiểm soát được những ham muốn vô thức không được xã hội chấp nhận. Cái tôi có vai trò trung gian hòa giải những ham muốn vô thức và những tiêu chuẩn nhân cách và xã hội.
Trong triết lí Phật giáo, cái tôi hay thường gọi là ngã, là cái tôi được thiên thuyết với một thể tính trường tồn, không bị ảnh hưởng bới tụ tán, sinh tử.
Cái tôi vừa mang giá trị cá nhân vừa mang giá trị cộng đồng. Giá trị cá nhân chú trọng tới giá trị của bản thân, là tinh thần tự chịu trách nhiệm với cuộc đời mình. Tính cá nhân (Individualism) ở đây không phải là tính vị kỉ hay ích kỉ mà là sự tự nhận thức được giá trị của bản thân, đề cao tính độc lập, tự do lựa chọn, quyết định và tôn trọng sự riêng tư cá nhân. Còn giá trị cộng đồng (community) lại chú trọng đến hài hòa nhóm và dư luận xã hội, hành vi của các cá nhân trong cộng đồng được điều chỉnh thông qua dư luận xã hội. Từ giá trị cá nhân và giá trị cộng đồng đã định hình tính cách, quan điểm, lòng tin, quy tắc giao tiếp.
Nếu như văn hóa phương Tây đề cao giá trị cá nhân thì văn hóa phương Đông lại chú trọng đến giá trị cộng đồng. Sở dĩ, người Việt chú trọng đến giá trị cộng đồng là bởi: Xét từ trong phương thức sinh tồn, yêu cầu cố kết chống tiên tai, yêu cầu đoàn kết chống giặc ngoại xâm của dân tộc; còn từ trong phương thức tổ chức xã hội truyền thống căn bản dựa trên cọng đồng gia đình làng, xã. Giá trị cộng đồng hính thành và phát triển mang “đặc trưng màu sắc nhân văn chủ nghĩa”, thiên về duy tình. Điều đó được phản ánh từ trong ca dao, tục ngữ:
“Một bồ cái lí không bằng một tí cái tình”
“Cả bè hơn cây nứa”
“Lá lành đùm lá rách”
Hay:
“Một cây làm chẳng nên non
Ba cây chụm lại nên hòn núi cao”
Người Việt luôn tìm đến sự hài hòa, mềm dẻo, vui vẻ, bảo đảm sự đoàn kết nhất trí giữa những thành viên trong cùng một cộng đồng.
“Thương nhau chín bỏ làm mười”
“Một điều nhịn là chín điều lành”
“Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau”
Do vậy, người Việt có xu hướng giải quyết xung đột theo hướng hòa cả làng.
Tuy nhiên, tính cộng đồng cũng lại dẫn đến thói quen hay dựa dẫm, ỷ lại vào tập thể:
“Cha chung không ai khóc”
“Nước nổi thì bè nổi”
Và tư tưởng cầu an, cả nể:
“Xấu cả hơn tốt lõi”
Chính văn hóa mang tính cộng đồng đó đã tác động đến giao tiếp của người Việt Nam.
Trong giao tiếp, người Việt Nam thường cố gắng tạo ra mối quan hệ trong giao tiếp và lối nói giải thích, kể lể, vòng vo.
2. Đặc điểm CÁI TÔI trong giao tiếp ngôn ngữ
Trong giao tiếp, con người mang cái tôi vào trong đó, vì thế qua giao tiếp bộc lộ cái tôi của người giao tiếp.
Liên quan đến cái tôi trong giao tiếp, có cách gọi như cái tôi riêng trong mối quan hệ với cái tôi chung, cái tôi độc lập trong mối quan hệ với cái tôi tương trợ.
1. Cái tôi riêng (private self, còn gọi là cái tôi viết thường) thể hiện việc tự đánh giá mình. Điều này được thể hiện ở các phát ngôn tự khẳng định mình. Ví dụ:
“Sao hôm nay mình trình bày tự tin, nói năng mạch lạc thế?”
“Tôi khẳng định, đây là một đề tài có nhiều đóng góp cho ngành Toán học hiện nay.”
Cái tôi chung (private Self, còn gọi là cái tôi viết hoa) là cái tôi có được nhờ sự đánh giá từ phía không phải mình. Ví dụ:
“Hôm nay trông em đẹp quá!”
“Nhờ có anh mà công ty chúng ta ngày càng phát triển.”
2. Cái tôi độc lập (Independent self) là xu hướng tự khẳng định bản thân của cá nhân, theo đó các cá nhân tồn tại như một thực thể độc lập, không phụ thuộc vào nhóm hay thực thể. Ví dụ:
“Tôi tên là Nam, năm nay 33 tuổi, là Tiến sĩ ngành Luật, chưa lập gia đình.”
Cái tôi tương trợ (Inderdependent self) là xu hướng mong muốn cá nhân được chấp nhận hài hòa với cộng đồng giao tiếp. Ví dụ:
“Em tên là Hoa, năm nay em 22 tuổi, em mới tốt nghiệp trường Đại học ngoại ngữ và xin vào cơ quan mình làm việc. Vì chưa có nhiều kinh nghiệm nên rất mong mọi người giúp đỡ và chỉ bảo cho em.”
Nếu như Nam xưng “tôi” và chỉ giới thiệu tên, tuổi, học vị, trạng thái hôn nhân cho thấy bản lĩnh độc lập , tự tin của người giới thiệu thì Hoa lại xưng “em”, gắn mình với tập thế nơi mình sẽ làm việc và tìm đến sự hòa đồng giữa bản thân với đồng nghiệp bằng lối nói khiêm tốn.
Thứ hai, cái tôi phản ánh vị trí nhóm cùng các mối quan hệ cá nhân, do đó, cái tôi bao giờ cũng gắn nền với một nền văn hóa cụ thể. Và khi tham gia giao tiếp, cái tôi được bộc lộ, thể hiện nền văn hóa ấy.
Nhìn vào giao tiếp của người Việt với văn hóa Việt Nam, có thể thấy, người Việt hay đưa ra lời giải thích, nhận xét trước hoặc sau nội dung cần thông báo mà nếu chiếu theo nguyên lí cộng tác trong lí thuyết lịch sự của R. Lakoff thì bị coi là thừa, là không lịch sự. Ví dụ:
Ví dụ 1:
Thầy giáo: “Hôm qua em không đi học à?”
Học sinh: “Thưa thầy! Hôm qua em có việc cơ quan xong muộn quá nên em bị nhỡ xe và không đến lớp được. Em xin lỗi thầy.”
Cách giao tiếp này thể hiện nét văn hóa của người Việt là ưa giải thích, chứng minh thuyết phục người giao tiếp nhằm giúp người ta hiểu mình. Đáng lẽ ra khi thầy hỏi, học sinh chỉ cần trả lời “Vâng. Hôm qua em nghỉ học.” Nhưng học sinh lại muốn thầy biết lí do để thông cảm cho mình do đó đã giải thích dài dòng.
Ví dụ 2:
Hà: “Chị ơi, cho em hỏi, chị có biết nhà chị Lan ở đâu không ạ? Chỉ giúp em với. Lâu em không đến, họ xây lại mấy chỗ nên không nhớ ra.”
Người bán hàng: “ Lan nào? Lan làm việc bên công ty A, có chồng làm bên công ty B với hai đứa con gái ấy à? Nhà cách đây khoảng 100m, chỗ có cây hoa giấy to to ấy. Hình như cô ấy đang đi đón con. Chị chờ một lát, chắc cũng sắp về rồi.”
Hà: “Chồng chị Lan dạo này chắc cũng làm ăn khá chị nhỉ? Em nghe nói mới sửa lại nhà đẹp lắm.”
Người bán hàng: “Ừ. Nghe nói dạo này chồng cô ấy đang phất, sửa lại nhà còn mua cái xe mới sang lắm....”
Cuộc hội thoại trên cho thấy, chỉ một chủ đề “hỏi địa chỉ” và trả lời cho biết địa chỉ nhưng lại được “móc” vào đó rất nhiều chi tiết tưởng như thừa mà lại là nét văn hóa của người Việt, đó là việc cá thể không thể tách khỏi cộng đồng.
Thứ ba, vậy, cần phát huy cái tôi như thế nào trong giao tiếp gắn với văn hóa mỗi cộng đồng giao tiếp?
Như chúng ta đã thấy, cái tôi riêng – cái tôi chung, cái tôi độc lập – cái tôi tương trợ là phổ quát chung cho mọi nền văn hóa, tham gia và thể hiện trong giao tiếp. Tuy nhiên, ở mỗi nền văn hóa khác nhau, cái tôi giao tiếp được bộc lộ khác nhau. Chẳng hạn, nếu tách văn hóa thế giới làm hai nửa Tây – Đông thì theo đó cái tôi giao tiếp cũng được thể hiện khác nhau:
Phương Tây với nền văn hóa mà giá trị cá nhân được đề cao, tính bình đẳng (egalitarianis) được thể hiện rõ hơn nên văn hóa phương Tây luôn cổ súy cho tính tự do, độc lập trong hành động cá nhân và tự kiểm soát cá nhân. Do đó, cái tôi độc lập được đề cao, nổi trội và thể hiện rõ hơn trong giao tiếp. Trong quy tắc “không áp đặt” (Don’t impose) thuộc nguyên lý lịch sự của Lakoff cho rằng, không áp đặt đối với người nghe, tức là, người nghe có thể hành động teho ý muốn của mình, người nói không đưa ra thỉnh cầu về nhứng quan điểm riêng tư, tránh đề cập đến đời sống riêng tư (thu nhập, thói quen, hôn nhân, giới tính, chính trị, tôn giáo, khó khăn, bệnh tật,...), tránh sử dụng ngôn ngữ thô lỗ, tránh dùng tiếng lóng, thổ ngữ.
Văn hóa phương Đông với ảnh hưởng Nho giáo, Phật giáo, coi trọng giá trị chuẩn mực cộng đồng, nên chú trọng tới cái tôi tương trợ. Điều này thể hiện trong các thành ngữ, các khuôn ngôn từ định hình trong giao tiếp của người Việt luôn nghiêng về cộng động trong mối quan hệ chằng chịt. Điều này được thể hiện trong các thành ngữ, tục ngữ và các cách diễn đạt đã thành khuôn giao tiếp. Chẳng hạn:
- Đánh chó ngó chủ, vuốt mặt nể mũi, bán anh em xa mua láng giềng gần, xấu chàng hổ em,...
- Được như vậy thì gia đình cũng mát mặt....
- Làm xấu mặt họ hàng....
- Có được như vậy là nhờ....
Văn hóa cộng đồng của người phương Đông nói chung, người Việt Nam nói riêng, được thể hiện trong giao tiếp hỏi han khi gặp nhau của người Việt: người Việt gặp nhau là hỏi thăm về tuổi tác, về tình trạng sức khỏe, tình trạng hôn nhân, về gia đình, về công việc, về thu nhập,... Tóm lại, có thể hỏi tất cả những gì liên quan đến đối tượng giao tiếp và coi đó là việc làm thu hẹp khoảng cách liên nhân trong giao tiếp. Ví dụ: Khi đi công tác, gặp một số người bạn mới, họ thường hỏi “Chị đang làm việc ở đâu?”. Sau khi trả lời tôi đang dạy ở trường Đại học Hà Tĩnh thì lập tức sẽ có các phát ngôn hoặc nhận xét như:
- “Ở Trường Đại học Hà Tĩnh chị có biết (anh A/chị B) không?”
- “Trường Đại học Hà Tĩnh mới xây rộng nhỉ?”
- “Ai đang làm hiệu trưởng Trường Đại học Hà Tĩnh nhỉ?”
Cách giao tiếp này đối với người phương Tây được cho là không lịch sự trong khi người Việt lại thấy đó là sự quan tâm rất đỗi bình thường mà bất kì cuộc giao tiếp nào cũng phải như thế.
Như vậy, có thể thấy, trong giao tiếp của người Việt có xu hướng nghiêng về cái tôi tương trợ, bởi vì người Việt coi cái tôi tương trợ như một phần của quan hệ xã hội và theo đó hành vi của mình chịu sự chi phối, sự nhìn nhận, đánh giá của người khác. Do đó, có ý kiến cho rằng, lịch sự của phương Tây là lịch sự chiến lược còn lịch sự phương Đông là lịch sự chuẩn mực. Đối với văn hóa Việt, cái tôi tương trợ trong giao tiếp của người Việt có phần nổi trội hơn. Người Việt ít khi nói ngắn gọn theo kiểu phương Tây mà thường cố gắng chỉ ra các mối quan hệ liên quan nhằm làm xích gần các mối tương tác giao tiếp.
Có thể nói, giao tiếp gắn với cái tôi, mà cái tôi là sự thể hiện của một nền văn hóa. Vì thế, có thể thông qua đó hiểu được hành vi giao tiếp trong những nền văn hóa đó.